Sunday, January 31, 2010

Đại hạn mười năm



Khi bài viết này được post lên, theo thời biểu, tôi đang ở trong chiếc máy bay Boeing 737 chuẩn bị cất cánh rời phi trường Edmonton, Alberta, trực chỉ Toronto, Ontario vào trưa chủ nhật. Tâm trạng tôi lúc đó hẳn là buồn lắm vì phải rời bỏ nơi mình sống khá lâu, và chắc chắn cũng bồi hồi vì sắp về lại chốn xưa nơi trước đây tôi đã sống 16 năm. Chuyến bay này không giống những chuyến bay khác vì là chuyến bay với chiếc vé một chiều...

Theo dương lịch đã là năm 2010, nhưng theo âm lịch chúng ta vẫn còn sống trong năm Kỷ Sửu song hành với năm dương lịch 2009. Theo tử vi thì một năm là một tiểu hạn, và mười năm là một đại hạn.

Dường như mười năm qua là một đại hạn của một người mà thân phận có lẽ đã gắn liền với sao thiên di. Từ khi có tử vi tức sau 12 tuổi, tôi chưa hề sống ở một địa chỉ nào quá năm năm, chưa sống ở thành phố nào quá mười năm: Mississauga 9 năm, Edmonton 8 năm, Toronto 7 năm, đó là ba thành phố tôi sống lâu nhất.

Sở dĩ tôi nói "dường như" là vì tôi không rành tử vi, chỉ biết lõm bõm vài điều, rồi suy nghiệm từ đời mình mà phỏng đoán đó là một chu kỳ đại hạn. Ra đi năm Kỷ về lại năm Kỷ. Con mèo thúc giục tôi đi; con trâu réo gọi tôi về.

Ra đi giữa năm Kỷ Mão trong chiếc xe van với mớ kiến thức và kinh nghiệm trong ngành ấn loát kèm graphic design. Nay trở về cuối năm Kỷ Sửu với cái nghiệp dư vẽ tranh sơn dầu. Chiếc xe giang hồ mười năm trước lăn bánh khởi hành từ Ontario vượt qua biên giới phía nam nương theo những xa lộ thênh thang xuyên suốt các bang cực bắc nước Mỹ, ghé thăm hai thằng bạn. Nay trên đường về lại Ontario từ Alberta, không còn gặp lại được nữa: Một người đã di về Texas tìm cái không khí ấm áp, một người đã thành người thiên cổ.

Quá nhiều biến đổi. Tôi đã mất một trong những người bạn thân nhất, hiểu nhau nhất. Những người bạn tôi để lại Toronto, Ontario, cũng đã mất đi dăm ba. Còn lại là những hình hài xiêu xiêu bóng chiều, là những nét mặt trầm ngâm. Nhưng không sao. Giấc trưa ta vui nhễ nhại theo giấc trưa. Xế chiếu ta vui với gió mát buổi chiều. Chẳng có gì phải bi quan. Như một đứa trẻ đi trọ học xa, nay trở về nhà nghỉ hè thấy lòng cũng rộn rã. Tôi cảm động khi hay tin các bạn cũ đều vui khi biết tôi trở về.

Trở về sau chuyến du học mười năm, hành trang đời người nặng thêm một chút. Những bài học khó nuốt nhưng lâu dần cũng xong. Tuy vậy giũa những nghịch cảnh cũng có những điều hay: Mười năm qua gặp nhiều tai biến nhưng cũng nhìn ngắm được nhiều cảnh mới lạ, quen thân được một số người tốt bụng, có thì giờ đào sâu vào ngành họa.

Tập tễnh đọc và vẽ sơn dầu thực sự bắt đầu ở Vancouver, B.C., nhưng đa số các bức họa lại sáng tác ở Edmonton, Alberta. Trong khi hình ảnh các họa sỹ ngồi vẽ trong các công viên ở Vancouver đã là lời mời gọi khởi đầu, thì cảnh vật hũng vỹ ở Alberta lại là nguồn kích thích giúp tôi đi tới.

Trên bảng số xe tại tỉnh bang BC cực tây Canada, nơi tôi sống hai năm, có ghi hàng chữ "Beautiful British Columbia". Mà cũng đúng. Cảnh trí ở đó biến đổi không nhàm chán. Có núi, có biển, cây cối sum xuê, mùa xuân hoa nở rộ kiêu hãnh. Nơi đó còn có mây mù ôm đỉnh cao, có mưa rào gần như quanh năm. Cỏ cây luôn xanh tươi không đâu bằng. Người xưa nói "Người có trí vui với núi. Người có nhân vui với nước" (Trí giả lạc sơn. Nhân giả lạc thủy). Núi non sông biển tôi đều thích, nhưng xét ra quả thấy thẹn với người xưa, thẹn với lòng, thế nên câu nói của cổ nhân không suy đoán cho trường hợp của tôi được.

Chữ "dại" trong tiếng Việt có cái nghĩa khiến người ta ngại ngùng, muốn xa lánh. Chữ "hoang" có thể gần gũi hơn để dịch chữ "wild" của Anh ngữ như trong cụm từ "Wild Rose Country" ghi trên bảng số xe của tỉnh bang Alberta, nơi tôi sống tám năm vừa qua, và là nơi đang từ giã ra đi.

Alberta có hai công viên quốc gia nổi tiếng đó là Banff và Jasper nằm dọc rặng Rocky Mountains ở phía tây. Núi non hùng vĩ thu hút du khách khắp thế giới. Cảnh hoang sơ vẫn còn đó. Cây cối dệt thảm từ lũng sâu bao phủ lên triền núi. Nhiều khu mênh mông chưa hề bị con người đến khuấy động. Những vách đá sừng sững bất ngờ mà khi nhìn thấy lòng người bỗng trải ra xa, bớt bó kín hẹp hòi.

Ở đây con người không muốn lấn chiếm giành giựt với thiên nhiên. Phát triển chừng mực. Giá địa ốc rất cao và người mua phải là cư dân tại đó. Sở dĩ có luật này là để ngăn ngừa giới tư bản đầu cơ khiến giá tăng vọt thêm và hệ quả là cảnh trí bị tàn phá.

Nhiều điều ở đây sẽ khiến tôi không quên được nơi này. Cư dân lịch sự và thông cảm. Tất nhiên thành phần ngược lại nơi nào cũng có nhưng ở đây có vẻ ít đến độ không đáng kể.

Có một lần trong mùa đông, đường xá ngập tuyết, tôi lái xe giao pizza, từ giã khách hàng tôi nói: "Enjoy your pizza", anh ta trả lời : "and you enjoy your road!" Cả hai chúng tôi đều cười xòa. Thực khách có vẻ thông cảm với drivers, vui đùa lúc nào hay lúc ấy để quên những phiền muộn trong cuộc sống của mình, của người.

"Ông vô nhà. Ở ngoài lạnh lắm" (Come on in. Freezing outside) đó là câu tôi thường nghe thấy từ khách hàng khi tôi giao bánh trong những ngày đông giá tuyết. Xin mở ngoặc ở đây, da dẻ rải rác đồi mồi không còn căng và những sợi tóc bạc khiến tôi lên chức "Sir". Thank you, Sir (!).

Chỉ có một lần duy nhất trong bốn năm, một khách hàng đứng trong nhà, không để tôi vô, chỉ hé cửa đủ để đưa tay ra trao chiếc thẻ Debit trả tiền, làm như người đưa bữa tối đến cho cô ta là một khúc cây, không biết lạnh là gì. Trước con mắt của cô, một thứ con mắt bị nhiễm phong hóa vị kỷ từ gia đình và từ cái xã hội cô ta sinh ra, ngoài cô ta, gia đình cô ta ra không ai là đáng kể. Tha nhân chỉ là bộ phận của xã hội có mục đích phục vụ cho mình, cho gia đình mình, cho tập cấp mình. Tha nhân không phải là đối tượng thương yêu lo lắng.

May thay chỉ có một khách hàng như thế, nhưng tiếc rằng người đàn bà trẻ ấy lại là một người da xậm màu, thuộc 'nhóm thiểu số trống thấy'. Và còn đáng tiếc hơn nữa là tôi đã không kềm chế được sự bực tức pha thêm chút tinh nghịch: Khi trao thẻ lại, tôi cố tình đẩy toang cánh cửa cho gió lùa vào để cô ta tập vui hưởng một chút cái buốt giá bên ngoài cùng với người khác.

Ngồi trên máy bay, chắc tôi sẽ còn nghĩ ngợi nhiều điều. Không biết là những gì nhưng chắc chắn khi rời chiếc phi cơ cũng chính là lúc tôi từ giã "cái nghề" phụ đã giúp kiếm thêm lợi tức cho gia đình và đã giúp giữ sức khỏe cho bản thân. Mỗi ngày lái xe và đi bộ trung bình 5 tiếng, hít thở không khí trong lành, có cơ hội trao đổi chuyện trò, bông đùa qua lại với những người khác, điều này quan trọng vi cô độc dễ đi đến trầm cảm hoặc, nặng hơn, có thể bị điên. Ấy là chưa kể có những lần thấy trăng đẹp quá bèn ngừng xe lại ngắm cái đã, tiền bạc tính sau!. Thử hỏi có ai điên tự nhiên xách xe chạy ra giữa cánh đồng phủ đầy tuyết để ngắm trăng? Thế thì đây rõ ràng là một dịp hiếm ít ra với những người sống nơi thành thị.

Vòng ngoài giao dịch là thế. Còn nói đến cái vòng trong nhỏ hơn thì tôi gặp lại được những người bạn cũ, quen thân được nhiều người mới trong đó có các đồng môn cựu sinh viên quốc gia hành chánh ở Vancouver, ở Edmonton, ở Seattle... Một vài người là văn sĩ, thi sĩ và hoạ sĩ. Vui chán! Thú thật, không có những bạn bè ở địa phương như thế, tinh thân tôi hẳn đã xuống dốc.

Khi bạn đọc tới đây, chắc chiếc máy bay có tôi trong đó cũng sắp hạ cánh. Hai đứa con tôi ở bên ấy sẽ đón tôi về sống với chúng. Rồi tôi sẽ ráp lại giá vẽ, đưa canvas lên, nặn màu ra khay, quệt lên vải và đi vào cõi mộng. Trong những lúc như thế chính là những lúc sung sướng nhất vì hoàn toàn được sống như ý muốn, quên bẵng thực tại. Những lúc ấy xin đừng lôi tôi về thực tế. Nói cho cùng, tại cái vùng Bắc Mỹ này chẳng ai có thì giờ làm rộn mình trừ những đứa con còn cần đến người cha chưa thể thiếu vắng trong đời sống của chúng.

Đứa con sau cùng, Út Ít của tôi có thể là người duy nhất sẽ lôi tôi về thực tế, là người sẽ còn gây phiền hà cho bố, những chuyện phiền hà mà nếu thiếu, cuộc sống không còn là cuộc sống phong phú nữa.

