Saturday, February 28, 2009

Hội hữu


Phạm Thành Châu, Đỗ Xuân Trúc, Lê Danh Đàm, Đỗ Tiến Đức

Thursday, February 26, 2009

Thơ tình NT

Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế
kỳ thứ 74 tại Bogota, Colombie
đồng thanh thông qua
Quyết Nghị về Việt Nam


Như chúng tôi đã đưa tin, Quyết Nghị về Việt Nam do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại soạn thảo và đề nghị, đã được Hội Đồng Đại Biểu Văn Bút Quốc Tế họp Đại Hội Thế Giới kỳ thứ 74 tại Bogota, thủ đô Colombie (Colombia), đồng thanh biểu quyết chấp thuận. Đại Hội Bogota 2008 là nghị hội và diễn đàn cho các đại diện của một vạn nhà cầm bút sinh hoạt trong gần 150 Trung tâm Văn Bút có trụ sở trên hơn 100 nước. Qua Quyết Nghị về Việt Nam, Hiệp Hội các Nhà Văn thế giới một lần nữa tố cáo, lên án và phản kháng nhà cầm quyền cộng sản độc tài ở Việt Nam tiếp tục trấn áp tàn nhẫn những người tranh đấu bênh vực Nhân Quyền, đòi hỏi Tự Do Dân Chủ và Công Bằng Xã Hội bằng ngòi bút và tiếng nói. Nạn nhân bao gồm nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo, luật sư, giáo chức, sinh viên, tu sĩ và cả giới nông dân, công nhân cùng cựu quân nhân của chế độ. Họ là những người đã từ chối im lặng, dũng cảm bày tỏ sự đối kháng, không chịu khuất phục trước bạo quyền. Họ không muốn bị lừa dối hay mua chuộc để trở thành đồng lõa với tội ác áp bức bất công, tham ô nhũng lạm trên quê hương thân yêu của họ.

Theo nguồn tin, Dự thảo Quyết Nghị về Việt Nam đã được Ủy Ban VBQT Bênh Vực Nhà Văn bị ngược đãi và cầm tù (International PEN CODEP/WIPC) ở Luân Đốn tiếp nhận ngay từ cuối tháng 6 năm 2008. Sau khi phối kiểm và trao đổi ý kiến với Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại, Ủy Ban PEN CODEP/WIPC đã chuẩn y và phổ biến Dự thảo Quyết Nghị về Việt Nam cùng với hàng chục Dự thảo Quyết Nghị khác đến tất cả các Trung tâm thành viên VBQT trước khi Đại Hội Bogota được khai mạc. Từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 9, có một số tin tức mới về Việt Nam chưa được ghi trong Dự thảo. Dù vậy, Ủy Ban VBQT CODEP/WIPC cũng phổ biến được hai bản Thông cáo/Kháng Nghị thư trong khi chờ chính thức công bố tất cả các Quyết Nghị của Đại Hội kỳ thứ 74. Nhắc lại, trong Thông cáo/Kháng Nghị thư phổ biến toàn cầu ngày 13 tháng 8 năm 2008, Ủy Ban VBQT CODEP/WIPC chào mừng luật sư nhân quyền Bùi Kim Thành được phóng thích khỏi bệnh viện tâm thần Biên Hòa, nhưng phản đối việc bà có thể đã bị công an áp lực bằng những sự sách nhiễu và đe dọa cực kỳ nghiêm trọng đến nỗi bà bị buộc phải sống lưu vong để lánh nạn. (Bản Tin LHNQVN-TS ngày 13 tháng 8 năm 2008).

Tiếp theo, trong Thông cáo/Kháng Nghị thư ngày 23 tháng 9 năm 2008, Ủy Ban VBQT CODEP/WIPC đòi phóng thích tất cả các nhà tranh đấu cho Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền bị giam nhốt độc đoán, sau khi được báo nguy về một cuộc leo thang đàn áp những người bất đồng chính kiến, dân chủ đối kháng trong mấy tuần vừa qua. Đặc biệt Ủy Ban nêu tên nhà báo Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, đồng sáng lập Câu lạc bộ Nhà Báo Tự Do bị kết án 2 năm 6 tháng tù ngày 10 tháng 9; nhà văn và nhà thơ Nguyễn Xuân Nghĩa, thành viên sáng lập Khối 8604, bị bắt ngày 11 tháng 9; bà Lê Thị Kim Thu, phóng viên thời sự và nhiếp ảnh với chuyên đề phong trào Dân Oan, bị bắt từ ngày 14 tháng 8; nhà văn Phạm Văn Trội, cựu chiến binh CS, cộng tác với tạp chí bị cấm Tự Do Dân Chủ, bị bắt ngày 10 tháng 9; nhà thơ trào phúng Nguyễn Văn Túc, nông dân tranh đấu bênh vực Nhân Quyền, bị bắt ngày 10 tháng 9; sinh viên Ngô Quỳnh, nhà văn, bị bắt ngày 10 tháng 9; nhà thơ Trần Đức Thạch, cựu chiến binh CS, bị bắt ngày 10 tháng 9 để thẩm vấn rồi được tạm tha, nhưng sau đó bị bắt lại; cũng như bà Phạm Thanh Nghiên, nhà báo và nhà văn, bị bắt lần cuối cùng ngày 17 tháng 9. (Bản Tin LHNQVN-TS ngày 23 tháng 9 năm 2008).

Dưới đây là toàn văn Quyết Nghị về Việt Nam. Bản tiếng Pháp và tiếng Anh do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại soạn thảo còn bản tiếng Tây Ban Nha do Văn Bút Quốc Tế phiên dịch sau khi Quyết Nghị được Đại Hội chấp thuận.

Nguồn tin: nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, thành viên đại diện Văn Bút Quốc Tế tại các Khóa Họp Hội Đồng Nhân Quyền LHQ, hội viên Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại, Trung tâm Nhà Văn Việt Nam lưu vong và Trung tâm Âu Châu Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. (Tài liệu: LHNQVN-TS).

Genève ngày 17 tháng 10 năm 2008
Llên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland

--------------

Bản chuyển dịch ra tiếng Việt của LHNQVN-TS

Quyết Nghị về Việt Nam do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại (Centre PEN Suisse Romand) đề nghị,
với sự tán trợ của Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Ý Thoại và Réto-Romanche .


Hội Đồng Đại Biểu Văn Bút Quốc Tế, họp Đại Hội Thế Giới kỳ thứ 74 tại thành phố Bogota, nước Colombie/Colombia, từ ngày 17 đến 22 tháng 9 năm 2008,

Phiền trách rằng kể từ Đại Hội Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 73 ở Dakar, nước Sénégal, tình cảnh những nhà văn, nhà báo độc lập và những nhà hoạt động bênh vực quyền tự do phát biểu ở Việt Nam càng tệ hại thêm. Tất cả những nhà văn từng bị giam nhốt được phóng thích trong những năm gần đây tiếp tục bị áp đặt quản chế hành chánh. Nhiều người phải bị hành hung và sách nhiễu nghiệt ngã. Những vụ công kích cường bạo, giam cầm độc đoán, xét xử không công minh và những vụ án tù bất công đã được ghi nhận. Không có sự tôn trọng quyền bị cáo được bàu chữa và sự độc lập của thẩm phán;

Sững sốt và công phẫn trước những điều kiện sống vô nhân đạo trong các trại tù lao công cưỡng bách, nơi mà tù nhân ngôn luận và lương tâm bị biệt giam hoặc cấm cố. Nuôi dưỡng không đầy đủ, thiếu săn sóc thuốc men và vệ sinh, họ còn bị tù thường phạm hành hung, sỉ nhục và hăm dọa. Trong số nạn nhân có nữ văn sĩ Trần Khải Thanh Thủy, từng trải qua chín tháng tù trong lúc bà mắc bệnh lao phổi nặng và tiểu đường. Bây giờ được phóng thích, bà còn mang những vết thẹo rất rõ trên mặt và trên chân bà, hậu quả của những sự ngược đãi, đối xử tệ hại trong trại giam;

Phản đối sự tái giam giữ tại bệnh viện tâm thần bà Bùi Kim Thành, luật sư nhân quyền và nhà đối kháng sử dụng Internet, từ đầu tháng 3 đến tháng 7 năm 2008, vì những bài bà viết chỉ trích (chế độ). Bà từng bị nhốt tại bệnh viện tâm thần từ tháng 11 năm 2006 đến tháng 7 năm 2007 mà không hề bị buộc tội, chỉ vì bênh vực miễn phí cho hàng trăm Dân Oan (Nạn nhân Bất công), là những phụ nữ vô gia cư và nữ nông dân bị (cán bộ đảng cộng sản) lạm quyền, cưỡng chiếm đất đai (tài sản) của họ. Trong thời gian bị giam nhốt, bà Bùi Kim Thành bị đánh đập hung bạo và bị chích thuốc chưa biết thuốc gì;

Rất khó chịu vì sự tiếp tục giam cầm trong các trại lao công cưỡng bách nhiều nhà văn nhà báo và nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet. Chỉ vì hành sử ôn hòa quyền tự do phát biểu và lập hội mà những người đó bị kết án tù nặng nề kèm theo biện pháp quản chế hành chánh tại những phiên tòa xét xử không công minh. Tội duy nhứt của họ là viết những bài tố cáo tham nhũng, lạm dụng quyền thế (đảng cộng sản) và những vụ vi phạm nhân quyền, hoặc phản đối sự đàn áp những tiếng nói dân chủ bất đồng chính kiến và thuận cho các đài vô tuyến truyền thanh ngoại quốc phỏng vấn. Trong số những tù nhân ngôn luận và lương tâm đó có:

- Linh mục Nguyễn Văn Lý, chủ biên tạp chí Tự Do Ngôn Luận (bất hợp pháp đối với chế độ cộng sản), bị kết án 8 năm tù. Bốn cộng sự viên cũng bị kết án: hai ông Nguyễn Phong, 6 năm tù và Nguyễn Bình Thành, 5 năm tù; cô Hoàng Thị Anh Đào, 2 năm tù treo và bà Lê Thị Lệ Hằng, 18 tháng tù treo;

- Luật sư nhân quyền Lê Thị Công Nhân, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, 3 năm tù;

- Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, chủ biên tạp chí Tự Do và Dân Chủ (bất hợp pháp đối với chế độ cộng sản), bị kết án 4 năm tù;

- Luật sư nhân quyền Trần Quốc Hiền, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, bị kết án 5 năm tù;

- Bác sĩ Lê Nguyên Sang, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, bị kết án 4 năm tù;

- Luật sư nhân quyền Nguyễn Bắc Truyền, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, bị kết án 3 năm và 6 tháng tù;

- Nhà báo Huỳnh Nguyên Đạo, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, bị kết án 2 năm và 6 tháng tù;

- Ông Trương Quốc Huy, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, bị kết án 6 năm tù;

- Ông Vũ Hoàng Hải, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, bị kết án 5 năm tù;

- Ông Nguyễn Ngọc Quang, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, bị kết án 3 năm tù;

- Ông Phạm Bá Hải, nhà dân chủ đối kháng sử dụng Internet, bị kết án 2 năm tù;

- Nhà báo Trương Minh Đức, bị kết án 5 năm tù. Tình trạng sức khỏe rất xấu;

Thương tiếc nhà trí thức Phật giáo thế danh Lê Đình Nhân, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, vừa viên tịch ngày 5 tháng 7 năm 2008, hưởng thọ 89 tuổi sau khi bị áp đặt quản chế tại chùa từ năm 1982;

Lo ngại cho sức khỏe của nhà trí thức Phật giáo thế danh Đặng Phúc Tuệ, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, 80 tuổi, bị áp đặt quản chế tại chùa từ năm 2003;

Kinh ngạc trước cuộc trấn áp các nhà báo độc lập hồi tháng tư và tháng năm 2008, đặc biệt là vụ bắt giam ông Nguyễn Hoàng Hải, bút hiệu Điếu Cày (một trong những người sáng lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do), ông Nguyễn Văn Hải và ông Nguyễn Viết Chiến, phóng viên điều tra của các nhựt báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên;

Được báo động về những thứ ‘’tòa án của nhân dân’’ bất hợp pháp. Tại đó, các nhà văn và nhà báo độc lập bị tố cáo, khiển trách và sỉ nhục bởi một đám đông hiềm thù do cán bộ đảng cộng sản và công an tổ chức. Trong số nạn nhân có ông Lê Thanh Tùng, cựu chiến binh, nhà báo và dân chủ đối kháng bị ‘’đấu tố’’ hồi tháng 4 năm 2008. Ông Lê Thanh Tùng bị buộc tội phản quốc vì đã viết và phổ biến trên Internet nhiều bài báo về tình trạng nhân quyền và nền dân chủ, cùng tập tự truyện về đời ông với tựa đề ‘’Hồi Ký của cựu chiến binh tình nguyện quân đội nhân dân Việt Nam’’.

