Wednesday, March 31, 2010

Tàu Cộng hôm qua, hôm nay Việt Cộng

Google chưa hết bực bội

Chàng kinh kông internet Google nói software gian hiểm đã được sử dụng để dò xét máy vi tính của hàng chục ngàn người Việt sử dụng internet. Công ty này nói những cuộc tấn công trên mạng có vẻ như nhắm vào thành phần chống đối vụ khai mỏ bô-xít ở Việt Nam. số máy vi tính bị nhiễm có thể lên đến hàng chục ngàn.

Những chương trình gian hiểm này có nguy hại nhưng không tinh vi bằng những cuộc đánh phá mới đây đã từng là tâm điểm những cãi vã giữa công ty này và nước Tàu.

Theo như công ty cảnh vệ McAfee gợi ý thì những kẻ xâm nhập có thể có liên hệ với chính quyền Việt Nam. Công ty này nói những máy vi tính có thể bị nhiễm chương trình gian hiểm một khi người sử dụng internet đặt cài chương trình cần để viết chữ Việt. Thế rồi những máy vi tính bị nhiễm sẽ được sử dụng để dò xét người sử dụng hoặc để phong tỏa những trang có chính kiến đối kháng. (Lược dịch từ BBC)
Từ ngữ:
Chương trình gian hiểm: Malware (Gian Trình)
Bị nhiễm: Infected.
Công ty cảnh vệ máy vi tính: Computer Security firm.

Bộ phim lịch sử 'Đường Đến Thăng Long'

Mất hồn! Mất linh hồn!! Mất hết!!!

Trong đại lễ 'Ngàn năm Thăng Long' được chuẩn bị 8 năm nay, sự kiện văn hóa - chính trị lớn nhất là hoàn thành và trình chiếu khắp nước cũng như ra quốc tế bộ phim sử thi mang tên "Đường đến Thăng Long" là do Tàu Cộng sản xuất

Trích: "phía Trung Quốc có đạo diễn Cận Đức Mậu, người Trung Quốc một trăm phần trăm, không biết chữ Việt và tiếng Việt, đảm nhận việc đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuât cho bộ phim này. Có thể nói bộ phim lịch sử này sẽ là công đầu của một ông Tàu. Các cảnh triều vua nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý ở Hoa Lư, Thăng Long được tái hiện trong phim đều là cảnh trong trường quay Trung Quốc. Các y phục của ba triều đại nước Việt do các nghệ sỹ Việt Nam đóng đều mượn và may tại Trung Quốc. Hàng nghìn quần chúng của bộ phim, từ thị vệ, hoạn quan, thái giám, lính hầu, giám mã, quan lại, nhà nho, sĩ tử, thị dân, thương gia, nông dân, trẻ chăn trâu… đều là người Trung Quốc, già trẻ lớn bé đều là dân Tàu đột lốt Việt. Các đền chùa miếu mạo, lăng tẩm dinh thự ở vùng Hoa Lư, Thăng Long và phong cảnh nước Việt ta đều mượn cảnh các kiến trúc và phông màn của Trung Quốc. Cho nên đã có không ít người lo và các bloggers báo động cho nhau rằng "Lý Thái Tổ đã bị bắt cóc ra khỏi nước ta!" và "bộ phim lịch sử của Đại lễ Ngàn năm Thăng Long đã bị mất hồn". Hồn đây là Hồn Nước, Hồn Dân tộc, Hồn Việt Nam. Dù cho bộ phim dài, cảnh hoành tráng, sắc màu rực rỡ, cờ xí rợp trời, kèn trống inh ỏi, quần chúng đông đúc, kỹ thuật quay, dựng rất hiện đại... nhưng mất hồn, mất linh hồn, mất Hồn Thiêng Dân Tộc là mất hết, mất sạch. Còn là vết nhơ ngàn năm." Hết trích.
Bùi Tín

Tin nội bộ: v/v Tái Thiết Tổng Hội Sau Cơn Động Đất


Ngày 25 tháng Ba, 2010

Kính gởi Quí Anh Chủ Tịch,

Tôi xin gởi đến Quí anh Chủ Tịch Bảng Tổng Kết Quyết định dân chủ của Chủ Tịch tất cả các Hội Cựu Sinh Viên (CSV). Như Quí Anh sẽ thấy, 15 Hội quyết định duy trì một tổ chức chung (với danh xưng Tổng Hội, Liên Hội hay bất cứ danh xưng nào khác) cho CSV trên toàn thế giới, và 3 Hội không phúc đáp.

Qua kết quả đề cử của Chủ Tịch Hội CSV/QGHC, Ủy Ban Lâm Thời đại diện tất cả các Hội CSV/QGHC gồm có Quí Anh Chủ Tịch sau đây (xin xem Phần 3 của Bảng Tổng Kết):

1. Anh Trần Văn Phan, Chủ Tịch Hội New South Wales, do tất cả Chủ Tịch Hội tại Úc đề cử;
2. Anh Nguyễn Phú Thiệu, Chủ Tịch Hội Montreal, do tất cả Chủ Tịch Hội tại Canada đề cử; và
3. Anh Vũ Dương Cử, Chủ Tịch Hội Texas, do đa số Chủ Tịch Hội tại Hoa Kỳ đề cử (Xin xem Bảng Tổng Kết với lời chú thích).

Tôi xin chúc mừng Quí anh Cử, Phan và Thiệu đã được Chủ Tịch các Hội tín nhiệm và đề cử vào Ủy Ban Lâm Thời; và xin chúc quí Anh thành công.

Để có sự liên tục trong cố gắng xây dựng lại tổ chức của CSV/QGHC chúng ta, tôi xin đính kèm những ý kiến, nhận định và đề nghị của các Hội và một số CSV để quí Anh tham khảo. Tôi tin rằng Ủy Ban Lâm Thời, một Ủy Ban chính thức do tầt cả các Hội đề cử, sẽ quyết định chương trình hoạt động tốt đẹp hơn.

Như tôi đã trình bày, vì các lý do riêng, tôi không tham du Giai Đọan II nầy. Nhưng, với tư cách Chủ Tịch Hội Florida, tôi sẽ tham khảo ý kiến CSV/Hội Florida về các đề nghị mà Ủy Ban Lầm Thời sẽ đưa ra trong tương lai.

Trân trọng,
Thái V. Khị
Chủ Tịch, Hội Florida
TB: Xin anh Sáu phổ biến rộng rãi thơ này và các tài liệu đính kèm.

Tuesday, March 30, 2010

Mời nghe nhạc

Anh Lê Q. Trình mời quý qnh chị nghe lại bản Hoài Cảm
Nhạc: Cung Tiến
Trình diễn: Lệ Thu


Bắt cho được những tên tổ chức hai cuộc nổ bom hệ thống Metro, Moscow, là 'vấn đề danh dự' cho cơ quan an ninh Nga. Vladimir Putin

Tìm CSV khóa ĐS16


Tôi là Quang, ĐS17, hiện ở Edmonton, Alberta, Canada,
muốn biết tin tức về anh
TV Lương, ĐS16
trước làm việc ở Kontum.

Nghe nói sau này anh Lương định cư ở Mỹ.
Quý anh chị nào có tin tức về anh Lương xin vui lòng mách giùm.
Xin cám ơn trước:

Quang Bach (qb1314@hotmail.com)

Cười ra nước mắt

Sài gòn hiện đang xầm xì về chuyện một cô giáo thể dục của trường Marie Curie dùng tay ngắt nhéo chỗ kín các nam sinh phạm lỗi. Chính đương sự Khổng Như Mai, đảng viên Đảng CSVN, giáo viên thể dục cũng công khai xác nhận với báo chí như vậy và cho rằng đó là một hình thức xử phạt...hữu hiệu.

Văn minh nước Tàu Cộng Sản

Kinh hoàng công nghệ chế biến dầu ăn

Hơn 4 năm qua, có biết bao thực khách đã ăn những
món xào nấu dùng dầu biến chế khủng khiếp


- Những thực khách đam mê món lẩu Tứ Xuyên và các món ăn đặc trưng của Thành Đô sẽ không bao giờ biết được nồi lẩu thơm phức kia sử dụng dầu bẩn nếu như bức màn bí mật về một ngành “công nghiệp lọc dầu” ghê rợn chưa từng thấy không bị giới báo chí nước Tàu phanh phui suốt những ngày qua.