**

- Mai bố cho con đi nhuộm tóc nha bố.
- Màu gì?
- Màu nâu nâu, con thích.
- Bố thấy trời cho sao để vậy. Tóc đen như con, bố thấy đẹp nhất.
- Không cho con nhuộm thì nói thế thôi.
Nhìn phản ứng trên gương mặt tôi giây lát, bé nói tiếp:
- Màu đen đẹp sao bố vẽ nhiều cô gái màu tóc nâu nâu đó!
- Ừ... mà tóc con cũng có đen lắm đâu.

Tôi trả lời vớt vát giống như một viên tướng thất trận vẫn còn muốn bám víu vào những chiến thắng một thời của mình để biện minh. Tôi nhận ra rằng vào tuổi này mà vẫn chưa sống thực với lòng mình, chưa cởi bỏ được hết những kềm kẹp không hợp lý của quá khứ.

Tôi bỏ cọ xuống, lững thững đi lại tủ lạnh rót ly rượu chát, nhâm nhi những giọt vui buồn xen kẽ trong quãng đời mười năm vừa qua./.


A.C.La
Edmonton
1/2010

*****
Những lời thăm hỏi

Về rồi hả? Chừng nào rảnh đ/t cho anh em nhé. Bài viết của anh cảm động lắm... Thân ái. (PQH, Toronto)
***

Mình tưởng như câu chuyện huyền thoại? Phải chăng hành trình cuộc đời con người có cái thực, cái ẩn nó tạo thành thân phận con người? Quả thực mình trộm nghĩ, Vĩnh đang ôm ấp đời sống tâm hồn thật phong phú? Đọc tâm sự của Vĩnh, mình sực tỉnh mình đã khác xưa quá nhiều, phải không? Mong rằng về tuổi già mỗi đứa sẽ có sự bình an trong tâm hồn... Thỉnh thoảng liên lạc cho vui. Bạn hơi bận rộn nên có vẻ quên bạn bè xưa? Hy vọng vĩnh vẫn khỏe mạnh và bình an...(NTH, Sacramento)
***
Dear Vinh:
Welcome back (to toronto)!
Khi nào ổn định nhớ cho mình biết địa chỉ và số điện thoại mới... Ngày 27 tháng 2 anh em ở đây có họp mặt nhau (và có điểm danh), vĩnh có về được không? Mong nhận được tin và cầu chúc vĩnh và gia đình luôn bình an...
sincerely (LQT, Nam California)

***
Thu xếp ra đi sau mười năm là một quyết định lớn trong đời và xáo trộn đời sống không ít tuy nhiên về gặp lại và sống gần gũi cùng các con là niềm vui lớn trong đời là quyết định đúng đắn vì các con còn trẻ gốc rễ cần phải bám trụ cho cây vững sống còn người già chúng ta đã bị bứng gốc rễ nhiều lần rồi nên đã quen không hề chi.
Thì ra Nguyển huynh cũng trôi theo dòng đời khắp nơi từ đông sang tây sống đời "giang hồ" đầy thi vị sông núi viển tây Vancouver hùng tráng núi biển rồi đến vùng đồng bằng Alberta bao la cây cảnh thiên nhiên kỳ thú của bắc Mỹ châu, tâm hồn nghệ sĩ thêm cảnh sinh tình mượn bút cọ diển tả văn thơ và tranh vẽ tô màu sắc thắm cho cuộc đời tha hương lưu xứ thêm đậm đà cộng thêm hảo bằng hữu thưởng thức nhạc hay thơ trữ tình dí dỏm, văn chương truyện lạ , hình ảnh đẹp cùng tin tức thời sự nóng hổi trao đổi tâm tình tri kỷ chia xẻ buồn vui qua trang mạng điện tử tuy xa ngàn dặm mà xem như gần trong gan tấc . Chúc Nguyển huynh mọi như như ý.
Quí mến,
VLH, Florida

***
Tôi vừa trở về Toronto từ Paris được vài ngày, hôm nay thức sớm đọc bài "Vòng Quanh Xứ Tuyết" của anh trên Diễn Đàn Đốc Sự, bài viết chất chứa nhiều tâm sự của anh thật cảm động. Hồi July 1984 tôi cũng giã từ thành phố Lethbridridge, tỉnh Alberta, để dời về Toronto. Làm ơn cho biết khi anh đến Toronto, tôi mong gặp lại anh. Anh em mình cũng nhớ anh lắm. (NVT., Toronto)

Nghe nhạc cuối tuần : I Dreamed a Dream.

Giống như câu chuyện cổ tích "Cô bé lọ lem trở thành Công chúa" của Anderson, người phụ nữ 47 tuổi còn độc thân vui tính, có thân hình tròn trịa quá khổ và khuôn mặt không lấy gì làm bắt mắt nếu không muốn nói chị là người con gái Trời bắt xấu,sống đơn dộc trong một thị trấn nhỏ ít người biết đến của nước Anh, bỗng chốc trở thành nổi tiếng, làm bàng hoàng không những chỉ riêng trong giới yêu nhạc ở Anh, mà còn lan rộng ra cả thế giới khi chị hát thành công bản "I Dreamed a Dream" trong kỳ thi Britain's got Talent hôm 4-11-09 vừa qua.

Đó chính là Susane Boyle mà khi chị hát lên nhửng dòng nhạc đầu tiên "I dreamed a dream in the gone by, when hope was high and life worthy living, I dreamed that love woud never die..." cả nhà hát lớn Luân Đôn, từ giám khảo dến khán giả đã chuyển đổi nhanh chóng từ sự thiếu thân thiện lúc đầu sang cảm mến bằng những tràng pháo tay vang dội tán thưởng giọng hát thiên phú của chị. Susane Boyle giờ đây đã cởi bỏ chiếc áo đơn độc của quá khứ buồn tẻ để bước vào một thế giới mới với những hợp đồng béo bở. Với mơ uớc sẽ có một người đàn ông bước vào đời mình để cuộc sống còn lại được thực sự thăng hoa.

Xin mời các bạn nghe nhạc và kính chúc các bạn và gia đình một tuần lễ hạnh phúc, an bình và vui vẻ.

Thân kính.
TeHong, DS14


****
Rất tiếc trang Utube có bản nhạc do Susane Boyle trình diễn không có embedding. Mà địa chỉ dùng làm link dẫn tới trang đó cũng không bền khi cài vô những trang công cộng. Có lẽ là vì chuyện giữ bản quyền. Xin cáo lỗi cùng quý anh chị.


http://www.youtube.com/watch?v=9lp0IWv8QZY&feature=related

Saturday, January 30, 2010

Thơ Như Thương


Út Như Thương đã ... hết chết rồi,
nên chạy về trình diện Diễn Đàn để
chuẩn bị ăn Tết và lãnh LÌ XÌ !
Út gởi bài thơ mới nhất của Út nghen.

**

SĂN SÓC ĐỜI NHAU

Anh-Em săn sóc đời nhau
Biết đâu mai lỡ nhịp cầu cách ngăn
Cuối đường đuôi mắt - nếp nhăn
Tưởng như xưa ... vẫn tình giăng tơ tình
Nghiêng vai len lén thoáng nhìn
Môi em một thuở chúng mình hôn nhau
Em ơi ngày ấy chũm cau
Nụ hoa chúm chím, đỏ au miếng trầu
Em trong áo lụa đêm thâu
Như dòng thác đổ, bên nhau rộn ràng
Dấu đi ngôn ngữ muộn màng
Nhón chân bước xuống trần gian cõi tình
Trăng khuya chắc sẽ lặng nhìn
Ghen tuông em với thường tình mong manh
Bắt đầu từ chỗ yêu anh
Gối chăn rạo rực vây quanh phiến đời
Lăn tròn hết quãng chơi vơi
Vẫn nghe như thể trùng khơi muôn màu
Chúng mình sẽ rúc vào nhau
Hóa tơ vàng buộc nhiệm mầu nhân duyên.

Như Thương
**

Nhận được bài thơ, A.C.La tôi vội vã post lên để còn lên đường.
Khi an cư sẽ trình bày lại cho duyên dáng hơn.

Tết đến nhớ MaoTôn và Hai Quẹo

Bác Mao thân,
Bị kích thích bởi một loạt bài cách nay 2 tuần trên DĐàn, nói về oan hay hoạn, nay xin ghi lại chuyện vui nhà quê gởi Bác. Bài viết riêng cho DĐ 14.
Thân mến.
LTHổ, Úc Châu
ĐAU NHƯ HOẠN
(Chuyện đồng quê)
Tội nghiệp làm sao cho các loài giống đực, kể cả loài người

Đau ở đâu? Đau cái gì? Đau thế nào?
Chuyện hơi khó nói, vì nó thuộc loại bình dân học vụ. Mà dân hai lúa như tui thì rành sáu câu nên làm gan kể cho quí vị và quí thầy cô nghe cho vui chút chơi rồi bỏ, tuyệt đối hổng được bắt chước. Thông thường sự so sánh trên ám chỉ cái đau về tinh thần, về tâm lý nhiều hơn là về thể chất. Đó là cái đau ngấm ngầm sâu thẳm từ tiềm thức của anh chiến binh bị tước khí giới, của ông hoạn quan trong cung vua chuyên săn sóc gái đẹp mà chẳng làm được cơm cháo gì.

Đây thì muốn nói cái cụ thể hơn, cái nghĩa đen thui đen thùi của nó. Đau như thiến. Cái đau dành cho giống đực. Đau thân xác, đau một cách kỳ cục, đạu tới tột dỉnh của “thú đau thương”. “Đau như bò đá” cũng na ná vậy. Nếu bò đá trúng mông hay lưng thì hổng có gì để nói. Bị trúng ngay cái chỗ “quí mà không hiếm” thì mới hay ho, đáng nói lắm. Cái chỗ cư ngụ của cái cẳng giữa, hay nói khác, là chỗ ngón tay số 11 đó. Quí thầy quen sống ở thành thị, quen việc văn phòng, có khi nào hay dịp may nào để bị bò đá chưa? Đúng ra, không phải là ”đá” mà kêu là “búng”, khác với cái đòn hiểm hạ sách của Lý Tiểu Long hay của mấy bà yếu thế trong giới võ lâm. Ai mà cắc cớ đứng xớ rớ sau đít bò, làm cho nó sợ, thì dễ bị lãnh cú búng giò lái của nó lắm. Búng thẳng ra phía sau, như ngựa búng, và phải trúng ngay bộ chỉ huy tiền phương thì mới tạo nên thời cuộc. Cả cơ quan đầu não sẽ rối loạn. Tay chơn bủn rủn, rã rời, đứng hổng vững, phải ngồi bẹp xuống đất. Hổng có đủ chữ nghĩa để diễn tả cho hết cái đau kỳ quái này. Nó tức anh ách, tê điếng, đục ngừ, lục câm, nặng trịt, sâu hóm, ngấm ngầm, âm ỉ, dai dẳng, lan xa v.v... Ruột gan nôn nao, quặn thắt. Muốn ói mà không ói được, muốn khóc mà khóc không nổi, muốn cười mà cười không ra hơi, muốn mất thở mà phải cố hít hà. Mặt mày xanh lét nhăn nhăn, miệng cười cười mếu mếu, méo xẹo, coi hổng giống con giáp nào hết trơn. Hai tay thì lo bụm chỗ đó mà không dám xoa cho đỡ đau. Cặp mắt lờ đờ, rươm rướm, “ướt mi”. Thân mềm như cái mền rách, mà cảm thấy như bay bổng, quay cuồng trên không, lỗ tai lùng bùng, ù ù như lướt gió. Phê chưa từng!

