Wednesday, April 30, 2008

Thư Công Bố Đầu Hàng (Hội CSV Florida)

Kính gởi Quí Thành Viên HĐQT
Đồng kính gởi quí anh chị Cựu Sinh Viên QGHC

Trong hơn ba tháng qua, tôi và chủ tich của 6 Hội (4 Hội ở Úc Châu, và 2 hội ở Mỹ, và Hội Florida mà tôi là đại diện) đã tận lực thúc đẩy anh Chủ Tịch HDQT Trần Xuân Thời (CT/TXT) nhận lãnh trách nhiệm của mình mau chóng triệu tập HDQT đê giải quyết những tranh chấp gây ra cuộc khủng hoảng ng TH hiện nay. Tuy nhiên, không biết vì lý do nào đó, anh CT/TXT đã chối bỏ trách nhiệm của mình, đã cố tình bất động không triệu tập HĐQT, để cho HĐQT thành tê liệt. Ý thức sự thiếu thiện chí của anh CT/TXT, sau khi tham khảo, được sự tán đồng của đa số các hội viên Florida, tôi quyết định tạm thời chấm dứt mọi tham dự trong HĐQT do anh TXT điều hành cho tới khi HĐQT phục hồi các sinh họat dân chủ trong tinh thần ái hữu, dân chủ, và đạo đức.

Trong dịp nầy, tôi xin cảm ơn quí anh chị CSV đã chấp nhận lời yêu cầu cá nhân của tôi hay của chủ tịch 4 hội ở Úc Châu đình chỉ gởi e-mail chỉ trích nhau, và đã kiên nhẩn chờ đợi HĐQT. Tôi xin tạ lổi cùng quí anh chị vì đã không làm tròn trách nhiêm như tôi đã lạc quan tin tưởng vì Nội qui 2003 (tác giả là CT/TXT) đã không cho chúng ta có giải pháp nào trong việc giải quyết xung đột hiện nay của TH.

Khủng hoảng nào cũng có cái tốt và cái xấu của nó. Tôi hy vọng sau cuộc khủng hoảng nầy, chúng ta sẽ có một Nội Quy hoàn hảo hơn, dân chủ hơn và trong sáng hơn. Điều mong ước nầy chỉ có thể có nếu chúng ta can đảm đối diện với xung đột một cách hợp lý và hợp tình (tình ái hữu).
Để quí anh chị biết rõ hơn tại sao tôi phải đầu hàng, xin quí anh chị đọc Thư Cồng Bố Đằu Hàng của tôi (đính kèm), nếu quí anh chị có thời giờ. Nếu quí anh chị cần xem những e-mails trao đổi giữa chúng tôi (Florida và các Hội Uc Châu cũng như riêng cá nhân tôi) và CT/TXT, xin quí vị yêu cầu Chủ tịch của quí Hội cung cấp.

Là Thành viên của HĐQT/TH (một cơ chế đại diện toàn thể CSV/QGHC), tôi quyết định phổ biến rộng rãi thư đầu hàng nầy để quí anh chị biết tại sao chúng ta không có thể giải quyết được những xung đột hiện tại, những xung đột có thể giải quyết một cách thoả đáng và dễ dàng.


Tôi cần nói rõ ý nghiã của việc công bố đầu hàng của tôi: Tôi đầu hàng việc ù lì ngâm tôm không triệu tập phiên họp HĐQT của CT/TXT sau những cố gắng của 7 Hội chúng tôi trong mấy tháng nay, những cố gắng vừa mất thời giờ và vừa vô hiệu quả do Nội qui 2003 (tác giả là TXT) đã trói tay chúng tôi. Nhưng nếu HĐQT được chính thức triệu tập, chúng tôi sẽ hân hoan trở lại tham dự để bảo vệ quyền lợi chung của TH.

Hội Florida đã rất dân chủ đã quyết định "BẤT TÍN NHIỆM" CT/TXT.

Trân trọng kính chào quý anh chị.

Thái V. Khị, Chủ Tịch
Hội Florida

***

Quyết định bất tín nhiệm trên đây của Hội Florida được giải thích thêm trong lá thư ở một trang rời có link sau đây:

http://docs.google.com/Doc?id=dhtmm392_260dkcpfkcd

Xin mời quý anh chị click vô để đọc thêm.

***

Vì tinh thần thông tin dân chủ, Diễn Đàn sẵn sàng đăng tải thư lên tiếng của anh CT Trần Xuân Thời, nếu D.Đ. nhận được. - D.Đ.

Truyện trong mùng

“You’d better buy a hat, Ray”…

Một cặp vợ chồng già ở Montana có thói quen hay đi shopping ở mấy cửa hàng chuyên bán đồ cowboy miền Viễn Tây, Hoa kỳ.

Một hôm, ông chồng “vớ” được một đôi boot còn mới tinh, hí hửng đem về, nhịp chân “cộp cộp” xuống sàn nhà như Gary Cooper khoe vợ:

- Mình xem này, hôm nay mình thấy tôi có cái gì lạ không?

- Không thấy chì lạ cả! Người vợ tỉnh bơ đáp.

Ông chồng tức mình đi vào phòng tắm cởi hết quần áo ra, chỉ còn chừa lại đôi boot mới. Ông đứng gí vào mặt bà rồi hỏi cộc lốc:

- Thế bây giờ bà đã thấy cái gì chưa?

- Dĩ nhiên là thấy. Nhưng hôm qua “nó” vẫn vậy. Hôm nay “nó” cũng rứa. Và chắc ngày mai “nó” cũng như thế. Người vợ đủng đỉnh đáp.

Đến đây, người chồng đành giả lả bật mí:

- Đấy là vì “nó” cúi xuống để chiêm ngưỡng đôi giày mới của tôi đấy, bà ạ!

- Nếu nói vậy, ngày mai ông nên đi mua chiếc mũ cowboy đội vào thì có lẽ “nó” work hơn.

Rồi bà nói như hát: “You’d better buy a hat, Ray”… You’d better buy a hat, Ray”…

(Ray là tên người chồng)

Một thân hữu ở Montana
(tặng MaoTônWeb một nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ)

Tin Trong Nhà

Vừa nói chuyện với Hùng Vũ hồi 17:15 PM, giờ Cali, ngày hôm nay, 30 tháng 4. Dù vừa qua 4 lần radiation, giọng nói đã có thần, tinh thần hưng phấn nhờ sự chăm sóc của gia đình, sự quan tâm rất mực của bạn bè và niềm tin tôn giáo. Và Hùng cũng tuyên bố, bắt chước Lan Đàm tôi, nhân "vụ" này, về hưu non luôn! Bravo.

Vài hàng thông báo cùng Quý Đốc/Quý Hữu để quý vị yên lòng.
Lan Đàm.

