Thursday, May 31, 2007

CÁM ƠN

Đã nhận được cái link của Mao Tôn để download AMPad (link) và hướng dẫn post trên diễn đàn. Chỉ kẹt một cái là đã quên mất download ở folder nào nên tối hôm qua kiếm mãi cũng không ra. Nhưng không sao, sẽ tiếp tục xục xạo xem sao. Trong khi đó thì vẫn phải xử dụng cách bỏ dấu như thường lệ. Một lần nữa thành thật cám ơn sự giúp đỡ của webmaster.
NT Hà, Australia

Bức họa dang dở

Một bức họa đôi khi chỉ mới phác thảo, nhưng có người vô tình nhìn thấy, đứng ngắm nghía. Rồi bày tỏ cảm nghĩ rất chân tình: "Cứ để như thế, xin đừng vẽ gì thêm".
Thế là người vẽ không vẽ thêm được gì nữa. Bức họa trở thành dang dở và cũng không được đặt tên. Xin mời quý anh chị coi cho vui:

"Bức Họa Dang Dở"

22in x 28in
Mixed media on canvas

A.C.La

TTLONG (tiếp theo)

Long cho biết
sau khi làm một loạt xét nghiệm bác sĩ nói Long đủ sức khoẻ để vô thuốc đợt 2.
Mặc dù rất ớn chuyện vô thuốc
nhưng Long rất mừng và lên tinh thần hẳn lên vì thấy việc điều trị có kết quả.
Tôi cũng chỉ cho Long lên mạng đọc trang web của ĐS14 để biết thêm tin tức.
Có tin gì mới tôi sẽ thông báo cho anh em.

Thân,
DuyĐông

That Night!



Đêm tử biệt

Con đi bữa ấy. Trăng tròn.
Mẹ về. Đêm lạnh. Nghe buồn nặng vai.
Muốn quên. Sao vẫn nhớ hoài.
Ôi! Đêm tử biệt ! Đêm đầy đớn đau!

Bỏ con ở lại. Nghẹn ngào.
Tấm thân đã lạnh. Xanh xao. Lạ lùng.
Thôi. Còn chi nữa mà mong.
Đời như đã tận. Hết trông đợi rồi

Hết còn ảo vọng xa xôi.
Hết cầu. Hết nguyện. Ừ, Thôi. Hết đời
Nói chi? Mẹ chẳng đủ lời
Cái đêm khủng khiếp. Trời ơi! Nỗi buồn!..

Mẹ đi. Như kẻ không hồn
Bước chân mê muội. Máu dồn.
Tim se…
Con không còn nữa... Mẹ về.
Ôi! đêm hôm ấy. Não nề gì đâu!

Mẹ không nhớ được thế nào.
Chiếc xe. Và mẹ. Làm sao tới nhà?
Và đêm, Làm sao vẫn qua.
Và mẹ, Sao vẫn còn là Mẹ đây?

Mà không, Con ạ. Thế này
Mẹ đâu còn nữa. Từ ngày con đi.
Chỉ là thân xác vô tri.

Thi hài biết thở. Kéo lê phận người.

LÃM THÚY
17-11-04

Wednesday, May 30, 2007

Chia Buồn

Được tin buồn nhạc mẫu đồng môn Nguyễn Như Thi (ĐS 4) là:
Cụ bà Nguyễn thị Hảo,
pháp danh Diệu Bản đã qui tiên ngày 28.05.2007 tại
Longueuil, PQ, Canada, hưởng thọ 99 tuổi,
được quàn tại nhà quàn Alfred Dallaire số
2759 Marie Victorin Est, Boucherville, PQ, Canada từ
thứ 5 đến thứ 7 và sẽ được hỏa thiêu
vào 10G sáng thứ Bảy 2 June 2007.

Thành kính chia buồn cùng anh chị Nguyễn Như Thi và tang quyến.
Nguyện cầu hương linh cụ bà Diệu Bản sớm siêu thoát tịnh độ.

Nhóm Cựu Sinh Viên QGHC Đốc Sự 4
Gia đình Hành Chánh Boston,
Gia Đình Hành Chánh Florida và
Gia đình Hành Chánh Miền Đông Hoa Kỳ
(Cám ơn anh Nguyet-Chan vtn_nnc@yahoo.com/ (450) 670-4889 đã thông báo)

The Beauty of Numbers

Như Thương sưu tầm (còn tiếp)
Đồng thời, cũng xin quý vị dành một phút quan tâm đến:
Dự luật Cải tổ Hệ thống Di trú: Bãi bỏ diện ĐOÀN TỤ GIA ĐÌNH
(Source: Calitoday.com)

Tin tức hông !

Vì tính thời sự, lại thấy quí ông bà HC/MĐ họp mặt picnic vui quá, nên nghĩ là phe ta còn đông, vui tươi manh khoẻ,... chắc là sáng suốt nhìn ra mặt trái cái vụ deal chính trị liên quan CĐNV tại HK.

(Đề nghị đọc comment của tôi dưới tin tức Họp mặt Khoá10)

Trong bài tường thuật về "Bữa cơm Cay đắng" năm nay, có đề cập vài vị tai mắt trong CĐ đánh giá cao về tài tổ chức và lập trường của tập thể CSV/QGHC. Họ có vẻ còn nể vì và kỳ vọng khá cao nơi các ông HC, các công bộc QG. Nghe nói Cơm Cay Đắng có gà xào gừng, canh khổ qua,... ngon thấy mồ, cay đắng gì đâu? Nhưng tập thể HC mà mất niềm tin nơi CĐ thì mới thiệt là cay đắng đấy!
Người SàiGòn, ĐS11

>>> Diễn Đàn posted tin trên với mọi sự dè dặt vì có những sự kiện khó có thể kiểm chứng ngay được. Thành thật xin lỗi NSG và xin mời tham khảo thêm: NgườiViệtOnline (link). WebHV <<<

Vietnamese Memorial Songs

1.-Anh đã ngủ yên trên quê hương.
http://www.youtube.com/watch?v=hORouJQr5hw

2.Anh hùng tử-Khí hùng bất tử
http://www.youtube.com/watch?v=4C_cQArx_VA

Người đưa tin-USA

THƠ MỜI

Họp mặt ĐS14

Ngày họp mặt ĐS14 năm nay sẽ được tổ chức tại tư gia
của anh chị Nguyễn Đăng Độ :

2901 Roberta Ct.
San Jose, CA 95121
(408) 224-6627

Chủ Nhật 24-06-2007 lúc 12 giờ trưa

Đặc biệt sẽ có mặt của anh Trần Văn Vũ đến từ
Québec, Canada.
Thân mời quý anh chị ĐS14 tham dự. Xin vui lòng
thông báo số người càng sớm càng tốt.