Lợi nhuận khổng lồ từ sử dụng dầu bẩn được “lọc” từ nước thải cống rãnh nhà hàng đã khiến rất nhiều người bất chấp nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng, hầu như ngày nào cũng có trường hợp dầu bẩn bị bắt.

Dầu ăn được luyện từ những thứ đến... lợn cũng phải sợ.

Phóng viên tờ Nam Phương nhật báo đã trực tiếp thâm nhập những “động lọc dầu” chuyên thu mua nước thải nhà hàng lọc dầu và … bán lại cho nhà hàng.

Thu nhập cao, không làm cũng phí!

Để có dầu bẩn xuất cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, những ông chủ bà chủ vựa dầu phải tuyển dụng một lực lượng vớt dầu chuyên nghiệp. Những người này sẽ mang xô thùng gầu chậu tới cống, rãnh nước thải của các nhà hàng, quán ăn, quán cơm để múc lớp bọt, váng dầu lẫn cơm thừa canh cặn, những thứ… lợn cũng lắc đầu này được đem về chế biến.

Cặn bã sền sệt được móc lên từ cống sau đó sẽ được thu gom lại để "chưng cất" thành dầu ăn.

Theo chân anh Long, một người có thâm niên “vớt dầu” ở Thành Đô, Tứ Xuyên, phóng viên đã ghi lại những cảnh “vớt dầu” mà một người giàu trí tưởng tượng nhất cũng không thể hình dung nổi từ cái đám bùng nhùng này người ta lại có thể “luyện” ra được dầu ăn để chiên đùi gà, cá chép thơm phức.

Người đàn ông này cho biết, anh đi vớt dầu đã mấy năm nay và chưa từng vấp phải sự kiểm tra hay nhắc nhở nào của lực lượng chức năng. Có lẽ những người gặp anh đi vớt dầu lại nghĩ rằng anh đang thông cống hoặc dọn dẹp vệ sinh chứ không phải đang góp phần làm ra những can dầu ăn rẻ tiền và chất lượng kinh hoàng cung cấp cho nhà hàng, quán ăn.

Mỗi một thùng “váng dầu” – thuật ngữ của dân “vớt dầu” chuyên nghiệp này có giá khoảng 4 tệ, tương đương khoảng 8 ngàn tiền Việt. Công việc này mang lại cho anh nguồn thu nhập cũng khá, hơn hẳn khoản lương bảo vệ nhà máy người ta trả cho anh mấy năm về trước.

Hàng ngày, với những chiếc thùng cáu bẩn, một xe kéo, một chiếc vớt váng dầu và đôi găng tay, anh Long rong ruổi khắp các ngõ ngách của thành phố. Cứ ở đâu có cống rãnh nước thải nhà hàng, quán ăn là anh tìm đến. Một nguồn lợi khổng lồ mà không bị ai đánh thuế.

Công nghệ “lọc dầu” made in China

Ai có thể tưởng tượng nổi những thùng phuy này sẽ được "tinh chế" thành dầu ăn?!

Sau khi vớt đầy các thùng, váng dầu được chuyển về tập kết ở các xưởng “lọc dầu”. Tại đây, người ta đổ những chất bầy nhầy, bùng nhùng và nồng nặc mùi nước thải tổng hợp vào những chiếc thùng phuy to để lắng cặn. Mọi loại thùng, xô, chảo, chậu đều có thể tận dụng để … lắng dầu.

Giai đoạn sơ chế, người ta để lắng, lọc bỏ những cặn bã cứng và chỉ giữ lại lớp dung dịch bầy nhầy có mùi khăm khẳm đặc trưng của nước cống. Những thùng phuy nước cống chính hãng này sẽ tiếp tục được để bồi lắng một thời gian, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn hai – nhiệt lọc.

Những chiếc thùng phuy này đựng thứ dung dịch bầy nhầy như nước sông Tô Lịch được gọi là…dầu bán thành phẩm. Từ những thùng dầu sau khi đã loại bỏ các “tạp chất” trôi nổi này sẽ được đưa vào lò luyện “dầu tinh chất”.

Công nghệ “lọc dầu” made in China này xem ra cũng đơn giản, những thùng phuy dầu bán thành phẩm này được đổ thêm nước vo gạo và cho lên bếp, đun sôi sủi bọt. Lúc này một lớp dầu vàng sậm sẽ nổi lên trên bề mặt, người ta rót sang các thùng để nguội và đóng vào can.

Dầu ăn hoàn chỉnh sau khi đã được trộn đầy phụ gia.

Chỉ thêm chút ít chất phụ gia, những thùng dầu đặc quánh này sẽ trở nên trong hơn, sáng hơn gần giống với những can dầu ăn trong siêu thị. Sau khi đã đóng thành can, chúng được đem bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn ở khắp các ngõ ngách từ thành thị đến nông thôn với “giá rẻ bất ngờ, tình cờ mới gặp”.

Bình Nguyên
(Tổng hợp từ báo chí Tàu Cộng)

Tin ngắn

Nam Hàn:
Một chiếc tầu của hải quân Nam Hàn đã bị chìm gần biên giới hải phận Bắc Hàn, sau khi bị nổ có thể do ngư lôi thả trôi trên biển.

Nga:
38 người được xác định thiệt mạng vì hai vụ nổ bom tự sát trong hệ thống Metro vào giờ cao điểm buổi sáng ở Mạc Tư Khoa hôm qua.
(Nguồn: BBC)

Monday, March 29, 2010

Giật mình

Dù tâm trí rất tỉnh táo, khi dò email, tôi bỗng giật mình, vì có thư Hùng Vũ gửi tới. Té ra cháu Uyên, trưởng nữ của Hùng, đã dùng địa chỉ của Bố để viết thư gửi cho tôi.


Chau Uyen day.

Bac Oi,

Thank you so much for keeping up with my Dad's website and carrying on his memories. I know he is up in heaven right now, reading these posts from all his dear friends, smiling, and feeling thankful for all the deep and wonderful friendships he has. I know he especially misses you, bac Vinh. I remembered him talking in the nursing him about you, and how proud he was of you, for being able to pick up the work on the website for him.

I still check his email every so often to feel connected to him. My mom, my sister, and I have been reading the posts on the website. We miss him so much, every single day. It still does not seem possible that he's gone. It's a struggle every day to know we can't see his smiling face... for awhile. But we know he is with God, and that he is healthy and happy and that he knows we are thinking of him, loving him, and missing him, until we see him again.

Chau Uyen
29/3/2010

_____
Cháu Uyên đây.

Bác ơi,

Cám ơn bác thật nhiều đã tiếp tục Trang Web của Bố cháu và tiếp tục gợi nhớ đến người. Cháu biết Bố ngay lúc này đang trên Thiên Đàng, nét mặt vui tươi đọc các posts của các bạn hữu thân thiết viết, với lòng biết ơn về tình bằng hữu sâu xa tuyệt vời mà Bố có được. Cháu biết Bố đặc biệt nhớ bác, Bác Vĩnh ạ. Cháu còn nhớ nơi nhà điều đưỡng Bố nhắc nhiều đến bác, và Bố hãnh diện biết bao vì có bác đảm trách được những công việc trên Trang Web thay cho Bố.

Cháu vẫn kiểm hộp thư điện tử của Bố khá thường xuyên để cảm thấy vẫn còn liên lạc được với người. Mẹ, em Vi và cháu đã đọc các post trên Diễn Đàn. Tất cả nhớ thương Bố vô vàn, nhớ từng ngày. Dường như không thể có chuyện Bố đã ra đi. Phải chiến đấu hằng ngày để vượt thắng khi nhận ra mình không còn thấy được khuôn mặt tươi cười của Bố nữa dù chỉ trong chốc lát. Thế nhưng Mẹ và chúng cháu biết rằng Bố đang ở với Chúa, rằng Bố đang an lành, hạnh phúc, và rằng Bố biết chúng ta đang nghĩ về, thương yêu và nhớ nhung Người cho tới ngày chúng ta gặp lại Người.

Cháu Uyên
29/3/2010


Giỗ đầu: 29.3.2009 - 29.3.2010




Thương tiếc
Vũ Công Hùng, ĐS14
1947 - 2009
Tạ thế tại Colorado, Hoa Kỳ
ngày 29 tháng Ba năm 2009

Chút tâm tình

Gửi Vũ Công Hùng.