Poster designed by Hoàng Hoa


"Đổ Vỡ" ra mắt đúng thời điểm 30-4 lại nói lên được nét hãi hùng, sâu thẳm của dân Việt bất hạnh". Nguyễn Đình Phúc ĐS11

"Bức họa đã nói lên một thực trạng trong nhiều gia đình tại Miền Nam Tự Do vào ngày Tháng Tư Đen. Gìa đình chỉ còn Bà Mẹ Trẻ với đàn con nhỏ dại vì cha vừa hy sinh trên chiến trường, đang hoang mang hoảng hốt tháo bỏ bộ binh phục để tháo chạy, hay đang thất thểu đâu đó trong đám người chen lấn tại phi truờng hay bến tàu. Ngắm bức họa này cả một dĩ vãng kinh hoàng vào ngày 30 tháng Tư, 1975 hiện ra thực rõ nét trong tâm trí tôi. Nhìn kỹ hai đôi mắt trên khuôn mặt của hai mẹ con khiến tim tôi thổn thức đau nhói. Cảm ơn hoạ sĩ đã thay tôi nói lên một phần tâm sự của mình vào ngày 30 thang 4 cách đây đúng 33 năm". Hoàng Hoa, CH 6.

Bức tranh họa sĩ Acla hoàn thành trong dịp cuối tháng tư để kỷ niệm ngày tháng này 33 năm trước người dân miền Nam bắt đầu chuyện " Đổ Vỡ". VLH, thân hữu

"Cái hay nhất của bức tranh là không thấy một giọt nước mắt nào của cả hai mẹ con. Khi nỗi đau khổ đã tột cùng rồi, thì nó biểu hiện ra chỉ qua những nếp nhăn, nét sầu thảm trên khuôn mặt người mẹ, nét hoảng hốt của đứa bé... Người đàn bà mất chồng, đứa con mất cha. Nhìn bức tranh Như Thưong đã khóc". NT, thân hữu.


Quốc hận và Giỗ Tổ ở Montréal, Canada


Vào lúc 13 giờ 30 ngày 27/04/2008, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và ngày Quốc Hận 30/04 đã được Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Vùng Montréal phối hợp với Hội Cựu SV QGHC Montréal và Hội Tuổi Rồng Vàng tổ chức tại Hội trường trụ sở Cộng Đồng.
Sau phần chào Quốc kỳ Canada và VNCH cùng các nghi lễ Giỗ Tổ cổ truyền, hai chủ đề trên đã được diễn giả PHẠM TRẦN ANH, ĐS 14, người đã từng trải qua 20 năm trong ngục tù Cộng Sản và là đương kim CT UB Điều hành Hải ngoại Hội Ái Hữu tù nhân chính trị và tôn giáo VN, trình bày về Sử Việt và cuộc sống tù đầy Cộng sản. Trong khoảng một giờ, với một giọng truyền cảm, khi trầm lúc bổng, Anh đã trao đổi ý kiến, trả lời các câu hỏi với các thành phần tham dự viên khoảng trên 200 người.
Buổi lễ đã diễn ra trong bầu không khí trang trọng với các lễ nghi, thân mật và cởi mở với phần diễn giả, có văn nghệ giúp vui và phần thụ lộc Tổ, kết mãn vào khoảng 5 giờ chiều. Ngoài các tham dự viên là đông đảo các người Việt vùng Montréal, còn có các người đến từ các thành phố khác như Ottawa, Toronto ... về tham dự.
Đa số các anh chị em CSV QGHC tại Montréal đều tham dự, trong đó có 2 bạn ĐS 14 là Trần Văn Vũ và Nguyễn Văn Bính.
Chú thích hình đính kèm : từ trái qua phải BS Trần Đình Thắng, CT CĐ Người Việt QG Vùng MTL, Bạn Phạm Trần Anh ĐS 14, Bạn Lê Văn Châu, CH7, CT Hội CSV QGHC Montréal.

Nguyễn Văn Bính, ĐS 14
từ Montréal


30 tháng Tư


Đổ Vỡ

oil on canvas, 30" x 30"

A.C.La


30 tháng Tư:
Ngày giải phóng và thống nhất hay Ngày của kềm kẹp và chia ly?


***

"Đất nước Việt nam ta sau ngày 30-4-1975 không hề được giải phóng, cũng không hề được thống nhất. Ngày 30-4, đảng cộng sản thắng, toàn dân vẫn thua, vẫn bị thống trị bới độc quyền đảng trị.

Đảng cộng sản đã thực hiện chính sách chiếm đóng và thống trị miền Nam, bỏ tù và quản thúc hàng triệu người dân, tước đoạt của cải của dân qua đổi tiền và cải tạo, thải loại ngay Mặt trận dân tộc giải phóng, gây thảm cảnh hàng triệu thuyền nhân. Như thế mà là giải phóng, là thống nhất ư?" (Bùi Tín)


"Đến tận ngày hôm nay, danh từ Việt Nam được nhắc đi nhắc lại trên báo chí toàn cầu cũng không có một ý nghĩa nào khác hơn là sự răn đe hay sỉ nhục nền chính trị “đại quốc” của Mỹ. Trong các bình luận quốc tế về cuộc chiến tranh Iraq, danh từ này tựa hồ một trái lựu đạn cay ném trước thềm Nhà Trắng Washington. Nhiều người Việt Nam, trước hết là nhà cầm quyền Việt Nam đương đại, coi đó là niềm kiêu hãnh. Đối với riêng tôi đó là nỗi đau đớn chua chát, một vết thương không bao giờ lên sẹo. Chính do cuộc chiến tranh này mà tôi hiểu được rằng đôi khi những bi kịch lớn lao nhất của loài người cũng chỉ là trò đùa của số phận. Rằng luôn luôn có một thứ ténèbre (nơi tăm tối) dưới ánh mặt trời. Rằng bàn tay cay nghiệt của định mệnh đã từng nhấn chìm dân tộc tôi trong một vùng tối mù thấm đẫm máu tươi. Rằng chúng tôi đã từng sống những tháng năm dài như những kẻ mù loà cho dù có những đôi mắt long lanh của tuổi hai mươi và cho dù Việt Nam là xứ nhiệt đới nơi thừa ánh mặt trời, một thứ mặt trời chang chói". (Dương Thu Hương)

Tuesday, April 29, 2008

CSV-QGHC tưởng niệm ngày Quốc Hận


Gần 200 anh chị em cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh đă t́m gặp lại nhau để cùng Tưởng Niệm Quốc Hận 30 tháng 4 năm 1975 vào một buổi chiều ngày 26 tháng 4 tại pḥng sinh hoạt của nhật báo Viễn Đông. (Nguồn: Người Việt)