Quí vị chơi đá banh, hổng khéo bị cú “sút” vô đó thì cũng thưởng thức chút chút, hổng phê và thăng hoa như cái đau bị bò đá. Đây là “thực chứng” mà ai từng làm chăn bò thì may ra mới ngộ được. Sách Tàu gọi đó là bị điểm huyệt. Nghe cũng có lý. Châm cứu dùng thuật nhĩ châm, chỉ châm vành tai mà trị cả bệnh trong nội tạng, bấm bàn chân mà trị được đau gan đau phổi. Thì cái đó chắc phải hơn xa.

Cái ngón tay 11 đó, cũng là tổng đài tiếp vận, là tổng hợp huyệt đạo?. Tai mắt mũi họng ruột gan… đều có đường dây “link” với nó. Một sự cọ sát đều đặn nhẹ nhàng mướt mát sẽ giúp cho lục phủ ngũ tạng thông hơi, phấn khích, và, sẽ phát luồng nhân điện cao thế chạy lên ót rồi xuống tới từng đầu ngón chân, ngón tay. Toàn thân như trẻ lại. Ngược lại, nếu bị mấy bà ghen giận, hay đánh xáp lá cà, mà dứt sĩ chiếu tướng, theo chiêu thức Trần Quốc Toản bóp nát trái cam, thì ôi thôi, cả cơ đồ sụp đổ ngay tức khắc, quan to cỡ mấy cũng đưa tay đầu hàng.

Hơi dài dòng như vậy để quí thầy quí cô thấy và thông cảm cái đau trong trường hợp sau đây. Thiến bò. Thiến theo kiểu cổ truyền nhà quê. Khi bò đực vừa tới tuổi biết yêu thì chủ lựa một hai con đem thiến để kéo xe. Ít ai thiến bò để cày. Thường làm vào buổi chiều. Lựa bãi cỏ dày hay khoảnh đất bằng, trên đó cần có một cây gì đó, bự chừng một ôm, để làm trụ trói. Cần vài thanh niên lực lưỡng giúp. Dùng 2 sợi dây luộc cột chân trước và chân sau cùng một bên, phải hay trái tùy ý, rồi cùng đứng về phía ngược với chân bò bị cột, hè nhau giựt mạnh, con bò bị tréo cẳng, té nằm nghiêng xuống. Ba bốn người chay lại phụ trói, cặp chân trước dính nhau, hai chân sau cũng vậy. Rối kéo nó tới gốc cây, cho cái bụng của nó áp sát thân cây, vòng dây qua trói rút 2 cặp chân lại với nhau, như trói heo để khiêng, khiến nó ôm dính vô gốc cây nằm yên chịu trận. Chưa hết. Để cho chắc ăn, còn phải dùng thêm cây đòn bằng tre dài lòn trong khe chân bị trói, nhờ 2 người đè 2 dầu đòn để giữ cho nó luôn luôn nằm nghiêng, cố định. Bây giờ thợ thiến ra tay.

Thông thường, khi thiến heo hay chó, người ta dùng dao rạch cái bọc rồi móc 2 viên ngọc ra, cắt bỏ, xong lấy kim khâu vài mũi. Dùng lọ chão gang đâm với đọt ổi, thêm chút muối, đâm thật nhuyễn, chế vô chút dầu lửa, làm thuốc, phết phết lên chỗ thiến, buông ra, con vật đứng dậy và chạy được ngay. Đây thì khác. Hổng cần dao kéo gì ráo. Chỉ cần tấm thớt dày như thớt bán thịt quay, một khúc cây dài hơn gang tay làm nọc, và một cái búa bự. Lấy sợi dây thắt miệng cái bị ngọc thật chắc, (cái mà mấy dì vắt sữa, nhắm mắt, bóp lộn, nặn hoài không ra), khiến nó căng tròn như trái cà tím non, rồi kê nó lên cái thớt đe, lấy cái nọc áp từ trên xuống, rồi dùng búa đóng xuống. Bịt. Bịt. Bịt. Đứng coi mà cũng nhói tim thót ruột. Anh bò rống lên mấy tiếng rồi nằm im, chết điếng. Tiếp tục đập nhanh hơn, chảng, chảng, chạch, chạch... cho tới chừng hai hột đậu ngọc xem ra nát nhừ như tương tàu mới thôi. Không rách bọc, không chảy máu. Ảnh nằm như chết, mắt mở to cầu cứu, nước mắt nhỏ từng giọt. Còn có gì đau hơn? Xong xuôi, tháo tất cả dây trói ra, lấy chút rượu đế thoa thoa, hè nhau đỡ ảnh đứng dậy. Ảnh ngoan ngoãn đứng lên, không chút phản ứng, không đi không nhảy, không trả thù khi được chủ lại gần vuốt ve an ủi. Vài ngày sau cái bầu tương hột sưng bự gần bằng trái bưởi Biên Hòa. Sau đó, từ từ teo lại, thịt nát máu bầm chạy đâu mất hết. Vài tuần sau bọc của quí chỉ còn là cái túi nhỏ nhăn nheo như trái khế phơi khô. Ảnh bắt đầu phát tướng.

Nhà tui có hai con bị thiến như vậy. Ngoài việc cho ăn cỏ, còn cho ảnh ăn thêm cháo gạo lứt và uống nước cám. Ảnh mập tròn và hiền lành như bị… thiến. Lên cỡi, thay vì ngồi, tui hay nằm dài trên cái lưng bằng tháng, nắn cái cổ u cao như bờm ngựa, áp má vô, nghe lông mướt rượt, sạch trơn, và toát ra thứ mùi thơm phức như mùi sữa. Khi ảnh được vinh thân phì da như vậy, ra đồng ăn cỏ chung với đàn bò cái, hổng biết ảnh có cảm thấy đau không, hay ảnh cảm thấy tự hào, hãnh diện vì dám hy sinh cái thiêng liêng đó để cho thân mình được mập mạp, mặt nọng da phì. Tội nghiệp làm sao cho các loài giống đực, kể cả loài người, được hay bị hoạn, phải không quí thầy./.

Hai Quẹo,
kể 01/2007

Thursday, January 28, 2010

Năm Hổ nói chuyện Cọp


Cọp Nam Bộ

Phạm Thành Châu

Hổ là chữ Hán, cọp là chữ Nôm. Xin được dùng chữ cọp trong bài cho dễ đọc.

Ông Ba Mươi, ông hùm, ông kễnh là tên gọi con cọp nhưng vì quá sợ "ngài" (sợ như sợ cọp) nên người ta nói tránh ra như vậy. Cũng có tích về tên gọi "ôngt ba mươi" rằng, ngày xưa, miền Trung và miền Nam rất nhiều cọp, chúng thường vào xóm bắt gia súc, hoặc rình vồ người đi trong rừng, vì thế quan trên treo giải thưởng, ai giết được cọp thì được ba mươi quan tiền nhưng cũng đánh ba mươi hèo (tượng trưng) để hồn "ngài cọp" không còn giận kẻ đã giết mình.

Khoảng thế kỷ 17, 18 từ miền trung Việt Nam trở vào đều là rừng rậm hoang vu, thú rừng đầy dẫy, người Việt đi khai phá bị thú dữ như cọp beo, rắn rết sát hại rất nhiều. Sách Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: "Giữa ngày tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, phía Cần Giuộc, từng bầy kéo về chợ Tân Kiểng, trên đường vào Chợ Lớn, làm dân chúng kinh hoàng..." Nghĩa là đồng bào ở quận tư, quận bảy bây giờ đứng bên nầy nhìn qua bên kia sông thấy cọp đi ngờ ngờ, hỏi sao không sợ! Nghe nói trò chơi "Bầu Cua Cá Cọp" do người Tàu phổ biến. Trên miếng giấy vẽ hình các con thú bầu, cua, cá, cọp... để người chơi đặt tiền. Không ai dám đặt tiền vào hình con cọp, sợ thất lễ với "ngài", nên người ta bỏ hình con cọp mà thay vào bằng hình con nai. Đình miếu nào cũng có bình phong vẽ hoặc đắp nổi (phù điêu) hình cọp để thờ "ngài", và họ tin rằng, cọp thật đến, thấy "chúa sơn lâm" trên bình phong là biết "đất đã có chủ". Cọp đánh dấu lãnh thổ mình bằng nước tiểu. Muốn giành lãnh thổ (vùng săn mồi) cọp phải tấn công đối phương. Trước khi xông vào phải nhe nanh múa vuốt, gầm gừ ra oai, nhưng đối phương (trên bình phong) vẫn bình tỉnh, không hoảng sợ, mà phóng vào bình phong thì như đập đầu vô đá, vậy là cọp thật rút lui. Ở chân núi, lối vào rừng, ngày xưa người ta lập "miếu ông cọp" để dân sơn tràng (đi rừng) vào thắp nhang, xin phép sơn thần thổ địa và ông cọp vào núi tìm mật ong, đốn cây, săn bắn, tìm trầm. Đôi khi người ta để ở đấy một con thú nhỏ để ông cọp đến ăn no thì chỉ tìm chỗ ngủ, không bắt người. Ở Ấn Độ, vùng Băng Gan (Bengal), nổi tiếng về cọp dữ. Người dân vào rừng thường mang mặt nạ về phía sau đầu, nhìn tưởng người đi thụt lùi. Họ tin rằng, cọp chỉ vồ từ đằng sau con mồi nên thấy mặt người, cọp theo mãi, vẫn thấy con mồi nhìn mình nên bỏ đi. Người thượng cao nguyên Việt Nam vẫn có tục vác chà gạt trên vai, mũi nhọn hướng về phía sau, cọp biết nếu vồ con mồi sẽ bị đầu nhọn chà gạt đâm nên không dám tấn công. Cọp săn mồi bằng cách bò thật sát đến từ phía sau con mồi. Khi khoảng cách còn độ năm mét, cọp chạy đến thật nhanh và phóng lên lưng con mồi, cắn vào gáy, ôm ghịt con mồi, chờ đến khi con mồi vùng vẫy và đuối sức ngã xuống mới cắn vào cổ họng cho con mồi nghẹt thở chết. Cọp ăn no, tìm chỗ ngủ, không đi đâu nữa.

Châu Phi không có cọp mà chỉ có sư tử và beo (báo). Châu Á cũng có sư tử, nhưng là "sư tử Hà Đông" để chỉ các bà (người) vợ dữ dằn hay ăn hiếp chồng, ghen tương bậy bạ.