Hẹn gặp lại,

Hà Hải Sơn
1-510-796-0383

Tuesday, May 29, 2007

QGHC ĐS10 & CH

Xin mời xem hình ảnh CSV QGHC 10 và CH cùng các anh trong BCH QGHC MĐông

- Picnic và du ngoạn Luray Cavern, Mt Vernon,
tiếp tân tại nhà LHEm, có mặt GS NQTrị

- Lễ Phật Đản chùa GH, Tiếp tân tại Hotel Marriott, có mặt GS Nguyễn Mạnh Hùng,
tiếp tân tại tư gia TNT và tại nhà hàng Full Kee, VA có mặt LBửu và GS NQTrị
(Source: Yahoo.com)

Lão Phó - LTChánh

>>> Cám ơn Lão Phó. Nhưng tôi thấy 2 link này dường như cũng là một thứ. "Vô ra cũng là ông bà hồi nãy". Lão Bửu <<<

>>> Xin cáo lỗi cùng LB Đại nhân và Lai Lão huynh. Thật ra đệ đã trông thấy mistake ngay từ đầu nhưng lười không đính chính vì nghĩ có quá nhiều hình chắc quý lão sẽ không xem hết.
Đây lá link thú 2:
http://pg.photos.yahoo.com/ph/oknhaplong/album?.dir=/44a0re2&.src=ph&.tok=phOEF1GBIjnaB.zI
Trong link thứ hai này có vài hình ảnh là những điểm độc đáo của phiên họp mặt khoá 10 và Cao Học:
1. Ca sĩ Nguyễn Ngoc Du, đến từ Houston TX, với giọng hát cổ lai hy, được Du Thái Thái lên tiếp sức đồng ca và hoàn tất bản nhạc viên mãn, đươc cử toạ hoan hô nhiệt liệt, chiếm hết hoa trong phòng hội. sau đó Du thú nhận nhờ có lão bà lên tiếp sức, Du mới biết chỗ chấm dứt của bài hát, nếu không thì cũng sẽ hát hoài đến bức hơi mới thôi!
2. Nữ Ca sĩ Tố Linh, ái nữ anh Trương Đình Thăng trình bày nhiều bài hát thật điệu luyện.
3. Đôi song ca Nguyễn Phụng-Nhu Y' vời tài nghệ gây kinh ngạc đến nỗi trưởng Ban Nhạc phải đến xin địa chỉ để mời tham gia sinh hoạt trình diễn chuyên nghiệp trong tương lai. Xin nhắc lại, anh Nguyễn Phụng, CH3, Giáo Sư TS Đại Học North Carolina State Univ vừa nghỉ hưu tháng qua và LP đã có bài thơ mừng nghỉ hưu của anh NP với câu: "Từ nay pay check thôi ràng buộc, Ta về vui hát với Ý nương!" Lão Phó <<<

>>> Cảm đề: "Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung"
(Lý Bạch)
>>>>>>>>>> (thấy xiêm y ngỡ là mây, thấy nhan sắc ngỡ la hoa)
>>> LT Xuyên

Trần Thanh Long

Hùng thân,

Tôi đã thông báo sơ cho Long biết về việc liên lạc thư từ với bạn và Diễn Đàn. Long nhờ tôi gởi lời cám ơn đến đồng môn và quý thân hữu HC bên đó đã/sẽ giúp Long trong lúc khó khăn.

Hiện nay Long đang tạm trú tại Sàigòn nên địa chỉ không ổn định. Long nhờ tôi hoặc NNĐiệp tiếp nhận sự giúp đỡ của anh chị em.
Địa chỉ liên lạc:

NGUYỄN NGỌC ĐIỆP
NGUYỄN DUY ĐÔNG
(Đ/chỉ và Đ/thoại do Webmaster cung cấp qua email riêng vì không tiện phổ biến trên DĐàn)
Thân chào các bạn
NDĐông

EXILE


Gánh Củi Lưu Đày

Trại tù Vĩnh Phú-1982

Mặt trời đã lặn sau vách núi
Quanh đây hiu quạnh gió ru buồn
Ngõ qua khe suối chênh vênh quá
Thăm thẳm đường xa… mấy đoạn trường!

Dòng chảy mồ hôi thắm lạnh lưng
Trên vai gồng gánh nặng vô cùng
Trong tôi đã chết mùa xuân mộng
Máu đỏ từ tim cũng muốn ngưng.

Vĩnh Phú cũng là đất Việt Nam
Mà sao biền biệt… rất xa xăm
Ở đây cô quạnh đời lưu xứ
Gian khổ từng đêm lệ đổ thầm!

Nhớ lắm miền Nam tận cuối trời
Bao người chờ đợi kẻ xa xôi
Lưu đày năm tháng đời gian khổ
Hôm sớm nhìn quanh chỉ núi đồi!

Lần bước cũng về sân bãi trại
Rời xa gánh củi nhẹ bờ vai
Chao ôi một gánh lưu đày đó
Thay gánh tang bồng... lỡ kiếp trai.!

Phạm văn Tốt, ĐS7

Những Ngày Chưa Quên
A.C.La, ĐS14
(manipulated)

Khuynh Hướng Chính


Chúng tôi xin đề cập đại cương về những đặc điểm, những khuynh hướng chính trong văn nghiệp của Thạch Lam qua các truyện ngắn, truyện dài, tùy bút…
Tôi tạm thu về những điểm chính sau đây:
Khuynh hướng Xã hội,
Nhân bản,
Hiện thực,
Tâm lý,
Bi kịch
và một số khuynh hướng phụ khác.
Tìm hiểu về những khuynh hướng này cho ta thấy một cái nhìn tổng quát về văn nghiệp của Thạch Lam. Xin kính mời quý vị và quý bạn click vào Title link trên.
Trọng Đạt, TX

Monday, May 28, 2007

UỐNG TRÀ




Buổi sáng ngồi uống trà
Chợt thấy đời hư không
Nước nguồn đã xuôi dòng
Về theo lòng suối đá

Qua xuân hạ thu đông
Mưa nắng đã tháng năm
Ủ hạt giống âm thầm
Nuôi lá trà ngọt giọng

Có lẽ trên cánh đồng
Màu trời xanh ngọc biếc
Chợt hóa thân vầng nguyệt
Sáng đồi trà mênh mông

Vị thiền sư ung dung
Ngồi uống trà giữa ngàn
Giữa trời rộng thênh thang
Bóng nhân sinh vô cùng

Nhấp một ngụm trà ấm
Nghe suối nguồn róc rách
Chảy tràn trong tim mạch
Huyền diệu một chữ tâm

Như Thương
(Cảm tác bài “Buổi Sáng Uống Trà…”
của Thi sĩ LanĐàm)


QUỸ TƯƠNG TRỢ

Tin thêm về "Quỹ Tương Trợ TTLong":
- MaoTôn đã báo tin mừng đến anh NDĐông: có một Sư huynh và một Thân hữu của Diễn Đàn (tạm dấu tên) hứa sẽ gửi "quà" cho TTLong (qua MaoWeb hoặc Thủ quỹ BĐDanh)
- Anh BĐDanh cho biết: sẽ gửi gấp $US 200.00 còn tồn quỹ lần trước về VN ngày mai.
Ngoài ra, quỹ tương trợ lúc nào cũng mở cửa để nhận thêm đóng góp của đồng môn để phòng khi "hữu sự".
MaoTônWeb kính tin