Thơ cho 30.4


Bàng hoàng anh bước vào tù
Hai mươi chín tuổi... Bạn - Thù bên nhau
Vẫn cùng tiếng nói, cuống nhau
Vẫn cùng uống nước bên cầu: giếng trong
Vẫn cùng lặn hụp mênh mông
Con sông uốn khúc một dòng quê hương
Tháng Tư trên một chặng đường
Anh- Tôi ranh giới yêu thương chẳng còn
Xác thân tôi đã mỏi mòn
Băng rừng, vượt suối, lên non, lên ngàn
Nắm xương bất chợt ngỡ ngàng
Vợ hiền, con dại... muộn màng tìm nhau
Lâu rồi chẳng thấy em đâu
Tóc em chắc đã bạc màu thời gian
Con ngoan đừng bước vội vàng
Vấp chân té ngã - ba tan nát lòng
Con ơi, ôm mẹ - tay bồng
Khi con chập chững thiếu vòng tay ba
Bây giờ vạn dặm dường xa
Rừng sâu núi thẳm nhạt nhoà dáng anh
Phủ đời bóng tối vây quanh
Con giun, con dế đã thành bạn thân
Làm sao níu lại ngày xuân
Đếm năm, đếm tháng về gần bên em
Khuya rồi trăng lặn nửa đêm
Khóc người tù nhẩm... đếm thêm tuổi tù

Như Thương

Tản mạn cuối tháng Tư



1-Tháng Tư, RỬA TAY GÁC KIẾM

Bạn Ta, Bạn hỏi ta làm gì từ ngày rửa tay gác kiếm, Bạn gọi “về hưu” như thế, từ đầu Tháng Tư vừa qua. Ừ nhỉ, ta làm gì, ta đã làm gì, từ ngày đó nhỉ. Bạn Ta, nhìn lại, hình như từ ngày đó, ta đã chẳng làm gì cả. Ta đã sống trong một trạng thái bềnh bồng. Trí óc phiêu du đây đó. Không định hướng. Phải chăng vì bây giờ đang vào Tháng Tư, tháng của những mất mát, to lớn, và của những bắt đầu, nhỏ nhoi- không phải của riêng ta mà của rất nhiều người? Có lẽ vậy. Thì đây, Bạn Ta. Một ngày cuối Tháng Tư, lâu rồi, bừng mắt dậy, ta thấy mình được nghỉ việc. Được về hưu. Trước tuổi. Không nghị định. Không hưu bổng. Và nhất là, không còn gì cả/không là gì cả. Một ngày Tháng Tư khác, sáu năm sau, ta thấy mình đứng ngơ ngác ở phi trường quốc tế San Fransisco. Ngơ ngác vì chỉ có một mình với một túi sách đựng đầy giấy tờ của Liên Hiệp Quốc và Cơ Quan ICEM. Và cũng không có gì cả/không là gì cả. Rồi cũng trong Tháng Tư đó, ta may mắn tìm được việc làm, white-collar, trên quê hương mới, lương bổng hàng tháng không nhiều nhưng đủ để sống, gửi về Việt Nam cho vợ con và, trả dần nợ vượt biên lần thứ bẩy. Cuối cùng, đúng hai mươi bẩy năm tính từ ngày đứng ngơ ngác ở phi trường San Francisco, Tháng Tư, đầu tuần trước, ta thấy mình đứng khơi khơi nơi bãi đậu xe sau sở làm, hai tay ôm một thùng carton đựng đầy những giấy tờ và dụng cụ văn phòng vặt vãnh. Nhưng lần này thì không một mình mà đầy người vây quanh- vây quanh để bắt tay, để mừng cho ta từ nay không còn phải đến nơi đây năm ngày một tuần nữa. Bạn Ta, họ đưa tiễn ta về hưu đấy– về hưu có tiệc chia tay, có giấy tờ, có hưu bổng, có bảo hiểm sức khỏe… Đủ cả.

Bạn Ta, bây giờ thì Bạn thấy rồi. Thấy những mất mát, những bắt đầu và những kết thúc của cuộc đời ta, cho tới nay, đều xảy ra trong Tháng Tư. Đầu óc ta lênh đênh vì thế. Tháng Tư… 1975. 1981. 2008… Tính sổ, quê mẹ, quê hương phải bỏ lại sau lưng, đã nuôi ta ăn học nên người trong mười sáu năm trời nhưng để đền ơn, ta đã chỉ có thể trả công Người bằng vẻn vẹn có mười một năm phục vụ. Còn quê hương mới này, quê hương đã mở rộng vòng tay đón ta và cho ta tự do và quyền được sống trọn vẹn như một con người, thì ta đã đền ơn, thật nhiều, bằng hai mươi bẩy năm làm việc. Thấy chứ, Bạn Ta. Mười một năm và hai mươi bẩy năm. Ta cứ bị ám ảnh mãi bởi hai số năm chênh lệch đó, nhất là trong Tháng Tư này. Nợ cưu mang nặng hơn nợ dưỡng dục hay sao, Bạn Ta ơi ?

Mà thôi, Bạn Ta. Thế nào thì ta cũng đã về hưu, hay rửa tay gác kiếm như Bạn Ta thường gọi đùa. Thế nào thì ta cũng còn nhiều Tháng Tư nữa trước mặt. Vậy thì ta làm gì đây, Bạn Ta? Đầu óc ta vẫn bềnh bồng. Giúp ta được chăng? Riêng ta, có lẽ bây giờ ta chỉ chắc chắn một điều, rồi ta cũng sẽ lại giống Thi Sĩ Cao Tần- như Thi Sĩ đã viết, hồi tháng Năm năm 1977 :

“ Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc

Nặng chĩu nghìn cân nhớ nước non”

Thế thôi.

2-Tháng Tư, CẢM KHÁI
Bạn Ta, ta thường lấy tập thơ mỏng “Thơ Cao Tần”, bản in năm 1984, từ tủ sách ra đọc lại mỗi khi Tháng Tư về bởi vì, theo riêng ta, không Thi Sĩ nào viết về tâm sự của“người-di-tản-buồn” hay hơn Thi Sĩ Cao Tần. Và năm nay cũng vậy. Đọc tới bài Cảm Khái, ta lạnh người, và đã lạnh người hơn khi vô tình nhìn lên mảnh Văn Bằng Tốt Nghiệp từ trường cũ được ký ngày 30 Tháng Tư Năm 1963 đã ố vàng được lồng khung treo trên tường trước mặt. Tự dưng ta muốn chia sẻ cái cảm-giác-lạnh-người-không-thể-nào-diễn-tả-được đó với Bạn Ta trong Tháng Tư này. Nên mạn phép Thi Sĩ chép lại trọn bài Cảm Khái dưới đây để Bạn Ta đọc và biết đâu Bạn Ta lại chẳng lạnh người hơn ta vì Bạn Ta cũng có một kỷ vật đặc biệt nào đó đã được nâng niu từ ngày phải bỏ Quê Mẹ lại sau lưng .