Vào các thế kỷ trước, có đến hàng trăm nghìn cọp Châu Á. Hiện nay chỉ còn khoảng năm nghìn (5000) cọp mà đến ba nghìn (3000) đang cư trú trong các sở thú. Việt Nam ta hiện còn khoảng ba trăm (300) cọp, kể cả cọp được người nuôi. Cọp ở rừng thọ độ ba mươi tuổi, cọp nuôi, sống được hai mươi lăm năm. Cọp trưởng thành nặng nhất độ ba trăm kí lô. Dân số cọp giảm vì môi trường sinh sống bị thâu hẹp (phá rừng trồng trọt, xây cất), nguy hại nhất là bị người ta săn bắn để bán cho mấy chú ba Tàu lấy xương nấu cao. Một con cọp lớn cho mười lăm kí xương, theo thời giá cách đây mười năm, bán được hai chục nghìn đô la Mỹ. Một bộ da cọp bán được mười lăm nghìn đô la. Cao hổ cốt không phải nấu toàn bằng xương cọp mà thêm vào xương khỉ, xương nai, xương dê núi (sơn dương) cho đủ bộ gọi là "quân thần tá sứ". Khi có được một miếng cao hổ cốt thì ra tiệm thuốc bắc bổ một thang (thiên niên kiêïn, địa tiên... chủ tiệm thuốc rất rành chuyện nầy) đem về ngâm rượu. Chờ thuốc ngấm, tối, trước khi đi ngủ, làm một ly nhỏ (xây chừng), sáng hôm sau khỏe người, không còn đau lưng, nhức xương nữa. Người đau yếu thì cho độ mười gam cao hổ cốt vào bụng gà ác (gà ri, gà da đen) hay bồ câu non, chưng cách thủy. Khi gà rục, đem ra ăn. Người bịnh nặng không ăn được thì uống nước cũng rất "bổ dương?!".

Báo Hà Nội đăng tin, ngày 17 tháng 10 năm 2009 vừa rồi, công an chận bắt một xe taxi chở hai con cọp đông lạnh. Một con nặng 90 kí lô, con kia 40 kí lô. Người bị bắt khai đã mua cọp ở Thanh Hóa, định đem vào Hà Nội bán. Báo Tuổi Trẻ cho biết, một kí lô xương cọp có thể bán với giá 15 triệu đồng (khoảng $ 832 USD). Một lạng ta cao hổ cốt có giá từ 12 đến 15 triệu đồng, tương đương với vàng! Săn được một con cọp, đem bán, đủ sức xây nhà lầu.

Hiệu quả của cao hổ cốt thì không chắc lắm, nhưng thời xưa, bên Tàu, chỉ hoàng đế, các đại thần, đại gia mới đủ tư cách (có tiền) dùng cao hổ cốt. Có thể đó là một thứ Viagra thời nay vậy thôi. Uống vô thì hăng hái chuyện nam nữ, nhưng sau đó "hết xíu oách". Mấy ông hoàng đế Tàu chết sớm (thường ở tuổi bốn mươi), vì tam cung lục viện có đến mấy nghìn người đẹp, đêm nào cũng "lâm hạnh" vài ba em, chưa đủ vòng thì "hoàng đế băng hà!". Nhiều ông vua "tiếc của trời", chết rồi còn bắt phải chôn sống cung nữ theo với ông ta, để ngài ngự xuống âm phủ còn có người đẹp mà "lâm hạnh" tiếp.

Vì xương cọp ngày càng hiếm nên người ta nấu cao khỉ, nai, dê giả là cao hổ cốt. Có người nấu xương sư tử (cao sư cốt?) cũng đắc giá lắm vì bảo rằng sư tử mạnh hơn cọp. Báo đăng, có một ông Việt Nam qua Châu Phi mua xương sư tử nấu "Cao sư cốt". Không rõ ông ta kinh doanh ngành nầy được bao lâu, nhưng có lần vì tích trữ xương trong nhà thối quá, bay mùi qua hàng xóm, vậy là cảnh sát đến. Ngoài một mớ xương sư tử hôi thối cảnh sát còn tìm thấy rất nhiều sừng tê giác và đô la.

Người miền Nam sinh con trai đầu lòng không gọi là con cả mà gọi thứ hai (thằng hai, anh hai, chú hai...) vì kiêng chức vụ hương cả trong làng. Lại có chuyện kể rằng. Ở làng Châu Bình, tỉnh Bến Tre, lúc làng vừa thành lập, những người được bầu làm hương cả đều bị cọp vồ. Dân làng bèn cử cọp chúa trong vùng làm hương cả. Một buổi lễ được tổ chức ngoài bìa làng. Một tờ cử (nhiệm vụ lịnh) được viết trên giấy hồng điều, bỏ vô ống tre. Một đầu heo làm lễ vật. Chức sắc trong làng cùng dân chúng tề tựu ở đó, long trọng mời cọp chúa làm "đại hương cả". Đêm đó, cọp đến ăn đầu heo và tha tờ cử (làm đại hương cả) đi. Năm sau, chức sắc và dân làng lại tổ chức lễ tấn phong (renew) chức đại hương cả cho cọp chúa. Cũng đầu heo và tờ cử mới đặt ở đấy. Tối đến, cọp ra ăn đầu heo, bỏ tờ cử năm ngoái (đã tha đi), cắp tờ cử mới đi. Cứ thế. Người ta tin rằng, người nào bị cọp ăn thịt thì hồn không siêu thoát mà phải theo hầu con cọp đó (gọi là hổ trành). Hổ trành thường xúi thân nhân ra nộp mạng cho cọp để thế chỗ cho hồn cũ đi đầu thai kiếp khác. Trong tác phẩm "Thần Hổ" của tác giả Tchya (Đái Đức Tuấn?) có kể chuyện hổ trành, lúc nhỏ, tôi đọc, vừa sợ vừa thích.

Dân miền Nam thường nói "Coi hát cọp", là coi hát không phải mua vé vào cửa. Có sự tích như sau. Thời trước, dân mình đi khai phá miền nam rất gian khổ. Đất còn đầy phèn, trồng cây gì cũng chết, lại thêm cọp, cá sấu, rắn rết dẫy đầy "U Minh, Rạch Giá thị quá sơn trường. Dưới sông cá lội, trên rừng cọp đua". Đời sống khó khăn vất vả, bịnh hoạn không thuốc men "muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh", cả đời chỉ lo miếng ăn, chẳng biết thành thị là gì, giải trí là gì! Đến thời thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, dân chúng vùng lên chống ngoại xâm. Những người yêu nước chống Pháp (làm quốc sự) bị truy nã, thường trốn về vùng U Minh, Cà Mau sống lẫn lộn với dân chúng. Họ họp nhau lập gánh hát bội, đi thuyền lang thang, nơi nầy hát vài hôm, nơi khác năm bảy hôm để đồng bào xem. Ai hảo tâm thì cho ít gạo, cá, sống qua ngày chứ không bán vé vô cửa. Để khỏi bị "hùm tha, sấu gắp", dân làng dựng sân khấu giữa sông, theo kiểu nhà sàn, cột bằng cừ tràm, lợp lá dừa nước. Xung quanh lại đóng cừ như hàng rào dưới nước để sấu không thể vào rình mồi được. Người xem bơi thuyền đến, ngồi trên thuyền xem hát cho an toàn. Vậy mà trên bờ, cọp tụ lại cả bầy, cùng nằm xem hát bội với bà con. Khi gánh hát dọn đi, thỉnh thoảng qua đấy, người ta vẫn còn thấy lũ cọp nằm cú rũ, như chờ gánh hát quay lại, diễn cho chúng xem. Như vậy "coi hát cọp" để chỉ người chuyên coi hát chui, không mua vé.

Sau đây là chuyện "Cọp Côn Đảo". Thời Pháp thuộc, tù Côn Đảo vượt ngục nhiều quá. Thực dân Pháp mới nẩy ra sáng kiến, chở ba con cọp ra Côn Đảo, tập họp tù, cho xem để tù sợ không dám trốn trại, rồi thả cọp vào rừng (trên đảo), để cọp bắt thú rừng, rắn rết, chuột bọ và tù (vượt ngục) để ăn. Bọn chủ ngục không biết rằng, khi tù vào làm trong rừng (đốn củi, đục đá cho trại) thấy "con gì cục cựa, trừ con bù lon" là bắt ăn sạch, vì đói quá. Tù đi làm chẳng dại gì đi lẻ tẻ để bị "cọp chụp" (vồ). Thế nên cọp chẳng có gì bỏ bụng, đói meo, đi không nổi, thấy người là lủi chỗ khác. Tù thấy cọp cũng bỏ chạy, nhưng sau, biết cọp đói nên vây lại, đập chết ăn thịt. Thịt được hai con thì cai tù biết, bèn cắt một người tù, mỗi ngày gánh cơm ra bờ biển, đổ ra đấy cho cọp đến ăn. Nhưng ăn cơm thiếu "chất đạm", chẳng bổ béo gì, nên cọp tự "cải thiện" bằng cách mò cua, bắt ốc sống qua ngày. Không ngờ một hôm, cọp gặp một con ốc tai tượng (?) rất lớn đang há miệng chờ mồi (tảo). Cọp thấy thịt ốc ngon quá, bèn thò chân moi thịt ốc. Ốc đóng nắp lại, cọp kẹt chân trong đó. Loại ốc nầy, vỏ kết cứng vô đá, cọp rút chân ra không được. Thủy triều lên, cọp chết ngộp.

Để chấm dứt bài nầy, tôi xin kể vài chuyện về cọp. Ở Mỹ có ông da đen, không phải dân Châu Phi mà lai Căm Bu Chia. Anh ta là vô địch đánh góp (golf). Ở đâu treo giải đánh góp là anh ta đến thi đấu và bợ tiền thưởng với cúp về. Hiện nay anh ta là triệu phú. Nhà chất đầy cúp đánh góp. Anh ta tên Tiger Woods (Rừng Hổ?). Việt Nam ta, xưa kia cũng có ông Lê Như Hổ, nổi tiếng ăn nhiều và đánh giặc giỏi. Cụ Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ kháng chiến chống Pháp được mệnh danh là Hùm Yên Thế.

Người mình thường tin vào số mệnh, nên mới có chuyện kể rằng. Một cậu được thầy bói phán rằng, ngày đó, tháng đó sẽ bị chết vì cọp. Cậu ta sợ lắm, không đi sở thú, biết ai tên Hổ, tên Cọp thì tránh xa. Còn vài hôm là hết "hạn tai ương", cậu ta mừng lắm, đến nhà bạn chơi, thấy trên tường có treo bức tranh con cọp, bèn đập tay vào mặt cọp và nói "Mầy chẳng làm gì được tao" không ngờ trên bức tranh, bà chủ nhà may vá gì đó, tiện tay, gắn cây kim may lên bức tranh, cậu ta đập ta vào cây kim. Hôm sau, bị nhiễm trùng phong đòn gánh, chết.

