Thursday, April 28, 2011

Truyện dài con người xã hội chủ nghĩa

Giã từ Việt Nam

Ed. Oshiro, MPH Trần Trúc Lâm chuyển ngữ

Ba mươi phút sau khi chuyến bay của hãng Hàng Không Việt Nam chở chúng tôi rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhất thuộc thành phố Hồ CHí Minh, chúng tôi nhìn xuống những đồng bằng màu đỏ trơ trụi của xứ Cambodia, tôi và vợ tôi bỗng dưng có một cảm giác kỳ lạ của sự thoải mái và tự do. Hú vía, chúng tôi thực sự đã thoát khỏi những sự cách nhiễu, hăm dọa và tham nhũng thường nhật của các giới chức Việt Nam, và cái gánh nặng đè trên vai trong ba tháng qua chợt trút mất.
Mọi chuyện như bắt đầu từ mùa thu năm ngoái, khi tôi nhận làm quản lý hải ngoại vụ cho Cơ Sở Đông Gặp Tây (East Meets West Foundation) hiện đang trông coi một bệnh xá toàn khoa cho “kẻ nghèo nhất trong đám nghèo” và một cô nhi viện với 125 trẻ em ở ngoại ô thành phố Đà Nẳng, Việt Nam. Tôi đã quyết định chụp lấy cơ hội hưu trí sớm với đầy đủ cấp dưỡng do Group Health đề nghị và về hưu vào đầu tháng Giêng với ý định đi phục vụ tình nguyện khoảng một đến hai năm tại Việt Nam, bắt đầu vào giữa tháng Giêng.

Công tác của tôi là giúp bệnh xá hoạt động được hữu hiệu hơn và hướng dẫn những chương trình về giáo dục y tế công cộng cho bốn làng hẻo lánh. Vợ tôi thì được giao việc ở cô nhi viện như là giáo viên mỹ thuật và dạy Anh ngữ cho các nhân viên.

Một điều báo trước cho những việc sẽ gặp ở trong nước Việt Nam thực ra đã bắt đầu khi chúng tôi bay xuống San Francisco để nhận giấy hộ chiếu trên đường đi Việt Nam. Khi đến San Francisco thì chúng tôi được báo rằng viên chức Bộ Ngoại Giao (Việt Nam) muốn chúng tôi phải thuê căn phòng của y ở Đà Nẳng với giá 700 đô la mỗi tháng, với sáu tháng tiền nhà đưa trước. Chúng tôi phản đối và y không chịu cấp giấy nhập cảnh nữa, chúng tôi đành phải quay về lại Seattle để chờ Cơ sở tiếp tục thương lượng. Cuối cùng đến tháng Hai, sau khi đồng ý với vụ sắp xếp, trả cho y 4200 đô la, và dấu hộ chiếu cho ba tháng thay vì một năm, chúng tôi bay đi Việt Nam. Khi đến nơi thì căn phòng, hỡi ôi! còn đang sửa chữa và chúng tôi đành ở khách sạn với giá 15 đô la một ngày.

Vừa vào đến Việt Nam thì tất cả đĩa điện toán của chúng tôi đều bị tịch thâu ngay, và mãi đến ba tuần mới được trả sau khi đóng 40 đô la gọi là “lệ phí bảo quản” và có cả khối bản phụ được sao chép (để bán về sau).
Ngày đầu làm việc trong văn phòng, tôi nhắc máy điện thoại để gọi con gái tôi ở Seattle và đã có thể nghe rõ tiếng nhạc quân hành văng vẳng trong máy suốt cuộc điện đàm. Tôi nhắc lại chuyện đó với nhân viên người Việt thì được họ cho biết là công an và quân đội luôn theo dõi nghe trộm mọi cuộc điện đàm. Chúng tôi được khuyến cáo là ngay cả thư từ cũng được mở ra đọc ngang xương, cho nên phải cẩn thận khi viết. Có một lần công an gọi tôi phải đem tờ báo cáo tài chính cuối tháng cho họ xem để họ quyết định cho gởi hay không.
Sau khi ổn định công việc, tôi liền gặp viên Bộ trưởng Y Tế (Việt Cộng) để đề nghị xúc tiến dự án hướng dẫn y tế công cộng cho bốn làng, và ông ta cũng phấn khởi về ý kiến đó. Ông ta nhận bản dự án đó và bảo rằng ông ta sẽ thảo luận với Ủy Ban Nhân Dân rồi cho tôi biết sau, hai tuần sau, ông ta gửi cho chúng tôi một lá thư nói rằng bản dự án đó đã được chấp thuận và Bộ sẽ thi hành, nhưng họ lại muốn tôi tài trợ 25 ngàn đô la. Tôi trả lời rằng tôi không có tiền mà chỉ có sự hiểu biết, thời giờ và lòng nhiệt thành muốn huấn luyện và làm việc với các nhân viên y tế mà thôi, nhưng họ chẳng tha thiết mấy đến sự tham gia của tôi – mà chỉ nghĩa đến tiền của tôi thôi. Tôi không được mời trở lại Bộ Y Tế nữa.