Thúc giục chính phủ CHXHCNVN

1. Phóng thích tức khắc và vô điều kiện tất cả những nhà văn, nhà báo và trí thức độc lập hiện còn bị giam cầm vì đã hành sử quyền họ được tự do phát biểu:

2. Chấm dứt tất cả những vụ hành hung, sách nhiễu và hăm dọa đối với các nhà văn, nhà báo và trí thức độc lập;

3. Cải thiện tình trạng giam cầm tại các nhà tù và trại giam tập trung, để cho những tù nhân đau yếu được vào bệnh viện, được săn sóc, điều trị thích hợp và được gia đình thân nhân thăm nom dễ dàng;

4. Bải bỏ kiểm duyệt và đình chỉ mọi hạn chế độc đoán đối với quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do lập hội, tự do sáng tạo và xuất bản.

Ở Cuối Hai Con Đường

PHẠM TÍN AN NINH VÀ ÚC CHÂU

NVSanh (Tổng hợp)

Nhà văn quân đội Phạm Tín An Ninh đáp chuyến bay dài từ Na-Uy đến Sydney ngày 29/10/2008 cùng với hiền thê là chị Trương Thị Thức và ái nữ Phạm Thục Trinh (từ Hoa kỳ sang) để thăm viếng Úc châu và Ra mắt Tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường sau chuyến ra mắt sách thành công tại Nam Cali.

Là một cựu học sinh Trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang nên anh được sự hỗ trợ nồng nhiệt của các đồng môn VT tại Úc châu đã chuẩn bị chuyến đi của anh thật chu đáo. Trưởng Ban Tổ Chức là Ls Nguyễn Văn Thuần. Anh PTAN ra mắt tập truyện OCHCD tại 4 thành phố lớn của Úc châu là Sydney, Melbourne, Adelaide và Brisbane.

Phát pháo đầu tiên mở màn cho việc Ra mắt sách Ở Cuối Hai Con Đường của anh PTANinh là tại Sydney. Sau đây là những cảm nghĩ của nhà văn Phùng Nhân - ký giả của tờ Bán Tuần báo Việt Luận tại Sydney viết:

“Vào lúc 1,30pm ngày 2/11/2008, tại Trung Tâm Sinh Hoạt Văn Hóa Cộng Đồng Người Việt NSW Sydney, nhóm bạn cựu học sinh trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang và thân hữu Úc Châu, đã tổ chức một buổi phát hành tập truyện ngắn Ở Cuối Hai Con Đường của nhà văn PTAn Ninh để trợ giúp thương phế binh VNCH tại quê nhà.

Đây là một buổi phát hành sách quy tụ được rất nhiều thành phần trẻ, thành phần trí thức, cựu quân nhân và các đoàn thể tổ chức chánh trị mà gần như trong mấy chục năm qua, chưa có cuộc sinh hoạt văn hóa phát hành sách nào ở Sydney có được sức thu hút đông đảo như lần nầy. Có thể nói đây là một sự thành công, đã vượt ra ngoài dự định của mọi người, nên ban tổ chức phải sắp đặt thêm ghế ngồi mà không đủ. Cuối cùng phải đứng thêm một vòng ngoài thật là đông, chính điều đó đã thổi lên một luồng sinh khí cho nền văn hóa lưu vong ở đây, mà từ lâu rồi sinh hoạt loại nầy đã bị lảng quên trong thầm lặng.

Theo một lẽ rất thông thường, một cuốn sách cho dù có hay đến cỡ nào, thì nó cũng cần phải có thử nghiệm với thời gian. Tới chừng đó, thì nó mới được nổi tiếng, hay trở thành The best seller. Nhưng cuốn Ở Cuối Hai Con Đường, thì đã trở thành một hiện tượng nóng bỏng tại Úc Châu. Ngày phát hành đầu tiên, đã cuốn hút đọc giả đến tham dự có lẽ trên 800 người là ít.

Có một điều đáng nói ở đây, là tác giả hiện đang sinh sống tại Na Uy. Mà sự nghiệp cầm viết của anh cũng chỉ mới đây thôi, như anh đã từng tâm sự. Vì sự cầm viết của anh, không phải bắt nguồn tự một việc mưu sinh. Mà nó chỉ bắt nguồn thuần túy của một con người đã sống, và đã từng bị vùi dập đối xử bất công trong đạo lý làm người. Khi anh đã trình diện đi học tập cải tạo trong các trại tù, từ miền Nam rồi họ chuyển anh ra tận ngoài miến Bắc thời tiết lạnh muốn thấu xương, mà tất cả tù nhân cho dù đang bị giam giữ ở bất cứ trại nào. Khi tiếng kẻng báo thức từ lúc tinh mơ, thì phải sắp hàng đi theo người cảnh binh họ dắt lên rừng, hay lội xuống nước để làm lao dịch mà không có đồ để bận chống lạnh.

Chính ở những nơi đây, ma thiêng nước độc, đã quật ngả rất nhiều bạn đồng đội, đồng ngũ của anh, đã làm cho anh không còn đủ nước mắt để khóc than trong những giờ phút lâm chung tuyệt vọng như vậy. Nên bao chuyện bể dâu cứ chất chứa mải trong đầu, cho đến một ngày kia thì anh được đi định cư bên xứ tuyết Na Uy thì bao nhiêu chuyện ấy nó đã tuần tự lên mầm, bắt đầu mọc ra như một đám mạ non. Sau bao tháng năm héo hon vì khô hạn, bây giờ gặp thời tiết thuận hòa, có gió có mưa nên đám mạ ấy tự nhiên ngậm sương kết hột, để trở thành một đám ruộng phì nhiêu mà PTAn Ninh, anh chỉ cần đưa liềm ra gặt bó, chớ không cần phải đi tìm kiếm đâu xa.

Chính nhờ những chất liệu phù sa đó, đã vun bón cho tác phẩm đầu tay của anh nó được trúng mùa. Từ ngôn ngữ, cho tới câu văn. Cách dựng truyện cũng không cần nhiều hư cấu, anh viết nó lại một cách bình thường, rồi sắp xếp thành từ truyện, từ trang. Nhưng mỗi trang sách của PTAn Ninh, nó bắt con người ta trăn trở. Khi đọc đến những đoạn đời khổ nạn mà anh đã trải qua, cũng như bao biến cố đau thương của dân tộc, từ ông quản giáo Nguyễn Văn Thà trong truyện Ở Cuối Hai Con Đường, cho tới truyện Người Bán Sách Trên Bãi Biển Nha Trang, đọc giả sẽ bắt gặp nơi đây, tác giả thường mở rộng lòng mình, cũng như mở rộng cốt truyện thật lớn mênh mông, để từ đó dòng chảy nhân ái của con người sẽ tuôn tràn vào trong cuộc sống thân yêu bất tận.

Có lẽ đó là những chuyện đời, mà tác giả đã từng chung đụng, tác giả đã từng ra sức cưu mang. Cho nên từ nơi mạch văn, con chữ đã tự nó nói lên một cảm xúc rất tự nhiên, khiến cho đọc giả có cảm giác là chuyện đó đã từng xảy ra đâu đây gần lắm. Cũng chính vì niềm cảm xúc mạnh mẽ đó, mà dường như trong tập truyện đầu tay nầy đã xóa nhòa ranh giới, giữa hư cấu và chuyện thật ngoài đời. Nên 16 cái truyện ngắn trong tập truyện nầy, là 16 cảnh đời đang xảy trước mắt của chúng ta. Chính vì bao lẽ đó mà có người đã khóc, khi đọc tập truyện nầy còn trên Internet, hay những bài mà các báo chí trích đăng lại kể từ khi nó còn là những mảnh giấy rời.

Mở đầu chương trình nhà báo Lưu Dân, cho chiếu slide show về cuộc đời niên thiếu của tác giả. Từ khi đi học cho đến lúc vào đời, cho đến khi anh đi vào quân đội, rồi cuộc chiến đã tàn, Phạm Tín An Ninh cũng như bao nhiêu người sĩ quan quân đội Cộng Hòa Miền Nam thời đó, anh phải đi học tập cải tạo, từ miền Nam ra tận ngoài miền Bắc xa xôi. để cho anh tích lũy đầy ắp trong đầu, những điều tai nghe mắt thấy.

Bên cạnh những hình ảnh hào hùng, như cấm lại ngọn cờ trên cổ thành Quảng Trị thân yêu, là hình ảnh của những người lính thương phế binh tay chưn đã mất, họ lây lất cuộc sống qua ngày. Mà thời buổi nầy, nếu con người có đủ sức khỏe cũng phải gặp khó khăn trong việc mưu sinh, còn những người thương phế binh nầy, họ biết làm gì để sống. Thế mà họ vẫn tồn tại như một chứng nhân lịch sử, dù lịch sử rất đau thương, họ đã đem thân thể của mình ra hy sinh trong cuộc chiến.

Vậy mà họ đã sống âm thầm như thế trong những năm qua, như một cái bóng bên đường, để chờ ngày xuôi tay nhắm mắt. Bao nhiêu hình ảnh đó, đã gây ra một nỗi đau đớn ngậm ngùi khiến cho tất cả hội trường, dường như có giọt lệ xót thương. Cho dẫu muộn màng, nhưng đã nói lên được một điều thầm kín.

Chính sự thôi thúc bất ngờ đó, nó không dự báo trước cho anh để trở thành một nhà văn. Nhưng rồi khi cuốn sách được phát hành, anh được bạn bè thân hữu gọi cho một cái tên thân ái. Nhà văn PTAn Ninh của đất Nha Trang, quê vợ Ninh Hòa, đã đến Sydney trong vòng tay chào đón của bạn bè. Mà việc làm đó nó cao cả to lớn xiết bao, khi khán giả ngồi nghe Ban Tổ Chức giới thiệu.

Ls Nguyễn Văn Thuần, sau khi trình bày ý nghĩa và việc làm của ban tổ chức, anh tuyên bố là tất cả số tiền bán sách, trừ lại phần chi phí in ấn phát hành, còn bao nhiêu thì ban tổ chức, cũng như tác giả sẽ trao tận tay đến những người lính thương phế binh của thời Việt Nam Cộng Hòa, hiện còn đang sống vất vưởng ở quê nhà. Nhưng số tiền đã kiếm được hôm nay, trước hết là anh xin cúi đầu trước tấm lòng nhân hậu của nhà văn PTAn Ninh để cho ban tổ chức một tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường, mới có điều kiện mà giúp đỡ thương phế binh, được cô bác anh chị em ủng hộ thật là đông đảo.

