TÌNH ĐỒNG MÔN THẬT ĐÁNG QUÝ.
Chiều thứ Bẩy 25 tháng 4 vừa qua, buổi giới thiệu cuốn sách “Bôn Sa có gì lạ không, em?” tại hội trường Nhật Báo Việt Báo ở Westminster, Nam California, để yểm trợ cho Thương Phế Binh và Quả Phụ Việt Nam Cộng Hòa, là một dịp chứng minh tình đồng môn thật đáng quý. Từ giai đoạn chuẩn bị, đến thực hiện, các đồng môn đã tích cực tiếp tay cho buổi sinh hoạt này thành công. Hầu như trong tuần lễ cuối, ngày nào cũng có nhiều lần điện thoại nhắc nhở và dặn dò. Trưa thứ Bẩy, theo dự định, chương trình bắt đầu lúc 1 giờ, nhưng các đồng môn Đinh Bá Tâm, Trần Quý Hùng, Nguyễn Chí Vy, Nguyễn Văn Sáu, và chị Cao Minh Tâm đã đến từ rất sớm để chuẩn bị hội trường, mặc dù hôm ấy, ai cũng phải gấp rút giải quyết vài công chuyện gia đình vào cuối tuần. Vừa đến hội trường, ao “vest” đã mặc sẵn phải cởi ra đề xắn tay áo xếp bàn, xếp ghế. Dáng bộ trịnh trọng lúc tham dự phải nhường chỗ cho công tác lao động xong rồi mới trở lại nghiêm trang. Những anh chị vì bận việc nhà, chỉ kịp đến đúng giờ như anh Chủ Tịch Hội Nam California Trần Ngọc Thiệu, anh Nguyễn Ngọc Liên, anh Phùng Minh Tiến, anh chị Chế Minh Châu, anh Cao Xuân Thức, chị Nguyễn thị Nguyệt, anh Lê Ngọc Diệp, và anh Tâm Triều đã khích lệ tác giả, lúc ấy đang bối rối vì cùng thời gian ấy, tại khu nghĩa trang Peek Family, một sinh hoạt chính trị rất quan trọng cũng diễn ra: Khánh thành tượng đài Thuyền Nhân, lôi cuốn cà chục ngàn đồng hương quan tâm đến chính trị cộng đồng, nên việc giới thiệu sách bị xếp vào hàng thứ yếu. Chính các anh chị cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Nam California đã bỏ hết những quyến rũ đó để đến đốt thêm một ngọn nến cho người đồng môn gần như “cô đơn” này. Hơn nữa, mặc dù người nào cũng có sẵn cuốn sách rồi, nhưng vẫn mua thêm để ủng hộ cho Thương Phế Binh và Quả Phụ. Không những các đồng môn, mà cả các phu nhân của đồng môn cũng mua hai, ba cuốn. Những tấm lòng từ ái của các anh chị cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh thật không có bút nào diễn tả hết được.
Một điều cũng vô cùng lạ lẫm và thích thú là cả ba diễn giả cho buổi sinh hoạt, Nhà Văn Huy Phương, Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, và Bác Sĩ Bùi Xuân Dương, đều đã vượt qua mọi khuôn khổ của tất cả các lần thuyết trình khác, không theo thông lệ “mặc áo thụng, vái nhau”, mà đã phát biểu những điều rất mới lạ, trình bầy theo một hình thức rất mới và lôi cuốn. Các diễn giả , với trình độ chuyên môn rất cao, với giọng nói dí dỏm và hấp dẫn, đã phê bình tác giả nặng nề, cả về con người và tư tưởng trong cuốn sách, làm cho cử tọa cười vui không ngớt. Từng tràng vỗ tay vang rân, ngắt lời diễn giả. Nhà Văn Huy Phương cho rằng tác giả đã làm công việc giống như tác giả cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” và đã đụng chạm mọi người, mọi giới từ A đến Z, không chừa ai, trong khi lại không trung thực khi kể chuyện tình với cô Đại Úy Y Sĩ Công An. Ông cho rằng tác giả đã dấu bớt nhiều điều, lúc phải cầu đến Chúa để “cứu bồ” cho khỏi bị cô Công An cám dỗ. Tiến Sĩ Mai Thanh Truyết, sau khi kể lại mối quan hệ với tác giả, đã cho rằng vì tác giả sinh trưởng từ xóm du đãng, nên đôi khi cũng du đãng trong văn chương. Ông còn mạnh tiếng cho rằng tác giả “nói láo” khi không dám kể hết chuyện tình với cô Công An một trăm phần trăm, (chắc vì sợ bà xã!). Bác Sĩ Bùi Xuân Dương, Chủ Tịch Trung Tâm Y Tế Vì Dân, nguyên Chủ Tịch Hội Y Sĩ Nam California, với sự trình bầy rất linh động, dí dỏm cố hữu của ông, cho biết ông đã gửi thư mời hơn 50 y sĩ đến tham dự, nhưng mọi người đều nói: “Hắn chửi tao mà, mi!” Lời trình bầy của ông đã làm cữ tọa cười mệt... không nghỉ...