Hiện nay, người ta chỉ xem tranh mới biết con cọp ra sao chứ ít khi thấy tận mắt con cọp thực, vậy mà cũng có người chết vì bị cọp vồ. Vừa rồi, báo đăng, có hai công nhân trồng cây bên chuồng thú Đại Nam, tỉnh Bình Dương, một con cọp sổng chuồng vồ chết một ông, ông kia nhanh chân nhảy xuống nước thoát chết.

Thêm vài chuyện vui về cọp. Một ông rất sợ vợ và bà vợ rất dữ. Bữa nọ, nhân vợ đi đâu đó, bèn mời bạn bè đến nhà nhậu chơi. Rượu vào lời ra, ông ta phét lác "Các ông sợ vợ chứ tôi tôi thì không. Vợ tôi hỗn hào là tôi trị trắng máu. Tôi dữ như cọp, vợ tôi sợ tôi lắm. Tôi gầm lên là vợ tôi xanh mặt" Không ngờ bà vợ về, đứng sau lưng, mấy ông bạn nhậu ra dấu, ông ta quay nhìn, thấy vợ thì run cầm cập. Bà vợ nhẹ nhàng hỏi "Ông là con cọp. Dữ lắm hả? Tôi sợ ông khiếp vía hả?" Ông ta nhanh trí đáp "Dạ phải. Tôi là con cọp, nhưng bà là Võ Tòng" (chuyện Tàu, có Võ Tòng, tay không đánh chết cọp).

Một ông thất nghiệp, vào sở thú xin việc. Ông giám đốc nói "Sở thú tôi có con giả nhân, làm trò hay lắm. Nhờ nó mà khách đến xem rất đông. Chẳng may, nó vừa chết, chúng tôi lột da để dành. Anh có thể mang lốt con dã nhân đó, vào chuồng làm trò cho khách xem được không? Tôi trả lương gấp đôi công nhân ở đây" Anh ta đồng ý, mang lốt giả nhân vào chuồng làm trò, thiên hạ không biết, vỗ tay hoan hô ầm ỷ. Hứng chí, anh ta nhảy nhót, đánh đu đủ trò. Không ngờ đánh đu cách nào lại văng qua chuồng cọp (hổ), nằm một đống. Con cọp gầm gừ, nhe nanh, múa vuốt xông đến, há miệng cắn con giả nhân (giả). Anh chàng làm giả nhân than một câu "Than ôi, Số ta chết vì miệng cọp!" và nhắm mắt chờ chết. Con cọp ghé sát tai anh ta thì thầm "Anh mới vào làm đây phải không? Tôi làm cọp ở đây hơn nửa năm rồi".

Chuyện cọp đến đây là hết. Sang năm tôi sẽ kể chuyện mèo (năm Mão) cho quí vị nghe.

Phạm Thành Châu

Thơ Xuân






D.Đ: Bài thơ posted sáng nay bị sót hai câu. Bản trên đây mới thật đầy đủ.
Thành thật cáo lỗi cùng tác giả và quý anh chị.

Hoàn cảnh mới, suy nghĩ mới


TÂM SỰ CUỘC ĐỜI

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thóang chốc đã già, chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.
Qua một ngày mất một ngày
Qua một ngày vui một ngày
Vui một ngày lãi một ngày
Hạnh phúc do chính mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sưóng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khoẻ và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an tâm tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, điạ vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khoẻ là của mình. Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ. Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải nhà cha mẹ.

Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chờ báo đáp là tự làm khổ mình. Ốm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.

Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy. Cái được, người ta chẳng hay để ý, cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tuỳ thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quí trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giầu và ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, “trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.

Tốt bụng với mọi ngưòi, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giầu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghỉ cả rồi, ai cũng thế, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm, thích làm thì làm, ai nói sao mặc kệ, vì mình sống đâu phải vì người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình.

Sống trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già, tuổi không già tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu...Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống...) Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh) Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh....đều đã muộn.

Chất lượng sống của ngưòi già cao hay thấp tuỳ thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương có vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già, chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, ngừơi già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“ Hoàn toàn khoẻ mạnh” đó là nói thân thể khoẻ mạnh, tâm lý khoẻ mạnh và đạo đức khoẻ mạnh. Tâm lý khoẻ mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khoẻ mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cách sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên nhiều mầu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ nên có một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều mầu sắc.

Con người ta chịu đựng, hoá giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ lại chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ứơc mơ thủa nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, “quả ngắt vội không bao giờ ngọt”.

Sinh lão bệnh tử là qui luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu chấm hết thật tròn./.

(VN 1)

Tuesday, January 26, 2010

Chuyện mây mưa trong cổ thư

Quyển tiểu thuyết sex táo bạo nhất trong
thư tịch cổ Việt Nam?

NGUYỄN XUÂN DIỆN

Các chuyên gia về văn học cổ đều cho rằng Hoa viên kỳ ngộ là một tiểu thuyết sex táo bạo nhất trong cổ văn Việt Nam. Hiện Hoa viên kỳ ngộ tập chỉ có một bản chép tay duy nhất tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang ký hiệu A.2829, gồm 46 tờ (92 trang) khổ 27 x 15 cm. Tập sách được viết với nét bút rất bay bướm, lão luyện.

Cuộc gặp gỡ ở vườn hoa (Hoa viên kỳ ngộ tập) kể về cuộc tình duyên của Triệu Kiệu, con trai thứ hai của quan Tham chính họ Triệu, người đất Nam Xang thời Cảnh Hưng (1740-1786). Chàng thư sinh họ Triệu khôi ngô tuấn tú, học rộng tài cao. Một hôm dạo bước tới vườn hoa bên cầu Bích Câu, tình cờ gặp Lan Nương và Huệ Nương, con quan Ngự sử họ Kiều, đôi bên quen biết, tình tự rồi yêu nhau say đắm.

Triệu công tử được Kiều Công mến tài cho ở trong nhà để tiện thầy tiện bạn đèn sách. Chàng lân la đến khuê phòng của hai nàng, nhờ được Xuân Hoa và Thu Nguyệt là hai thị nữ của Lan Nương và Huệ Nương hết lòng giúp đỡ nên tự do đi lại. Vượt qua lễ giáo, họ đến với nhau, trai tài gái sắc, trao thân gửi phận, thỏa lòng mây mưa. Về sau Triệu Kiệu đi thi, đỗ Giải nguyên, được quan Ngự sử họ Kiều gả cả hai tiểu thư cho.

Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là tác phẩm văn học cổ Việt Nam. Căn cứ vào địa danh huyện Nam Xang (tên huyện ứng với huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam ngày nay) và tên trấn Sơn Nam được đặt từ thời Lê, có thể tác phẩm này được viết vào khoảng cuối đời Lê.

Cuộc gặp gỡ ở vườn hoa xây dựng những tài tử giai nhân, sẵn sàng vượt qua lễ giáo. Cả hai chị em Lan và Huệ cùng yêu say đắm công tử họ Triệu, giúp nhau cơ hội tiếp xúc với chàng, thậm chí nhường nhau trong buổi giao hoan cùng chàng, rồi cuối cùng là cùng chung “tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian, không còn biết Triệu là Triệu, Lan - Huệ là Lan - Huệ nữa”.

Ở một đoạn khác, tác giả còn để cho Triệu Công tử đề nghị hai tiểu thư Lan và Huệ kéo cả hai thị nữ Xuân Hoa và Thu Nguyệt vào cuộc và hai tiểu thư cũng đồng ý. Thế là một chàng công tử làn lượt giao hoan với hai tiểu thư, cô em trước, cô chị sau, rồi sau đó đến lượt hai cô thị nữ nữa.

Dưới đây, xin trích một vài đoạn từ bản dịch của GS. Nhà văn Phan Văn Các, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm:

“…Sinh (Triệu Kiệu) cả mừng, đưa tay vuốt ve Lan mà nói rằng:

Nàng hết lòng vì tôi như vậy, có thể gọi là con người hữu tâm đó.

Bèn kéo Lan vào lòng, một tay kéo đùi nàng, tay kia mân mê đôi vú, cười mà bảo rằng:

Tuyệt thật, vừa mềm vừa ấm, hệt như thịt đầu gà”.

“…Lúc này lòng dục của Sinh chợt nổi lên. Chàng bước tới ôm lấy mà nói:

Nàng đâu có giữ lời hứa như Quý Bố, tôi đã biết rồi. Phen này tôi quyết chẳng chịu ra về không nữa. Nói xong cố sức đẩy Huệ xuống gối. Huệ cũng không chống cự.

Trong đệm phù dung hải đường máu nhuộm, dưới chăn phỉ thúy, đan quế hương bay. Mày ngài liên hồi chớp chớp mặc cho bướm lượn săn tìm, mắt phượng lim dim mơ màng, không cấm ong bay hút mật. Xiêm màu phấp phới khác nào mưa trút hoa sen, tóc mây rối bời, hệt như gió thổi cành dương. Thật là một khắc ngàn vàng, chỉ giận đêm vui quá ngắn”.

“…Hai nàng nhường nhau hồi lâu, Sinh cũng không thể tự chủ được nữa bèn một tay kéo lấy vài Lan, tay kia mân mê vú Huệ, mặc sức đùa cợt trong chăn phỉ thúy, tận hưởng cuộc hoan lạc trong cõi nhân gian, không biết Sinh là Sinh, Lan Huệ là Lan Huệ nữa”.

“…Một đêm ánh trăng trong trẻo, hai nàng bèn sai Hoa, Nguyệt đi mời Sinh. Sinh đến, Lan bảo:

- Đêm nay cảnh xuân dần đến, trăng sáng giữa trời, cho nên chị em thiếp thết tiệc mời chàng, gọi là Lan Đình thắng hội.

Sinh nói:

- Đối ẩm trước hoa, vào xuân dưới trăng có thể gọi là việc vui thú trên đời đó.Nhưng ta nay được cuộc gặp gỡ tốt lành này, thì cô Hoa cô Nguyệt quả là có công. Đêm nay hãy cùng các cô chung vui, hai nàng thấy thế nào?

Hai nàng đồng ý. Bèn cho trải đệm Phù Lưu, rót chén thuỷ tinh, ba người vào tiệc. Rượu đã ngà ngà, Sinh ôm Lan vào lòng, sai Hoa, Nguyệt chúc rượu. Huệ thì hát mời Sinh...

Ca vừa xong thì Sinh kéo Huệ đè xuống. Huệ nói:

- Trăng sáng giữa trời thế kia, sao có thể làm vậy?

Sinh nói:

- Bể biếc trời xanh cũng chiều lòng, Quảng Hàn muốn vậy mà không được, há lại ghen nhau sao?