Tiếp theo là nhà văn, cũng là nhà báo Phan Lạc Phúc, ký giả Lô Răng đã từng lừng lẫy một thời. Được giới thiệu là người điểm sách hôm nay, làm cho tất cả hội trường đều im lặng. Ông Phan Lạc Phúc cũng không đề cập đến nội dung cuốn sách gì nhiều, mà ông chỉ có nói chung chung giữa con người cầm viết với nhau. Muốn viết được điều gì tốt, thì trước hết nhà văn phải có cái tâm thật tốt.

Tiếp theo là bác sĩ Đào Quang, một bác sĩ chuyên khoa về xương rất nổi tiếng ở vùng Liverpool. Ông Đào Quang cho biết, đây là lần tiên ông được tham dự một buổi phát hành sách như thế nầy. Vì khi đi vượt biên với cha mẹ tới đây chỉ mới có mấy tuổi, nên nói tiếng Việt không được rành. Nhưng ông cũng ráng đọc, để biết được nội dung của cuốn sách nầy, tác giả PTAn Ninh đả gởi gấm những gì trong đó, mà trong mấy ngày qua đã được các cơ quan truyền thông, cũng như báo chí họ đề cập đến rất nhiều.

Chính ông cũng không ngờ, tập truyện ngắn đã lôi cuốn thật là dữ dội. Cũng như nó đã khuấy động tâm tư của ông, khi biết được cha mẹ ông, dân tộc ông đã chịu qua một thời kỳ đen tối. Một thời kỳ lao dịch khổ sai, mà hầu như từ trước tới nay ông chưa bao giờ hình dung ra nổi.

Ngày hôm nay nhờ đọc cuốn truyện nầy, ông mới hiểu được chính cuộc đời của ông, địa vị của ông ngày hôm nay có được, là nhờ những người lính như PTAn Ninh đã đem thân ra bảo vệ. Để rồi hôm nay những mẩu chuyện nầy, lưu dấu lại cho mai sau, nên ngày hôm nay đối với ông rất là trân trọng. Có lẽ nhờ nó, mà ông sẽ mở rộng tầm nhìn ra trong thời đại hiện giờ. Ông sẽ sát cánh với thế hệ của ông, để từ đó đi đúng theo con đường mà thế hệ cha ông đã từng đi trước...

Phải nói đây là một gương mặt trẻ, một thành phần trẻ đã nói lên được tiếng nói của thế hệ mai sau, biết kề vai gánh vác những gì mà cha ông làm còn dang dở. Vì thế mà sau khi dứt lời, một tràng pháo tay tán thưởng nổi lên, để chuyển lửa về đến tận quê nhà, mà hiện nay ở trong nước người dân còn đang gánh chịu rất nhiều áp bức.

Tiếp theo là phần phát biểu của tác giả PTAn Ninh, anh cho biết ý nguyện của anh, là ghi lại những mẩu chuyện có liên quan tới cuộc sống. Những chuyện để nói lên bao nỗi khổ đau của dân tộc, mà anh đã có một thời kỳ chịu đựng và vượt qua.

Anh viết lại cuốn sách nầy, không phải để khêu lại lòng thù hận. Mà anh muốn nói lên lòng trắc ẩn của con người, trong quá khứ cũng như hiện tại, đến lúc nào đó cũng phải đối diện với lương tâm. Chỉ có tình người, và lòng nhân ái mới là bền vững, còn những tội ác, hay những chủ nghĩa cực đoan do một số người lãnh đạo dựng lên, nó chỉ là một bóng mây đen trong thời kỳ đen tối, rồi đây nó sẽ bị dẹp tan, khi toàn dân cương quyết đứng lên phá bỏ...

Tiếp đến là chương trình văn nghệ thật là phong phú, Ban Phượng Tím đã hát một lượt 3 bản Hòn Vọng Phu, giọng hát vút lên cao, như đưa hồn người vào thời chinh chiến. Mà ở đó hình bóng chinh nhân, một thanh gươm trên lưng ngựa đang xông pha nơi chốn sa trường khiến cho người nghe càng thêm đem lòng hoài cảm. Cũng như trong 16 truyện ngắn của PTAn Ninh, đã được xây dựng trên tình người, của sự thủy chung, của nền đạo lý bây giờ và cho cả mai sau không hề lay chuyển.

Cuối cùng trong buổi ra mắt sách, ban tổ chức đã trao cho ông Nguyễn Thanh Thuỷ, đại diện cho Hội Thương Phế Binh Quân Lực VNCH/NSW một số tiền là $10,000 Úc kim“.

Tại Melbourne, thủ phủ của người Việt tỵ nạn ở Victoria, số người tham dự trên 300 đồng hương. Mặc dù nơi đây không đông bằng Sydney nhưng tình cảm đồng hương lại dạt dào vô bờ khiến cả đồng hương lẫn tác giả đã nhiều lần cùng nhau nhỏ lệ. Buổi ra mắt sách đã chấm dứt mà cả mấy trăm đồng hương vẫn ngồi lại ở đó chưa chịu ra về. Sau đây là bản tin của tờ báo điện tử Người Việt Ly Hương từ Melbourne viết:

“Buổi ra mắt sách của PTAn Ninh tại Melbourne thật vô cùng xúc động mà ngay cả chính tác giả trong lúc tâm tình cùng đông hương cũng đã nhiều lần ngẹn ngào không cầm được nước mắt! Chính Tình Người đã làm cho Người Việt chúng ta gần gủi với nhau hơn, đã đem PTAn Ninh từ phương trời Âu đến cùng với đồng bào ở tận "miệt dưới" (down under) Úc Châu. Và cũng chính Tình Người đã gieo cái mầm thiện vào người cán binh cộng sản Nguyễn Văn Thà để rồi vào những ngày cuối đời ông đã viết:

".....Tôi biết mình không còn sống bao lâu. Cuối đời một con người, tôi nghiệm rõ được một điều: Chỉ có cái tình con người với nhau mới thực sự quý giá và tồn tại mãi với thời gian. Những chế độ này, chủ nghĩa nọ, cuối cùng cũng chỉ là một đám mây đen bay trên đầu. Đôi khi che ta được chút nắng, nhưng nhiều lúc đã trút bao cơn mưa lũ xuống để làm khốn khổ cả nhân gian ..."

Những lời cuối này cũng đã được Phạm Tín An Ninh nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt buổi tâm tình cùng đồng hương, một buổi tâm tình có thể được gói ghém trọn vẹn trong hai chữ Tình Người!“. Buổi ra mắt sách ở đây đã giúp cho TPB/VNCH số tiền là $7,300.

Tại Adelaide, trạm dừng chân thứ nhì của anh PTANinh tại Úc, tuy đồng hương không đông (cỡ 15 ngàn người), nhưng buổi ra mắt sách phối hợp bởi Hội Bạn TPB/VN ở đây cũng đã thành công tốt đẹp. Mời quý độc giả theo dõi bản tin từ tiểu bang Nam Úc (South Australia):

“Nhận lời mời của BS Ngô Anh Tuấn Hội trưởng Hội Bạn TPB-VNCH, chúng tôi có mặt tại hall Balan, địa điểm tổ chức Đại Hội Thường Niên năm 2008 vào lúc 5.30 chiều Thứ Bảy 08/11/2008. Theo ông Dư Hữu Chí, Trưởng Ban Tổ Chức (BTC) thì năm nay hình thức tổ chức khác hơn mọi năm là chương trình có thêm khoản tiếp đón Nhà văn Phạm Tín An Ninh ở Na Uy về Nam Úc ra mắt tập truyện Ở Cuối Hai Con Đường và toàn bộ số tiền thu được trong việc bán sách (không trừ bất cứ chi phí nào) được tặng hết cho anh em TPB VNCH qua Hội Bạn TPB-VNCH. Dựa trên số bàn ghế chuẩn bị dự đoán sẽ có trên dưới 300 người đến dự, một con số cũng khá an ủi cho BTC, tuy nhiên đến giờ khai mạc, trên 370 người ngồi kín 37 bàn tròn, đối với hình thức dạ tiệc, con số nầy gần như là kỷ lục.

Về phía Úc cũng những nhân vật quen thuộc trong chính quyền đã từng gắn bó với những sinh hoạt của người Việt tỵ nạn tại Nam Úc như Ông Lê văn Hiếu - Phó Toàn Quyền TB, Ông Bill Denny đại diện ông Bộ Trưởng Michael Atkinson và những người bạn đồng Minh Úc RSL v.v... Về phía Việt thì rất đông đủ các Hội Đoàn đến tham dự.

Trưởng BTC chào mừng quan khách và giới thiệu nhà văn ‘‘… Đặc biệt hôm nay chúng tôi được hân hạnh tiếp đón một đồng hương cũng là một chiến hữu của chúng tôi trong cuộc chiến cách đây hơn ba thập niên đó là nhà văn PTAn Ninh từ xứ Na Uy ngàn dậm của Bắc Âu - đến Nam Úc để ra mắt tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường mà chiến hữu đã hình thành từ những hệ lụy với cuộc chiến năm xưa để rồi với ngòi bút nhẹ nhàng và tử tế tác giả đã dẫn dắt người đọc trở về với bản tính chi sơ của con người, mà chút nữa đây tác giả sẽ có dịp để thưa chuyện cùng quý vị, mời quý vị thưởng thức và ủng hộ. Toàn bộ số sách bán được hôm nay tác giả sẽ dành cho quỹ cứu trợ Thương Phế Binh VNCH ...’’ Kết quả, số tiền thu được là $2,500 đã trao tặng cho Hội bạn TPB/VNCH tại Nam Úc.

Trạm chót trên bước đường ra mắt sách của anh PTANinh là thành phố Brisbane. Mời quý độc giả theo dõi bài tường thuật của phóng viên Nhật Hạ tại QLD như sau:

“Vào lúc 18 giờ 30 thứ Bảy ngày 15/11/2008, tại nhà hàng Darra Seafood Queensland, tổ chức buổi phát hành tập truyện ngắn Ở Cuối Hai Con Đường. Mở đầu bằng nghi lễ chào quốc kỳ Việt Úc và phút mặc niệm. Tiếp theo ông NVSanh đại diện nhóm cựu học sinh Trung học Võ Tánh Nha Trang giới thiệu thành phần quan khách tham dự: Các hội đoàn, đoàn thể, các cơ quan báo chí Việt ngữ và gần 350 đồng hương, đặc biệt có sự tham dự của Ban giám đốc Rotary Club, Ban giám đốc Tài chánh Royal Children’s Hospital Brisbane. Tất cả mọi người cùng đón tiếp nhà văn quân đội PTAn Ninh cùng phu nhân và ái nữ đến từ Na Uy.

Bác sĩ Trần Văn Lân trưởng BTC, chào mừng tất cả mọi người tham dự, đặc biệt ngõ lời chào đón nhà văn PTAn Ninh và gia đình. Bác sĩ Lân, cũng phát biểu về tác phẩm Ở Cuối Hai Con Đường: Cách đây mấy ngày ông đã nhận và đọc tập truyện của nhà văn PTAn Ninh, tuy là những mẫu truyện ngắn, nhưng liên tiếp từ chuyện nầy nối tiếp chuyện khác, tác giả muốn trải bày cuộc đời của ông theo vận nước nổi trôi, mà cũng là chính cuộc đời của hầu hết người Việt mình, tuy là nạn nhân của chế độ độc tài phi nhân, nhưng tác gỉa luôn đề cao danh phẩm của con người Việt đầy lòng vi tha, nhân bản.