Sau khi các diễn giả chính đã phát biểu xong, Bà Hạnh Nhơn, Cựu Trung Tá, Chủ Tịch Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ, đã được mời lên để nói vài lời về buổi sinh hoạt này. Mặc dù cao tuổi và có vẻ mệt mỏi, với mái tóc bạc trắng quý phái, bà Hạnh Nhơn đã tâm sự về những khó khăn khi làm việc giúp anh chị em bất hạnh ở quê nhà, nhất là những chỉ trích không chính đáng đến từ ngay những người hải ngoại.
Để làm dịu đi nỗi buồn sâu lắng đến từ tâm sự của Bà Hạnh Nhơn, Bác Sĩ Trương Minh Cường, một thân hữu đến để giúp về phần văn nghệ, một ca sĩ có giọng Tenor rất cuốn hút, đã thổi bùng lên một ngọn lửa ấm, khi ông hát một bài hát do ông sáng tác từ nhiều năm trước, một bài hát về quê hương vô cùng xúc động. Cả hội trường đã đứng lên vỗ tay theo những câu hát và nhịp điệu mà ông trình bầy. Nhiều người đã chạy đến bắt tay và cám ơn ông, sau khi ông hát xong.
Trong buổi sinh hoạt này, một yếu tố không thể quên được, những tiết mục không thể thiếu được, vì nếu không có, nhất định tất cả các diễn tiến kể trên sẽ trở thành vô ích: phần văn nghệ phụ diễn, phải nói là “rất tuyệt” của Ban Lạc Hồng do đồng môn Họa Sĩ Đèo Chính Mung và phu nhân Lam Thủy – một họa sĩ và cũng là một ca sĩ - phụ trách. Đồng môn Đèo Chính Mung, trong vai trò một người điều khiển chương trình văn nghệ, đã cung hiến cho thành phần cử toạ chọn lọc này những bài hát, những giọng ca vô cùng phong phú, (nói theo ngôn ngữ thông thường: “hết sẩy!”). Tiếng hát của Bảo Nam và Ban Tam Ca Ô Mê Ly (phải xử dụng hai chữ “tuyệt vời”), đã đưa hồn người nghe bay vút theo từng nốt nhạc, trở về thế giới trẻ trung, thế giới của hoa mộng và bướm bay, thế giới của yêu thương và tình tự. Trên hết, ban văn nghệ đã nhắc cử tọa một điều không thể quên trong cuộc đời: “Nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ...”
Còn nữa, một tiết mục rất bất ngờ được tặng cho buổi sinh hoạt, đó là sự trình bầy song ca của cựu Đại Úy Quỳnh và phu nhân, trước cùng một đơn vị với tác giả. Cặp song ca này đã vội vã rời chương trình trịnh trọng của việc khánh thành đài tưởng niệm thuyền nhân, để chạy sang bên này, hát tặng cho tác giả một bài hát vui và, đặc biệt, tặng cho cử tọa một nụ cười rất tươi khi hai ca sĩ lớn tuổi này đã cho nhau một nụ hôn phu thê rất ý nghĩa trên sân khấu.
Và, điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là vai trò điều khiển toàn bộ chương trình do đồng môn Trần Quý Hùng đảm trách. “Nếu vắng anh”, nếu thiếu những lời giới thiệu duyên dáng và lịch thiệp và những câu nói nối kết tiết mục nọ đến tiết mục kia một cách nhịp nhàng và chuyên môn, trong một nhân dáng và tư cách cũng... “hết sẩy”, nếu không có anh, buổi sinh hoạt nhất định phải diễn ra trong sự tẻ nhạt và chấm dứt một cách đơn điệu và lạc lõng.
Với những hình thái mới mẻ này, buổi sinh hoạt giới thiệu sách do một nhóm Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh để yểm trợ cho Thương Phế Binh và Quả Phụ đã thành công một cách lạ lùng. Tuy tài chánh thu được không cao ($1,560.00), tuy số cử tọa tham dự chỉ có 52 người, nhưng đã là một kỷ niệm rất đẹp cho Tình Người, Tình Quê Hương, và Tình Đồng Môn cao quý.
Xin cám ơn tất cả. Xin cám ơn những tâm hồn cao quý.
Chu Tất Tiến.