Rồi đẩy ngã vào trong đệm, phỉ sức mây mưa. Xong rồi Sinh lại kéo Lan, Lan cũng không chống lại. Bắt chước theo hình dáng chim âu chim vụ, phỏng học theo tư thái uyên ương, quả là niềm cực lạc trong cõi nhân gian. Sau đó đến Xuân Hoa. Lúc Xuân Hoa giao hợp với Sinh, lòng xuân rạo rực, mặc cho Sinh muốn làm gì, không hề mảy may khó khăn. Sau đó đến Nguyệt, Nguyệt không chịu. Sinh nói:

- Đất đai trong thiên hạ, mười phần ta đã có được tám chín, nay chỉ còn mảnh đất nhỏ bằng viên đạn, sao dám chống cự vương sư?

Rồi bế vào trong đệm, mặc sức mây mưa. Hoa binh nguyệt trận, nhung mã tung hoành. Giao hoan xong, Sinh lại cùng hai nàng đối ẩm. Uống mãi cho đến khi trăng lặn sau núi, bất giác say mèm. Các nàng vực chàng vào ngủ”

Qua một số đoạn trích trên thấy người xưa cũng sex táo bạo quá. Nhà Nho mà viết về sex như thế thì thật quá lắm. Ta lý giải làm sao, khi đặt Cuộc gặp gỡ ở vườn hoa vào trong văn chương cổ Việt Nam, đột khởi một cái mấu ghê gớm như vậy. Sách thì Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu trữ. Các nhà nghiên cứu xếp nó vào tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam. Nội dung sách có địa danh Nam Xang, Sơn Nam là những địa danh Việt Nam. Các chuyên gia về văn học cổ đều cho rằng đây là một tiểu thuyết sex táo bạo nhất trong cổ văn Việt Nam. Thế thì sex Việt cổ cũng đáng gờm lắm, chứ đâu phải đợi đến các cây viết trẻ hôm nay!

Tưởng thế! Mà hình như lại không phải thế! Mới rồi, Phạm Văn Ánh ở Viện Văn học đã nghiên cứu văn bản này, và tỏ ý ngờ rằng có thể các cụ ta “tiếp biến” từ vài cái tiểu thuyết của Tàu. Chưa biết thực hư thế nào.

(Anh NĐPhúc giới thiệu)

Monday, January 25, 2010

Thăm lại chốn xưa

Những ngôi mộ bị bỏ quên

Nhiều người trong chúng ta đã chết trước khi đến bến bờ tự do trên đường vượt thoát chế độ cộng sản. Nhiều người khác trong khi chờ đợi để được phỏng vấn đi định cư ở những nước bảo trợ cũng đã chết vì thời khí bệnh tật. Xin bấm vô đây để đọc những bài phóng sự do các thiện nguyện viên trở lại thăm những trại tạm cư viết ra.


(Anh Nguyễn Văn Sáu chuyển tin)

nghe ra

Hán Cao Tổ ngồi trên bệ rồng, hỏi Khoái Thông đang quỳ dưới sân:
- Nhà ngươi theo Hàn Tín khi còn sinh thời và làm việc dưới trướng của hắn, có phải vậy không?
- Muôn tâu bệ hạ, dạ phải.
- Nhà ngươi xúi Hàn Tín phản lại ta chia ba thiên hạ để làm vua một cõi có phải vậy không?
- Muôn tâu bệ hạ, dạ phải.
Hán Lưu Bang, đưa tay chỉ vạc dầu đang sôi sùng sục, phán:
- Luộc!
Khoái Thông la lên thất thanh:
- Khoan! Khoan đã! Xin để thần nói thêm.

Tuy bản tính độc đoán và tráo trở, Lưu Bang cũng cố nhẫn nại:
- Tội nhà ngươi rõ ràng như ban ngày, còn muốn nói năng gì nữa?
- Muôn tâu thánh thượng, nếu thần theo hầu Thánh Thượng, thần ắt phải trung thành với Thánh Thương, mưu cầu điều tốt lành cho Thánh Thượng. Đã theo hầu Hàn Tín, thần phải trung thành với Hàn Tín, mưu cầu điều tốt lành cho Hàn Tín. Bệ Hạ luộc được thần, nhưng những người trung tín trong thiên hạ, làm sao mà luộc hết được!

Lưu Bang nghe ra, thả cho Khoái Thông đi.

Hai ngàn năm trước, một người mang tiếng là vắt chanh bỏ vỏ, sau khi dẹp Hạng Võ, chiếm được ngôi báu, lại càng tỏ ra hách dịch, xử sự độc đoán, ấy vậy mà vẫn còn nghe ra lẽ phải.

Ngày nay cả một nhóm người tư xưng là đỉnh cao trí tuệ loài người, lại bịt tai không muốn nghe lẽ phải. Có biết bao nhiêu người vì tiền đồ của tổ quốc, vì công bằng xã hội, vì quyền sống của con người đang nói lên sự thật. Bịt miệng được một người, bỏ tù được vài người, làm sao bỏ tù bịt miệng hết được những người như thế!

Điền Thảo

Sunday, January 24, 2010

Thơ Phan Nghĩa, CH6



Click to enlarge

Nghe nhac cuoi tuan

Mơ Về Nơi Xa lắm
Mến tặng các bạn ĐS.14


Với " Mơ về nơi xa lắm", Phú Quang có một Hà Nội để thương,để nhớ ,để mơ về nơi xa ấy.Còn tôi,tôi có một Học Viện, ngôi trường thân yêu đã cùng các bạn bao năm đèn sách cho một ước mơ ,cũng để thương, để nhớ, để mơ về.

Hơn một tháng trước, NTVĩnh đã cho tôi cái cảm xúc được sống lại thời trai trẻ tại Học Viện của những năm 1966-1969 với bao kỷ niệm khi anh cho post trên DĐ/CSV/QGHC những tấm hình Học Viện mới nhất và các bạn đồng khóa còn lại ở quê nhà do anh chụp trong chuyến về VN vừa qua như thể Học Viện vẫn còn là của tôi,của các bạn.

Nhưng tất cả chĩ còn là dĩ vãng, chỉ còn là nỗi nhớ, chĩ còn là kỷ niệm và chỉ còn là ước mơ được mơ về Học Viện, mơ về bạn bè kẻ còn người mất với nhiều luyến tiếc khôn nguôi.

San Jose của chúng tôi chìm trong mưa bão cả tuần nay, trong cái se lạnh động về, tôi ước ao biết bao nếu như tôi cũng được gửi gấm tâm tư mình về Học Viện QGHC của tôi như Phú Quang gửi về Hà Nội để các bạn cùng nghe:

"Ta mơ thấy em,ở nơi xa lắm,một Hà Nội ngây ngất nắng,một Hà Nội run run heo may.Dạ khúc đêm nay,một mình em,một minh ta.Tiếng lá rơi vô tình bên song cửa,em bơ vơ,ta thấy mình mong nhớ.Một giọt sương rơi như giọt nước mắt buồn...".

Trong tâm tình ấy,xin được cảm ơn NTVĩnh cũng như cảm ơn BĐDanh,TANinh,NĐDTín,chị CMTâm đang rộn ràng chuẩn bị đưa đón cùng xắp xếp nơi ăn chốn ở cho các bạn ĐS14 về họp mặt đầu Xuân Gíap Dần tại Nam Cali,đặc biệt cảm ơn anh chi HVQuế đã vì một ĐS14" luôn cùng nhau tắm chung một dòng sông" đứng đăng cai tổ chức dịp hội ngộ qúy hiếm 27/2/2010 cho anh em.

Chúc các bạn và gia đnh năm mới hạnh phúc,an bình và gặp nhiều may mắn.

Thân kính
TeHong


Saturday, January 23, 2010

Sao băng

Đồng quê là lùm cây, là hương cỏ dại, là con dế mèn, là hớp nước mưa. Chốn đồng quê trăng vằng vặc, sao lấp lánh phủ kín bầu trời về đêm. Về đêm bản tình ca muôn thuở vang lên từ đồng ruộng bát ngát. Thi ca tình tự cũng từ đó phát xuất. Những lời tình tự nương theo sao băng mà vang lên.

Này em tình ta như sao băng vụt loé sáng rồi chợt tắt chăng?

Like shooting stars we shine and then we fade,
Breaking the promises we made.
What about the promises?
What about the promises we made?
What about our plans for forever?
Did they scare you?
Did you need to get away?
Cha ơi hãy như sao băng chiếu sáng đêm tối đường con đi.
With open arms You came running so far
To show who You are and who I am
Only You can change a heart
Like a shooting star You soar through the darkest of nights
To catch my eyes and guide me to the Father's arms
Anh hỡi, hãy ôm em. Ta về đâu trên con đường vô định này. Nhưng ít nhất ta còn có nhau.
"When I wonder where You're leading me
With no direction, walkin' aimlessly
Still You're ever faithful
Still You're ever strong"

"Your arms, they're always wrapped around me
Your arms, they'll never cease to hold me
Hold me"
Hãy dìu nhau mà đi!

Điền Thảo

Friday, January 22, 2010

PHÂN ƯU


Vô cùng xúc động nhận được tin buồn:
Thân phụ đồng môn Huỳnh Văn Phước (ĐS17) là

Cụ Ông HUỲNH TRUNG VINH

vừa thất lộc ngày 22 tháng 01 năm 2010 tại Bạc Liêu, Việt Nam.
Hưởng thọ 85 tuổi

Xin thành kính chia buồn cùng Anh Chị Phước và tang quyến
Nguyện cầu hương linh Cụ Ông sớm được tiêu diêu miền Cực Lạc
**
HỘI CỰU SINH VIÊN QUỐC GIA HÀNH CHÁNH NAM CALIFORNIA

Thơ Hàn Thiên Lương, DS7







Click to enlarge

Thursday, January 21, 2010

HỒI KÝ

CHUYẾN ÚC DU
CỦA NHÓM ĐỐC SỰ 16


Nguyễn Vũ, ĐS16

Chuyến bay China Airline từ từ đáp nhẹ trên phi đạo, người chiêu đãi viên của Công ty hàng không Taiwan với một giọng nói líu lo, chào mừng hành khách đến Sydney.. mở đầu cuộc viếng thăm Úc Châu của tôi. Tuy đã từng đi đó đây, nhưng đây là lần đầu tiên tới Úc và được quan thuế Úc chào đón một cách thật niềm nở, một sự “niềm nở” khó quên.. âu cũng là một kinh nghiệm để đời.


Tôi dáo dác tìm Đặng Văn Hiền, người bạn cùng lớp ĐS16, đã có nhã ý mời các bạn cùng khóa ghé thăm Úc Châu.. Theo chương trinh, buổi sáng nay, 7 tháng 11 năm 2009 thì chị Lan Phương và phu quân là Bác sĩ Lê Kim Lộc cùng Kiều Tiên và chồng là Cựu Đại Tá Bùi Trầm đã đến Sydney sau 15 tiếng bay từ Los Angeles, còn tôi bay từ Vancouver qua Taipei và đến Sydney sau .. Gặp Hiền, hai đứa tay bắt mặt mừng, hàn huyên.. Về đến nhà thì khách đã đi nghỉ vì cơn mệt sau một chuyến bay dài..

Ngày thứ nhì thăm thành phố Sydney:

Buổi sang thức giấc sớm, vì không quen giờ giấc, một phần vì tiếng chim kêu rất lạ tai .. xuống nhà thì gặp ngay anh Lộc, như đã quen từ lâu, dù mới gặp lần đầu, tôi đã có những cảm tình đặc biệt với anh.. không phải vì anh khen tôi.. “trông cao ráo to con..”. Gặp lại chị Lan Phương sau gần 40 năm, nhưng hình như đã gặp nhau nhiều lần.. chắc tại vì Tỷ Phương trên Diễn Đàn ĐS16 đã làm nhạt đi 40 năm xa cách đó.

Bữa điểm tâm do chị Hiền lo thật ngon miệng, bánh cuốn chả lụa, mặc dù chị đang bận rộn với đứa cháu ngoại mới chào đời.. Tôi gặp anh Trầm và Kiều Tiên 4 năm trước đây, khi hai ông bà ghé thăm Vancouver.. nên trông cũng không mấy thay đổi.. Một lát sau, anh Tâm, Tham Sự 1 ghé thăm và tháp tùng phái đoàn ĐS16 khám phá Sydney.

Chúng tôi leo lên xe lửa gần nhà, hôm nay là chủ nhật, vé xe thật rẻ vì trong chương trinh khuyến khích mọi gia đình dẫn con cái đi ra ngoài sống với thiên nhiên.. Như vậy cả 7 mạng chỉ trả có 15 đô cho cả một ngày. Xe ngừng tại một trạm ngay trung tâm du lịch nổi tiếng tại Sydney với tòa nhà con sò.. Chúng tôi gặp lại chị Đỗ Thị Anh, cùng lớp ĐS16. Chiều hôm qua, Chị Anh đã ghé thăm phái đoàn trong lúc tôi còn đang.. đi trên mây. Gặp lại Chị Anh chắc cũng gần 40 năm rồi. Chị không mấy xa lạ.. dĩ nhiên với thời gian ai mà không thay đổi, nhưng tinh thần thì chắc không.. Tôi được chị Anh đón tiếp trong niềm vui và cảm động..

Trời lất phất mưa, nhưng mọi người tỉnh bơ.. những hàng phượng tím được các chị thích nhất.. máy ảnh của tôi vội ghi lại như điên cuồng những hình ảnh kỷ niệm khó quên này.. Bên bờ sông, một ban văn nghệ bỏ túi của những thổ dân Úc, da họ đen, vẽ sơn vôi đầy mìnhvà chơi những nhạc cụ của thổ dân.. mọi người tụ quanh rất đông để thưởng thức. Cái hay là phải hòa mình vào cuộc vui.. hai ông con rể ĐS16 chịu chơi hết minh.. cùng ngồi múa hát với những nghệ sĩ thổ dân bản xứ.. và độc đáo hơn, anh Lộc đã cởi trần để hòa minh với người nghệ sĩ thổ dân này. Yé ! Yé ! Chỉ thua vì da anh trắng qúa, và bụng không mấy phệ.. có lẽ anh phải rủ Mõ Làng để show cái..pụng pự thì hai anh em mình hợp lại thì may ra mới địch lại ông bạn thổ dân này..

Chúng tôi bước lên Ferry để đi qua phía bên kia bờ Sydney, nơi tập trung du khách với những hàng quán tấp nập.Có bãi biển với sóng đánh mạnh và thích hợp với môn thể thao trượt nước. Hai bên bờ, phong cảnh thật đẹp.. Tầu chạy khoảng nửa tiếng thì đến bờ.. cơn mưa nhè nhẹ vẫn rơi vào những ngày cuối xuân, vì ở nam bán cầu, nên thời tiết Úc châu ngược hẳn với Bắc Mỹ, mùa Noel tại Bắc Mỹ thì tuyết phủ trắng, thì tại Úc châu.. tháng 12 lại là những ngày hè nắng và nóng, có ngày lên trên 40 độ C.

Tôi ngạc nhiên khi thấy đời sống Úc, lắm thứ qúa đắt, lắm thứ lại rẻ.. một tô phở, có chỗ bán tới 12 đồng, mà tiền Úc lại cao hơn tiền Canada, nhưng rẻ hơn tiền Mỹ, một ký lô chuối, gía 5$50.. dễ sợ.. nhưng trong khi đó, vào một pub để ăn steak, bò Úc qúa ngon lại rẻ nữa.. một phần steak không thuế, không tip trả 10$00.. rẻ hơn phở. Có lẽ vì vậy mà lương tối thiểu vào khoảng 17$00/giờ.. Phương tiện công cộng chính cũa Sydney là xe lửa, Xe hơi thì tay lái bên phải, ngược lại với Bắc Mỹ, tụi tui đành..cùi vì không dám lái, húc xe khác là cái chắc..

Buổi tối, phái đoàn tham sự một buổi sinh hoạt Cộng Đồng: tiệc của gia đình Quân cảnh Úc Châu.. Tuy là gia đình Quân Cảnh, nhưng anh Hội Trưởng là một Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh và biệt phái ngoại ngạch mang cấp bực Đại Úy Quân cảnh trước 1975, và hôm nay anh được bầu là Chủ tịch Liên Hội Quân Cảnh Úc Châu. Dân QGHC cũng văn võ song toàn chứ bộ..

Ngày thứ ba đi thăm Melbourne

Đi thăm Úc thì phải ghé thăm đây đó cho bõ gần 30 chục giờ bay và chờ đợi tại phi trường.. nhóm chúng tôi đã lấy sẵn vé đi Melbourne. Từ Sydney tới Melbourne mất khoảng 1 tiếng rưỡi bay, gía lại qúa rẻ, one way chỉ trả 39$00 kể cả thuế.. không lẽ vì qúa rẻ nên chuyến bay bị delay hoài. Nhưng service thì tốt, khách hàng được mời những ly nước cam thật tươi với gói bánh cookie thật thơm.. trả 39$00 đồng mà Mõ làng đòi hơi nhiều.

Tới phi trường Melbourne, phái đoàn được hai nhóm bạn ra đón, bên Hành chánh có anh Trần Kim Thái cùng lớp, anh Nguyễn Ngọc Diệp ĐS14, một người cùng một thời chạy tỵ nạn tại Bình Dương, anh lo dân Phước Long, tôi lo Bình Long.. hai ta cùng là.. chiến nạn. Bên phía Hội Vỏ Bị (QG Đà Lạt) có anh chị Trần Cẩm Tường khoá 19 ra đón huynh trưởng Bùi Trầm khóa 5.. Nhưng một niềm vui hơn, anh Trần Cẩm Tường lại chính là Thiếu Tá Quận Trưởng An Lộc, người hùng tử thũ Bình Long trong trận chiến mùa hè đỏ lửa 1972, đã cùng với tôi làm việc với nhau trong cuộc chiến. Tay bắt mặt mừng, hơn 40 năm gặp lại.. huynh đệ chi binh, bạn đồng môn, đã gắn liền tình bạn, dù xa cách mấy chục năm, hay chưa bao giờ gặp nhau.

Phái đoàn được anh Thái, anh Diệp mời ra khu phố Việt nam để đãi phở.. không hiểu vì đói hay phở ngon, với những miếng thịt bò tái rất mềm, thái tay và bánh phở tươi, sợi lớn.. mà một tô bự.. bay vèo. Cái khoái của tôi là thử phở.. nhưng xin đừng có nghĩ chuyện so sánh cơm với phở trong truyện vui dân gian trên mạng nghe bà con..

Buổi chiều, chúng tôi đến nhà anh Thái, anh Thái đen với biệt danh Thái Cẩu hàng vì là nơi anh cư ngụ, bây giờ không còn là Thái ngày nào khi mới ra trường.. Anh đã trên 70 mà vẫn còn tráng kiện, anh đãi chúng tôi với Hội QGHC Melbourne một bữa BBQ thật ngon và vui,. Tại đây tôi gặp lại anh Trịnh Nhạc Phi, ĐS17 một thời làm chung với tôi tại Bình Long.. vẫn dáng người ốm, nhỏ ngày nào.. anh em gặp lại nhau thật mừng và ôn lại bao kỷ niệm.. Phi cho tôi xem tập hồ sơ của Hội Hồng Thập Tự gửi cho Phi để báo tin là không tìm ra tông tích của Phạm văn Thắng, cùng khóa.. mà ngày nào hai đứa cùng đáp xe đò lên Bình Long nhận việc sau ngày ra trường, và tôi chọn đi Quận Chơn Thành, còn Thắng ở lại làm Trưởng ty Nội An. Tôi yên lặng nghỉ vể Thắng, vì biết anh đã mất tích trên đường vượt biên.

Ngày thứ tư thăm vùng biển Melbourne

Buổi sáng thức giấc thật sớm chờ xe đến đón, chị Lan Phương gặp lại bạn từ hồi học chung Đồng Khánh Huế sau hơn 50 năm, nhìn hai chị hàn huyên thấy vui qúa..Bữa điểm tâm tại Hilton On the Park Hotel thật ngon và cũng đáng đồng tiền.. Chị Ngọc Lan, bạn xưa của chị Lan Phương cũng cùng đi chung trong chuyến khai phá Melbourne.

Trịnh Nhạc Phi hôm nay xung phong làm tài xế xe bus 12 chỗ, với anh Thái làm hướng dẫn viên, trên xe đã chuẩn bị sẵn cơm tay cầm do chị Thái lo lắng.. phái đoàn được hướng dẫn đi một vòng bờ biển bao quanh Melbourne như một hình cánh cung, và có đoạn phải đi ferry, nếu không muốn trở lại đoạn đường cũ

Thắng cảnh vùng này thiên về biển vì Melbourne nằm trong một eo biển, nhiều rặng cây dừa bên nước biển trong xanh, trời vào hè nên tạo thành những hình ảnh thật tươi mát.. tuy trời khá nóng. Buổi trưa, phái đoàn được đãi bằng cơm tay cầm, thịt nướng và những lon bia lạnh.. Tham dự cuôc viếng thăm Melbourne với phái đoàn, còn có các chị Ngoc Sương, anh chị Đỗ, một CSV/QGHC và nhất là với sự hiện diện của một anh ĐS 8, bị bệnh tai biến mạch máu nảo sau một tai nạn xe hơi.. nhưng anh vẫn cố gắng đi chung cùng phái đoàn. Một ngày qua thật nhanh, mệt nhưng thật vui.

Ngày thứ năm thăm vùng núi Melbourne

Hôm nay thật đặc biệt, buổi điểm tâm bằng những món ăn Huế thật ngon, Chị Bùi Ngọc Lan hiện đang là một giáo sư tại trường trung học tại Melbourne, chị đã từng phụ trách mục nấu ăn trên đài phat thanh Úc Châu, chị cũng ra những tập sách dạy nấu ăn, làm bánh trái.. nên những món ăn Huế ngay tại Hilton Hotel qủa khó quên, đó là chưa kể chị đã xuất bản sách về phong thủy.. Cám ơn chị Ngọc Lan..