Cũng nên biết trong thời gian nhà văn PTAn Ninh và gia đình đi phát hành sách từ Na Uy- Hoa Kỳ - Úc tất cả mọi chi phí di chuyển quốc tế cũng như quốc nội đều do gia đình anh Ninh đảm trách.

Trong buổi phát hành tập truyện, chị Hương Thuỷ đại diện Hội Phụ Nữ Việt Nam/QLD và cô Mỹ Linh đại diện Hậu Duệ Võ Khoa Thủ Đức, lên ngõ lời chào mừng tác gỉa cùng gia đình, đồng thời cũng chia xẻ những gì tác gỉa đã từng chịu đựng và chứng kiến những đồng đội của ông đã hy sinh và đang chịu đựng sự thống trị bởi chế độ phi nhân tại quê nhà.

Tiếp theo, tác gỉa ngỏ lời chào mừng và cảm tạ quan khách có mặt hôm nay, ông nói: “Tôi chỉ muốn thêm điều mà lúc nào trong tôi cũng ray rức là những hình ảnh đồng đội, những người TPB/VNCH, những cô nhi, những quả phụ, họ đang sống lê lết bên lề xã hội tại quê nhà, họ và gia đình của họ là những nạn nhân đau đớn nhất khi chiến tranh tàn, khi trở thành phế binh bại trận dưới một chế độ bạo tàn phi nhân. Nhất là những quả phụ trong chiến tranh thì hết lòng hy sinh cho con cái, để chồng an tâm cùng đồng đội bảo vệ tổ quốc giang sơn, chiến tranh chấm dứt, chồng trở thành thương binh hay tử sĩ, cũng người đàn bà đó tiếp tục gánh vác nặng trên hai vai. Cái đó là cái thôi thúc tôi viết lên những đoản khúc nầy, và cũng chính những thôi thúc đó mà tôi và gia đình có dịp gặp gỡ quý vị trong đêm hôm nay”.

Buổi phát hành tập truyện Ở Cuối Hai Con Đường ban tổ chức thu được phần lời gần $10,500. BTC đã chuyển $1,500 về giúp TPB/VNCH theo danh sách của Hội TPB/VNCH/NSW cung cấp, số tiền $2,000 gửi về BTC ra mắt sách tại Sydney để gửi sang Hoa kỳ giúp vào Quỹ bốc mộ các chiến sĩ VNCH đã bỏ mình tại các trại tù miền Bắc. Phần tiền lời còn lại gần $7,000 đã được chính tay Bs Trần Văn Lân gửi về giúp trực tiếp các TPB/VNCH ở quê nhà.

Tóm lại, chuyến ra mắt sách Ở Cuối Hai Con Đường của anh PTAn Ninh tại 4 thành phố thuộc 4 tiểu bang khác nhau tại Úc châu đã thành công mỹ mãn. Tổng số tiền thu được đã gửi về giúp các TPB/VNCH trên toàn nước Úc cũng như giúp vào Quỹ bốc mộ các chiến sĩ VNCH đã bỏ mình tại các trại tù miền Bắc đã vượt lên trên con số $30,000 Úc kim.

Anh Phạm Tín An Ninh cùng Nhóm Trung Học Võ Tánh Nha Trang phối hợp với các Hội đoàn bạn tại Úc châu đã tạo nên một thành tích Ra mắt sách hết sức thành công và ngoạn mục ở đây mà chưa có bất cứ các tác giả nào từ trước đến nay thực hiện được. Sự hy sinh vô bờ của anh PTANinh và gia đình cũng như tất cả quý anh em Nhóm Võ Tánh Nha Trang tại Úc châu trong chuyến ra mắt sách lần này với mục đích cao cả giúp đỡ gia đình các Thương Phế Binh và cô nhi quả phụ cùng các tử sĩ VNCH tại quê nhà có được một Mùa Xuân hạnh phúc năm nay đã nói lên được tấm lòng cao quý của TÌNH NGƯỜI nơi hải ngoại.

Xin gởi những đoá hồng tươi thắm đến gia đình anh chị Phạm Tín An Ninh và quý bạn./-

NVSanh
(Tổng hợp)

Vài hình ảnh ngày đại hội CSV QGHC Nam California






Wednesday, February 25, 2009

Truyện ngắn

Không hiểu bạn bè gọi nó là thằng “Khổng Tử” từ bao giờ? Có lẽ từ lúc nó còn học ở Trường Quốc Gia Hành Chánh. Ở lứa tuổi mới lớn, mới bước vào đại học chàng thanh niên nào mà chẳng ưa ngồi tụm năm túm ba bàn tán về mẫu người yêu lý tưởng? Những cuộc bàn tán như vậy thường rất gay go, xung khắc, triền miên không dứt vì cậu thanh niên nào cũng thấy mình là ông Trời con cả. Theo một số thằng bạn thuộc lọai con nhà giàu thì người yêu lý tưởng của bọn nó phải biết nhảy đầm, mặc jupe serrée (1) và hơi có vẻ mignonne.(2) Còn đối với những thằng tân tiến vừa vừa thì người yêu lý tửơng của bọn nó phải mặc áo dài, tính tình thùy mị nhưng cũng phải có máu văn nghệ đôi chút. Riêng thằng “Khổng Tử” thì người yêu lý tưởng của nó, dĩ nhiên ra ngòai phải mặc áo dài rồi nhưng khi về nhà thì tuyệt đối không được mặc robe de chambre (3) hoặc đồ bộ xanh đỏ như gái bán bia ôm mà phải mặc áo cánh cổ quả tim may bằng vải phin nõn cho nó nề nếp. Rồi nó kê khai luôn một lô đức tính mà nó đòi hỏi nơi người vợ, nào là: Phải biết nấu ăn, khéo chiều chồng, khéo nuôi con. Mỗi khi chồng đi làm về phải biết chạy ra ngòai cửa tươi cười hỏi “Mình đã về đấy à? Hôm nay mình có khỏe không?” Nghe nói thế mấy thằng bạn bật cười hô hố rồi bọn nó chế nhạo” Trời đất ơi! Ở thời đại nguyên tử này mà mày đòi hỏi thế chỉ có ma nó lấy mày. Con gái bây giờ nó ghê lắm. Đừng hòng nó chiều mày như thuở mấy bà đồ của Thế Kỷ 19. Thôi đừng nằm mơ nữa ông “Khổng Tử” ơi! Thế là từ đó nó chết cứng với cái tên “Khổng Tử”. Sự chế nhạo, đùa dai này lan rộng ra tới cả lớp khiến giáo sư cũng nhe răng cười và đôi khi gọi đùa nó là anh “Khổng Tử.”

Kể ra thì nó cũng chẳng oan ức gì. Bởi vì ngòai cái vụ đòi hỏi vợ phải mặc áo phin nõn, cổ quả tim vào thời buổi mà jupe serrée, mini jupe, quần bó chẽn đã nhan nhản đầy đường, nó lại có tác phong của cụ đồ nho tiết tháo. Trong suốt thời gian học không thấy nó vay mượn ai, không bao giờ cúp cours. Hễ nó hứa với ai cái gì thì như đinh đóng cột. Ngày ra trường nó đậu khá cao cho nên được bổ đi Cần Thơ. Tuy nhiên mới vừa đảm nhiệm chức vụ phó quận trưởng được một tuần lễ nó đụng ngay với ông thiếu tá quận trưởng nổi tiếng tham nhũng. Thằng “Khổng Tử” bèn ký ngay một văn thư yêu cầu các xã không được xuất công nho để thanh tóan các vụ ăn nhậu, đãi đằng cấp trên cấp dưới. Đối với các Dự Án Tự Túc Phát Triển ma nó không chịu ký biên bản tiếp nhận vì theo nó như thế là ăn cắp công quỹ và lừa dối đồng bào. Lão quận trưởng giận điên người và cho mời nó lên văn phòng đe dọa mấy lần nhưng nó vẫn khư khư giữ vững lập trường. Song có lẽ bắt đầu thấm thía với cảnh quan trường nhơ nhớp cho nên sau giờ làm việc nó la cà vào các xã tìm gặp mấy ông giáo làng ngồi uống trà tâm sự hoặc lai rai ba sợi với mấy anh lính nghĩa quân. Với tác phong như thế làng xã thì thương nó nhưng lão quận trưởng lại tìm cách bứng nó đi cho rảnh nợ cho nên ba tháng sau nó có sự vụ lệnh của Bộ Nội Vụ thuyên chuyển đi Kontum với lời phê trong hồ sơ cá nhân “Thường chống lại lệnh của cấp chỉ huy”.

Tính tới năm 1975 nó đã làm phó quận trưởng được bốn năm nhưng cuộc đời của nó vẫn không khá. Khi về Sài Gòn nó vẫn tàng tàng với chiếc Honda cũ trong khi bạn bè nó đã tiến lên Vespa, Lambretta hoặc có đứa đã có xế bốn bánh rồi. Thỉnh thoảng gặp lại mớ bạn bè cũ nay đã trở thành các ông chánh sở, phó tỉnh, trưởng ty…tụi nó hất hàm hỏi “Sao? Sau một thời gian đụng chạm với đời mày đã bớt “Khổng Tử” chưa?” Thì nó nhe răng cười đáp “ Tao biết cuộc đời tao sẽ khốn nạn như cha Khổng Tử. Nhưng lỡ rồi. Tao cũng không biết phải làm sao bây giờ. Đọc sử sách tao cứ xấu hổ là bọn mình không theo kịp các cụ ngày xưa.” Nghe nói thế, mấy thằng bạn chỉ biết lắc đầu nửa ái ngại, nửa chê bai. Vào những ngày tháng cuối cùng của Miền Nam nó xin được giấy phép về thăm nhà. Nhưng thóang một cái thời hạn nghỉ phép đã hết. Lúc này tình hình hết sức nguy ngập, Ban Mê Thuột bị tấn công. Gia đình, bạn bè khuyên nó hãy cứ nán ở lại xem tình hình ra sao. Nhưng nó nói làm như thế là đào nhiệm vả lại viên chức xã ấp cần sự hiện diện của nó. Cho nên nó đã chạy tới, chạy lui để xin cho được chuyến bay về Kontum. Mới về được vài ngày thì có lệnh rút bỏ vùng Cao Nguyên, thế là nó cùng một số viên chức xã ấp kéo nhau chạy xuống Pleiku rồi theo đòan quân hoảng loạn lao vào Liên Tỉnh Lộ 7. Nhưng dọc đường đòan quân tháo chạy luôn luôn bị chận đánh cho nên nó phải lủi vào rừng để tìm sinh lộ. Trải qua một tháng băng rừng, lội suối, đào củ, ăn lá cây, cóc nhái nó mò về được tới Sài Gòn. Nhưng hỡi ôi giờ này Sài Gòn đã lọt vào tay Cộng quân. Nhìn cái đầu tóc bù xù, râu ria lởm chởm, mắt sâu hoắm, quần áo tả tơi, tay chân trầy trụa vì gai đâm của nó ai cũng hết vía. Sau hơn một tháng tĩnh dưỡng nó dần dần hồi phục rồi lại khăn gói lên đường trình diện cải tạo. Nhưng thật trớ trêu, ở Trại Tù Thủ Đức, cái biệt danh “Khổng Tử” đã gây cho nó một vố tai hại.

Số là cùng trình diện chung với nó có một vài thằng bạn cũng là phó quận trưởng. Mặc dù đang sống dưới chín tầng địa ngục, nhưng vì tụi nó còn trẻ cho nên lúc nào cũng coi cuộc đời như “pha”. Trong những lúc vui đùa bọn nó vẫn gọi đùa cái tên “Khổng Tử”. Nào ngờ câu nói đó lọt vào tai công an cai tù. Một ngày kia thằng “Khổng Tử” được gọi lên ban chỉ huy để “làm việc”. Sau khi đưa con mắt cú vọ nhìn nó một hồi, tên công an cong cớn hỏi:

* Anh Tòan (tên thật của nó), anh có giấu cách mạng cái gì không?