THÔNG TIN

From: VN
To: ĐS14
Date: May 28, 2007 7:47 AM

Lâu quá không thư từ gì cho anh em bên đó, tôi chỉ biết tin tức anh em qua trang Web ĐS14. Cho tôi gởi lời thăm tất cả anh chị em bên đó. Anh em bên này có một vài bạn gặp chuyện không vui:
  • Hôm Tết bạn THTiên bị tai nạn xe cộ làm chấn thương đầu nhưng cũng may không chạm đến não. Nay Tiên đã bình phục.
  • Vừa rồi TTLong đi tái khám định kỳ, bác sĩ thấy không ổn nên đã cho nhập viện và điều trị (vô hóa chất) trong 1 tháng, vừa mới xuất viện mấy hôm nay. Ngày mai Long phải đi tái khám để điều trị tiếp đợt 2. Bác sĩ nói bệnh của Long cần điều trị 4 đợt, mỗi đợt kéo dài 1 tháng. Long nói những ngày nằm điều trị rất kinh khủng quá sức chịu đựng của con người.
  • Tôi cũng vừa nói chuyện với NPThạnh. Thạnh bị giải phẩu cắt 1 phần gan cách đây 5 năm Vừa rồi đi khám sức khỏe lại thấy có vấn đề. Nay mai Thạnh sẽ đi khám và làm xét nghiệm kỳ.
  • Những bạn còn lại NNDiệp, LBLễ, NVToàn, BChâu, LCHạnh. đều bình thường. Không có tin tức của bạn LTLiêm.
Cũng như lần trước, bạn TTLong đã điều trị bệnh lâu dài rất tốn kém và vẫn còn phải điều trị tiếp. Bạn Long rất ngại không muốn lên tiếng nhờ vả anh em, nhưng tôi thấy cần phải thông báo cho anh em biết để giúp Long như đã giúp lần trước.

Chúc bạn sức khỏe và bình an.
NDĐông, ĐS14

>>> Mong các anh chị ĐS14, Nam CA, báo động cho Thủ quỹ BĐDanh xem lại tình hình tài chánh, và nếu cần, kêu gọi đóng góp thêm. Hình như 'quỹ riêng TTLong' cũng còn lại "chút ít" thì phải!?
>>> Vô cùng cám ơn anh Đông, đã "đi một vòng", thông báo cập nhật tin tức anh em. Thế giới này, hình như càng lúc càng thu hẹp lại, nhờ có Anh! HùngVũ <<<

CHUYỆN CƯỜI KHÔNG NỔI

Trước khi bình về chuyện của anh Người dân Hải Phòng, xin D/đàn ít dòng về bài "Cỏ nội" của Điền Thảo. Chưa ai tự dưng quê kệch, đạo đức giả đi hỏi tội Điền Thảo,... mà mấy ông Sư huynh đã ra chiêu rào đón đỡ đòn cho ĐThảo? Hs Acla lấy bút hiệu Điền Thảo phải chăng vốn yêu thích cỏ nội hoa đồng? Vả lại coi mình là già, tặng thơ cho các bạn già khác, đâu có gì quá lời? Càng già càng dẻo càng dai thì có gì đáng chê? Già thể chất ngoại hình, nhưng chưa già tâm hồn thì vẫn "ngon lành" chứ bộ ! Cho nên ĐThảo không cần phải áy náy lo nghĩ.

Đến chuyện kể Nguyễn Tấn Dũng bỏ quên kính thiệt là cười không nổi? Kính gì mà 4000 dollar? Kính gọng vàng nạm hột xoàn à? Sang hơn nữ hoàng Anh quốc chắc? Dù là 4000 đô đi nữa, làm gì mà NTDũng phải giận tím mặt? Đối với tài sản tham ô kếch xù hàng tỷ dollar xanh, khác chi Việt Kiều Yêu Nước mất 4 cent? Có khi nào quí vị ở xứ tự do như HKỳ, Tây Âu mất 40 cents mà giận tím mặt không? Việc ấy chỉ có thể xẩy ra đ/với anh lái xe ôm mất một cuốc xe 3000 đồng VN (tương dương 40 cents Mỹ).

Điều có vẻ không thật nữa: làm gì còn viên chức CS nào còn liêm sỉ xấu hổ tìm lỗ nẻ mà chui? tham ô ăn cắp từ trên xuống dưới, nghề của chàng, mắc cỡ gì nữa. Cứ về đến phi cảng TSNhất thì biết liền.

Lại còn nữa: nếu NTDũng có quên cái gì, thì đã có cận vệ, tuỳ tùng thấy trước, có đâu đến anh chủ tịt công đoàn huyện chộp? Là CT CĐ huyện lâu năm, họp hành nhiều tất biết có camera theo dõi, nhất là có đồng chí Thủ tướng đến dự, ngu gì léng phéng lên bục thuyết trình mà ăn đòn? Tóm lại đây là chuyện có vẻ phịa, nhằm đánh bóng lãnh đạo (tỏ ra còn nghèo, tiếc của rơi, chống ăn cắp vặt ,..), viên chức CS ta còn trong sạch liêm sỉ (chỉ có vài thằng ngu làm bậy)... Chuyện cười hỏng nổi... vì phịa.

Vậy mà có nhiều chuyện tại thủ đô CHXHCNVN, tưởng như hoang đường nhưng lại có thực ! Chuyện về hội nhà văn nhà thơ tại Hà nội. Các nhà thơ có đâu tự do sáng tác như quí nhà thơ trên D/đ ta. Kiếp nhà thơ làm văn nô mới mỉa mai làm sao, càng thê thảm chừng nào khi đã mang danh là nhà thơ lớn trước "cách mạng". Quí vị có thể xem lại bài sau đây của Việt Thường trên web: VietnamExodus.org (link)

Người Sài Gòn

Sunday, May 27, 2007

"Cỏ Nội" Again!

Điền Thảo & Luân Tâm, Hai Hảo Hiền Đệ,


Sau khi đọc xong bài thơ CỎ NỘI của Điền Thảo Hiền Đệ, ta đã "sướng rên mé đìu hiu" vì "thi phái đồi ngực" nay đã có... một hôi viên. Hai Hảo Hiền Đệ biết không, trước đây, khi Họa Sĩ A.C.La cho ta cái nickname "thi sĩ đồi ngực" ta cũng khoái nhưng cũng đã "ngài ngại" - như Điền Thảo Hiền Đệ sau khi posted bài Cỏ Nội - vì sợ Đồng Môn & Thân Hữu cho là... "già mà chưa nên nết".

Nhưng nay, sau khi đọc/ngâm nga Cỏ Nội và nhất là sau khi nghiền ngẫm mấy lời "trần tình" của Điền Thảo Hảo Hiền Đệ, "người suy nghĩ thì nhiều mà người viết ra thì ít", ta vô cùng tâm phục và thấy rằng ta, cũng như Điền Thảo Hảo Hiền Đệ, có thể tiếp tục triển khai "chủ trương của thi phái đồi ngực" trên DĐĐS14 mà không sợ Vũ Trang Chủ cảnh cáo và có thể đi tới... "kiểm duyệt" hoặc "đục bỏ" mấy giòng vì "công xúc tu sỉ" - như Ông Đốc Sự Đỗ Tiến Đức thường "xuống tay" ngày xưa khi Ông làm Giám Đốc Nha Báo Chí Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa!