Xe bus đến đón chúng tôi đúng 9 giờ sáng, anh Thái và Phi cùng một số bạn bè, thân hữu.. có cả anh chị Phong-Nguyệt ĐS17. Hôm nay phái đoàn đáp lời mời của anh chị Trần Cẩm Tường đến dùng bữa ăn trưa.. nhưng trước đó, Anh Chị Tường sẽ hướng dẫn phái đoàn thăm một vài thắng cảnh về phía tây Melbourne, nơi vùng núi cao, ngược lại vùng biển mà ngày hôm qua phái đoàn đã đến thăm.

Thăm đỉnh núi Dandenopg

Đỉnh núi Dandenopg nằm về phía tây của Melbourne, đường lên khá ngoằn ngoèo, nhưng được điểm, xe có thể lên tới đỉnh để đậu.. khỏi lo phải hát bài hò dô ta.. leo núi..Từ trên đỉnh núi, du khách có thể nhìn thấy toàn diện thành phố Melbourne ở xa xa.. Vừa vào.. đã thấy một chiếc ghế của gả khổng lồ (Giant’ chairs) mà 6 chị trong phái đoàn ngồi vẫn rộng.. Vòng trên núi là khu vườn bách thảo mà đặc biệt với cây ước nguyện (wishing tree) mà theo tục truyền, lên đây ước gì sẽ được toại nguyện.. Khi thấy tôi leo lên, Thiếu tá Tường hỏi ông ước gì ? tôi nhanh nhẹn trả lời.. ước gì khỏi té.. mà linh thiệt.. bữa đó.. không bị té.

Thăm khu rừng két:

Rời núi Dandenogp, chúng tôi được đưa đến một khu rừng mà theo Thiếu Tá Tường thì có hàng ngàn con chim két rất dạn.. Lúc mới tới, chỉ thấy một con.. tôi hơi thất vọng, vì trời nắng, két thường ở sâu trong rừng tìm bóng mát.. Nhưng lúc đến gần với vài gói hạt cho chim ăn làm mồi nhử két.. thì từ trên cao.. đàn két hàng trăm con lao xuống như những phi đội Thần Phong trong trận Trân Châu cảng, .. Đa số là két trắng, một ít két đỏ xanh.. Chúng dạn dĩ đậu trên đầu, trên vai, trên tay mọi người, anh Thái cười.. đau khổ vì két bu nhiều, cánh tay bị chảy máu vì hôm đó trời nóng, ai cũng mặc T-Shirt, nến móng nhọn của két bấu thậr sâu.. Riêng Mõ Làng tôi, có được một tấm hình thật độc đáo, mặt mũi nhăn lên vì két cào, tuy không bị chảy máu, nhưng cánh tay bị cào rất nhiều vết..

Thăm hồ đãi vàng.

Hồ đãi vàng là một hồ khá lớn bên cạnh núi, không mấy xa rừng két, nước hồ trong và lấp lánh những ánh vàng, du khách đến đây có thể lọc tìm vàng.. nhưng..”tìm em như thể tìm chim, biết mô mà tìm.... giữa một cái hồ bát ngát này.. tìm đâu ra vàng bây giờ.. Có chăng ghé lại những tiệm bán nữ trang là.. nhanh nhất.

Trời đã qúa trưa, đi cũng nhiều.. phái đoàn ghé về nhà anh chị Trần Cẩm Tường để ăn trưa, trong khi chờ đợi.. chúng tôi ghé thăm vườn hoa, vườn rau và chụp những tấm hình kỷ niệm. Tuy là bưa ăn trưa, nhưng khá thịnh soạn, có bia lạnh, có rượu vang.. . Rượu vang Úc thật ngon, tôi ghiền rượu vang, thử nhiều loại.. nhưng vang Úc vừa ngon vừa rẻ. Rượu vang lại có bò tái chanh.. bò Úc thật tươi và mềm..

Xin cám ơn Anh chị Trần Cẩm Tường với những ưu ái dành cho phái đoàn, mong có dịp gặp lại...…

Trở lại Melbourne sau một ngày dài đầy thú vị..Phái đoàn lại được Hội QGHC Melbourne khoản đãi tại một nhà hang buffet seafood.. Anh em mới gặp nhau lần đầu mà lo lắng cho nhau qúa chu đáo. Anh Nhan Tử Hà Khóa 19 lo việc đón đưa phái đoàn.. và anh cứ thắc mắc hỏi tôi về một bóng hồng cùng lớp. Thôi xin khất anh nghe! Câu chuyện ngày xa xưa đó, xin để vào dĩ vãng !

Ngày thứ sáu thăm phố xá Melbourne

Hôm nay là ngày chót ở Melbourne, tất cả đều dành cho shopping… Chị Ngọc Lan đến hướng dẫn đi bằng xe lửa đi sắm sửa. nhưng cũng không quên mang theo các món ăn Huế.. vì hôm qua ăn chưa đã thèm. Chúng tôi check out Hotel và gửi lại đồ đạc.. Mõ Làng và anh chị Lộc Phương được ở free.. vì vợ chồng Kiều Tiên có cổ phần trong khách sạn, không chỉ riêng tại Melbourne mà còn tại khắp nơi chỗ nào anh chị ấy muốn. Cám ơn anh Trầm và Kiều Tiên nghe !

Chiếc xe lửa (một loại xe điện chạy trong thành phố) chạy dọc các khu thương mại.. Ô kìa, những gian hang nổi danh như Louis Vuitton, Chanel, Cartier đều ngang qua, nhưng xe không chịu dừng, hóa ra mục tiêu là chợ trời mang tên Nữ Hòang Anh. Khu chợ trời rất rộng mà anh chị Phong - Nguyệt có 3 gian hàng trong này.. Thôi thì tha hồ sắm nhé, những đôi vớ, những chiếc nón, những đồ kỷ niệm tha hồ không cánh mà bay vào túi sách.. nặng muốn chết.. anh Lộc ngao ngán cảnh.. lẽo đẽo theo sau chị Lan Phương đang sắm sửa, bèn rủ tôi với anh Trầm ra ngồi quán café chờ đợi.

Trở lại khách sạn lấy hành lý chờ xe đến đón tới nhà anh chị Trần Kim Thái để ăn cơm tối trước khi ra phi trường về lại Sydney. Trên đường về nhà, chúng tôi ghé thăm một ngôi chùa Việt Nam đang được xây cất mới, xừng xững trên một ngọn đồi, chánh điện nhìn xuống thung lũng với giòng sông chảy uốn khúc. Nghe nói kinh phí xây chùa, cả đất đã lên đến gần 20 triệu Úc kim.. đây là sự đóng góp của Phật Tử tại địa phương và của ngay cả chính quyền tại địa phương nữa. Chúng tôi ghé thăm nhà của anh Trịnh Nhạc Phi, nhưng vội vàng vì hảng máy bay nói chuyến bay bị hủy bõ (của rẻ có khác) và không biết phái đoàn có chuyến về tối nay hay không? Cùng đi về Sydney, có cả anh Thái và hai đồng môn khác cùng về để tham dự Đại Hội Liên Bang QGHC vào sang Chủ Nhật.

Bữa cơm than mật thật ngon miệng, vỉ Chị Thái nghĩ mấy hôm phái đoàn không có hạt cơm nào vào bụng.. y chang, với canh dưa chua, cá kho tộ.. được chiếu cố tận tình.. No bụng, phái đoàn trực chỉ phi trường cho kịp.. cãi lộn với hãng hàng không. Nhưng may qúa, chưa kịp cãi thì có vé cho chuyến kế tiếp.

Gĩa từ Melbourne nhe ! Xin cám ơn tất cả những tấm lòng thân ái của tình bạn, tình đồng môn, và tình chiến hữu.

*
* *

Ngày thứ bảy thăm thủ phủ Canbera:

Như đã chuẩn bị, chúng tôi dậy thật sớm để cùng nhau đi thăm Canbera, thủ phủ Úc Châu, có Hiền và anh Thái tháp tùng.. Hiền sẽ hướng dẫn thăm các trụ sở Chính phủ, Lưỡng Viện Quốc Hội Úc và thăm khu vực các cơ sở ngoại giao đoàn. Chúng tôi thuê một xe 12 chỗ, do một công ty người Việt tổ chức và hướng dẫn, trạm đầu tiên nghe nói đi thăm con trừu.. tôi nghĩ đi thăm farm nuôi trừu, nhưng thật ra chỉ là một nơi bán đồ kỷ niệm trong một căn nhà được xây dựng dưới hình một con trừu cao hơn 30 feet.. ai ai cũng chụp ghi lại vài tấm hình, nhất là bộ ba anh Trầm, Hiền, Mõ Làng tươi rói chụp chung với 3 cô gái quê (?)

Canbera cách Sydney khoảng 2 tiếng lái xe, chúng tôi vào thăm phòng họp của lưỡng viện quốc hội.. Hiền hướng dẫn phái đoàn và giải thích vị trí của mỗi ghế trong Quốc Hội.. Khi ghi lại hình ảnh, chúng tôi đùa nhau, mỗi người đóng vai trò thuộc các đảng trong chánh quyền.. cũng vui được đôi chút.

Rồi ghé thăm bảo tàng viện chiến tranh mà đặc biệt, những hình ảnh sống động của những trận đánh tên tuổi như tại Long Tân, mà quân đội Úc đã chiến đấu tại Việt Nam. Nhìn những đoạn phim ghi lại những hình ảnh mà những thanh niên Úc còn rất trẻ, đang chiến đấu dưới cơn mưa của lửa và đạn..

Họ chiến đấu vì ai? phải chăng vì nền hòa bình của đất nước chúng ta. Xin một giây phút nghiêng mình cho những quân nhân Úc đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam

Ngày thứ tám , rời Úc Châu:

Một tuần lễ trôi qua, tôi nhận được hung tin giữa đêm khuya.. người anh cả trong gia đình đã từ trần sau cơn bạo bệnh.. Chương trình thăm viếng Úc còn dài, Đại Hội QGHC sắp tới.. nhưng nghĩa tử là nghĩa tận.. tôi phải về để tham dự đám tang. Đổi vé về lại Vancouver sớm, để kịp bay ngày hôm sau qua Los Angeles làm lễ phát tang..

Sau bữa phở đãi tôi sáng thứ bẩy, Vợ chồng Kiều Tiên theo vợ chồng Hiền - Hạnh ra nhà thờ làm lễ rửa tội cho đứa cháu ngoại. Anh chị Lộc Phương theo chi Anh đi phố. Tôi được người bạn chở ra phi trường.. Tất cả bạn bè hiện diện cùng nhìn tôi, vẫy tay nuối tiếc vì “ có kẻ đi về.. bỏ cuộc vui !”

Thôi nhé Úc Châu .. xin chào mi, mi đã để lại cho ta nhiều kỷ niệm, không biết có dịp nào trở lại.

Vancouver một ngày vào đông 2009.
Nguyễn Vũ