Hùng ơi!

Đời người là một cuộc hành trình, nhưng là một cuộc hành trình đi về mà ở đó số phận mỗi con người mong manh như giọt sương mai, chỉ cần một va đập nhỏ cũng đủ tan biến vào cõi hư vô.

Trong cuộc hành trình này, có người được thênh thang thơ thẩn với đời trọn vẹn ba vạn sáu ngàn ngày, nhưng cũng có người mà số mệnh oan nghiệt không cho họ được đi hết đoạn đường đời trong đó có bạn mà cơn bạo bệnh đã cướp đi mạng sống vào sáng ngày 29-3-09 để lại muôn vàn thương tiếc cho gia đình bạn và bằng hữu xa gần nơi sân chơi Diễn Đàn.

Thời gian trôi nhanh quá, thời gian chẳng chờ đợi ai, thóang đấy mà đã đến ngày giỗ đầu của bạn 29/3/09-29/3/10: có biềt bao điều muốn nói về bạn, có biết bao điều muốn nhớ về bạn bởi cả tôi lẫn bạn, hai chúng ta đều đã xác định, bên cạnh gia đình, tình bạn là đáng trân qúi: vui buồn cũng bạn, sướng khổ cũng bạn, khi thăng hoa lúc trượt ngã cũng bạn.

Tôi còn nhớ rất rõ, trong nỗi đau cả thể xác lẫn tinh thần sau những lần điều trị Chemo, sáng 1/1/09 bằng giọng nói yếu ớt, bạn đã gọi cho tôi thều thào: "Tớ mệt lắm, thăm cậu thật nhiều và nhờ cậu chuyển lời thăm hỏi đến các bạn bè trong Diễn Đàn, thăm NKChi mới định cư tại Mỹ. Cậu cứ yên tâm, dù rất đau đớn, tớ vẫn tuyệt đối tin và trung thành với Thiên Chúa và trên tay tớ lúc nào cũng có cỗ tràng hạt Mân Côi. Còn những lúc nhàn rỗi khác, tớ nghe nhạc để vui vẻ sống chung với bệnh tật".

Đó là lần sau cùng tôi được nghe tiếng bạn.

Hôm nay 29-3-2010 là ngày giỗ đầu của bạn, trong niềm tin tôn giáo riêng của mỗi người, có rất nhiều bạn bè nhớ và cầu nguyện cho bạn và gia đình bạn còn lại: NTVĩnh nói chuyện hằng giờ với tôi về bạn, DVVàng muốn theo bước chân bạn về với con gái An Xuyên, Lan Đàm nghẹn ngào với Gửi Người Phương Xa, Như Thương luyến tiếc Như Mới Hôm Qua, NQMinh rất sớm Thắp một nén hương ....... Còn với tôi, sẽ là một điều rất có ý nghĩa để tôi được phép mời các bạn cùng nghe "Tưởng Niệm" của Trầm Tử Thiêng trên Diễn Đàn để tất cả bằng hữu xa gần hòai niệm về bạn như thắp một nén hương tưởng nhớ bạn nhân ngày giỗ bạn. Điều quan trọng hơn, qua "Tưởng Niệm" tác giả muốn trang trải những cảm nghiệm về cuộc sống như một nhắc nhở mọi người còn ở lại, dù trường mệnh hay vắn số, qui luật nghiệt ngã về sự ngắn ngủi của kiếp nhân sinh với lộ trình sinh - lão - bệnh - tử trong những dòng nhạc và lời ca trầm buồn:

"Ta nghiêng vai, nghe lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn chợt đến. Ta nghiêng vai soi lại tình người, thì bóng chiều chìm xuống đôi môi. Đang mân mê cho đời nở hoa, chợt bàng hoàng đến kỳ trăn tối. Ta nâng niu cuộc tình lộng lẫy, bỗng ngỡ ngàng vụt mất trong tay.
Mang ơn trên cho cuộc đời ta, vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ. Trong cơn đau một vùng nhang khói, kéo ta về một cõi hư vô....".

Về cõi hư vô, đó chỉ là cách nói về thế giới bên kia, còn tôi, tôi tin tưởng tuyệt đối bạn đã ở đâu đó trên Thiên Đường bởi, như một đoạn Thánh kinh trong bài đọc 1 trong Thánh lễ hôm qua tôi và gia đình tham dự cầu nguyện cho bạn "Người công chính dù có chết non cũng vẫn được an nghỉ vì tuổi thọ đáng kính không phải bởi sống lâu, cũng không do tuổi tác. Đối với con người, sự khôn ngoan còn qúi hơn tóc bạc, sống không tì ố đó là sống thọ ".

Xin bạn yên nghỉ và xin gửi tới Phước, hiền thê và hai con gái thương yêu của bạn lời thăm hòi ân cần nhất.

San Jose 29/3/2010
TeHong

Xin mời quý anh chị bấm vô để nghe một khúc nhạc buồn:
Nhạc: Trầm Tử Thiêng
Ca sĩ: Tuấn Ngọc

File: Tiếc thương

Những người làm thơ, viết văn, thường có những bài độc thoại viết về mình ở trong những khoảnh khắc cuối đời, vào lúc ấy lời văn bỗng trở nên xuất thần, đôi khi siêu việt từ một linh tính bí ẩn và trở thành một di chúc, một bài ai điếu cho chính mình. (NTH)

NHỮNG NGÀY HỘI CỦA ANH

Tôi đã quen với sự vắng mặt của anh trên Diễn Đàn từ nhiều tháng qua, đôi khi dường như quên hẳn. Một phần vì nhìn thấy những bức ảnh của anh trên Diễn Đàn chụp chung với bạn bè trong những lần hội ngộ, tôi vẫn tin rằng với tạng người và kích thước quá khổ so với vóc dáng người Á Châu, anh sẽ trở lại sân chơi của mình, ít nhất cũng vài lần nữa, trước khi chịu khuất phục vì căn bệnh nan y của mình. Cho nên khi được tin anh đã bỏ sân chơi của mình, lời nói chia tay nhắn lại với bạn bè là “không thể nán lại” lâu thêm nữa, đem đến sự ngạc nhiên và nỗi ngậm ngùi thương tiếc.

Lời nói sau cùng “không thể nán lại” thêm nữa đã gói ghém đầy đủ hoài bão và ước vọng của anh trong những ngày vui chơi cuối đời của mình với bè bạn. Những gì anh đã khởi xướng và đeo đuổi trong hơn 4 năm qua với việc thiết lập và điều khiển Diễn Đàn Hành Chánh, một sân chơi cho bè bạn và đồng môn tụ tập, đã đem đến cho anh một tài sản vô giá, mà không phải ai cũng có thể mua được bằng tiền bạc hoặc bằng quyền lực. Đó là những tình cảm thân thiết mà anh đã gầy dựng, yêu quý và trân trọng từ bạn bè và đồng môn trên sân chơi của mình. Chẳng trách gì khi anh đã phải thốt nên lời lưu luyến với bạn bè vì chẳng thể “nán lại” lâu hơn nữa vào giây phút cuối.

Có thể anh bắt đầu vì những phương tiện kỹ thuật truyền thông tân tiến để đáp ứng cái nhu cầu hoặc thú vui đàn đúm và tán gẫu với bạn bè thân thuộc, để cùng ôn lại những kỷ niệm về một thời đã qua, của những người trong lứa tuổi sắp về hưu ở nơi xa quê hương. Khởi đi từ một nhóm nhỏ gồm những bạn bè đồng khóa, anh đã đến với tôi qua cách nói chuyện duyên dáng riêng của mình với một bạn đồng môn chưa quen biết. Lúc đầu còn dọ dẫm, nhưng sau đó, dù chưa gặp mặt nhau, chúng tôi có được một sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau khả dĩ có thể đóng góp chung vào việc xây dựng một sân chơi lành mạnh với các đồng môn của mình. Không khí của sân chơi phản ánh đầy đủ những nét đa dạng của cuộc sống thường ngày, có lúc say sưa vì những áng văn hay, những câu thơ trữ tình lãng mạn, có khi “ế độ”, đôi lúc sát phạt vì cố ý để gây cuộc tranh luận hữu ích và tự kiềm chế trong sinh hoạt chung của sân chơi. Nhưng nói chung anh đã thành công vượt bực so với cái mục tiêu khiêm nhượng lúc ban đầu của mình.