Tuy nhiên, ta đã không mấy đồng ý với Điền Thảo Hảo Hiền Đệ về lời đề tặng. Theo như ta biết, trong từ điển của "hội-chúng-ta", hình như không hề có tĩnh từ "già" mà chỉ có cụm từ "không-còn-trẻ" mà thôi (-cũng như chỉ có động từ "nể" mà không hề có động từ "sợ"!). Nên, này Điền Thảo Hảo Hiền Đệ, Hiền Đệ phải thận trọng hơn trong việc dùng từ trong tương lai kẻo lại bị "nhóm-người-ngoài-hội-kia" khiếu nại/kiện cáo thì chỉ khổ cho Vũ Trang Chủ mà thôi!

Còn riêng với Luân Tâm Hảo Hiền Đệ thì ta phải cám ơn lòng tốt của Hiền Đệ vì đã rộng lượng dành hết "cái ướt át hiện sinh" mà Hiền Đệ khám phá trong thơ của Điền Thảo Hiền Đệ cho ta để ta... "từ từ hưởng dụng". Tuy nhiên, để cám ơn Hiền Đệ thì ta chỉ có hai câu thơ con cóc này gửi Hiền Đệ mà thôi:
"Ừ thì Cỏ Nội gần bên,
Nhưng sao chỉ thấy... Hoa Hèn lênh đênh"
Chúc Hai Hảo Hiền Đệ thân tâm thường an lạc.
Thư bất tận ngôn,
Lan Đàm, Brea

>>> Nói qua nói lại thì hội của những “người không cỏn trẻ” ngày đêm bị ẩn ức sinh lý, nên mới phải mượn lời của kẻ quân tử để tự biện hộ và phán rằng ta đây “động khẩu, bất động thủ”. Rõ chán ! Thế mà cũng không chịu nhận là già! Khà khà! NT Hà, Australia <<<

Bụng Đói Đọc Thơ!

Cuối tuần này D/đ nhiều thơ, đọc mệt nghỉ!?

Sáng nay đói bụng cũng hay đọc thơ trước, xem mấy nhà làm thơ có phải vì có “nỗi đau” mới làm thơ, như nữ sỹ Như Thương nói không?

Nhà thơ Lan Đàm sáng rung đùi uống trà, ngắm tranh nảy ra thơ; Vũ Long Hương, ngắm hoa hồng, cảm tác thành thơ, ứng đối thơ NThương. Nhà thơ Luân Tâm, suốt đời nhìn nét đẹp hiền thê cảm tác thành 108 câu tuyệt diệu ca tụng nàng, khiến chàng ngớ ngẩn!

Còn ông HS ACLa, phá lệ, không vẽ mà làm thơ! ấy mà “Cỏ nội hoa đồng” của ông nổi đình nổi đám, như mây mù sóng vỗ trùng khơi, khe trong rêu phủ bỗng tuôn tràn thác lũ,… Tưởng như ông múa cọ trên giá vẽ, ban thao thác nghênh, cuồng lưu biển cả,… Nhưng ông LTâm biết ý, hé lộ tâm tình,… dường như ý nói không còn nội lực thâm hậu để như Ông Hs leo lên đỉnh Vu Sơn rơi xuống, hạ câu tuyệt diệu tả nỗi đam mê bất tận,... (?) Đâu thấy ai đau khổ gì đâu? Say mèm như Lý Bạch mà ra các bài thở than nữa!

Chuyện này liên tưởng anh chàng Trương Vô Kỵ, trong Đồ Long Nữ, lên Đỉnh Quang Minh, được bầu làm Mình Giáo chủ, tụ hội anh hùng, võ công cái thế, hiệu lệnh Võ lâm. Nhưng vẫn bị hạ dưới tay Chu Chỉ Nhược cô nương, đẹp như Hằng Nga, chưởng môn Nga My. Sau buộc phải cưới nàng, nhưng khi hôn lễ bắt đầu, người đẹp Triệu Minh xuất hiện, lôi Trương Vô Kỵ đi cứu sư phụ Tạ Tốn. Kết cuộc khi ân đền oán trả xong, TVKỵ bị giằng co giữa ba bốn mối tình, cái nào cũng mang tình sâu nghĩa nặng. Rốt cuộc vốn thói tình nòi, TVKỵ đành nghe theo con tim về với Triệu Mình cô nương, đẹp như tiên giáng trần, và thực hiện điều hứa thứ ba với nàng: nàng bưộc TVKỵ cầm bút vẽ mi cong cho nàng!

Cho hay thi nhân là giống tình nòi, có tài thi phú trong huyết quản, nhưng bi lụy vì tình?
Kẻ thường nhân, không rung động nên thơ được. Chỉ đọc được thơ và “speechless” như Maoweb nói. Nếu ráng nặn ra từ, chỉ thành thơ “Con cóc” hay chọc giận thiên hạ thôi!

D/đàn này có nhiều thơ hay, bình thơ cũng hay. Không ưa đọc bài dài, nhưng dù bụng đói, cũng phải đọc hết Thơ Luân Tâm 108 câu, và Bình thơ LĐàm của Xuân Đỗ, vì hay ‘wá’!

Người SàiGòn

CON HEO VÀNG

Có lão tiều phu nọ, trong núi sâu, tuy vất vả nhưng cùng vợ sống hạnh phúc, dầu không con cái.


Một hôm, đang vào rừng lấy củi, bỗng thấy nhởn nhơ trước mặt, một con heo vàng chạy chậm, lão không ngờ được, một con heo bằng vàng thật, sáng lóng lánh trước mặt lão trong chốn u tịch này. Lão trộm nghĩ:

- Chà, nếu bắt được con heo vàng này thì ta sẽ sung sướng biết bao nhiêu.

Thế là lão đuổi theo. Lão chạy nhanh hơn để cố bắt cho được con heo vàng, nhưng không được, vì con heo vàng hình như cũng cố chạy nhanh hơn để tránh bị lão bắt. Mệt quá, lão lại chạy chậm lại, thì con heo vàng cũng chạy chậm lại, nhưng luôn luôn ở tầm trước mắt lão, cơ chừng chỉ nhào tới là chộp được.

Đêm về nằm ngủ, lão vẫn nghĩ chuyện gặp con heo vàng là như một giấc mơ và tuyệt không nói cho vợ biết.

Như thường lệ, sáng hôm sau lại vào rừng, vẫn như hôm qua, con heo vàng vẫn chạy nhởn nhơ trước mắt .Lão lại đuổi theo, và vẫn như cũ. Hễ lão chạy nhanh thì con heo vàng cũng chạy nhanh hơn. Lão chạy chậm, con heo vàng lại chạy chậm, như trêu tức lão. Thất vọng, lão ngồi bệt xuống đất và khấn nguyện:

- Trời Phật ơi. Làm sao giúp con bắt được con heo vàng.

Ông Phật bỗng hiên ra và nói:

- Ta sẽ giúp con bắt được con heo vàng, với điều kiện là con phải từ bỏ lòng ái dục.

Ông lão hứa sẽ nghe theo lời dạy.


Thế nhưng,con heo vàng vẫn nhởn nhơ trước mắt, vào mỗi buổi sáng khi ông vào rừng. Và cho dầu cố gắng đến mấy, ông lão vẫn không bắt được con heo vàng. Suốt cả tuần như thế nên ông lại quỳ xuống khấn nguyện Trời Phật.

Ông Phật lại hiện ra và ông lão nói:

- Bạch ông Phật, con đã làm theo lời dạy của ông Phật, là từ bỏ lòng ái dục, thế nhưng tại sao, con vẫn không bắt được con heo vàng.