Vừa ngạc nhiên, vừa lo sợ, nó đáp:

* Thưa cán bộ, tôi đã khai hết tất cả rồi, có giấu cách mạng cái gì đâu?

Lấy ra một xấp hồ sơ để trên bàn, tên công an nói rít qua hàm răng:

* Anh lói anh không dấu cách mạng, tại sao trong lày anh không khai rõ bí danh?
* Thưa cán bộ, tôi làm gì có bí danh?

Nghe nói thế tên công an đập bàn quát:

* À, anh lày ngoan cố! Tại sao người ta không gọi tên anh mà nại gọi anh nà Khổng Tử? Cái đó không phải bí danh thì nà cái gì?

Nghe thằng công an nói thế, bao nỗi lo sợ chuyển thành tức cười, nó nói:

* Cái đó không phải bí danh. Cái đó là biệt hiệu do bạn bè nó gán cho tôi chứ tôi có chọn bao giờ?
* À, biệt hiệu hả? Anh nại có thêm biệt hiệu hay bí số phải không? Chà, chà!

Vừa nói tên công an vừa mở tập hồ sơ rồi hí hóay ghi cái gì vào đó. Tới đây thì thằng “Khổng Tử” thấy không còn là điều rỡn chơi nữa. Sự ngu dốt của tên công an đã làm cho tình thế trở nên nghiêm trọng, cho nên mặt nó méo hẳn đi rồi lên tiếng giải thích thêm một lần nữa:

* Thưa cán bộ, cái tên này là do bạn bè nó chế riễu tôi vì cái tính của tôi cũng gàn gàn như ông Khổng Tử ở bên Trung Quốc vậy!

Nghe thằng “Khổng Tử” giải thích thế, tên công an bĩu môi rồi ném một cái nhìn khinh bỉ vào mặt nó rồi nói:

* À, anh phục vụ cho Mỹ-Ngụy đã là cái tội tày đình rồi mà đầu óc lại còn nặng phong kiến. Anh có biết Khổng Tử là tên đại phong kiến không?

Nói xong tên công an rút ra mấy tờ giấy trắng đẩy về phía nó rồi nói tiếp:

* Giấy đây, anh về nàm cho tôi bản kiểm điểm xem trong quá khứ anh đã hà hiếp dân chúng như thế nào? Đã có tác phong đại phong kiến trong gia đình như thế nào? Đã đánh đập phụ nữ ra sao? Nếu giấu diếm thì đừng có trách đấy!

Tới đây thì mặt thằng “Khổng Tử” tựa như quả bong bóng xì. Nó run run đưa tay nhận lấy mấy tờ giấy, chào tên công an rồi bước ra ngòai. Về tới phòng nó tập họp mấy thằng bạn “ác ôn” lại rồi kể nguyên văn câu chuyện. Xong nó nói “Tao lạy tụi bay! Từ giờ trở đi xin tụi bay đừng gọi tao là Khổng Tử nũa”. Nghe nói thế cả bọn lại phá lên cười hô hố mặc cho thằng “Khổng Tử” đứng đó với bộ mặt dở khóc dở cười. Không biết sau đó có phải chính vì cái bí danh “Khổng Tử” này hay không mà nó bị đưa ra ngòai Bắc trong khi các bạn cùng chức vụ phó quận trưởng như nó đều ở lại trong Nam.

♦ ♦ ♦

Thấm thoắt thế mà thời gian ở tù đã được ba năm. Bây giờ là năm 1978. Mùa Đông của đất Bắc đến thật sớm tấn công vào Trại Tù Hà Tây như một bày cọp đói xông vào xé banh xác một con mồi. Một màu xám đục phủ lên bầu trời và gió Bấc rít từng cơn. Thỉnh thỏang cơn gió lùa vào mấy hành lang hẹp tạo nên những tiếng hú như tiếng tru của bầy chó sói. Mới có năm giờ chiều mà trời đã chập choạng tối. Vì trời lạnh quá cho nên hầu hết đám tù đều tập trung ở buồng giam đóng kín mít. Thỉnh thoảng mới có một người hé cánh cửa chạy vội ra ngòai để đi tiểu, rửa chân tay, múc nước…rồi lại hối hả chạy vào bên trong. Khi tiếng kẻng vang lên dồn dập thì đám tù làu bàu chửi rủa rồi co ro bước ra ngòai xếp hàng để đợi tên công an đến điểm tù. Khi người tù cuối cùng đã bước vào bên trong thì cánh cửa buồng được đóng đếm xầm một cái. Một tên tù “tự giác” (4) bước tới phụ kéo thanh sắt chắn ngang rồi tên cai tù bước tới mở ổ khóa rồi khóa trái ở phía bên ngòai.

Lúc này trại tù đã lên đèn và bên trong căn buồng diễn ra đủ mọi thứ sinh họat. Lác đác đã có một vài người giăng màn. Người ta giăng màn vì nhiều lý do khác nhau: Giăng màn để đi ngủ sớm, để ăn mà không sợ ai dòm ngó, hoặc chui vào màn để lén lút đọc kinh, niệm Phật, hoặc giăng màn để vắt tay lên trán suy tư, tưởng tượng, toan tính và cũng có khi chỉ để khóc thầm. Để có thểm gian giữ được nhiều người cho nên căn buồng được thiết trí thành hai tầng- tầng trên và tầng dưới - được đóng bằng những thanh gỗ chiều ngang ba mươi phân, chiều dài hai mét. Chính vì căn buồng đã nhỏ mà lại được phân chia thành hai tầng như thế cho nên mỗi khu tù tụ họp đông đủ, nó trở nên chật chội. Ở ngòai cửa nhìn vào người ta có cảm tưởng như một bày khỉ đang ngồi lổn nhổn ở một cái địa ngục u ám. Vì chiều ngang dành cho mỗi người tù chỉ vỏn vẹn có phân nửa chiếc chiếu đơn cho nên trong buồng đã nổ ra nhiều vụ tranh chấp, cãi cọ, đánh lộn chỉ vì người này muốn lấn sang người kia một vài phân. Để giải quyết vấn nạn này, gã đội trưởng đã phải bẻ một chiếc que chiều dài 60 phân, đích thân đo đi, đo lại, đánh dấu trên sàn gỗ nhưng chuyện đâu vẫn hòan đó. Cuối cùng kẻ nào yếu đuối hoặc tự trọng hoặc không muốn gây gổ đều lỗ vốn. Còn kẻ ngang tàng, cù bửa, chày cối hoặc thiếu tự trong vẫn thắng. Quy luật mạnh được, yếu thua ở trong tù cũng giống hệt như ở ngòai đời. Hôm nào cũng vậy, mỗi lần thấy mấy ông già hoặc mấy con “gà chết” giăng màn đi ngủ sớm là “xóm nhà lá” bao gồm mấy đại uý, thiếu tá trẻ “chịu chơi” lên tiếng riễu cợt:

* Ê, gà lên chuồng sớm dữ vậy? ĐM, ngủ mấy chục năm rồi bộ chưa “đã” sao?

Rồi góc kia bắt đầu có tiếng đàn nhè nhẹ cất lên. Song có lẽ tay chơi đàn sợ bị báo cáo là chơi “nhạc vàng” cho nên thỉnh thoảng gã chen vào một bài gọi là nhạc “cách mạng” để lập lờ đánh lận con đen. Tuy nhiên vừa nghe thấy mấy đọan nhạc “cách mạng” này, thì lập tức có tiếng phản kháng:

* Bộ hết nhạc rồi sao? Thôi bỏ đi “Tám”!
* Ê, tui không khóai thứ đó nghe!

Có lẽ vì nhột nhạt bởi những lời nói bóng gió cho nên gã chơi đàn từ từ chuyển cung bậc và bắt đầu ru hồn đám tù bằng đủ lọai nhạc có trước đây của Miền Nam, kể cả nhạc “sến”.

Rải rác trong đám tù đang ngồi chùm mền, run rẩy vì giá lạnh và đói là một số đang ngồi hí hóay biên chép. Bị cái đói hành hạ lâu ngày cho nên phần lớn đám tù đều mơ tưởng đến món ăn. Hầu như khắp trại tù đều dấy lên phong trào ghi chép lại những món ăn phổ thông của Miền Nam trước đây. Nếu khám xét tư trang của một gã tù thế nào người ta cũng bắt gặp một cuốn tập nhỏ ghi chi chít cả chục món ăn còn kỹ lưỡng hơn cuốn sách dạy nấu ăn của Bà Quốc Việt. Một gã đầu chùm một cái chăn giống hệt như người Ả Rập, chỉ có cái mặt và hai tay lộ ra ngòai. Gã ngồi xếp bằng trước cái ba-lô giờ được xử dụng như một cái bàn viết. Hí hóay ghi chép một hồi, gã cắn bút suy nghĩ rồi nói vọng qua sàn nằm bên kia:

* Ê, lươn um phải nấu với nước cốt dừa mới ngon phải không cha?

Từ sàn nằm phía bên đó, một gã đang hí hóay ghi chép, nghe nói vậy gã ngửng đầu lên đáp:

* Chết mẹ! Chút xíu nữa tôi quên món lươn um! Ê, này ông! Món thỏ sốt vang nấu làm sao? Tui ăn món này mòn răng ở Tài Nam sao vẫn không nhớ cách nấu!

Cũng từ sàn nằm bên đó, một gã trước đây vốn là cựu trung tá quận trưởng. Nãy giờ gã tựa lưng vào tường lim rim gặm cục bột luộc, phần ăn để dành từ buổi chiều, nghe nói qua nói lại về những món năn hấp dẫn như thế gã bèn lâm trận:

* Nói thiệt với mấy ông. Sau này nếu may phước được thả về tui sẽ nói bà xã luộc cho tui một con gà mái dầu! ĐM. Sao tự nhiên tui thèm thịt gà dễ sợ! Tui cá với mấy ông, nếu tui không ăn hết con gà đó thì cho tui chết đi!

Riêng có một gã, nãy giờ vẫn ngồi co ro bó gối. Cái đói triền miên làm mặt gã dài ra như mặt ngựa. Râu tóc lâu ngày không cạo khiến trông gã thê thảm như một gã ăn mày. Gã mặc một chiếc áo bông vá chằng chịt và ám đen như màu khói nhà bếp. Trước mặt gã là chiếc đèn dầu hôi làm bằng cái chai cắt đôi rồi dùng một cọng dây kẽm để đỡ ngọn bấc đèn. Ngọn đèn tỏa ra một thứ ánh sáng tù mù màu xanh hắt vào mặt gã khiến trông như một quái nhân. Tối nào cũng vậy, khi cánh cửa tù đã khép, gã ngồi lầm lì đối diện với ngọn đèn. Có lẽ chẳng còn cái gì bỏ vào bụng và cục bột luộc ăn buổi chiều đã tan biến trong bao tử cho nên gã hút thuốc liên tục để cho miệng đỡ thèm. Nghe những lời đối đáp qua lại như vậy gã làu bàu lên tiếng:

* Mấy ông “tư bản” thấy mẹ! Mấy ông ỷ vợ con mấy ông còn. Ngày xưa mấy ông tham nhũng cho nên sau ngày “sập tiệm” còn cất giữ được tiền bạc cho nên mấy ông mơ tòan cao lương mỹ vị. ĐM. tui là thằng đại úy đại đội trưởng tác chiến thì có chó đâu tiền bạc? ĐM con vợ khốn nạn cũng bỏ đi lấy “nón cối” rồi. Nếu như may phước về được thì tui chỉ xin bà già nấu cho một nồi cơm trắng. Tui bảo đảm sẽ ăn hết nồi cơm trắng đó với muối hột cho mấy ông xem!

Dường như câu nói đó đúng với tâm trạng của đám trẻ cho nên căn buồng bỗng rộn lên với những tiếng hú, tiếng cười và tiếng riễu cợt:

* Đúng đó “đại bàng”!
* Tới luôn đi “bác tài”!

Rồi từ trong góc kẹt nào đó có tiếng nói cất lên:

* ĐM. bây giờ giữa nồi cơm trắng và Brigitte Bardot thì tui lựa ngay nồi cơm trắng khỏi cần suy nghĩ gì hết!
* ĐM. Brigitte Bardot hả? Ngay Sophia Loren tao cũng chê nữa. Cơm trắng là nhất! Đói quá quẹo cu-lát hết cả rồi!

Đó là câu nói phụ họa của một gã tù khác. Khi gã vừa phát biểu xong câu đó thì căn buồng lại ồn lên với những tiếng cười thống khóai. Nó giống như liều thuốc an thần làm giảm nhẹ bao nỗi đắng cay, kinh hoàng, tủi nhục và trước mắt làm cho cơn đói phần nào dịu bớt đi.

Bên ngòai gió vẫn rít từng cơn và thỉnh thỏang quật vào những cánh cửa nghe ầm ầm. Trong khi những sinh họat như thế đang diễn ra như thế thì thằng “Khổng Tử” vẫn ngồi trầm ngâm, bó gối thỉnh thoảng vói tay lấy chén nước muối nhấp một ngụm cho miệng đỡ đắng. Khuôn mặt của nó trông già hơn lúc trước rất nhiều và hom hem như một ông lão. Dường như nhiệt lượng không đủ chống với cái lạnh cho nên cơ thể nó run lên từng hồi. Nó toan mò xuống tầng dưới để làm một ván cờ với ông trung tá già để chống đói thì một gã tù từ tầng dưới leo lên, bò về phía nó. Đó là thằng Tín. Bò tới nơi, thằng Tin xúyt xoa lên tiếng:

* Ê, “Khổng Tử” mày còn góc tư bánh nào không cho tao mượn, sáng mai tao trả.

Thằng “Khổng Tử” lắc đầu, nói:

* Thông thường chiều Thứ Bảy nào tao cũng ráng để dành góc tư bánh cho sáng Chủ Nhật vì sáng Chủ Nhật không lao động cho nên không có ăn sáng. Nhưng hôm nay đói quá tao để dành không nổi. Đây là lần đầu tiên bao vi phạm qui luật do tao đặt ra từ mấy năm nay.
- Thế mày còn có cái gì ăn được không?

Nở một nụ cười như mếu, thằng “Khổng Tử” chua chát đáp:

* Mẹ kiếp! Trong bốn bức tường này mày thử xem có cái chó gì ăn được nữa? Có chăng chỉ còn mấy con chuột chạy trên nóc nhà!

Nghe tới chuột thằng Tín nói với giọng tiếc rẻ:

* Mẹ nó! Hôm nọ tao vớ được con chuột chết ngộp trong bể nước, lột da, chui vào cầu tiêu nướng thế mà cũng bị tụi “ăng- ten” báo cáo là nấu nướng linh tinh, vi phạm nội quy. Thằng quản giáo kêu tao vào nhà lô “giũa” cho một trận thảm thiết. Nó đe dọa cúp thơ nếu tao còn tái phạm. Nhưng…nội quy thì nội quy. Mẹ nó! Đói quá tao phải mưu sinh thóat hiểm!

Nói đến đây giọng thằng Tín chuyển sang thật ngọt ngào:

* Này “Khổng Tử” mày còn nhớ câu chuyện Bát Cơm Phiếu Mẫu không?
* Có, nhưng câu chuyện đó ăn thua gì tới bọn mình?
* Có chứ! Mày có nghĩ rằng ngày hôm nay mày cho tao một “bi” thuốc lào biết đâu có ngày tao chẳng đền ơn mày một bánh thuốc lào?

Nghe nói vậy thằng “Khổng Tử” phì cười, nói:

* Thèm thuốc thì nói đại cho rồi, bày đặt dụ dỗ trẻ em!

Tuy nhiên dù nói vậy, thằng “Khổng Tử”cũng từ từ đưa tay lùa vào trong ngực lấy ra một bao ny-lông nhỏ bằng hai ngón tay trong đó có đựng một nhúm thuốc lào. Nó cẩn thận mở bao ny-lông rồi cấu ra một “bi” vừa đủ một điếu thuốc rồi nói tiếp:

* Phải mất góc tư bánh mới đổi được một nhúm thuốc lào này đó. Trong này tất cả đều phải tự chế. Mọi người đều thiếu thốn cả, không ai xin ai được đâu.

Nhìn thấy “bi” thuốc lào mắt thằng Tín sáng hẳn lên. Nó cẩn thận vê tròn nhúm thuốc lào nhỏ bằng đầu ngón tay út nhét vào nõ điếu, xé mảnh giấy báo rồi nhòai người, nói vọng xuống tầng dưới nơi có ông đại tá già đang thủ ngọn đèn dầu:

* Cho xin tí lửa bố già.

Khi ngọn lửa đã được truyền lên trên, nó đưa chiếc điếu cày vào miệng, rít một hơi dài rồi nghiêng chiếc điếu cày thổi mẩu thuốc còn dư vào cái lon sữa bò, rồi nó gân cổ hít mạnh số khói thuốc còn đọng lại trong chiếc điếu cày mà người ta hay gọi đó là thưởng thức “cái hậu”. Tiếng rít ré lên như tiếng còi làm cho mọi người phải chú ý. Sau khi ém cả số khói vào ngực, nó từ từ phà ra rồi lim rim đôi mắt để tận hưởng khóai cảm của điếu thuốc. Dường như điếu thuốc đã làm cho nó ấm bụng và sảng khóai cho nên nó long lanh đôi mắt nhìn thằng “Khổng Tử”, nói:

* Bọn mình ở tù ba năm rồi mà chẳng biết cái mẹ gì về dân tình ngòai này cả.

Nghe nói thế thằng “Khổng Tử” ngạc nhiên hỏi:

* Mày nói gì tao không hiểu?

Nhìn trước nhìn sau, thằng Tín nói tiếp:

* Sáng nay tao được thằng quản giáo cử đi gánh phân, ngang qua lò gạch tao dừng lại nghỉ mệt, một thằng cha làm ở đó dáo dác dòm quanh, rồi nó chỉ vào cái áo len cũ tao đang mặc nói “Có muốn bán không?”
* Trời đất! Cái áo len cũ như thế mà bán cho ai?

Thằng “Khổng Tử” nóng nảy ngắt lời thằng Tín.

* Thế mới tức cười chứ! Chính tao cũng không ngờ. Tựu chung vì bọn nó nghèo quá chứ không “Tiến Nhanh, Tiến Mạnh, Tiến Vững Chắc” như bọn “bò vàng” nói dóc đâu!
* Thế mày trả lời sao?
* May phước làm sao thằng công an áp tải cũng chui vào lò gạch để kiếm miếng nước trà, tao bèn chớp cơ hội, cởi phăng chiếc áo len, ném về phía thằng cha công nhân rồi nói “ Cho đổi gói xôi và bánh thuốc lào được không?” Thằng công nhân lanh lẹn chụp lấy chiếc áo len, nhét vào bụng rồi nói “ Sáng Thứ Hai tôi sẽ giấu một gói xôi lớn và bánh thuốc lào ở bụi chuối gần hố xí, ông nhớ ra lấy.”

Nghe kể tới đây thằng “Khổng Tử” khẽ lắc đầu rồi nó nói với giọng bất bình:

* Tao không đồng ý với chuyện mày làm.
* Mày cho tao biết tại sao?

Thằng Tín gằn giọng hỏi lại.

* Đáng lý ra mày phải cho người công nhân nghèo đó cái áo len mới phải. Dầu sao bọn mình cũng là những viên chức cao cấp của chế độ cũ. Mình phải có thái độ cao thượng cho dù mình có chết đói!

Xì một cái, thằng Tín nói:

* Mày “Khổng Tử” thấy mẹ! Bọn cộng sản nó dùng cái nhà tù này để giết hại bọn mình, mình phải tìm cách tồn tại chứ! Bản thân tao có muốn bán cái áo đó đâu?
* Đành rằng thế. Nhưng nếu mày cho họ cái áo thì tối hôm đó gia đình họ sẽ xúm xít lại bàn tán và ca ngợi bọn mình biết là bao nhiêu.
* Nhưng tao đói quá! ĐM mày không thấy tao chỉ còn da bọc xương sao? Mấy hôm nay bao nhiêu thằng đã ra nghĩa địa vì đói rồi?

Khẽ thở dài, thằng “Khổng Tử” đáp:

* Nhưng tao không làm được chuyện đó.
* Mày không làm được chuyện đó nhưng tao phải làm chuyện đó. Mày có thể làm “Khổng Tử” nhưng mày đừng nghĩ ai cũng có thể làm “Khổng Tử” như mày. ĐM con vợ tao đã bỏ đi lấy chồng. Ông già, bà già tao cũng chẳng còn nữa. Tao còn ai đâu để mà nương tựa, để gửi đồ tiếp tế? Tao không thể “Khổng Tử” như mày được!
* Thế mày muốn nói làm “Khổng Tử” phải có điều kiện à?
* Chứ sao? No cơm ấm cật mà mày!

Nghe thằng Tín nói câu đó nét mặt thằng “Khổng Tử” tự nhiên nghiêm nghị hẳn lên. Là bạn thằng “Khổng Tử” cho nên thằng Tin hiểu nó đang giận lắm cho nên nó im lặng không nói gì thêm. Lát sau dường như sự căng thẳng cũng đã dịu bớt, thằng Tín nắm lấy tay thằng “Khổng Tử” năn nỉ:

* Mày làm ơn giúp tao.
* Tao không thể giúp mày được.

Thằng “Khổng Tử” vẫn cứ cương quyết. Tới đây thì câu chuyện sắp đi vào đổ vỡ. Tuy nhiên với bản tính lanh lợi, thay vì giận dữ, thằng Tín mỉm cười nói:

* Thế mày đâu còn là “Khổng Tử” nữa?
* Tại sao?

Thằng “Khổng Tử” gằn giọng hỏi lại. Thấy thằng “Khổng Tử” đã sa vào bẫy, thằng Tín nói rất mánh lới:

* Thấy người ta nguy khốn mà giúp đỡ thì gọi là “Khổng Tử”. Mày biết giúp đỡ một thằng cha công nhân lạ hoắc ở xứ Bắc Kỳ, tại sao mày không tìm cách giúp đỡ một thằng bạn của mày cũng đang lâm vào tình trạng nguy khốn? Như thế mày mới xứng đáng là “Khổng Tử” chứ?

Trước cái lý luận cù bửa nhưng quá sắc bén của thằng Tín, thằng “Khổng Tử” không còn cách nào hơn là nhe răng cười, rồi nó hỏi:

* Thế mày muốn tao giúp cái gì?

Như mở cờ trong bụng, thằng Tín ngồi xích lại gần thằng “Khổng Tử” thì thào:

* Thứ Hai này không biết tao có được cử đi gánh ra muống vào cho nhà bếp không? Nếu như tới phiên mày thì trước khi gánh vào trại, mày giả bộ đi cầu rồi ghé vào bụi chuối gần cầu tiêu xem có gói xôi và bánh thuốc lào ở đó không. Nếu có, mày nhét dưới thúng rau muống. Thường thường gánh rau muống cho nhà bếp bọn trực trại không khám đâu.

Nghe thằng Tín nói thế mặt thằng “Khổng Tử” lộ rõ vẻ đăm chiêu. Thấy vậy thằng Tín nói thêm:

* Mày ráng đem vào, tối mai bọn mình sẽ có “big party”. Còn thuốc lào thì tha hồ hút, lại còn đổi được bánh lai rai nữa.

Vẫn với vẻ tư lự, thằng “Khổng Tử” nói:

* “Big party” hay không đối với tao không thành vấn đề, vì tao nhịn đói lâu đã quen. Tao chỉ sợ không biết có gì trục trặc không.

Thấy thái độ chần chừ của thằng “Khổng Tử” như vậy, thằng Tín nói ngay để trấn an:

* Tao bảo đảm với mày không sao đâu. Nhiều thằng đã đem đồ từ ngòai vào bằng đường dây này đó.

Không trả lời thằng Tín, thằng “Khổng Tử” lặng lẽ lùa tay vào ngực áo lấy ra một “bi” thuốc lào. Nó châm lửa rít một hơi rồi mơ màng nhìn theo làn khói chập chờn bay rồi phút chốc tan loãng vào căn buồng giam giá buốt, thê lương giờ đã dần dần đi vào nửa khuya.

♦ ♦ ♦

Ngay trước cổng Trại Tù Hà Tây, phía bên kia con đường đất đỏ là một cánh đồng chạy cặp dài

theo con đê. Người ta đã tách một vài sào ruộng của cánh đồng này để trồng rau muống. Số rau muống do tù trồng từ mấy thửa ruộng này là nguồn thực phẩm chính cung cấp cho trại tù. Từ mé con đường đất đỏ bước vào là chiếc sân gạch dùng để phơi lúa. Chung quanh chiếc sân là dãy nhà kho và nhà chứa dụng cụ. Bên cạnh đó là mấy đống rơm và một cái chuồng trâu. Rải rác chung quanh là một vài luống rau “cải thiện” (5) èo uột do cai tù hoặc tù “tự giác” hình sự trồng. Xa xa về phía trái khỏang trăm thước là văn phòng Ủy Ban Hành Chánh Xã Mỹ Hưng trông tựa như một ngôi chùa. Nằm sâu vào bên trong khoảng năm mươi thước là chiếc lò gạch màu đỏ pha lẫn mày đen, nham nhở nổi bật trên cánh đồng.

Bây giờ đã gần mười giờ sáng nhưng bầu trời xám xịt làm cho người ta có cảm giác đã năm, sáu giờ chiều. Từng đợt gió bấc khô lạnh thổi lùa qua cánh đồng trống như những lưỡi dao bén cắt vào da thịt con người. Từ dưới ruộng, thằng “Khổng Tử” cố nhòai người ra để ghị đùm rau muống vào lòng nhưng dường như đôi chân của nó quá yếu cho nên nó ngã bổ nhào về phía trước. Cục bột luộc nhỏ bằng trái chanh- tiêu chuẩn ăn sáng – giờ này đã tan biến đâu mất cho nên chân nó bủn rủn không sao đứng dậy được nữa. Cuối cùng nó phải ngồi bệt xuống dưới ruộng khiến nước ngập tới bụng. May sao ngay lúc đó có tiếng hú truyền từ phía nhà lô kèm theo lệnh “Tóan gánh rau muống cho nhà bếp chuẩn bị nhập trại!” Lệnh truyền như tiếng cồng cứu nguy cho một võ sị sắp bị hạ do ván. Từ dưới nước, Thằng “Khổng Tử” gượng đứng dậy rồi lảo đảo tiến về mé bờ ruộng. Vì quần áo nó bị ướt sũng cho nên nó vừa đi vừa run lập cập. Khi đã leo lên được bờ ruộng, nó dắt cái liềm vào lưng quần rồi toan ghé vai đặt vào chiếc đòn gánh nhưng nó cảm thấy cái gì ngưa ngứa ở dưới chân. Nó vội vàng cúi xuống, kéo ống quần lên. Đúng như mọi lần, hai con đỉa thân hình căng phồng đang bám chặt vào bắp chân. Khẽ rùng mình một cái, nó nhổ vội bãi nước bọt vào lòng bàn tay rồi hối hả úp cả bãi nước bọt đó vào hai con đỉa. Gặp nước bọt, hai con đỉa co mình lại, cuốn tròn rồi rớt vào lòng bàn tay nó. Từ nơi bắp chân, hai dòng máu bắt đầu rỉ ra và thóang một cái đã loang xuống đôi bàn chân khẳng khiu lấm bùn be bét. Không để ý đến hai giòng máu loang lổ dưới chân, thằng “Khổng Tử” ném hai con đỉa lên bờ ruộng rồi nó lấy mũi của chiếc liềm chích vào thân hình hai con đỉa khiến máu đỏ vọt ra ngòai. Trừ khử xong hai con vật ghê tởm, nó kê vai vào chiếc đòn gánh rồi nghiến răng xốc thẳng người lên. Sau một vài lần lảo đảo nó mới giữ được thân hình thăng bằng. Thay vì đi thẳng về nhà lô nó cố tình gánh về phía cầu tiêu lộ thiên. Đặt gánh rau muống nặng trĩu xuống đất nó tiến về phía bụi chuối rồi đưa mắt tìm. Ngay dưới gốc chuối dường như có một vật gì đó được phủ lên bằng một lớp lá chuối khô. Gạt lớp lá chuối khô qua một bên, quả đúng như lời của gã công nhân làm ở lò gạch, bên dưới là một cái gói lớn bằng hai viên gạch và được bọc bằng giấy xi-măng. Cầm lên tay ướm thử, nó đóan đây có thể là gói xôi và bánh thuốc lào. Nó dòm trước, dòm sau rồi nhét cái bọc đó vào giữa gánh rau muống. Nhét xong nó gánh về phía nhà lô là nơi tập họp của đội và cũng là để nhận lệnh của cai tù. Từ nãy tới giờ thằng Tín vẫn theo dõi sát nút mọi hành động của thằng “Khổng Tử”. Khi thấy thằng “Khổng Tử” đã vào tới nhà lô, nó liếc mắt quan sát xem tên quản giáo ở đâu rồi nó lanh lẹ tiến về phía thằng “Khổng Tử”. Khi tới sát bên cạnh nó khẽ quẹt vào người thằng “Khổng Tử” rồi nháy mắt hỏi. Thay vì trả lời, thằng “Khổng Tử” chỉ khẽ gật đầu. Ít phút sau từ phía căn nhà lợp lá tên cai tù bước ra hất hàm hỏi:

* Có đem cái gì vào trại thì tự giác bỏ ra?

Khi thấy tất cả im lặng nó phất tay ra lệnh cho gã trưởng tóan dẫn tóan gánh rau muống vào trại. Theo hàng một, đám tù nặng nề băng ngang sân phơi lúa, băng qua con đường đất đỏ để quay trở lại cổng ngòai của Trại Tù Hà Tây. Vì thằng “Khổng Tử” là người ốm yếu nhất trong tóan cho nên thỉnh thỏang nó phải dừng lại để lấy sức. Rải rác trên đường, một vài tóan tù đang kéo gạch, đào đất, xe vôi, xe cát thấy rau muống gánh vào trại bèn lên tiếng nguyền rủa:

* Lại rau muống! Suốt đời rau muống! ĐM rau muống mùa Đông dai như cao-su, heo ăn không nổi thế mà nó cũng cắt cho tù ăn!

Rồi có tiếng cãi lại:

* ĐM có còn hơn không! Còn hơn bột luộc với nước đại dương!

Trước những lời bình luận qua lại như thế thằng “Khổng Tử” chỉ nhe răng cười. Sau khi nghỉ một chút để lấy sức, nó xốc gánh rau muống lên vai để tiến về cổng trong là nơi mà bốn người đang chờ đợi nó. Khi thằng “Khổng Tử” vừa đặt gánh rau muống xuống thì gã trưởng tóan tiến tới cửa phòng, bỏ nón, đứng nghiêm nói lớn vào bên trong:

* Báo cáo cán bộ cho tóan rau muống năm người nhập trại.

Từ bên trong, tên cai tù trực trại với vẻ mặt khinh khỉnh, tay cầm cuốn sổ bước ra, hất hàm hỏi:

* Có đem gì vào trại không?

Tất cả đều im lặng ngọai trừ gã trưởng tóan cười cầu tài, nói:

* Báo cáo cán bộ chắc chẳng có ai đem cái gì vào đâu.

Thông thường tên cai tù chỉ hỏi cho có lệ, nhưng không hiểu sao hôm nay do trời xui đất khiến, nó nhìn trừng trừng vào mấy gánh rau muống, nói:

* Sao anh biết?

Rồi nó tiến tới, lấy chân đá vào gánh rau muống của thằng “Khổng Tử” rồi ra lệnh:

* Trưởng tóan khám gánh này cho tôi.

Sự kiện xảy ra bất ngờ ngòai sự tiên liệu cho nên thằng “Khổng Tử” chỉ đứng chết trân và mồ hôi trong người nó tháo ra. Nhận được lệnh của tên cai tù, gã trưởng tóan miễn cưỡng bước tới bốc từng đùm rau muống quăng xuống đất. Nhưng rồi chính gã cũng mở tròn đôi mắt khi thấy ở gần dưới đáy văng ra một cái bọn giấy xi-măng. Lúc này thì cả bốn gã tù đều giương mắt nhìn thằng “Khổng Tử” rồi hướng về tên cai tù như chờ đợi. Như một con hổ đói phát hiện ra được con mồi, tên cai tù hung hãn bước tới ra lệnh:

* Mở cái bọc ra coi!

Gã trưởng tóan đưa mắt ái ngại nhìn thằng “Khổng Tử” rồi từ từ cúi xuống mở cái bọc xi-măng. Đúng như lời thằng Tín, bên trong là một gói xôi thật lớn bọc cẩn thận bằng lớp lá chuối cùng với bánh thuốc lào. Tới lúc này thì bốn gã tù cùng ồ lên một tiếng. Còn tên cai tù thì đưa đôi mắt hung ác nhìn thằng “Khổng Tử” từ gót chân đến đỉnh đầu rồi nói rít qua hàm răng:

* Dám cả gan mua bán đổi chác ninh tinh vi phạm lội qui. Đem tất cả vào phòng cho tôi! Muốn chết phải không?

Nói xong nó hầm hầm ra lệnh cho bốn gã tù gánh rau vào trại. Còn thằng “Khổng Tử”, theo lệnh của tên cai tù, thẫn thờ cúi xuống lượm cái bọc giấy xi-măng rồi bước theo tên cai tù như một con cừu non bước theo con sói.

Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, khi các đội lao động khổ sai lần lượt nhập trại thì tin thằng “Khổng Tử” bị bắt cùng gói xôi và bánh thuốc lào lan nhanh như một cơn lốc. Người ta bàn tán vì tiếc rẻ gói xôi, bàn tán vì không biết cái gì sẽ xảy ra cho thằng “Khổng Tử”.

Sau khi bị giữ lại văn phòng trực trại khoảng hơn tiếng đồng hồ để lập biên bản, thằng “Khổng Tử” được phép trở lại đội. Khi nó quay trở lại buồng giam thì đã quá giờ ăn trưa. Cả trại tù đang chìm đắm vào giấc ngủ trưa nặng nề, giá buốt. Mọi cánh cửa đều khép kín, bầu trời xám đục và gió rít từng cơn. Trong căn buồng lạnh lẽo, âm u như địa ngục, đám tù nhân đang nằm cuộn tròn trong những chiếc chăn tựa như một dãy xác chết cuộn tròn trong những chiếc pông-sô. Khi thằng “Khổng Tử” bước vào, nó cố đưa mắt tìm nhưng không thấy bóng dánh thằng Tín đâu. Một vài người đang loay hoay khâu vá hoặc không ngủ trưa, thấy nó, khẽ hỏi:

* Có sao không?

Trong khi đó một số đang ngủ chập chờn, nghe tiếng xầm xì, khẽ mở mắt nhìn rồi lại cuộn mình trong những chiếc chăn rồi nhắm mắt ngủ tiếp. Không trả lời ai, thẫn thờ như một xác chết biết đi, thằng “Khổng Tử” từ từ leo lên chỗ nằm. Nó đưa mắt nhìn cục bột luộc để trên chiếc gối, giờ đã cứng đơ và thâm đen như cục cứt chó. Quả thực giờ nó không thiết gì đến ăn uống nữa vì miệng nó đắng ngắt. Nó cầm cục bột luộc lên ngắm nghía một hồi rồi bỗng thở dài rồi nó tức giận ném cục bột xuống sàn gỗ nghe đến thình một cái. Nó móc túi lấy ra một “bi” thuốc lào. Có lẽ “bi” thuốc lào đã làm cho nó tỉnh táo trở lại cho nên nó nhặt cục bột lên rồi cẩn thẩn cất vào trong một cái ca nhựa có nắp. Nó từ từ kéo chiếc chăn ở trên đầu nằm, lùa chân vào trước rồi kéo lên đầu rồi cuộn tròn thân hình để cố thiếp đi vào giấc ngủ trưa đầy giá buốt, thấp thỏm, lo âu.

Khi tiếng kẻng lao động chiều vang lên dồn dập thì một tên tù “tự giác” chạy đến cho hay thằng “Khổng Tử” có lệnh ở nhà để “làm việc” với cán bộ an ninh. Thế là cả buồng lại nhốn nháo lên với những lời bàn tán. Nhưng rồi như một đoàn nô lệ đói rách, đám tù lại nặng nề lê bước qua cổng trại để hướng về những cánh đồng rau muống, lò gạch, trại cưa, ruộng lúa để tiếp tục một ngày lao động khổ sai.

Khi đòan tù nhân đã lần lượt xuất trại để trả lại sự im lặng cho căn buồng thì thằng “Khổng Tử” vẫn còn ngồi bó gối. Khi có tiếng gọi léo nhéo của tên tù “tự giác” thì nó vội vàng móc ra một “bi” thuốc lào rồi châm lửa. Hút xong nó lặng lẽ leo xuống cầu thang rồi bước ra ngòai cửa. Ngọn gió lạnh thấu buốt thổi qua hành lang làm cho thân hình nó co rúm lại. Nó kéo xụp cái nón chùm đầu xuống tận mí mắt, hai tay thọc vào nách rồi lum khum, hối hả bước ra ngòai cổng. Khi tới cổng, nó kéo cái mũ chùm đầu ra, đứng nghiêm rồi hướng về phía chòi canh nơi có tên vệ binh đang bồng súng rồi hô lớn:

* Báo cáo cán bộ cho một người ra gặp cán bộ an ninh.

Sau cái gật đầu của tên vệ binh, nó rụt rè tiến về phía phòng an ninh, nơi mà hằng ngày đi lao động nó thường đưa mắt ái ngại nhìn vào bên trong. Nhưng ngày hôm nay không ngờ chính nó lại là “khách hàng” của căn phòng hắc ám này. Nó còn đang xớ rớ trước bậc tam cấp thì bên trong có tiếng nói cất lên:

* Vào đây!

Khi bước hẳn vào bên trong nó thấy ngồi chễm chệ trên chiếc ghế sau cái bàn, không ai khác hơn là tên Thiếu Úy Vẻn. Có lẽ do sự sắp xếp ngọan mục của tạo hóa cho nên tên Vẻn có bộ mặt thật thích hợp với nghành an ninh. Nước da nó ngăm đen, khuôn mặt gầy gầy, xương xương lúc nào cũng vênh lên như cái quạt mo. Đôi mắt nó sắc sảo như diều hâu và luôn nheo lại khi nhìn kẻ khác. Đặc biệt cặp môi của nó vều hẳn lên để lộ hàm răng cải mả thưa nhọn. Nói tóm lại nếu cần tuyển một tài tử đóng lại bộ phim Đấu Tố trong đợt cải cách ruộng đất năm 1956 thì Vẻn là mẫu điển hình của một tên cán bộ cộng sản hung ác. Nhìn thấy tên Vẻn, mặc dù trời lạnh căm căm nhưng mồ hôi trong người thằng “Khổng Tử” rịn ra. Dù cố trấn tĩnh nhưng đôi chân nó cứ run lập cập. Lấy tay đưa lên miệng thấm nước bọt rồi lật lật mấy tờ giấy để trên bàn, tên Vẻn nheo mắt nói với giọng thật đểu giả:

* Anh Toàn đấy à? Có phải anh Tòan mua bán đổi chác ninh tinh không?

Trong khi thằng “Khổng Tử” chưa kịp có phản ứng gì thì tên Vẻn đã đổi ngay nét mặt. Nó đay nghiến nói:

* Anh định chống lại đảng và nhà lước phải không? Ai cho phép anh niên hệ với người dân? Anh định âm miu gì đây?
* Tôi đói quá nên tìm cách đổi cái áo lấy gói xôi chứ có âm mưu gì đâu.

Thằng “Khổng Tử” thu hết can đảm nói.

* Đói hả? Phải lói nà các anh ăn chưa được no. Đảng và nhà nước ta có để ai đói bao giờ? Các anh định xuyên tạc đường lối của đảng và nhà nước phỏng?

Tên cán bộ an ninh cong cớn chặn ngay lời nói của thằng “Khổng Tử”. Từ nãy tới giờ thằng “Khổng Tử” vẫn đứng co ro trước mặt tên cai tù. Trước cái bàn là một cái ghế trống. Thấy đứng lâu như thế cũng quá đủ, thằng “Khổng Tử” từ từ ghé người ngồi xuống. Nhưng khi mông nó vừa chạm mặt ghế thì tên cai tù đập bàn quát:

* Ai cho phép anh ngồi?

Như một kịch sĩ, quát xong tên cai tù thản nhiên nhìn vào tấm giấy rồi lát sau nó ngửng lên nói:

* Theo báo cáo từ buồng thì anh không phải thành phần mua bán đổi chác ninh tinh. Vậy anh phải khai cho thật. Ai xúi bẩy anh nàm chuyện này? Lếu anh khai thật ban giám thị sẽ khoan hồng cho, còn nếu giấu diếm thì đừng có trách!

Nghe tên Vẻn nói thế trong đầu thằng “Khổng Tử” nảy ra một sự suy tính dữ dội. Nó hiểu tên công an không nói đùa. Nó liên tưởng ngay tới nhà cùm, tới cái bánh bị cắt bớt một phần tư, tới trời lạnh thấu buốt mà các tù nhân bị giam trong nhà kỷ luật không được đem theo chăn mền, đến bệnh bại liệt sau khi ở nhà cùm ra nếu còn sống sót. Nhưng hình ảnh tang thương của thằng Tín cũng hiện lên với thân hình gầy ốm, vợ bỏ đi lấy nón cối, chẳng còn ai thân thích cho nên nó nó thu hết can đảm nói:

* Tôi tự ý làm một mình, không ai xúi biểu tôi cả.

Câu trả lời của thằng “Khổng Tử” như chọc giận tên công an, cho nên nó đứng phắt ngay dậy, lấy tay xỉa vào mặt thằng “Khổng Tử”:

* À, mày định làm anh hùng phải không? Được! Tao sẽ cho mày biết đảng và nhà nước sẽ kiên trì giáo dục mày như thế nào!

Lúc này căn phòng hoàn toàn im lặng và nghẹt thở. Chỉ có tiếng u u của ngọn gió bấc thổi lùa qua mái ngói như một thứ nhạc đệm phụ họa cho cuộc tra tấn cân não khốc liệt này.

Giây lát sau, có lẽ do mánh lới của nghành công an trở lại, tên Thiếu Úy Vẻn từ từ ngồi xuống. Nó rút từ trong tập hồ sơ ra một tấm giấy rồi nói:

* Nệnh thi hành kỷ nuật đã được Ban ký sẵn đây. Tùy anh quyết định. Lếu anh chịu cộng tác thì chính tôi sẽ đề bạt anh xuống đội nhà bếp. Hồ sơ cải tạo cũng sẽ thuận lợi cho anh. Đừng dại dột anh Tòan nhé. Tại sao mình phải hy sinh cho người khác hả anh Tòan?

Nhìn tờ giấy bên trên đề “Quyết Định Thi Hành Kỷ Luật” mắt thằng “Khổng Tử” hoa lên. Nhưng từ nơi trái tim của nó, có một cái gì đó khó nói. Không biết có phải lòng can đảm hay một chút khí phách của một kẻ dù bại trận? Song cũng có thể chỉ là sự liều lĩnh chấp nhận cái chết để thóat ly cuộc sống quá đọa đày, thằng “Khổng Tử” cảm khái nói:

* Tôi không có gì để khai thêm nữa!
* À, thằng lày ngoan cố!

Cùng với câu nói đó, tên cán bộ an ninh giận dữ đứng phắt dậy rồi bước ra ngòai. Lát sau nó trở lại với tên tù “tự giác” và tên vũ trang. Như nhận được lệnh từ trước, tên tù “tự giác” kéo giật đôi tay thằng “Khổng Tử” ra phía sau rồi móc vào đó chiếc còng sắt. Rồi dưới sự áp tải của tên vũ trang, thằng “Khổng Tử” bị đẩy vào trại rồi hướng về phía nhà cùm. Trong khi thằng “Khổng Tử” bị dẫn đi như thế thì gió vẫn rít từng cơn, bầu trời vẫn xám xịt và chiếc sân rộng sâu hun hút với những chiếc tường cao nghệu vẫn đứng im lìm như một chứng nhân buồn bã chỉ biết đưa mắt nhìn mà chẳng bao giờ biết thở than, chia xẻ.

♦ ♦ ♦

Hai tuần lễ sau thằng “Khổng Tử” được khiêng từ nhà cùm ra trạm y tế. Nó nằm lả người trên chiếc cánh cửa được xử dụng như chiếc băng-ca do hai tên “tự giác” khiêng. Sau cuộc họp, bọn cai tù trong trại quyết định truyền cho nó một chai nước biển và nấu cho nó một tô cháo. Nhưng tất cả dường như đã quá trễ. Đêm hôm đó nó vĩnh viễn ra đi. Sau này nghe mấy anh em phục vụ ở trạm xá kể lại thì trước khi nhắm mắt nó có để lại một vài lời trăn trối đến thằng Tín. Lời trăn trối đó như sau: “ Tín ơi! Mày ráng sống và cần phải sống! Những thằng “Khổng Tử” như tao có sống thì cũng chẳng làm nên trò trống gì giữa cái cuộc đời chó má này! Bài học mà tao chứng nghiệm được vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời là “Phần thưởng dành cho những kẻ đạo đức là sự thiệt thòi”. Cái bánh bao cất ở ca nhựa nếu còn ăn được xin để cho mày. Vĩnh biệt mày Tín ơi!”

Đào Văn Bình

(trích tuyển tập Sóng Bạc Đầu xb năm 1991)

1. Váy bó chẽn
2. Nhí nhảnh, dễ thương
3. Áo ngủ bằng voan mỏng
4. Tù được cai tù ưu đãi một chút để hợp tác với cai tù trong việc giữ gìn an ninh, trật tự.
5. Trông thêm để ăn, ngòai tiêu chuẩn