Đọc lại những đoản văn ngắn của anh viết trên Diễn Đàn vào lúc sau này, mới thấy được tấm lòng quảng đại, một trái tim hào sảng, lúc nào cũng muốn ôm chầm lấy tình nghĩa đồng môn thắm thiết, như để cùng nhau chia xẻ những say sưa ngây ngất, những ngọt bùi của ngày tháng còn lại trên quê người. Và văn của anh cũng trở nên xuất thần nhất vào những giây phút trùng phùng cùng bạn bè và thân hữu, với những bài viết về “Hội Trùng Dương” và “Hội Hoa Vàng” ở miền nắng ấm Cali. Thế nhưng dường như có đôi chút vội vã trong lời văn và những tình cảm của anh phơi bày trong ngôn ngữ của mình. Như thể báo hiệu với mọi người rằng nếu anh không thể nói ra vào lúc này thì có lẽ sẽ không còn một dịp nào khác nữa.

Những người làm thơ, viết văn, thường có những bài độc thoại viết về mình ở trong những khoảnh khắc cuối đời, vào lúc ấy lời văn bỗng trở nên xuất thần, đôi khi siêu việt từ một linh tính bí ẩn và trở thành một di chúc, một bài ai điếu cho chính mình. Đó là những bài thơ, bài văn đứng ở trước cửa thềm, giữa đêm và ngày, trước giây phút họ sắp biến mất trên mặt đất này. Cho nên ngôn ngữ bỗng trở nên linh thiêng, để ghi lại những rung động và cảm xúc, để cố bám lấy cuộc sống hiện tại, qua chúng ta, những người còn sống khi đọc những dòng chữ ấy sẽ làm sống lại linh hồn của anh, con người của anh vào lúc bây giờ hay nhiều năm sau nữa.

Lâm Thanh đã làm như thế với những câu thơ ai oán:
Từ Nam Quan máu xuôi về Đất Mũi,
Để bây giờ từ Đất Mũi trôi đi,
Bờ quê hương, bờ sinh tử, chia ly?
Ngàn năm nữa hồn oan còn réo gọi !!
Robert Desnos cũng đã làm như thế, bắt đầu vào lúc đêm đen vừa phủ xuống với bài độc thoại của chính mình (The Voice of Robert Desnos)
Như những cánh hoa và làn gió thoảng
Những bóng ảnh lung linh của dòng nước
Thoáng hiện nụ cười giữa đêm đen tuyệt diệu
Như mỗi niềm hạnh phúc và đau khổ
Và đêm sâu lõa thể đang dâng trên những tháp chuông và ngọn dương cao vút
….
Ta gọi tên những tình nhân và những người thân thiết
Ta gọi tên những người còn sống và đã chết
Ta gọi tên những phu quật mộ và những kẻ sát nhân….
…..
Ta gọi tên người yêu dấu
Khi đêm hân hoan trải những cánh nhung mượt trên chỗ ta nằm
…..
Thường những bài thơ đó cũng kết thúc vào lúc gần sáng với ánh sáng xanh thần bí như đánh dấu giai đoạn ở trước ngưỡng cửa giữa hai thế giới, nơi đó cũng là lúc mầu sắc đang thay đổi như sự biến thể giữa đêm và ngày, ở vào một thời điểm một cái gì đó sẽ phải biến mất và kết thúc. Bài thơ ấy Desnos đã làm trước khi ông bị Gestapo bắt giữ rồi mất đi ở trại tập trung Terezine ở Tiệp Khắc.

Anh cũng đã viết như thế, trong một đêm huyền diệu với Hội Trùng Dương,
“Vầng trăng non hẳn không có sức quyến rũ chúng tôi đến nhà anh chị để thưởng thức bánh Trung thu và trà ướp sen... Có một cái gì hơn thế, đã biến đêm đen thành huyền diệu, biến cảnh sắc thành thơ văn, và biến tình nghĩa đồng môn thành cao quý. Kỷ niệm tiếp nối khi chúng tôi bảy người lang thang trên phố Bolsa tìm chỗ ăn đêm …. Đã khuya lắm rồi nhưng chúng tôi vẫn chọn con đường dài nhất, dọc bãi biển để ngắm cảnh. Ánh điện sáng trưng đã làm mù lòa biển đêm. nhưng dù sao chúng tôi cũng muốn đêm không cùng và gió trùng dương đừng ru ngủ... Đến nửa khuya chỉ còn lại 6 người nhưng không ai thèm để ý đến tiếng mưa rơi. Hạnh phúc miên viễn là còn một chút gì để nhớ, và có một chút gì để hy vọng... Chúng ta đã gởi gấm hy vọng vào những cơn mưa về sáng và những đợt sóng trùng dương xa xôi...”
Đó là những câu văn xuất thần hiếm có mà tôi chưa từng đọc trong những bài văn của anh, như thể báo hiệu thời điểm đang chuyển mình giữa đêm và ngày, một cái gì đó rồi sẽ phải kết thúc, bắt buộc anh đã ghi lại những dòng chữ ấy như đem hơi thở và cảm xúc của mình vào lời văn để bám vào dòng sống miên viễn, sẽ đem anh trở lại với chúng ta trong những ngày hội ngộ của bạn bè và thân hữu. Như anh đã viết trong Hội Hoa Vàng “Chỉ mong một ngày không cần đẹp trời dưới rặng Rocky Mountains hay đâu đó…, tất cả chúng mình lại có duyên hội ngộ. Sau Trùng Dương và Hoa vàng, lần Hội ngộ tới sẽ có tên gì đây nhỉ, thưa các bạn đồng môn và thân hữu…”

Viết lên những dòng tưởng niệm anh ngày hôm nay, hy vọng rằng chúng ta cùng nhau xưng tụng một tình cảm đồng môn cao quý mà anh hằng ấp ủ trong những ngày còn lại, cũng như để tiếp nối công trình mà anh và nhiều bạn đồng môn đã khó nhọc xây dựng và duy trì nó thành một sân chơi hài hòa và đầy ý nghĩa của một tập thể trí thức các cựu sinh viên QGHC.


Nhan Tử Hà
Melbourne, Australia.

Saturday, March 27, 2010

Gửi người phương xa


Click to enlarge

Chén Tử Sinh

Mời bạn,

Rót thêm đầy chén nữa
Tử sinh, như rượu uống đầy vơi
Có hiển linh về chung chén đắng
Cùng luận nhân gian những kiếp người

Dương Quân
3.28.10 8.22am

Tôi đi thăm mộ tôi


Những lời chưa hề công bố của Hùng Vũ

Sau lần Chemo thứ nhất bệnh trạng của Hùng có vẻ khá. Tinh thần lạc quan của anh lây lan sang bạn bè xa gần. Đây là giai đoạn chúng tôi - Hùng và tôi - trao đổi qua điện thoại nhiều, có thể nhiều hơn lúc anh còn khỏe. Anh dặn dò tôi đủ điều về Diễn Đàn.

Có một buổi sáng, một buổi sáng cận kề ngày chịu chemo lần thứ hai, Hùng gọi cho tôi, nói chuyện huyên thuyên về những cảm nghĩ của anh. Anh nói về 30 tháng tư. Anh nói về sự chết. Anh nói về những nấm mộ hoang phế cỏ mọc xanh rì. Nói về hồn người quá vãng lang thang đây đó giống như những trường hợp thoát xác trong các truyện psychics tôi có dịp đọc xưa kia. Nhưng những nối kết với nhau giữa các sự kiện, cảm nghĩ này không theo một trình tự thời gian nhất định nên nhiều khi khó hiểu. Hùng cũng có giải thích rằng coi như mình đã chết vào ngày 30 tháng tư năm ấy. Bây giờ anh trở về thăm lại mộ chí của mình sau 33 năm (2008 - 1975 = 33). Anh nói: "Mình sẽ viết thử".

Sau lần điện đàm này tôi chỉ có thể kết luận rằng dưới cái vỏ thân xác coi còn khỏe mạnh là một tâm thần đã bắt đầu phiêu du, bồng bềnh, một trạng thái Hallucination đang xẩy ra, có thể do trầm cảm (Depressed) hay do thuốc hoặc cả hai.