Ông Phật cười và nói:

- Ông lão từ bỏ được ái dục (ham muốn) là tốt,là sung sướng rồi. Nhưng đã như vậy rồi, thì bắt cho được con heo vàng làm chi nữa.

Truyện này, tôi may mắn được đọc đâu đó trong số các sách báo hiếm hoi, ở vùng quê tôi, khi vừa mới học xong đánh vần và tập đọc, vào năm 1952. Sau này, cố tìm lại, vẫn không thấy có trong sách báo để trích dẫn, nên tạm viết lại như trên.

TRƯƠNG THÚY HẬU.

Thơ LAN ĐÀM


BUỔI SÁNG UỐNG TRÀ,
>>>>>NGẮM TRANH NƠI PHÒNG KHÁCH

Gửi Vũ Công Hùng & Dương Quân

Hạt reo xuống tự kiếp nào,
Nở xanh lũng thấp đỉnh cao ven đường.
Mái chùa son nhạt màu sương,
Vạt mây ngừng lại gió dường phân vân.
Lội qua con suối phàm trần,
Thiền sư để lại dấu chân bên bờ.

… VÀ THẤY MỘT CƠN MƯA, TIỀN KIẾP

Người về thuyền sóng xô mau,
Bờ xa quạnh quẽ mái lầu ngày xưa.
Hàng dương rũ tóc sân chùa,
Bầy chim ngơ ngác cơn mưa vô tình.
Ta còn nửa kiếp phù sinh,

Bên sông ngoảnh mặt thấy mình ngẩn ngơ.

LAN ĐÀM
5/07


>>> Anh LĐàm ơi, "Thiền sư để lại dấu chân trên bờ", còn anh để lại... một bài thơ. Và rồi, "Ta còn nửa kiếp phù sinh, bên sông ngoảnh mặt thấy mình ngẩn ngơ." I am speechless! HùngVũ <<<

ĐẠO CHÍCH

HPhạm forwarded
"Kính chuyển Diễn Đàn để xem cho vui"


Vào trung tuần tháng 5 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về quận Kiến An và huyện Tiên Lãng, Tp Hải Phòng để thị sát việc chuẩn bị tổ chức bầu cử Quốc hội của hai chính quyền cơ sở địa phương. Đây cũng là nơi ĐCSVN đưa ông Dũng về đăng ký ứng cử đại biểu quốc hội. Giữa cuộc lên lớp về ý nghĩa của kỳ 12 đảng cử dân bàu mang tính truyền thống ưu việt gấp ngàn lần thể chế đa đảng, ông Dũng gỡ kính đặt xuống bục diễn giả. Kết thúc, không hiểu do nhận được quá nhiều mỹ từ xu nịnh của đám quan chức địa phương mà quên, hay do đãng trí mà quên?, thủ tướng Dũng rời khỏi bục diễn giả, ra ô tô mà không mang theo chiếc kính trị giá 4.000 USD. Tất cả quan chức dân-chính-đảng trong huyên chen chúc ra theo, không ai nhận thấy Thủ tướng quên kính. Yên vị trên ô tô rồi Thủ tướng mới nhớ đến kính, bèn lệnh cho một tuỳ tùng quay trở vào. Lúc này trong hội trường không còn ai, trừ duy nhất một quan chức cơ sở. Không thấy kính của Thủ tướng trên bục, viên tuỳ tùng bèn hỏi người nọ, ông này trả lời: Không biết! Không biết!!!. Viên tuỳ tùng quay ra xe, báo với thủ tướng Dũng. Thủ tướng Dũng giận tím mặt. Trời đất!… Vuốt mặt không nể mũi… Ông cho gọi đám mật vụ mở camera nghiệp vụ thì thấy một người đàn ông, quan sát rất nhanh hội trường rồi lẹ như vượn nhón kính của ông cho vào cặp. Ông chủ tịch huyện, ông trưởng công an huyện được triệu tập đến cùng xem camera. Tất cả nhận ra kẻ nhón kính để quên của Thủ tướng là vị chủ tịch công đoàn huyện. Được triệu tập đến gặp trưởng ban mật vụ, bấy giờ vị chủ tịch công đoàn huyện mới luống cuống thừa nhận rằng ông ta có nhặt được một chiếc kính, không biết của ai, nếu có người hỏi, ông ta sẽ trả ngay, nếu được trả lại cho thủ tướng lại càng vinh dự!.

Xin miễn mô tả lại các khuôn mặt muốn tìm lỗ nẻ mà chui của cả hai trăm quan chức địa phương trước sự cố hy hữu Đông Tây vừa kể.

Nín nhịn chờ xe Thủ tướng đi khuất, ông Chủ tịch huyện, ông Trưởng công an huyện yêu cầu đám quan chức địa phương quay trở lại hội trường. Hai ông chỉ thị cho ông Chủ tịch công đoàn huyện viết ngay bản tường trình về vụ “ cầm nhầm” chiếc kính trị giá 4.000 USD của Thủ tướng, đồng thời chỉ thị không ai được phép để thông tin này lọt ra ngoài.

Cũng giống như người xưa kể: đã đào hố, nói xuống đó, lấp đất lại mà vẫn không kín được; tối và sáng ngày hôm sau dân chúng toàn huyện Tiên Lãng đã truyền tai nhau vụ việc; 7 ngày hôm sau thì dân chúng thành phố Hải Phòng ai cũng biết.

Có người bình luận rằng: vị chủ tịch công đoàn này, sau thời gian dài đạo chích của công nhân viên chức trong huyện, bây giờ thử nhân rộng điển hình. Nhưng quy luật vẫn là quan to đạo chích được của quan bé chứ quan bé không thể đạo chích được của quan to. Ông chủ tịch công đoàn này dại, không nắm vững quy luật muôn đời, cho nên mới để xảy ra chuyện kẻ cắp gặp bà già, mang vạ vào thân.

Một người dân Hải Phòng.

Tình Thơ


Nụ Hồng

Cuộc đời là vô thường
Biển khổ còn vấn vương
L
tình còn lóng lánh
Tưởng như tiếc như thương

Chim vẫn hót sau vườn
Đời vẫn còn dễ thương
Bên thềm đọng giọt nắng
Soi khô giọt lệ sương

Vì ai mà làm thơ
Bâng khuâng đêm trăng mờ
Thương ai đời lưu lạc
Buồn tình
trong giấc mơ!

Vườn sau nở nụ hồng
Trước sân mai trổ bông
Ngắm hoa quên hò hẹn
Với người tình hư không.