Xin mời,

CẢM KHÁI

Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?

Trong ví ta này một thẻ căn cước
Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần
Da xám ngoét như bị đời nhúng nước
Má hóp vào như cả tháng không ăn

Mười tám tuổi thành công dân nước Việt
Tên chụp hình làm ta xấu như ma
Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết
Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà!

Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giầy đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai…

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
Tên chụp hình như một lão tiên tri
Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác
Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly

Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
Chợt nhớ câu thơ: “Gẫy cánh đại bàng…”
Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang

Quanh mình xôn xao chuyện thay quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng, rách rời mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời

Hỡi kẻ trong hình mặt xanh, mày xám
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một thời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ

Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí những anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ

CAO TẦN

6/77

30.4 = cuộc ăn cắp khổng lồ


"Tôi bỏ hết danh vọng hão, chức tước phù du, huân chương mai mỉa, tự hổ thẹn từng cao ngạo vô duyên về chuyện vào dinh Độc lập sớm, xế trưa 30-4, vớ vẩn, lạc điệu cả, cá nhân lầm lạc, ngộ nhận hết". (Bùi Tín)

Nhà báo tự do Bùi Tín phát biểu nhân ngày 30-4-:
* không, không có giải phóng, thống nhất *cuộc ăn cắp khổng lồ
* những ngộ nhận vô duyên * chung vui cùng Lịch sử và Thời đại
Nhân ngày 30-4, trả lời phỏng vấn một số báo trong và ngoài nước, nhà báo tự do Bùi Tín hiện sống ở Pháp, 33 năm trước từng có mặt tại dinh Độc lập Sàigòn, phát biểu như sau:

33 năm đã qua, theo tôi, với khoảng cách thời gian dài để có thể suy ngẫm sâu sắc và nhận ra sự thật lịch sử, mọi người Việt nam, kể cả những người Cộng sản, cần đính chính một nhận thức sai lầm nguy hiểm đã bị những người lãnh đạo cộng sản áp đặt theo kiểu cưỡng hiếp mọi người dân phải thừa nhận. Họ buộc mọi người công nhận rằng việc họ chủ trương đưa quân từ miền Bắc vào miền Nam chiến đấu từ 1960 đến 1975 là chính nghĩa nhằm giải phóng và thống nhất đất nước, và ngày 30-4 là ngày Toàn thắng Vĩ đại.

Giống như xưa kia Giáo hội La mã cưỡng bức mọi người phải thừa nhận trái đất là một mặt phẳng, ai nói khác là phạm trọng tội, là nói sai chân lý. Có người đã chịu hỏa thiêu để khẳng định rằng :'' không! trái đất không phẳng! nó hình cầu và nó quay!''. Nay ai cũng nhận ra Chân lý ấy. Có điên mới nói khác.

Hôm nay tôi sẵn sàng nói to cho mọi người nghe rõ: đất nước Việt nam ta sau ngày 30-4-1975 không hề được giải phóng, cũng không hề được thống nhất. Ngày 30-4, đảng cộng sản thắng, toàn dân vẫn thua, vẫn bị thống trị bới độc quyền đảng trị.

Đảng cộng sản đã thực hiện chính sách chiếm đóng và thống trị miền Nam, bỏ tù và quản thúc hàng triệu người dân, tước đoạt của cải của dân qua đổi tiền và cải tạo, thải loại ngay Mặt trận dân tộc giải phóng, gây thảm cảnh hàng triệu thuyền nhân. Như thế mà là giải phóng, là thống nhất ư ?

Sau 30-4-1975, chỉ riêng đảng cộng sản cầm quyền, không cho ai lập hội, không cho một tư nhân nào ra báo, không có tự do ứng cử và bầu cử, thế mà gọi là giải phóng dân tộc ư ? là tự do ư ?

Còn nay thì đảng giàu, giàu sụ, dân nghèo, nghèo rớt. Thống nhất kiểu gì vậy? phát triển kiểu gì vậy?

Một nước ''độc lập'' mà buộc phải ký những hiệp ước bất bình đẳng, để bị mất đất, mất biển hàng trăm, hàng nghìn kilômét vuông, mất đảo, mất vô vàn tài nguyên hải sản; rồi người nước ngoài muốn đuốc của họ đến nước ta, vào lúc nào, ở đâu là do họ quyết định; bộ trưởng ngoại giao của họ lại còn sang thủ đô ta để giao nhiệm vụ cho bộ trưởng ngoại giao, cho thủ tướng và cho chủ tịch quốc hội phải bảo vệ đuốc của họ cho triệt để, và còn cho an ninh vũ trang của họ vào tham gia đàn áp nhân dân nếu có biểu tình ôn hòa...thì thử hỏi nước ấy độc lập ở chỗ nào? có chủ quyền ở chỗ nào ? những người lãnh đạo của ta có còn chút thực quyền, có còn chút tự hào dân tộc gì nữa đâu ! Người Việt chân chính tự trọng không xử sự như thế.
Đây là điều mỗi người Việt ta ở trong hay ngoài nước hãy suy nghĩ cho kỹ nhân ngày 30-4 năm nay.

Tôi mong tuổi trẻ trong nước trau dồi tư duy độc lập, tập suy nghĩ bằng cái đầu tỉnh táo của chính mình, và đọc bài luận văn ngắn của nhà triết học Pháp trứ danh Jean - François REVEL :''Hồ Chí Minh: sự tước đoạt lòng yêu nước''. Bài luận văn sắc sảo chỉ thẳng ra sự thật phũ phàng, là ông Hồ và đảng CS đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt nam để phục vụ cho mưu đồ phe đảng của ông ta, để thỏa mãn mục tiêu thống trị thế giới của Quốc tế Cộng Sản III. Chữ ''détournement'' theo tiếng Pháp có ý nghĩa khá rộng là ''tước đoạt'', ''lấy trộm, lấy cắp '', '' của người khác xoáy làm của mình'','' chuyển thành, biến thành của mình ''.
Đọc xong, tôi ngấm sâu ý nghĩa của từ ''tước đoạt'', và cảm thấy mình như bị mất cắp, mà mất cắp cái gì quý lắm, vô giá. Cả tuổi trẻ đầy lý tưởng và nghị lực, cả mấy chục năm bị đánh lừa, bị móc túi, bị gạ gẫm, để đến gần cuối đời mới tỉnh ra, mà thương hại, mà tiếc thay cho bao nhiêu người vẫn chưa tỉnh! Giả thử trong cuộc đời thường, một người bị mất cắp chiếc xe máy, chiếc đồng hồ đắt tiền, chiếc nhẫn vàng kỷ niệm ngày cưới ... hẳn là tiếc, tiếc nuối vô cùng, xót xa hàng tháng. Thế mà biết bao người bị lừa cả cuộc đời, có khi mất cả mạng sống, và hàng triệu triệu anh chị em, dòng họ, đồng bào mình cùng bị lừa hàng nửa thế kỷ! Một cuộc ăn cắp, lường gạt khổng lồ. Hãy chỉ cho nhau kịp thấy đi, để mà tiếc, mà xót xa, mà đòi lại quyền sống tự do cho mỗi người, mở ra cuộc đấu tranh mới dành lại độc lập thật sự và thống nhất thật sự cho Tổ quốc.