Sau khi Hùng mất, tôi có lược qua tất cả những post đã đưa lên Diễn Đàn trong thời gian trước đó và đã gặp một post đưa lên rồi (upload) nhưng chưa công bố (publish) của anh. Khi đọc xong, tôi nhận ra ngay đó là những cảm nghĩ Hùng đã thổ lộ với tôi trong cuộc điện đàm trước kia. Nội dung có khác đôi chút ở chỗ có thêm cái cảm giác bị bỏ quên. Té ra sau khi nói chuyện với tôi anh đã viết lại thật, viết không dài dòng như khi nói.

Hùng đặt tiêu đề là "Tôi Đi Thăm Mộ Tôi". Trừ dòng cuối cùng "Cảm niệm trên giường bệnh" là có dấu chữ Việt, phần còn lại thì không. Sau đây là bản tôi viết lại nguyên văn và bỏ dấu:

"Tôi chết đã được 33 năm nhưng đến nay (30 tháng 4) tôi mới có dịp về thăm lại mộ chí của mình. Tôi nhớ ngày ấy có những người từ thượng du xuống, từ duyên hải vào và họ đã giết tôi vội vã.... trong một khung cảnh máu lửa đầy trời và tang thương kinh hãi... Những người thân quen chưa kịp làm đám táng cho tôi họ đã vội vàng bồng bế nhau đi vạn nẻo trời. Hồn tôi chạy theo gọi nhưng không ai nghe. Có ai nghe được người chết bao giờ!"

"Nhưng khi tôi chết, tôi mới thấy rõ những gian dối đổi thay của người còn sống. Có rất nhiều điều đau lòng. Bây giờ, sau 33 năm, tôi mới có dịp về tảo mộ - cho chính tôi. Tôi thấy có người đang làm lễ truy điệu cho tôi. Những bài diễn/điếu văn của họ nghe thật mủi lòng nhưng tôi thấy bên trong nhiều điều giả dối. Tôi thấy họ ca tụng công đức của tôi nhưng thật sự là họ đề cao chính họ... Tôi thấy những người hồi trước thương tôi thật tình, bây giờ họ cũng còn trong vòng khổ lụy. Cũng có những người họ đã thật sự quên tôi để lo cho chính bản thân..."

"Không biết rồi đây vài chục năm sau, nếu tôi lại có dịp đi thăm mộ mình, tình trạng này có đổi khác hay không? Cũng có khi là không còn ai thương nhớ mình nữa!? Tôi chỉ hy vọng mình có thể hồi sinh vì làm một người chết và về lại để thăm ngôi mộ của mình thì thật buồn... rất buồn!."

"MaoHùng"
"(Cảm niệm trên giường bệnh)"
Viết nháp ngày 19 tháng Năm, 2008 nhưng không công bố. Các bạn nào còn vô Edit được, có thể mở coi nguyên văn bản chưa bỏ dấu chữ Việt của Vũ Công Hùng.

Tuy có vẻ kỳ lạ nhưng đoạn viết trên đây vẫn còn hiểu được vì những sự việc ít nhiều là sản phẩm của trí tưởng tượng.

Sau lần chemo thứ hai và cũng là lần khiến Hùng bị hôn mê nhiều ngày, sau khi hồi tỉnh, tâm trí nhiều lúc rơi vào tình trạng nửa tỉnh nửa mê. Vốn dĩ là một típ người nhiều suy tư, não bộ không muốn ngừng nghỉ nhưng trong điều kiện chữa trị sống chết như thế, nhận xét và cảm nghĩ trở thành những ảo giác, ảo tưởng. Tình trạng râu ông nọ cắm cằm bà kia giống như trong những giấc mơ. Giấc mơ của một người bề ngoài như đang tỉnh.

Chị Hùng kể lại rằng Hùng trở nên nóng nảy bất thường trong giai đoạn này, có khi la to tiếng. Có lần Hùng nói: "Thằng cha Vĩnh đi ngang qua giuờng mà hắn ngó lơ". Chị Hùng hỏi: "Ai? - Anh Vĩnh Canada hả?" Hùng trả lời không đâu vào đâu: "Có hai Vĩnh. Vĩnh làm y tá kìa."

Quả có hai Vĩnh, nhưng có ai làm y tá đâu!

Viết về những ngày chót của Hùng, tôi thấy buồn nhiều. Nhưng sau cùng thì anh cũng đã rũ bỏ được bệnh hoạn cùng những đau đớn thể xác, những xót xa về tinh thần khi phải sớm lìa bỏ gia đình và bằng hữu.

Mong Hùng đã về nơi Thảnh Thơi An Lạc.


A.C.La
3/2010

Friday, March 26, 2010

Nhớ ngày anh đi




Click to enlarge

The National Geographic Society sửa sai

TIN VUI

Hội Địa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ đã thuận ghi chú trên bản đồ theo đề nghị cuả Cộng đồng người Việt ... Dưới
đây là nội dung vừa được công bố:


Tiếng Anh:
UPDATE, March 25, 2010:

The National Geographic Society's Map Policy Committee has recently met to discuss this matter in greater detail. Based on the best information and research available, the Map Policy Committee seeks to make independent judgments about future changes or clarifications on its maps, as well as to correct any errors.

The naming conventions of the Paracel Islands on our maps will be revised as follows:

* Smaller-scale world maps: Use conventional name - Paracel Islands; omit possession label.
* Larger-scale regional, continental, and sectional maps: Use conventional name - Paracel Islands. Expand possession qualifier: Occupied by China in 1974, which calls them Xisha Qundao; claimed by Vietnam, which calls them Hoàng Sa.

These conventions will apply on future printings of our maps, and will be reflected online in short order.

Tiếng Việt:
Cập nhật, ngày 25/3/2010:

Hội đồng chính sách bản đồ của Hội Địa lí Quốc gia Mỹ đã họp để thảo luận những chi tiết cụ thể về vấn đề Hoàng Sa. Dựa trên những thông tin và nghiên cứu tốt nhất hiện nay, Hội đồng chính sách bản đồ tìm kiếm những quết định độc lập về những thay đổi trong tương lai hoặc những điều cần làm rõ ràng về những bản đồ của hội cũng như để thay đổi những sai sót nếu có.

Nguyên tắc để tên quần đảo Hoàng Sa trên các bản đồ của chúng tôi sẽ được thay đổi như sau:

- Các bản đồ thế giới cỡ nhỏ: Sử dụng tên thông dụng - Paracel Islands, bỏ qua những thông tin về chủ sở hữu. (Cái này nằm trong đề nghị thứ nhất của lá thư).

- Các bản đồ vùng, lục địa và khu vực cỡ lớn: Sử dụng tên thông dụng - Paracel Islands. Có chú thích về chủ quyền: Bị chiếm giữ bởi Trung Quốc vào năm 1974; nước này gọi quần đảo là Xisha Qundao; Việt Nam đang đòi chủ quyền, nước này gọi chúng là Hoàng Sa.
Xin trân trọng cảm ơn sự tham gia kí tên nhiệt tình về vấn đề chủ quyền của đất nước! Một thắng lợi nhỏ để đoàn kết lòng dân lớn.

http://press. nationalgeograph ic.com/pressroom /index.jsp? pageID=pressRele ases_detail&siteID=1&cid=1268771677039

File: Tấm ảnh sau chót trước khi MaoTôn ngã bệnh

Hình chụp vợ chồng MaoTôn có mặt tại buổi Họp mặt Easter Sunday (Mar 23, 2008) tại tệ xá, có sự hiện diện của Cha Quang:

Thế mà, hôm thứ Hai (Mar 24th, 2008) đã nghe tin Anh ngoạ bệnh. Được biết, đến nay Anh đã hồi phục được 50%. Hy vọng Anh sớm có thể trở lại Diễn Đàn.