Vũ Long Hương

(Thơ & Minh họa)


HƯƠNG TÓC

Ta gọi em nửa đêm
Con trăng ngủ mất rồi
Chỉ có hai người thôi
Và tóc mai tơ mềm

Có phải hương tóc em
Từ tinh hoa đất trời
Theo biển mặn ngàn khơi
Về yêu thương êm đềm

Hay hương thơm cỏ nội
Ủ tóc em nồng nàn
Để anh thật ngỡ ngàng
Sao lòng mình bối rối

Sẽ còn lại mùi hương
Như giọt mưa giọt nắng
Về theo đời trống vắng
Thoáng vạt áo ... người thương

Em huyền diệu lưng trần
Dẫu dòng đời uẩn khúc
Dẫu nơi đây trần tục
Em - thánh hóa xác thân

Như Thương, FL


Cám Ơn "Cỏ Nội"

Điền Thảo hiền đệ thân mến,

Rất xúc động cảm tạ hiền đệ đã ưu ái đề tặng bài thơ "Cỏ Nội" thực đẹp đến không ngờ! Nhưng cũng xin phép nói nhỏ: ... đã từ lâu ngu huynh đã "ăn chay, ngủ chay" (chữ của Hai Quẹo) ...
Lòng như giọt nắng chiều tàn
Hồn như xác lá cuối đàng nổi trôi!
(LTâm)
Nếu có một chút gì lãng mạn tình tứ trong văn thơ thì cũng chỉ nhầm dỗ ngọt, an ủi "mình với ta" mà thôi! Bài thơ của hiền đệ hư hư thực thực, dù sao, cũng quá lãng mạn "ướt át & hiện sinh" nên rất tiếc có lẽ ngu huynh không được tốt phước "đụng" tới... sợ rủi ro "tẩu hỏa nhập ma" thì chỉ còn có nước chết chắc!

Vậy xin "mượn hoa cúng Phật... bán cái trọn ổ" cho hiền sư huynh thi sĩ đa tài hoa phong độ Lan Đàm để xin "cứ từ từ hưởng dụng" vậy!

Một lần nữa xin hết sức thâm tạ hiền đệ. Thân chúc hiền đệ cùng toàn thể quý quyến một cuối tuần & Memorial Day thực an lành hạnh phúc đẹp tuyệt vời như ý!

Thư bất tận ngôn.
Rất thân mến.
Luân Tâm.

>>> Thưa quý đại gia,
>>> Làm xong bài thơ tại hạ thấy rất khoái. Sau khi đưa lên diễn đàn thì lại đâm ra sợ. Sợ thiên hạ chê cười rằng mình chưa nên nết. Rồi lại sợ cho Diễn Đàn mang tiếng xấu lây.
>>> Nhưng thế gian này người suy nghĩ thì nhiều mà người viết ra thì ít, nên đành cam tâm mà chịu vậy.
>>> Nếu có ai nhiếc máng, xin quý đại gia đỡ giùm cho một tiếng.
>>> Rất quý mến, Điền Thảo, Canada <<<

Saturday, May 26, 2007

Cỏ nội


(Thân tặng những cặp tình già và

Lan Đàm - Luân Tâm)

Ôm xiết mảng lưng trần
Hôn lên bờ vai mịn
Hôn nốt đồi ngực cao
Giữa tinh tú lao xao
Và mây theo vần vũ


Rừng khuya thôi ủ rũ
Mây mù ủ tình ta
Sương mai thấm tình già
Tiếng gọi Chân Thiện Mỹ
Nương sóng vỗ trùng khơi


Em tiếng rên ma Hời

Phảng phất từ ngàn xưa
Khoảng trống vắng rêu phủ
Bỗng tuôn tràn thác lũ
Hương cỏ nội mênh mông


Điền Thảo



Tin Buồn

Được tin buồn đồng môn LÊ HOAN (ĐS 11)
vừa vĩnh viễn ra đi ngày 23 tháng 5 tại Portland Oregon, hưởng thọ 67 tuổi

Nhà quàn:
OMEGA so 223 SE 122 Porland, Oregon
Thăm viếng: Thứ sáu 25-5-07 .
Hỏa táng: 2.30 PM ngày thứ bẩy 26-5-07
Điện thọai nhà: 503-788-7715

Thành kính chia buồn cùng Chị Lê Hoan và tang quyến.
Nguyện cầu Anh sớm về miền vĩnh cửu.

Nhóm Cựu Sinh Viên QGHC Đốc Sự 11
Gia đình Hành Chánh Boston,
Gia Đình Hành Chánh Florida
Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông Hoa Kỳ
(Cám ơn anh Phạm văn Tốt phamtot@yahoo.com)

Friday, May 25, 2007

Đại Hội QGHC 10 & Cao Học

Thưa quý lão,

LHEm đang tổ chức họp mặt khoá 10 và CH trong tuần lễ long weekend Memorial Day tại vùng Hoa Thịnh Đốn.

Xin cống hiến quý lão hình ảnh sốt dẻo bữa họp mặt tiền đại hội tại nhà anh LVBỉnh, quy tụ một số ít các anh chị đến sớm gồm các anh chị TTPhúc, NXHoàng, NNDiệp, CVHở, TVThái (đến từ California) và ĐNDung, NMTriết (đến từ Houston) và HTThời (Saigon).

Tư thất anh Lê Văn Bỉnh là 1 căn nhà khá xinh xắn nằm trong khu Annandale, anh chị LVBỉnh đã mua từ năm 2000, hôm nay LPhó mới được biết đến.

Mời quý lão xem những hình ảnh của photographer bà cả Chánh do LP poste lên Youtube. Đặc biệt xem đọan video clip hào hứng anh CVHở trò chuyện với LHEm và quạt cho chị CTLễ với giọng ngâm của LPhó: (click PLAY)

Institute of Vietnamese Studies

Như Thương, FL
Trân trọng giới thiệu Diễn Đàn một trang Web hay của Viện Việt Học.
Xin click Title link hoặc link dưới đây:


>>> Rất tiếc, website chỉ nặng về vấn đề thông tin những buổi thuyết trình và hội thảo, hơn là những bài viết về các đề tài giá trị mà người đọc muốn tham khảo. HV <<<

LAN ÐÀM

VÀ NHỮNG VẦN THƠ LỤC BÁT


Tháng mười năm 2005 tôi đang khá bận rộn trong việc dọn nhà qua một phòng ở một dãy chung cư gần đấy. Tôi vừa bán căn nhà ở trong hai mươi tám năm, chuẩn bị di chuyển về California, để về hưu nghỉ ngơi, sau hơn ba chục năm đi làm, từ khi chạy qua Mỹ, sau ngày 30 tháng tư, 1975 đau buồn lịch sử Việt Nam.

Hôm đó một ngày đầu thu, tiết tháng mười ở vùng Trung Tây Hoa kỳ, tiểu bang Oklahoma, thành phố Tulsa. Trời đã khá mát mẻ. Những ngày nóng bức, oi nồng đã qua. Những ngày nắng nóng hừng hực, nhiệt độ bên ngoài trời nhiều khi lên trên một trăm độ F, trong cái độ nóng (heat index) trên một trăm hai chục độ là chuyện thường tình.

Căn nhà đã có chủ mới trả giá mua, thủ tục đi vay tiền của ông ta đang xúc tiến nhanh chóng. Có lẽ chỉ khoảng bốn tuần lễ nữa, chúng tôi phải dọn ra, giao nhà trong tình trạng sạch sẽ ngăn nắp cho chủ mới.

Việc dọn dẹp cũng đã gần xong. Những thùng sách vở chất chứa trong ba chục năm không ngờ nhiều đến thế. Ngoài một số lớn tôi gởi bằng bưu điện qua California trước, số còn lại tôi đã đành lòng mang đi biếu bạn bè thân, những người yêu sách vở, say mê đọc. Tôi cũng mang một số lớn khác, sách báo, chữ Việt, chữ Anh, đến tặng các thư viện cộng đồng, nơi có nhiều cư dân Việt Nam cư ngụ. Mấy ông bà quản thủ thư viện người Mỹ này, lúc đầu có vẻ do dự, không biết trong số người đến đọc sách tại các thư viện này, có bao nhiêu là cư dân gốc Việt, còn đọc được tiếng Việt? Sau một hồi chờ đợi để các vị này gọi điện thoại hỏi ý kiến, có lẽ người có thẩm quyền cao cấp hơn, để quyết định. Bỏ ống nói xuống, ông bà ta nở một nụ cười đón nhận. Tôi, một người mang những tác phẩm tiếng Việt đi tặng cũng mừng thầm, sách vở mình nâng niu bấy lâu, nay có chủ mới, được sắp xếp vào những ngăn trên thư viện, và nó sẽ đến tay người đọc tiếng Việt nào đó trong tương lai. Tôi mừng vì không nỡ phải vất bỏ đi như những vật phế thải, không giá trị.

Tôi ngồi nghỉ ngơi sau vài chuyến chuyển đồ đạc qua nơi cư ngụ mới, trên thềm hiên nhà. Nhìn căn nhà trống trải gây cho tôi cảm thấy bùi ngùi. Gần ba chục năm ra vào, nay phải rời xa nó. Nơi đây ba đứa con tôi, hai trai, một gái, trong tháng bảy năm 75, từ trại tỵ nạn Fort Chafee mới đến một vùng đất mới, xứ của người Da Ðỏ ngày xưa. Hồi đó, con trai lớn nhất mới tám tuổi, con gái kế sáu tuổi và cậu út mới hơn ba tuổi rưỡi. Ba mươi năm trôi qua thật nhanh, ba đứa con nay đã thành đạt, thủ đắc kiến thức nhà trường để ra đời, bắt đầu cho những gia đình riêng bé nhỏ của chúng và chúng tôi có một cháu nội gái, lên hai và trong gia đình còn lại bây giờ chỉ có hai vợ chồng già hủ hỉ bên nhau.

Vài cơn gió mát thổi mơn trớn trên khuôn mặt đã khô mồ hôi của tôi. Gió vẫn rì rào qua hàng cây trước sân lẫn tiếng chim nhảy nhót, ca hát trong một buổi trưa êm ả. Tiếng chó nhà bên hàng xóm sủa vang từ chiếc chuồng trong nhà của người láng giềng bên phải, làm tôi giật mình, ngẩn nhìn về bóng người đi đến. Ông đưa thư đi giao thư hằng ngày. Tôi đứng lên chào ông ta và đưa tay nhận gói sách báo ông giao, nói lời cám ơn. Ông rảo bước qua nhà bên cạnh.
Có vài ba cái thư, có lẽ đều là những thư chứa các hóa đơn diện, nước, rác trong tháng. Có một phong bì màu vàng, có lẽ một cuốn sách hay một tờ báo nho nhỏ. Tôi vội mở ra. À, cuốn Thơ Lan Ðàm của người bạn, anh Lan Ðàm bên California gởi tặng, với hàng chữ ghi: “Bản tặng XÐ. Lan Ðàm Sept.2005” và một dấu triện son thật đep của tác giả.
Cả tháng nay tôi đã tháo máy computer, bỏ vào thùng, chuyển qua nhà mới, bận quá, vẫn còn để trong thùng đó, chưa đem ra, lắp vào mạch điện, liên lạc với bạn bè khắp năm châu bốn biển qua hệ thống mạng lưới internet và điện thư, email. Mới một tháng mà như vắng bóng bạn bè lâu lắm, nay cầm cuốn thơ của Lan Ðàm gởi tặng, như đánh thức nỗi nhớ sách vở, đọc hằng ngày trên mạng lưới, trong tôi.

Cuốn thơ nho nhỏ, xinh xắn, khoảng một trăm trang. Tôi lật vội vài trang, chọn một bài như “bói Kiều”, gặp “Bài Trương Quỳnh Như”, một bài thơ lục bát:
Ta còn rượu, chỉ vắng người
Bài thơ họa dở, tình ơi sao buồn
Mối tình Trương Quỳnh Như - Tiêu Sơn, một huyền thoại văn học, tình sử buồn nhưng tuyệt đẹp từ ngàn xưa, Khái Hưng đã viết cuốn tiểu thuyết bất hủ Tiêu Sơn Tráng Sĩ, làm say mê một thời thanh thiếu niên Việt Nam. Nay Lan Ðàm nhắc đến, khơi lại dòng thi hứng, đưa vào thể thơ lục bát Việt Nam, thật đẹp, thật thiết tha:
Kinh kỳ lạnh những hoàng hôn
Lối quen, lầu cũ bước dồn sợ đau
Tiêu Sơn cách mấy giang đầu
Xa thêm, người đã thay màu áo xưa
Khuê phòng trằn trọc tiểu thư
Rừng hoang, cổ tự, thiền sư ngậm ngùi
Nến hồng lửa ngọn chẳng vui
Vườn khuya trăng cũng ngủ vùi trong mây
Sương đêm mờ mịt sông đầy
Vạc kêu, ta nhớ vừa say, một mình.
Dòng thơ lục bát đẹp quá, buồn buồn, lãng đãng trong không gian nhớ nhung, làm tôi thích thú.Tôi tiếp tục dở thêm các trang thơ khác, phần nhiều trong thể lục bát nhẹ nhàng, trữ tình, êm diu.

Vào phần 2 cuốn thơ: Ðường Thi Phóng Dịch, tôi ngạc nhiên đến đến cười lên khúc khích. Lan Ðàm đã phóng dịch các bài thơ trứ danh, bất hủ Ðường Thi qua thể Lục Bát đặc biệt Việt Nam của các nhà thơ tài danh Trung Hoa thời thịnh Ðường trên cả ngàn năm, trong văn học Trung Hoa. Từ Lý Bạch qua Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị, Thôi Hộ, Trương Kế, Vương Duy...