30-4- năm nay, tôi vui vẻ nhẹ nhàng lắm. Tôi có thêm biết bao bạn quý, từ khi là nhà báo tự do 18 năm nay. Bạn trong nước, ngoài nước, bạn già, bạn trẻ, bạn rất trẻ. Tôi viết không theo lệnh ai, không phải đưa ai duyệt, chỉ có theo lương tâm và trí tuệ, không sùng bái ai, chỉ sùng bái sự thật. Tuổi già tự do thế này thật đáng sống. Khó khăn vật chất mà sướng vô kể.
Tôi bỏ hết danh vọng hão, chức tước phù du, huân chương mai mỉa, tự hổ thẹn từng cao ngạo vô duyên về chuyện vào dinh Độc lập sớm, xế trưa 30-4, vớ vẩn, lạc điệu cả, cá nhân lầm lạc, ngộ nhận hết.

Để làm gì cơ chứ ? để đất nước ra nông nỗi này ư? độc lập, không! tự do, không! chủ quyền, không! về mặt nào cũng đứng dưới 100 nước khác!

30 tháng 4 năm nay, tự thâm tâm, tôi chỉ có một lời kêu gọi với các bè bạn và đông chí cũ của tôi: hãy quý trọng lòng yêu nước thương dân của chính mình, nếu bạn thấy lòng yêu nước ấy đã bị ai đó '' xoáy'' mất để dùng vào mục đích đáng nghi ngờ và đen tối, thi hãy lên tiếng tố cáo và tự tách mình khỏi trò lừa bịp và đánh cắp trắng trợn ấy!

Bạn hãy tự phục hồi lòng yêu nước thương dân trọn vẹn của mình để cùng mọi người Việt nam tỉnh táo và tử tế đấu tranh cho một Tổ quốc Việt nam thật sự độc lập, thật sự tự do, dựa vững vào Lịch sử Dân tộc và Thời Đại.

Kính chào các bạn.
Bùi Tín
Paris 28-4-2008.

Nỗi nhục của đảng CSVN


Hình ảnh Sài Gòn
trong ngày rước đuốc Olympic

Càng ngày CSVN càng tỏ ra
khiếp sợ và quỵ lụy
Trung Cộng.

Thay cho lời tạ lỗi


Lâu lắm rồi, từ một ngày nào thật xa xưa, Lãm Thúy có hứa sẽ viết vài lời nói lên cảm xúc của mình về thơ của anh chị Nguyễn Ngọc Liên và Dương Thị Tuyết Nhung. Đó không phải là phê bình văn học hay phân tích một tập thơ, chỉ là một cách đặc biệt của riêng Lãm Thúy, nhằm bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình khi được nhận một tập thơ gửi tặng.

Lời cảm ơn được gửi đi dưới hình thức đó, vừa nhẹ nhàng dễ thương, (theo thiển ý của Lãm Thúy) vừa ngầm ý nói với người tặng rằng “Đó thấy chưa, Lãm Thúy đã đọc hết tập thơ, đọc kỷ và còn cảm xúc vì ý thơ nữa đó”.

Lãm Thúy đã làm được việc đó năm, ba lần . Có khi chỉ thoáng qua (vì không có thì giờ nhiều và cũng chưa có kinh nghiệm) trường hợp Anh Dương Quân, Anh Lan Đàm , Như Thương, Long Ân.

Sau này, công việc có tiến triển hơn. Đến thơ Anh Luân Tâm, Trần Kiêu Bạc thì tương đối chi tiết hơn, cụ thể hơn, dàn trãi cảm xúc được rộng khắp hơn…. Riêng thơ anh chị Nguyễn Ngọc Liên và Dương Thị Tuyết Nhung , Lãm Thúy có lời hứa nhưng chưa thực hiện được, cứ canh cánh mãi bên lòng như một món nợ ân tình. Vậy mà anh Liên còn nỡ lòng nói Lãm Thúy sinh ở Cần Thơ chứ không phải bên … Lào !

Lãm Thúy biết lỗi , không dám nói gì, chỉ thầm nghĩ mình đâu phải hứa…lèo, chỉ hứa …. Congo thôi mà !

Gần đây, nhiều bạn bè cứ lần lượt qua đời, hết thi sĩ Vương Đức Lệ đến nhà thơ Hoàng Trùng Dương , nghĩ thọ mệnh của thi sĩ sao mong manh quá, bèn vừa làm việc trong sở, vừa lén lút viết bài này. Sợ rằng lỡ Lãm Thúy có theo ông theo bà thì khó lòng “ gươm Hùm treo mộ”.

Đầu tiên , theo đúng truyền thống “Nhất Nam viết hữu, thập Nữ viết vô”, xin nói về thơ “đấng trương phu” Nguyễn Ngọc Liên trước.

Nếu nói theo truyền thống xưa : “Văn dĩ tải đạo” thì phải công nhận rằng thơ Nguyễn Ngọc Liên đã tải được rất nhiều. Thơ Anh chứa đựng cả một tấm lòng yêu nước sâu đậm, thiết tha với vận mệnh nước nhà.

Tôi đã chẳng làm gì cho đất nước
Khi lửa đau thương đang đốt quê nhà
Trong trận chiến tôi là người thua cuộc
Vì không chọn làm Người Việt Quốc Gia

Anh tự thấy hỗ thẹn bởi sự đầu hàng nhục nhã, tự thấy mình bất lực không thể cứu vãn sự mất mát đau thương của một dân tộc. Đó chính là sĩ khí của nguời cầm súng , không bảo vệ được giang sơn gấm vóc , đành để rơi vào tay người, để đến nỗi phải bỏ nước ra đi, ôm nỗi hoài vọng ngút trời về quê hương yêu dấu, mà :

“ Ngày về xa tít ,mù tăm
Nhớ thương càng lạnh chỗ nằm đêm đêm”

Có tha hương, có ngậm ngùi thương nhớ quê nhà nồng ấm mới cảm hết được cái hay, cái buồn của câu thơ ấy “Nhớ thương càng lạnh chỗ nằm đêm đêm”

Ôi ! niềm thương quê, nhớ nước sao mà đậm đà đến vậy ! Chỗ nằm đêm đêm lạnh tiết đông xứ người, càng nhớ càng thương quê mình nồng ấm.

Niềm tâm huyết của Nguyễn Ngọc Liên còn thể hiện rõ nét hơn khi viết cho người sĩ phu nào đó- Mà thật sự là tự hỏi mình , tự nói với mình , đồng thời tự trách mình - đã nhắm mắt làm ngơ trước thảm trạng quê hương:

“ Này anh, nhận mình kẻ sĩ
Mà sao nhắm mắt làm ngơ

Và bày tỏ chí khí của mình thật dứt khoát rõ ràng:

Ta thà thắp ngọn đèn nhỏ
Còn hơn ngồi rũa bóng đêm!
Quyết tâm đạp luồng sóng dữ
Muôn người như một đứng lên
.

Thơ Nguyển Ngọc Liên không trau chuốt , màu mè mà dung dị, thực tình. Sự chân thành đôi lúc gần như vô tư, hồn nhiên:

“Tôi đi học mà không bao giờ biết
“Núi Thái Sơn” cùng với “Nước trong nguồn”

Một con người biết tự trách mình là còn biết lỗi, còn phục thiện , chỉ có những ai gây lỗi mà không nhận lỗi mới thực sự đáng trách . Anh tự cho mình thiếu bổn phận với mẹ cha, vợ con, đó phải chăng chính vì anh luôn nghĩ đến trách nhiệm với họ ?

Đối với Mẹ , Anh một niềm hiếu nghĩa . Bài thơ NHỚ MẸ dễ khiến lòng người xúc động :

Hàng năm đến mùa lá đổ
Lòng con lại thấy thẫn thờ
Hôm nay chính là ngày giỗ
Mẹ hiền yêu dấu thuở xưa

Hình ảnh người Mẹ được diễn tả bằng những lời lẽ đơn sơ , mộc mạc mà chí tình :

Nhớ lại năm đói Ât Dậu
Người chết la liệt đầy đường .
Cả nhà chỉ được húp cháo
Thương con mắt Mẹ rưng rưng …

Người Mẹ đáng quý ấy một lòng tận tụy lo cho chồng con :

Những ngày bố lâm trọng bệnh
Mẹ không giây phút nghỉ ngơi
Chỉ biết nhẫn nhục cầu nguyện
Suốt đêm bố goị “ Bà ơi ! “

Khi Mẹ mất đi . Anh đau xót và nhớ tiếc vô vàn :

Nhớ công sinh thành dưỡng dục
Mẹ ơi ! Chưa đủ đền ơn
Thương Mẹ con chỉ biết khóc
Bây giờ Mẹ đã không còn …

Với vợ, anh “ Nhận yêu thương mà trả lại phũ phàng “

Chính thế, mới có lời hứa sắt son.

“ Từ nay anh xin hứa
Yêu một mình em thôi.”

Hứa thôi, chưa đủ cho vợ tin, anh còn phải thề thốt :

Đây là mối tình cuối
Là mối tình sau cùng
Anh thề sau ngày cưới
Sẽ muôn đời thủy chung

Chỉ có trời mới biết anh có vi phạm “ Hiệp định” ấy không?

Trở lại với tứ thơ Nguyễn Ngọc Liên, anh cũng cảm thấy có lỗi khi :

“ Quên dạy con lớn lên làm dân Việt
Yêu xứ này nhưng hãy nhớ màu da. “

Quý hoá thay ! Quên dạy mà biết mình quên tức là đã dạy rồi. Phải chi ai cũng nhớ nhắc con cháu mình như thế. Mặt khác, anh cũng thật khiêm tốn khi dạy con gái :

Hãy lấy một người anh hùng
Một người không như bố.

Anh Liên ơi !Nói chi mà buồn tủi vậy !

Chim quyên xuống đất ăn trùng
Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than
. ( Ca dao )

“ Mối nhục này sâu thẳm như đại dương” của anh, cũng là mối nhục chung của một thời đại, còn biết sao hơn ! Biết nhục cũng là khá rồi ! Có bao người còn chưa biết nhục thì sao ?

Anh nói : Tôi đã chẳng làm gì cho đất nước”

Vẫn là tôi

Chưa bao giờ nghĩ tới quê hương
Chưa bao giờ nhớ đến đất nước
Tôi vẫn ăn và tôi vẫn sống

Anh nặng lòng với nước non dân tộc mà nói vậy, nói “không” tức là đã “ có” rồi, chứ chẳng lẽ yêu nước rồi nhịn đói mà tuẩn tiết như người xưa ? Được vậy cũng can trường !

Lòng yêu nước của anh còn thể hiện một cách cảm động trong “ Thư gửi bạn tại quê nhà”.

Thấy lại cờ vàng sọc đỏ
Đã khóc
Nghe sao mà bùi ngùi

Lãm Thúy chưa có được niềm vinh hạnh là diện kiến anh Nguyễn Ngọc Liên, nhưng qua lời tựa tập thơ đã cảm thấy anh là một người chân thành và khiêm nhường: Anh nói anh không làm thi sĩ, anh chỉ làm thơ.

Nhiều “ thi sĩ” tự khoác cho mình một chiếc áo đăng quang lộng lẫy, tự đặt lên đầu mình một vòng hào quang, cho mình là khác người, cao quí hơn người. Nguyễn Ngọc Liên không vậy, anh nói anh chỉ làm thơ.

Vậy thì thi sĩ và người làm thơ khác nhau như thế nào ?

Theo Lãm Thúy , người làm thơ chắp nhặt ngôn ngữ, làm chủ nó, điều khiển nó, bắt nó nói lên những điều mình nghĩ, mình muốn giải bày. Có khi đó là những cảm xúc chân thành , có khi là nhu cầu cần làm thơ cho vui.

Còn thi sĩ thật sự là người bị thơ “làm” mình. Thơ chế ngự mình, điều khiển mình , làm chủ mình. Như người đồng thiếp, không thể kháng cự, không thể chối từ. Những bài thơ làm trong tâm trạng đó thường là những bài thơ xuất thần, hay, để đời, nhất là gây được sự cảm thông, xúc động trong lòng người đọc. Đó là thông điệp từ một trái tim gửi đến một trái tim, một tâm hồn rọi tới một tâm hồn. Có thể đó là những tuyệt tác.

Những suy nghĩ trên đây bất chợt nảy sinh từ một bài tựa, Lãm Thúy thật không dám cho ai là thi sĩ, ai là người làm thơ. Còn riêng bản thân mình, có lần nhà thi sĩ lão thành đại thụ của vùng Virginia ( Hà Bỉnh Trung) khi giới thiệu về tác giả ( Lãm Thúy) trong buổi ra mắt thi tập “ Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi” đã đặt vấn đề chưa biết Lãm Thúy có đáng gọi là nhà thơ hay không nữa là ( ! ), có dám đâu đèo bồng danh vị thi sĩ, văn nhân !

Trở lại với thơ Nguyễn Ngọc Liên, nhiều khi thơ anh cũng biểu hiện một tâm hồn chân thành, hồn nhiên đó là khi anh bày tỏ cảm giác sung sướng vì được vợ yêu một cách nồng nhiệt:

Đêm hôm qua được vợ yêu nồng nàn
Như những ngày trăng mật
Hơn ba mươi năm ta mới biết một sự thật
Là tình yêu đã thăng hoa nơi khung cảnh lạ
Vậy thì từ nay ta sẽ để dành tiền
Để được đi du lịch thường xuyên
Và được yêu nồng nàn .

Cả lời thơ , ý thơ đều hồn nhiên , mộc mạc , chân thành .

Lãm Thúy có một ý nghĩ tức cười. Đó là một người đàn bà khi cất khỏi gánh nặng gia đình , thoát khỏi bếp núc, bận bịu, cơ cực, được hưởng cái không khí trong lành bên ngoài, và có lẽ là được cư xử ngọt ngào, âu yếm , lịch sự, đã trở nên lãng mạn đáng yêu, nồng nàn, say đắm chăng ?

Người đàn bà mà Nguyễn Ngọc Liên từng thú nhận

“ Nhận yêu thương mà trả lại phũ phàng “

Đó là Dương Thị Tuyết Nhung, một bông hoa hương sắc của vườn thơ hải ngoại, một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ.

“ Thằng quân vương ngạo nghễ
Con nô lệ tội tình”

Thử nghĩ xem, “ con nô lệ” là đúng, không ai gọi “ bà nô lệ”, nhưng còn quân vương_ thường thì người ta gọi “Đấng quân vương” “ Vị quân vương” hay “ ngài” . Chẳng bao giờ có người gọi quân vương bằng “ thằng” cả. Cách sử dụng ngôn ngữ táo bạo, mạnh mẽ làm Lãm Thúy nghĩ đến phong trào giải phóng nô lệ.

Trong quan niệm xưa cũ, trong gia đình, chồng chúa, vợ tôi, người đàn ông nghiễm nhiên là quân vương, người đàn bà tự cho mình là nô lệ. Nhưng dường như khẩu phục mà tâm.. không phục. Từng câu thơ tưng bừng “ khí thế cách mạng” , sôi sục phong trào giải phóng nô lệ.

Đọc thơ, Lãm Thúy trực giác rằng chị Tuyết Nhung là phụ nữ bản lĩnh, có thể trong cuộc đời, chị đã nép mình lại để làm một ngưòi bình thường, làm vợ, làm mẹ, làm “ con nô lệ tội tình” nhưng chị chưa bao giờ là một phụ nữ yếu đuối, tầm thường.

Điều làm Lãm Thúy xúc động khi đọc thơ chị, đó là nỗi buồn dữ dội, thê lương gói ghém trong đó. Có cả niềm cô đơn dằng dặc và những điều bất toại.

Đếm quảng ngày đã mất
Chưa trọn một nụ cười

Và :

Hững hờ sống hiện tại
Đón tương lai thờ ơ
Niềm vui bao giờ có
Thời gian trôi lặng lờ

Điều gì đã làm cho người phụ nữ sôi động, diễm kiều ấy trở thành yếm thế, bão hoà như vậy ? Phải chăng trái tim lãng mạn, thiết tha, khao khát yêu đương hạnh phúc đã có lần nào bị thương tổn nặng nề ? Hay là tình yêu nồng nàn không được đón nhận , hay là tâm hồn nhạy cảm đã bị bỏ rơi, hờ hững phũ phàng ?

Đọc thử bài thơ “ Sinh nhật” xem

Buồn hiu ngày chủ nhật
Không bánh, không đèn, không một lời chúc tụng
Vài bông hoa dại tự tay em hái
Cắm vào ly giấy
Lẽ ra mỗi tuổi một nụ hôn
Nhưng anh không cần phải
Hôn em cho đủ số
Dù chỉ một nụ hôn tượng trưng thôi
Cũng chẳng có
Buồn tình một mình mở tiệc nửa đêm
Và em biết mình đã khóc

Thấy không, tâm hồn người phụ nữ ấy đã bị thương tổn như thế nào khi bị lãng quên, hờ hững. Nàng cô đơn nhưng không cô độc. Nàng có những thân yêu bên mình nhưng ngày sinh của nàng “ buồn hiu”, “ không bánh” “ không hoa” “ không lời chúc tụng”, không cả “ nụ hôn tượng trưng”.

Một mình , tự đi hái mấy cành hoa dại, chẳng có bình cắm hoa, chỉ cắm trong “ ly giấy” và

“ một mình mở tiệc nửa đêm”

Có cô đơn quá không ? Có lạc loài quá không ?
Lãm Thúy nhớ, mình cũng có một bài thơ Sinh nhật :

Hãy để cho ngày ấy lụi tàn
Ngày mà đêm ấy mẹ cưu mang
Đêm mà có một linh hồn nhỏ
Đã kết thành thai giữa thế gian !
Hẫy để cho ngày ấy lãng quên
Ngày mà sự sống đã thành tên
Đêm mà ngơ ngác trong thinh vắng
Tiếng khóc chào đời đã cất lên
Đừng nhớ làm chi một kiếp người
Sinh ra là để khổ mà thôi
Sinh ra để chịu ngàn cay đắng
Ly biệt, đau thương suốt cuộc đời !

Nghe đã buồn, đã chán. Đọc bài thơ sinh nhật của Dương Thị Tuyết Nhung còn đau xót vạn lần, nỗi mong ước nhỏ nhoi có được một lời chúc, một nụ hôn cũng chỉ là vô vọng.

Và chỉ còn mình với bóng mình .

Soi gương nói chuyện với hình
Thấy hai con mắt thương mình xót xa
Một giòng lệ gửi cho cha
Giòng kia cho mẹ, còn ta giòng nào ?
Mắt ai phảng phất ưu sầu
Tóc đen điểm trắng, bạc màu khói sương
Vung tay đập bể khung gương
Lung linh sắc máu, thắm tuôn lạnh lùng

( Soi gương )

Bài thơ nghe cũng cùng nỗi ngậm ngùi, Lãm thúy trong bài “ Soi gương lạ bong” cũng:

Chợt soi mình trong gương
Thấy một trời tàn tạ
Mới biết sợ thời gian
Đúng là tàn nhẫn quá !

Và :

Soi bóng mình đủ chán
Trách chi người không thương
Lòng phân vân ngao ngán
Đập vỡ mình hay gương ?