Đặng Xuân Hùng, ĐS17,
Colorado
(4/2008)

Thursday, March 25, 2010

Nhớ Ngày Giỗ Đầu MaoTôn - Vũ Công Hùng

Thắp một nén hương cho Bạn

Ngày 24 tháng 03.2008, Hùng bất ngờ ngã bịnh. Được tin, bạn bè và thân hữu trên Diễn Đàn đều bàng hoàng. Mọi người đều lo lắng và không biết thực sự Hùng bị bịnh gì, nặng nhẹ ra sao, chỉ biết cầu chúc cho Hùng sớm bình phục. Ngày 26.03 tôi mới vào D Đ, hay tin, tôi có gởi một cái mail hỏi thăm Hùng. Sau đó độ hơn một tuần lễ, thấy Hùng vẫn vắng mặt trên D Đ , tôi hiểu là tình trạng sức khỏe của Hùng có điều đáng ngại, tôi đã gọi điện thoại cho Hùng. Người trả lời là Chị Phước. Chị đã trao điện thoại cho Hùng. Hùng kể vắn tắt cho tôi, là trong lần khám sơ khởi, Bác sĩ cho biết là Hùng bị ung thư phổi và có vấn đề ở gan. Hùng cho biết thêm là Bác sĩ nói, nhờ khám phá sớm, hy vọng có thể chữa khỏi. Hùng cũng dặn là chuyện nầy chỉ nói riêng với tôi, đừng phổ biến. Tôi đã giữ lời hứa và không thông báo tin nầy. Chúng tôi chỉ nói chuyện với nhau độ ba phút, Hùng có vẻ mệt, xin kiếu từ và gác máy.

Thấy Hùng có vẻ bị giao động, tôi muốn tìm cách khuyến khích Hùng giữ vững tinh thần để tăng hiệu lực cho việc chữa trị. Sau đó độ một tuần, tôi có gởi riêng cho Hùng bài sau đây, mượn ý trong bài thơ ngụ ngôn «Cây sồi và cây sậy» của Jean La Fontaine.

Trong tâm tình tưởng nhớ Hùng, nhân ngày giỗ đầu, 29.03, của người bạn đáng quí, tôi xin gởi lại nguyên văn bài và hình minh họa. Trong nguyên bản, trích đoạn trong tác phẩm Pensées của Blaise Pascal, so sánh con người với cây sậy, chỉ có phần tiếng Pháp và hình ảnh bụi sậy. Trong lần gởi nầy, tôi xin thêm phần dịch thoát trích đoạn ra tiếng Việt và một hình ảnh từ trận bão Xynthia thổi qua bờ biển Vendée, miền tây nước Pháp hôm 28.02 vừa qua, đã làm thiệt mạng 53 người. Thấy hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng khá mạnh, tôi đã dùng để minh họa cho bản dịch của mình và cũng để tưởng nhớ một người bạn đã ra đi không kịp từ giã.

Trong tháng 4.2008, Hùng đã được chữa bằng chemotherapy, kết quả có vẻ khả quan. Đến đầu tháng 5, vừa khỏe lại đôi chút, Hùng đã trở lại vời bạn bè trên D Đ và báo tin mình bị mất ngủ. Bạn bè và thân hữu trên D Đ đã nồng nhiệt góp ý, mách thuốc, gởi thuốc mong giúp Hùng sớm bình phục. Vào nửa sau tháng 5, trong một mẫu chuyện Hùng kể trên D Đ về cách bạn dùng âm nhạc để tìm vui, qua thời gian và để chống chọi với chứng mất ngủ vẫn đeo đẳng, Hùng có gợi ý tôi gởi cho CD « Quelqu’un m’a dit » của Carla Bruni (bà vợ hiện nay của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, trước kia từng là một người mẫu thời trang chuyên nghiệp, trước và hiện nay vẫn còn là một ca sĩ có tiếng). Tôi đã gởi CD đó cho Hùng vào gần cuối tháng 5. Không thấy Hùng trả lời. Sau đó được biết vào ngày 9 hoặc 10 tháng 6, Hùng đã bị hôn mê 6 ngày liền mới tỉnh lại. Mọi người đều cho là phép lạ, đã mừng cho Hùng. Riêng tôi, tự nhiên tôi mơ hồ có linh cảm là, lần trở bịnh nầy, Hùng khó thực sự qua khỏi. Nhưng không dám nói ra.

Ngay từ dầu tháng 4, khi tỉnh lại đôi chút, Hùng đã nhắn tin cho bạn bè, thân hữu trên D Đ là nhờ NTVĨNH tạm thay Hùng điều hành D Đ. Giữa tháng 4, trong một thư hỏi thăm tình hình sức khỏe của Hùng, tôi đã xin địa chỉ e.mail của Vĩnh, vốn là chỗ quen biết từ lâu, lâu trước cả Hùng nữa, nhưng từ lâu không có liên lạc trực tiếp, để gởi bài thẳng cho Vĩnh.

Sau đó ít lâu, vào tháng 7, sau khi Hùng trở bịnh nặng và hoàn toàn vắng mặt trên D Đ, trong bài «Những Con Ngỗng Trời», tôi có ngụ ý xa xôi về cảm nghĩ của tôi đối với tình trạng sức khỏe của Hùng, và cũng để khuyến khích Vĩnh tiếp tục đảm đang và điều hành D Đ.

Từ đó trở đi, tôi không còn liên lạc với Hùng nữa. Qua tin tức càng ngày càng thưa thớt về Hùng trên D Đ, tôi hiểu là sức khỏe của Hùng đang suy sụp dần.

Cho đến trưa ngày 29.03.2009, mở hộp thư riêng, tôi nhận được e.mail của NTVĨNH báo tin Hùng đã mất lúc sáng sớm ngày 29.03. Dù đã đoán trước và chờ kết cục đau buồn nầy, tôi vẫn lặng người khá lâu trước mẫu tin.

Hôm nay xin ghi đôi dòng, thay một nén hương nhớ Hùng đã ra đi không kịp từ giã bạn bè, thân hữu cách nay vừa đúng một năm. Để nhớ mãi một người Bạn không thể quên.

NQMINH PARIS

Le Chêne et le Roseau

CÂY SỒI VÀ CÂY SẬY


Hiu hiu tự đắc sên già :
"Cuồng phong ta kể như là gió xuân.
Cảm thương chú sậy muôn phần,
Con chim chích đậu , trăm cân, oằn người".
Sậy khuyên sồi chớ vội cười,
Thân nào phận nấy, để rồi biết nhau.
Phũ phàng cơn lốc qua mau,
Sồi kềnh trốc gốc, ngẩng đầu sậy vươn.

Bản dịch thoát và rút gọn
của NQMINH
**

LE CHÊNE ET LE ROSEAU

Le Chêne un jour dit au roseau :

Vous avez bien sujet (1)d'accuser la Nature ;
Un Roitelet pour vous est un pesant fardeau.
Le moindre vent qui d'aventure (2)
Fait rider la face de l'eau,
Vous oblige à baisser la tête :
Cependant que mon front, au Caucase pareil,
Non content d'arrêter les rayons du soleil,
Brave l'effort de la tempête.
Tout vous est aquilon ; tout me semble zéphir (3).
Encor si vous naissiez à l'abri du feuillage
Dont je couvre le voisinage,
Vous n'auriez pas tant à souffrir :
Je vous défendrais de l'orage ;
Mais vous naissez le plus souvent
Sur les humides bords des Royaumes du vent.
La Nature envers vous me semble bien injuste.
Votre compassion, lui répondit l'Arbuste ,
Part d'un bon naturel ; mais quittez ce souci.
Les vents me sont moins qu'à vous redoutables.
Je plie, et ne romps pas. Vous avez jusqu'ici
Contre leurs coups épouvantables
Résisté sans courber le dos ;
Mais attendons la fin. Comme il disait ces mots,
Du bout de l'horizon accourt avec furie
Le plus terrible des enfants
Que le Nord eût porté jusque-là dans ses flancs.
L'Arbre tient bon ; le Roseau plie.
Le vent redouble ses efforts,
Et fait si bien qu'il déracine
Celui de qui la tête au ciel était voisine,(4)
Et dont les pieds touchaient à l'empire des morts.(5)


JEAN DE LA FONTAINE

Wednesday, March 24, 2010

Ngày này hai năm trước


Lời Cáo Lỗi vội vàng

Cách nay đúng hai năm, vào ngày 24 tháng Ba năm 2008, anh Vũ Công Hùng, người sáng lập Diễn Đàn này, đã lên tiếng cáo lỗi phải bất ngờ vắng mặt trên Diễn Đàn sau khi bác sỹ cho biết anh có thể bị ung thư phổi. Sau đó là một chuỗi những ngày gian nan của anh và gia đình, kéo dài gần một năm.

Lời nhắn anh viết bằng chữ Việt không kịp bỏ dấu, chúng ta có thể hiểu tâm trang của người viết lúc đó ra sao.


Xin cao loi cung quy doc gia Dien Dan

Toi, WebHungVu, bat ngo bi benh, nen khong the upload cac bai vo cua anh chi em len DD duoc, mac du, cho den nay, con nhieu bai nhan da tu lau...
Rat mong anh A.C.La se "dien vao cho trong".
Toi se tro lai DD trong thoi gian som nhat, hy vong nhu vay.