Ðây là những bài thơ, những tác giả mà bất cứ người yêu thơ nào, dù có làm thơ hay không, đã một lần đọc đến, đều yêu thích.
Ðọc bài thơ Ðỗ Mục, “Bạc Tần Hoài”, (Ðêm Ghé Bến Tần Hoài), hai câu thơ cuối:
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu Ðình Hoa
Hai câu thơ quen thuộc quá, tôi nghĩ ngay đến câu quen thuộc, nghe hoài, như “Quốc Gia hưng vong, thất phu hữu trách”, những câu thơ, câu cách ngôn gần nhau giữa Trung Hoa và Việt Nam, cùng chung những tư duy văn hóa. Lan Ðàm phóng dịch thật hay:
Gái buôn quên chuyện tan nhà
Bờ xa đua hát khúc Hoa Sau Vườn.
Tôi tiếp tục dở các trang thơ kế tiếp, đọc bài “Lương Châu Từ” (Khúc Hát Lương Châu) của Vương Hàn, một bài thơ tứ tuyệt mà hầu như nhiều người thuộc nằm lòng từ thời trên ghế trung học:
Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.
Nhất là câu cuối cùng “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” (Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về), như một lời trối trăn của những người trai trẻ trong thời loạn ly, khoác lên mình tấm áo chiến binh, xông pha ra trận tiền, trước hòn tên, mũi đạn, không hẹn một ngày về. Lan Ðàm tái sáng tạo qua ngôn ngữ lục bát Việt:
Rượu đào đầy chén dạ quang
Thèm say, đàn dục lên đàng đi thôi
Sa trường túy lúy ai cười
Xưa nay chinh chiến mấy người hồi hương
Ðọc qua Lý Bạch, bài « Tĩnh Dạ Tứ » (Ý Nghĩ Trong Ðêm Lặng), một bài thơ cổ hình như quá gần gũi với mọi người, như một tiếng thở dài:
Sàng tiền kháng nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương
Cử đầu vọng minh nguyệt
Ðê đầu tư cố hương.
Lan Ðảm chuyển qua Việt ngữ như đồng sáng tạo nỗi niềm thương nhớ cố hương của kẻ bị lưu đày ngày nay :
Trước giường trăng sáng như gương
Tưởng đâu mù mịt hơi sương xứ người
Ngẩng nhìn vằng vặc giữa trời
Cúi đầu nhớ cố hương vời vợi xa.
Trương Kế trong bài thơ mang nhiều giai thoại văn chương, «Phong Kiều Dạ bạc», (Ðêm Ghé Bến Phong Kiều):
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngự hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Lan Ðàm Việt hóa:
Quạ kêu, trăng úa, sương mờ
Bờ phong hiu hắt, lửa đò sầu lay
Thành xa, chùa ẩn đêm dầy
Nửa khuya chuông điểm, khoang đầy vọng âm.
Ðọc tiếp bài thơ “Ðề Tích Sở Kiến Xứ” của Thôi Hộ, (“Ðề Nơi Gặp Gỡ Lần Trước”):
Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.
Lan Ðàm làm sống lại ý thơ người cũ:
Năm qua cửa cũ ngày này
Má người đua sắc hoa hây hây hồng
Người giờ biết nẻo nào trông
Hoa như xưa vẫn gió đông cợt đùa.
Thôi Hộ, người thơ xưa, Lan Ðàm, người thơ nay, kẻ đọc thơ xưa và nay, đều cùng thở dài, nhớ người đẹp một thời, má ửng hồng như cánh hoa anh đào bừng nở đón xuân. Nay người xưa có còn trên cõi đời này, “hoa đào năm ngoái còn chào gió đông”?

* * *
Thi ca Việt từ ngàn xưa đã ngưỡng mộ và chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ vào nền văn thơ Trung Hoa và sau này từ thế kỷ 19, khi tiếp xúc với tây phương, chịu ảnh hưởng thêm, sâu đậm nền văn thơ Pháp. Ðây cũng là điều nghich lý và đau lòng, trong lịch sử và tình tự dân tộc, Trung Hoa và Pháp là hai nước đã để lại nhiều nỗi oan khiên, khổ đau cho dân tộc và đất nước Việt Nam qua thời gian đô hộ với chính sách cai trị và bóc lột tàn khốc của họ. Trung Hoa đã đô hộ nước ta ba lần, gần một ngàn năm và Pháp xâm chiếm, khai thác, dày xéo đất nước Việt Nam trong gần một trăm năm.
Nhưng cuộc đời và hạnh phúc con người là một chuỗi lẫn lộn giữa khổ đau và hạnh phúc, giữa tiêu cực và tích cực. Nền văn thơ cũng vậy, phản ảnh cuộc đời, giữ lại cái đẹp trong văn chương, quên đi những điều bất hạnh.
Những vần thơ dịch lục bát của Lan Ðàm như một thể hiện Việt hóa những cảm xúc tự ngàn xưa qua rung động thi vị rất Việt Nam ngày nay của một tâm hồn hòa nhập vào cái đẹp của nhân loại.

Trong thi ca Việt Nam, thể loại thơ lục bát mang trọn vẹn nét đẹp hiền hòa, thơ mộng nhưng cũng đầy ý chí độc lập, của một dân tộc. Các nhà thơ nổi danh của Việt Nam như Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Huy Cận, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên v.v... đã xử dụng nhuần nhuyễn, biến hóa khôn lường ngôn ngữ Việt trong thể thơ lục bát. Thể thơ lục bát cũng còn là hơi thở dân gian, qua các câu hò, câu vè, câu cách ngôn mang nhiều ẩn dụ văn chương, lịch sử, luân thường, đạo lý.

Một thể thơ mang tính đại chúng như vậy, nên đại đa số người làm thơ, từ các nhà thơ thành danh đến những người vừa tập tễnh bước vào con đường thi ca, đều xử dụng đến. Biên giới ngôn ngữ thơ, giữa tài hoa và “chập chững, vụng về” chỉ xê xích nhau trong đường tơ, kẽ tóc và tùy thuộc sự cảm nhận của người đọc thơ, người thưởng ngoạn.
Lan Ðàm trên nửa thế kỷ âm thầm trong vườn thơ, ghi lại cảm xúc của mình về các vấn nạn nhân sinh, đã xử dụng thể lục bát thật nhuần nhuyễn, làm mới ý thơ, ngôn ngữ và cấu trúc bài thơ, tạo cho người đọc một cảm giác xao xuyến, lâng lâng, chia xẻ với tác giả.
Có một lần, tôi không nhớ rõ, tôi đọc trên báo Thời Luận của anh Ðỗ Tiến Ðức, hay trên trang nhà Quốc Gia Hành Chánh, một bài thơ lục bát, nhan đề “Tháng Giêng, Nhớ Long Ân”, một người bạn của anh mà tôi mới gặp một lần, nhưng để lại nhiều ấn tượng đáng mến. Anh Long Ân đã qua đời, Lan Ðàm nhớ về bạn, trong hai bài lục bát thật xót xa. Bài Hội Hữu và bài Tháng Giêng, Nhớ Long Ân:
Một ly rượu đỏ đã say,
Dăm câu thơ cổ đủ ngày dài thêm
Cội mai vàng rực bên thềm,
Ừ, quên mời bạn cỏ mềm tương tư.
(Hội Hữu)

Thì thôi, rượu cạn bình không
Còn chi để rót cho dòng sông xưa.
Tóc tiên vườn cũ ơ thờ
Trà quên lưu khách, thu vừa tàn phai

Thì thôi, im ngủ sông dài
Nửa chai, chắc đủ gởi người chút ta.
Chiều hội hữu, khói hương pha,
Lạnh cà phê đắng, vàng hoa mộ phần

Thì thôi, đời vẫn phù vân
Cây ngô đồng đã mấy lần lá rơi.
Cơn say thiên cổ xa rồi
Hóa thân ngươi, vạt nước trôi lạnh lùng
(Tháng Giêng, Nhớ Long Ân).
Hai bài bài thơ hài hòa, đẹp như một bức thảm lụa đầy nhớ nhung, nhắc đến Long Ân, người bạn chí thân của anh, nhà thơ tài hoa mệnh bạc, đã in cuốn thơ “Rót Rượu Cho Dòng Sông”, năm 2003.
Thơ lục bát Lan Ðàm thật đẹp. Gập tập Thơ Lan Ðàm, tôi vẫn còn bồi hồi./.

XUÂN ÐỖ, ĐS10
(Cùng một tác giả: "Tổ quốc Ghi Ơn" (link) - Sep 28th, 2006)