Từ Mã Giang Châu xưa, nghe tiếng Tỳ Bà trên bến Tầm Dương , nghe tâm sự người đàn mà cảm thương đến lệ sa đầm cả vạt áo xanh, nghĩ mình cũng chẳng khác. Lãm Thúy đọc thơ Dương Thị Tuyết Nhung, tìm thấy mình trong đó. Mình cũng chán cái sắc hương tàn tạ, muốn đập vỡ gương, nhưng còn sáng suốt, bởi nghĩ cái phản ảnh kia chỉ là bóng, chính cái khuôn mặt tàn tạ mới đáng đập vỡ, rồi sinh ra phân vân, ngao ngán. Có đập vỡ mình cũng không níu lại được thời gian tìm lại thanh xuân.

Trở lại với thơ Dương Thị Tuyết Nhung, ta bắt gặp ở đó một cuộc sống bế tắc, buồn phiền:

Ta loay hoay cuộc sống
Đời mang mãi buồn phiền
Ta héo hắt mòn mỏi
Ta khắc khoải triền miên

(Phút vô biên)

Hằng loạt những tính từ mang dấu ấn của sự tiêu cực: Buồn phiền, héo hắt, mòn mỏi, khắc khoải, những thứ ấy kéo dài, kéo dài mãi trong cuộc sống_ Triền miên _ Nỗi khổ tâm không những chi phối nhà thơ lúc thức, mà ngay cả trong giấc ngủ cũng ám ảnh bằng ác mộng.

Ngày thẫn thờ ngơ ngác
Ác mộng đêm từng đêm
Trọn kiếp này trả nợ
Ta chờ phút vô biên

Có phải chính cuộc sống mòn mỏi, buồn phiền đã khiến người ta không còn sợ chết nữa, mà đôi khi còn là sự chờ đợi giải thoát, sự mong cầu trả hết nợ đời.

Ngày nào hết oan trái
Ngày nào hết sầu đau
Ta quay lưng cất bước
Năm tháng rồi qua mau
.

Cũng trong ý tưởng đó, khi nhìn những nấm mồ , nhà thơ đã nghĩ:

Ngó quanh ta tìm kiếm
Một mảnh đất yên khiêm
Mai này ta dọn đến
Cùng người sống bình yên.

Lời hứa hẹn sao mà buồn! Lời hẹn với những nấm mồ_ lặng lẽ, những hồn ma âm thầm_ Lời hẹn với thiên thu !

Một khía cạnh khác của thơ Dương Thị Tuyết Nhung là sự ghê rợn khi miêu tả. Bài thơ “ Hãy bổ đôi” mang một sắc thái mới lạ, táo bạo

Anh muốn biết em đang nghĩ gì?
Hãy bổ đôi ra sẽ thấy

Sọ xương xám với óc trắng bầy nhầy
Anh muốn biết tim em chứa gì
Hãy bổ đôi ra sẽ thấy
Giòng máu khô đặc quách
Và trái tim dần thâm sì
Bèo nhèo da thịt xương một mớ
Từ từ nát vữa
Quả thực như thi hào Nguyễn Du đã nói:
Rằng hay thì thật là hay
Nghe qua ngậm đắng, nuốt cay thế nào!

Ý thơ vừa thách thức, vừa oán trách mà cũng vừa tội nghiệp lạ lùng. Sự nát vữa không phải chỉ ở thân xác mà hình như cả ở trái tim nhạy cảm đã bị thương tổn nặng nề.

Ở đây, Lãm Thúy chỉ phân tích “ thơ”hoàn toàn không nói gì đến “người”. Một là như một nhà văn nào đã mượn lời một người đàn bà, một người mẹ mà nói rằng “ làm cho người đàn bà sung sướng có dễ đâu” khi bà ta ngăn cấm một chàng trai yêu con gái bà, chia cắt tình yêu giữa hai người, rồi vì động lòng trước nỗi khổ đau của chàng trai, bà đã biện minh rằng bà chỉ muốn con bà sung sướng, rồi thở dài nói câu trên.

Hai là như phu quân Lãm Thúy đã nói “ Thi sĩ chuyên môn tưởng tượng. Cứ suốt ngày cho rằng mình khổ”. Một nỗi khổ đau tưởng tượng mà mãnh liệt thế ư?

Một mặt khác của thơ Tuyết Nhung, một mặt rất thật, rất chân thành, thiết tha : Đó là tình cảm gia đình, chị là một đứa con hiếu thảo, nặng tình

Bao giờ tôi trở lại
Ôm cha bờ vai gầy
Hôn mẹ già còm cõi
Lán trời xanh nghiệt cay.

Hoặc là :

Thâm tình cốt nhục mẹ cha
Lòng quay quắt nhớ, vỡ oà trái tim

Còn rất nhiều điều hay, đẹp, lạ trong thơ anh chị Ngọc Liên - Tuyết Nhung, tiếc rằng Lãm Thúy không có nhiều giờ để viết ra cho bạn đọc cùng thưởng thức. Thôi thì hãy tìm đọc Ngã Lãng Du Thời để thấy ở đó một thời lãng du thơ mộng, một tình nước chan hoà, một cõi sầu vô hạn, mỏi mòn.

Có lần, câu nói đơn sơ của Lãm Thúy đã được khối óc thần kỳ của anh Nguyễn Ngọc Liên chuyển hoá thành ra hai câu thơ rất hay

Món nợ ân tình chưa trả xong
Vẫn còn canh cánh mãi bên lòng

Nay xin phép được đổi thành
Món nợ ân tình đã trả xong
Dù cho nhắm mắt cũng yên lòng !

Anh chị Ngọc Liên_- Tuyết Nhung kính mến, Lãm Thúy có vài cảm xúc, dở hay cũng không biết. Chỉ thấy yên lòng vì đã trả xong món nợ ân tình, xin hãy coi như “ Lời hứa chậm nhất là lời hứa được giữ đúng nhất” và thú thực, hơn năm nay, tập thơ anh chị luôn để đầu giường, đi làm thì mang theo, cố gắng tìm hiểu để có thể nói lên được trung thực những cảm xúc của mình.

Riêng chị Tuyết Nhung, xin nhận nơi đây lòng cảm thông sâu sắc nhất của những kẻ “ Cùng một lứa bên trời lận đận” và giọt lệ cảm thông không ướt đầm vạt áo xanh như Tư Mã Giang Châu mà đầm đìa vạt áo tím đó Tuyết Nhung ạ !

Vô cùng thân kính

Lãm Thúy

***
Cám ơn cái duyên may Ngã Lãng Du Thời đã đưa chị Lãm Thúy trở lại với Diễn Đàn sau một năm biệt tăm!
Xin nhắn chị Lãm Thúy: Anh Liên lên rừng đốt than mà sao tôi thấy lúc nào cũng trắng bóc như thế? (A.C.La)