Kinh chao tam biet.
HungVu

Những câu chuyện thiền (1)

Con sóng nhận thức

Nhìn thấy một con sóng cao lớn bên cạnh, con sóng nhỏ tỏ ra bực mình:
- Bực ghê. Sóng kia lớn quá, sao ta bé tí. Chúng mạnh mẽ xiết bao sao ta yếu đuối thế này.
Con sóng to cười đáp:
- Đó là vì không nhận ra gốc gác của mình mà bạn buồn bực thế.
- Tôi không là sóng thế là gì?
- Sóng chỉ là hình thức tạm thời trong bản chất của bạn. Kỳ thực bạn là nước. Một khi nhận ra
bản chất của chính mình là nước, bạn sẽ không còn ấm ức với cái vỏ sóng này và không còn
buồn bực gì nữa.
Con sóng nhỏ hiểu ra, cười vui vẻ:
- À, bây giờ thì tôi hiểu. Bạn và tôi tuy hai mà một.

Lời bình
Con người cho rằng "ngã" là ta nên xảy ra phân biệt ta và người mà buồn khổ. Thực ra loài người được cấu tạo cùng một bản chất trong thiên nhiên bao la.

**
Thiên đường địa ngục

Một vị tướng quân đến gặp thiền sư Ekaku hỏi:
- Bạch thầy, thiên đường hay địa ngục có thật hay không?
- Thế ngài là ai?
- Tôi là tướng quân.
Bất ngờ, thiền sư cười lớn:
- A ha! Thằng ngốc nào cho ông làm tướng vậy, trông ông giống anh hàng thịt.
Tướng quân nổi giận, rút gươm:
- Tao băm xác mi ra !!!
Thiền sư vẫn điềm tĩnh:
- Này là mở cửa địa ngục.
Chợt giác ngộ, vị tướng sụp xuống lạy:
- Xin... xin thầy tha lỗi cho cử chỉ thô bạo vừa rồi của tôi.
- Này là mở cửa thiên đường - thiền sư Ekaku mỉm cười.

Lời bình
Thiên đường, địa ngục không phải là chỗ con người tới sau khi chết mà nó ở đây và bây giờ!
Lành, dữ đều do tư tưởng. Cửa thiên đường địa ngục mở ra bất cứ lúc nào.

**
Thiên đàng địa ngục đều do tâm tạo

Có một bà lão biệt danh "mụ già hay khóc". Trời mưa, mụ cũng khóc, trời không mưa mụ cũng khóc. Có người hỏi bà:
- Bà lão ơi, sao bà lại khóc?
- Tôi có hai con gái, cô chị bán giày vải, cô em bán dù. Khi trời nắng ráo, lão nghĩ tới con em bán dù không được. Khi trời mưa, lão lại lo cho con chị, mưa gió không có khách nào chịu mua giày.
- Lão nên nghĩ rằng khi trời đẹp đứa lớn sẽ bán được, khi trời mưa đứa nhỏ bán dù rất chạy.
- À, ông có lý.
Từ đó, "mụ già hay khóc" thôi khóc. Bà lão cười suốt ngày dù trời mưa hay nắng.

Lời bình
Một điều lợi hay bất lợi sẽ tuỳ thuộc vào cách nhìn, cách suy nghĩ của bạn.

**
Sống trong hiện tại


Phật hỏi đệ tử:
- Cuộc sống người ta được bao nhiêu?
Các đệ tử thay nhau trả lời:
- 80 năm.
- Sai.
- 70 năm.
- Còn sai.
- 60 năm.
- Sai.
- Vậy người ta sống bao lâu?
Phật mỉm cười đáp
- Đời người chỉ thuộc trong vòng hơi thở.

Lời bình
Đừng ỷ vào quá khứ và cái sắp tới, hãy sống với thực tại.
**

Thư Paris

An cư mất hứng?

.... Năm nay mùa lạnh ở Pháp kéo dài quá lâu, từ giữa tháng 12/2009 đến giữa tháng 3 vẫn còn lạnh; mà mình thì chịu lạnh rất dở, dù ở Pháp đã 25 năm, nên ể mình, lâu nay không viết được gì cả. Cũng may là Bạn đã thông cảm và kiên nhẫn, nên không hạch cái tội lặn quá lâu.

Mấy tháng nay Bạn đúng là rơi vào cung Thiên di, vừa đi VN về lại gói ghém hành trang thay đổi chỗ ở. Dù phải đi xa mấy ngàn cây số, nhưng là về chỗ đã ở, đã quen biết, nên có thể nói là về chốn cũ. Chắc là nay Bạn đã an cư lạc nghiệp rồi, và đã bắt đầu bày giá vẽ và đi tìm cảm hứng cho tranh.

(NQMinh, Paris)

__________

Cái tội bỏ rơi người khác to lắm đấy, không nhỏ đâu. Nhưng chẳng lẽ lại treo bạn lên mà bắn à? Bắn rồi lấy ai mà chơi nữa. Bạn bè nay đã "như lá mùa thu". Mùa lạnh uống trà gừng ấm và tập dịch cân kinh cho bạo vào. Nhưng phải tập vẫy tay cho đúng cách mới được.

Tôi an cư lạc nghiệp ấy à? Chưa đâu. Lúc tôi thật sự an cư là lúc bạn sẽ chẳng tìm thấy tôi nơi đâu trên trần gian này nữa. Thế nên hãy giúp nhau vui chơi, trước khi quá trễ.

Tự nhiên về đây mất tiêu cái hứng để vẽ. Cái vụ kia nếu xìu quá người ta dùng Viagara. Còn mất cái hứng vẽ thì không biết làm sao cho hứng đi lên lại. Xin bạn và những thầy tâm lý mách nước giùm. Hay tại an cư nên mất hứng?!.

(A.C.La)

Ảnh đẹp

(Như Thương sưu tầm)

Tuesday, March 23, 2010

Em nói sai rồi!


Cô Giáo và Cậu Học Trò

Câu chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước. Lúc đó, cô Thompson đang dạy tai trường tiểu học của một thị trấn nhỏ tại Hoa Kỳ.

Vào ngày khai giảng năm học mới, cô đứng trước những em học sinh lớp 5, nhìn cả lớp và nói cô sẽ yêu thương tất cả các học sinh như nhau. Nhưng thực ra cô biết mình sẽ không làm được điều đó bởi cô đã nhìn thấy cậu học sinh Teddy Stoddard ngồi lù lù ngay bàn đầu. Năm ngoái cô đã từng biết Teddy và thấy cậu bé chơi không đẹp với bạn bè, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, còn người ngợm thì lại quá bẩn thỉu. "Teddy trông thật khó ưa".

Chẳng những thế, cô Thompson còn dùng cây bút đỏ vạch một chữ thập rõ đậm vào hồ sơ cá nhân của Teddy và ghi chữ F đỏ chói ngay phía ngoài, (chữ F là hạng kém).

Ở trường này, vào đầu năm học mỗi giáo viên đều phải xem thành tích học tập của từng học sinh trong lớp. Cô Thompson đã nhét hồ sơ cá nhân của Teddy đến cuối cùng mới mở ra xem, và cô rất ngạc nhiên về những điều đọc được.


Cô giáo lớp 1 đã nhận xét Teddy như sau: "Teddy là một đứa trẻ thông minh và luôn vui vẻ.
Học giỏi và chăm ngoan... Em là nguồn vui cho người chung quanh".


Cô giáo lớp 2 nhận xét: "Teddy là một học sinh xuất sắc, được bạn bè yêu quí nhưng có chút vấn đề vì mẹ em ốm nặng và cuộc sống gia đình thật sự là một cuộc chiến đấu".

Giáo viên lớp 3 ghi: "Cái chết của người mẹ đã tác động mạnh đến Teddy. Em đã cố gắng học, nhưng cha em không mấy quan tâm đến con cái và đời sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến em nếu em không được giúp đỡ".

Giáo viên lớp 5 nhận xét: "Teddy tỏ ra lãnh đạm và không tỏ ra thích thú trong học tập. Em không có nhiều bạn và thỉnh thoảng ngủ gục trong lớp".

Đọc đến đây, cô Thompson chợt hiểu ra vấn đề và cảm thấy tự hổ thẹn. Cô còn thấy áy náy hơn khi đến lễ mừng Chúa giáng sinh, tất cả học sinh trong lớp đem tặng cô những món quà gói giấy màu và gắn nơ thật đẹp, ngoại trừ món quà của Teddy. Em đem tặng cô một gói quà bọc vụng về bằng loại giấy gói hàng nâu xạm màu mà em tận dụng lại từ loại túi giấy gói hàng của tiệm tạp hóa.

Cô Thompson cảm thấy đau lòng khi mở gói quà ấy ra trước mặt cả lớp. Một vài học sinh đã bật cười khi thấy cô giở lên chiếc vòng giả kim cương cũ đã sút mất vài hột đá và một chai nước hoa chỉ còn lại một ít. Nhưng cô đã dập tắt những tiếng cười nhạo kia khi cô khen chiếc vòng đẹp, đeo nó vào tay và xịt một ít nước hoa trong chai lên cổ tay. Hôm đó Teddy đã nán lại cho đến cuối giờ để nói với cô:
"Thưa cô, hôm nay cô thơm như mẹ em ngày xưa".
Sau khi đứa bé ra về, cô Thompson đã ngồi khóc cả giờ đồng hồ. Và chính từ hôm đó, ngoài dạy học cô còn lưu tâm chăm sóc cho Teddy hơn trước. Mỗi khi cô đến bàn em để hướng dẫn thêm, tinh thần Teddy dường như phấn chấn hẳn lên. Cô càng khuyến khích em càng tiến bộ nhanh. Vào cuối năm học, Teddy đã trở thành học sinh giỏi nhất lớp. Và trái với phát biểu của mình vào đầu năm học, đã không yêu thương mọi học sinh như nhau. Teddy là học trò cưng nhất của cô.

Một năm sau, cô tìm thấy một mẩu giấy nhét qua khe cửa. Teddy viết: "Cô là cô giáo tuyệt vời nhất trong đời em".

Sáu năm sau, cô lại nhận được một bức thư ngắn từ Teddy. Cậu cho biết đã tốt nghiệp trung học, đứng hạng ba trong lớp và "Cô vẫn là người thầy tuyệt vời nhất trong đời em".

Bốn năm sau, cô lại nhận được một lá thư nữa. Teddy cho biết dù hoàn cảnh rất khó khăn khiến cho cậu có lúc cảm thấy bế tắc, cậu vẫn quyết tốt nghiệp đại học với hạng xuất sắc nhất, nhưng "Cô vẫn luôn là cô giáo tuyệt vời mà em yêu quí nhất
trong đời".

Rồi bốn năm sau nữa cô nhận được bức thư trong đó Teddy báo tin cho biết cậu đã đậu tiến sĩ và quyết định học thêm lên. "Cô vẫn là người thầy tuyệt nhất của đời em", nhưng lúc này tên cậu đã dài hơn. Bức thư ký tên Theodore F. Stoddard - giáo sư tiến sĩ.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Một bức thư nữa được gửi đến nhà cô Thompson. Teddy kể cậu đã gặp một cô gái và cậu sẽ cưới cô ta. Cậu giải thích vì cha cậu đã mất cách đây vài năm nên cậu mong cô Thompson sẽ đến dự lễ cưới và ngồi ở vị trí vốn thường được dành cho mẹ chú rể.

Và bạn thử đoán xem việc gì đã xảy ra? Ngày đó, cô đeo chiếc vòng kim cương giả bị rớt hột mà Teddy đã tặng cô năm xưa, xức thứ nước hoa mà Teddy nói mẹ cậu đã dùng vào kỳ lễ mừng Chúa giáng sinh cuối cùng trước lúc bà mất.

Họ ôm nhau mừng rỡ và giáo sư Stoddard thì thầm vào tai cô Thompson: "Cám ơn cô đã tin tưởng em. Cám ơn cô rất nhiều vì đã làm cho em cảm thấy mình quan trọng và cho em niềm tin rằng mình sẽ tiến bộ".

Cô Thompson vừa khóc vừa nói nhỏ với cậu: "Teddy, em nói sai rồi. Chính em mới là người đã dạy cô rằng cô có thể thay đổi nếp sống. Cô chỉ biết thế nào là dạy học kể từ khi cô được gặp em".


Vô danh
dịch từ bản Anh ngữ

Hội họa

Trích đọc
Họa sĩ Bùi Xuân Phái


"Vượt lên trên những cái làm hỏng nghệ thuật. Nghĩ đến một sự nghiệp lớn lao của cả một đời nghệ thuật. Đừng để chính bản thân mình phải ân hận đã làm những bức tranh không ra gì, không đáng kể. Chính những bức tranh tồi, tranh dở, tranh xoàng sẽ làm hại uy tín của mình đó".

"Đừng làm bác học trong lúc vẽ, đừng làm nhà giáo trong lúc vẽ, đừng làm một học sinh làm bài trong lúc vẽ... không! Cứ tự do vẽ, vẽ hỏng thì xoá đi, vứt đi... vẽ khá thì giữ lại".

"Không nên đi tìm cái “riêng” để tỏ ra mình có chất độc đáo. Rất dễ rơi vào con đường lập dị và hình thức".

"Đừng tiếc thì giờ mất đi cho một cái tranh, càng mất nhiều thì giờ, bức tranh càng xem được lâu".

"Có thể có những người rất chịu khó vẽ nhưng không có tâm hồn nghệ thuật thành ra họ chỉ giữ những kỹ thuật, những công thức, những luật lệ. Bởi thế tranh của họ dù có kỹ xảo đến mấy đi nữa thì vẫn cứ khô khan tầm thường. Những hoạ sĩ dân gian vẽ thường rất hồn nhiên và thoải mái. Họ không bị lúng túng bởi những khó khăn của kỹ thuật".

"Say mê vẽ, giữ lửa liên tục, nguội lạnh là chết. Vẽ là sống là thở. Ngày mai không còn giống ngày nay. Nghệ thuật không thay đổi tức là không có sức sống mới nữa".

"Tôi nghĩ về nghệ thuật phải là vô tư, không nên vì không ưa người ta mà không ưa nốt cả tranh, nếu tranh của người ta đẹp".

"Đừng tham tiền mà bán rẻ những tranh chưa vừa ý, tai hại, để lại nhiều tranh dở thì nó sẽ át đi mất những tranh hay. Nhưng than ôi! Làm sao đủ sống nếu “chẳng may” một gánh gia đình đông đúc nặng trĩu trên vai?! Đôi khi ta cũng phải kiếm tiền, mà kiếm tiền thế nào để đó là điều tha thứ được?"

"Chao ôi đáng thương thay những “bức tranh” dở mà nhiều người lại tha thiết chơi. Lỗi tại người vẽ hay lỗi tại người chơi?"

"Không phải vì tiền mà chúng ta lao vào nghệ thuật. Nhưng nếu có tiền thì dễ chịu biết bao khi chúng ta lao vào nghệ thuật. Mọi phương tiện tốt đều phải có tiền để tạo ra. Mà không có tiền thì không có phương tiện! Buồn thay! Có khi vì cần làm việc (phải có tiền để làm việc) mà anh phải bán rẻ một cái tranh! Điều này có đáng trách không? Thật là khó nói".

"Cứ phải đọc phải xem, tìm hiểu nhiều các nghệ sĩ lớn. Họ giúp mình khiêm tốn và tiến lên".

"... Một cái tranh đẹp vẫn cứ có giá trị thật của nó dù nó không được trưng bày, không được đăng báo hoặc không bán được. Con người hiếu danh hám lợi mà muốn thành một nghệ sĩ ư? Chao ôi!"

"Hãy quý trọng nhân tài, một cách thực sự. Đừng để họ khổ sở kéo dài, chính những con người này sẽ làm vẻ vang cho đất nước. Không quý trọng nhân tài thì sẽ không có nhân tài!"

"Theo đuổi cái đẹp không phải đơn thuần trong tranh mà còn phải luôn luôn trau dồi tư cách đạo đức của một con người nghệ sĩ chân chính".

***

Trên đây là những cảm nghĩ, nhận xét của họa sĩ Bùi Xuân Phái được ông ghi chú rải rác trong khi vẽ. Những câu trích này lấy ra từ một bài viết có link dưới đây, xin giới thiệu với quý anh chị yêu mến hội họa: