Thời sự

Diễn Đàn Cựu Sinh Viên QGHC & Thân Hữu
Labels: Diễn Đàn
Vào những ngày gần đầu năm người ta nhớ đến hơn 200.000 người đã thiệt mạng cách đây 5 năm do đợt sóng thần trên Ấn Đô Dương ập vào ven biển các nước Nam Á, trong đó có Thái Lan. Hình trên là bãi biển Patong, Thái Lan, nước có hơn 5000 nạn nhân của trận sóng thần này, nay đã trở lại sinh hoạt bình thường. (BBC)
Labels: Diễn Đàn
Ông Trần Tam Tiệp từ trần tại Paris
Labels: YNga
Khóa 13 Cali ăn cưới và tiếp đón đồng môn từ xa
Labels: CXThức
Kể về bản thân là chuyện nên kỵ. Nói về cái dở thì không sao, nhưng nói cái hay, dễ bị coi là khoe mẽ. Vì thế, tôi thỉnh cầu trước một sự châm chước.- Mẹ kiếp! Nhốt người ta lại, bưng tai, bịt mắt, chỉ mở cho nhìn, cho nghe những gì mình muốn áp đặt, cùng với sự đe doạ mạng sống thường trực – rồi bảo “dân trí thấp”, “dân tộc chưa trưởng thành”. Nói thế có khác gì trói chân, buộc tay thằng bé, cho ăn uống nhỏ giọt, cách ly với sông nước, rồi phán nó chậm lớn, không có khả năng biết bơi. Đểu giả, mất dạy cỡ này là cùng!
- Quy trình tiến hoá bình thường của tôi được tái hiện, từ “con cá của Bác Hồ”, “con chó của Pavlov” lên làm người.
Labels: A-4
Phát giác và ngăn chận kịp
Labels: Diễn Đàn
Nói leo: Chở bà xã đến nhà người ta tham dự hát Ca-rô-kê, rồi tự nguyện ngồi lại làm khán giả vô tay đến phải đi băng bó, anh chàng này chiều vợ là một lẽ, những để được xơ múi với cô Trít là chính đấy chứ! Phải vậy không quý vị? (A.C.La)
Tội phạm xã hội có quyền phát triển, tại sao tập thể chân tu không có quyền tồn tại? ... Triệt hạ TS Nhất Hạnh không cần phải triệt hạ những đứa con tinh thần như thế (Bát Nhã), vì đó là hạt giống tốt của xã hội. (H.Y Minh Mẫn)
Labels: Diễn Đàn
Đức Giáo Hoàng bị bạo hành
Labels: Diễn Đàn
Mẹ tôi đã tập tôi biết đan từ thuở tôi lên 12 tuổi. Người bảo: Con là con gái, để mẹ dạy cho con biết những vụn vặt của con gái, nhỡ mai này gia đình con sa cơ thất thế, con có cái gì đó để giúp đỡ chồng, nuôi con !
Thế là tôi đã biết đi chợ, biết cách nấu ăn, biết làm bánh, biết đan len, biết móc áo, biết may vá trong sự vụng về của cái tuổi còn mê nhảy lò cò ấy. Và tôi đã được mẹ tôi dẫn đi khắp các tiệm để chọn len mà mình thích - một cách dỗ ngọt một đứa con nít chịu khó ngồi yên một chỗ ... nhưng tôi quả thật đã mê màu sắc của những cuộn len trong tủ kính bán hàng và như lạc vào thế giới của những quả bóng trên nền trời tung tăng của tuổi thơ. Tôi thích cảm giác êm ái khi vuốt nhẹ lên những búp len mịn màng, độ xốp của nó lan dần trong bàn tay tôi, làm tôi cảm thấy rất thú vị. Lại còn thêm mùi len mới thơm lạ kỳ, như thể trang sách thơm mùi mực in.
Lúc ấy, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại đam mê màu sắc của những sợi len đến thế, vì tôi là người không biết vẽ - hay nói đúng hơn, môn vẽ trong lớp tôi chỉ vào hạng trung bình - họa may vẽ trắng đen thì còn được cao điểm hơn chút xíu vì còn có ánh sáng phụ vào nét vẽ của tôi để nộp bài cho thầy cô. Vẽ truyền chân cái hộp thì chỉ việc để cái hộp ấy ra giữa trời cho ánh nắng rọi vào rồi vẽ thôi !
Nhưng đến khi tôi nhìn những màu len, lòng tôi lại cảm thấy thích thú lạ và bỗng dưng muốn phối hợp hết tất cả những màu sắc ấy thành một " tác phẩm " xem thử ra sao! Tuổi thơ vẫn tưởng như mình thật là vĩ đại trong muôn vàn mơ ước vẽ vời ... để rồi cuối cùng: Tôi học đan !
Cái ngày trọng đại ấy đã bắt đầu bằng hai bàn tay toát mồ hôi ướt nhẹp, chỉ vì tôi đã cố gắng níu chặt sợi len, bằng cái mỏi lưng khủng khiếp, với cái cổ thẳng đơ. Trong lòng tôi đã nghĩ: Đan khó quá, con không muốn học nữa đâu, mẹ ơi.
Hai cây kim đan không như chiếc đũa thần hóa phép trong tay tôi. Tất cả là sự vụng về. Tội nghiệp những sợi len mềm mại làm sao! Chúng đã không còn là màu hồng ngọt lịm nữa mà chúng đã bị ngả sang màu hồng pha nâu nhạt. Tiếng rít của hai chiếc kim đan bằng kim loại, lời dặn của mẹ tôi hãy thả lỏng sợi len ra, đừng siết chặt quá như thế này, mỗi ngón tay cần ở một vị trí cố định, giữ sợi len cho đừng tuột ra khỏi tay nắm ... Một bài học tưởng chừng như đơn giản lắm, thế mà tôi đã vật lộn với nó đến đổ mồ hôi !
Bàn tay mẹ tôi gân guốc nổi lên từ những lao đao, truân chuyên của cuộc đời đã ôm gọn đôi bàn tay nhỏ bé của con trẻ, dạy cho nó từng mũi kim đan. Có lẽ mẹ đã một đời đi qua những nhọc nhằn của cuộc sống, nên không muốn cho con gái mình sẽ vất vả như mình ngày xưa.
Dần dần, bàn tay tôi đã không còn ướt khi nắm sợi len trong tay nữa, cũng không còn vuột mất mũi đan rồi loay hoay níu nó lên ! Vài tháng sau, tôi đã đan được một " tác phẩm diệu kỳ ". Mảnh đan len hình chữ nhật, lớn cỡ bằng bàn tay của tôi với một mũi duy nhất: Mũi xuống!
Thành phẩm ấy đã khiến tôi hoàn toàn quay lưng lại với ý nghĩ trước đây - đan len khó lắm ! Và tôi đã ngắm nghía nó như từng ngắm nghía 8 điểm son bên trái của một bài luận văn học trò kèm theo lời phê " Khá ".
Bẵng đi mãi đến 11 năm sau tôi mới có dịp đan lại những mũi kim năm xưa - tôi đan khăn choàng và mũ len cho ba tôi, người đang ở trong tù của chế độ khắc nghiệt Cộng Sản, còn mẹ tôi đan áo. Có biết bao nhiêu người vợ đã từng âm thầm đan áo cho chồng như mẹ tôi. Cái tình yêu lặng lẽ ấy dường như nồng nàn hơn cái hôn đầu đời thuở, đằm thắm, ngọt ngào hơn ly rượu hồng ngày cưới, vì nó đã trải qua năm tháng chia sẻ ngọt bùi bên nhau.
Năm ấy, mẹ tôi và tôi đã ngồi dưới ánh đèn dầu leo lét, mù mờ hàng đêm để đan cho ba tôi những vật dụng đặc biệt ấy - đó là năm tháng mà chúng tôi không có cái để ăn, không có một mái nhà lá lành lặn để chui ra chui vào, thì chuyện mua len đan áo thật là một chuyện nghịch lý . Mẹ con tôi đã bước chân đến cửa tiệm bán len như những bà nhà quê ra tỉnh lần đầu tiên. Những ngón tay cùn mằn, trụi lũi, móng bám đầy đất, những ngón chân vàng phèn chua của ruộng, những gót chân nứt nẻ chẳng biết dấu đi đâu được! Người bán hàng ngỡ chúng tôi vào xem cửa tiệm cho biết, chứ không tin rằng chúng tôi sẽ mua len và kim đan áo !
Hai mái đầu bạc và xanh ngồi kề bên nhau miệt mài, tỉ mỉ đan từng mũi kim. Những mảng ruộng ngoài sân đang sắp đến mùa gặt cuối tháng Chạp nên xào xạc giữa khuya. Tiếng ếch nhái kêu ồm ộp thâu đêm. Tiếng kim đan chạm nhau kêu lách cách. Tất cả đều nghe rõ mồn một trong cái không gian yên lặng của mẹ con tôi.Tình yêu của một người vợ thật sâu sắc, tiềm ẩn trong tim. Nó chỉ được thể hiện ra trong những săn sóc mà chỉ có hai người mới hiểu nhau. Từ đó, mẹ tôi nghĩ rằng chiếc nón len phải được đan phủ hai bên tai, phủ trước trán, rồi làm sao phủ cả vòng cổ cho ấm! Tôi đã loay hoay với một chiếc nón len như thế - giá như tôi vẽ được, có lẽ sẽ vẽ được dễ dàng hơn cho kiểu nón ấy.
Thế là những sợi len được tôi cắt nối một cách bất thường. Chiếc nón mà tôi đan cho ba tôi màu xám tro nhạt đã là từng mảnh riêng rẽ được nối lại không bài bản, miễn sao nó "phủ" hết những nơi mà mẹ tôi muốn! Dường như nó sẽ làm ấm lòng mẹ tôi trước khi ba tôi được ấm, để buộc hai trái tim vợ chồng lại với nhau một cách vô hình nhưng thật sâu đậm. Nhìn những mũi đan quyện vào nhau xếp hàng thứ tự, tôi đã bất chợt tự hỏi không biết mẹ tôi có đếm thầm những năm tháng ba mẹ tôi bên nhau như đếm từng hàng đan, từng khoảng cen-ti-mét cho đúng kích thước một thân áo không ... Những quãng đời thăng trầm, gian truân đã lắng đọng lại trong lòng mẹ tôi điều gì và mẹ tôi đã nghĩ gì khi ngồi đan áo cho chồng. Hình như đó cũng là một hạnh phúc, nhưng pha lẫn với niềm hạnh phúc ấy là nước mắt ….
Có những đêm trời mưa gió bên ngoài song cửa, ngọn đèn dầu leo lét chao đi và tắt phụp, chỉ còn lại ánh sáng của sấm sét ngoài trời soi mờ mờ khuôn mặt và dáng ngồi của mẹ. Bàn tay lạnh vì mùa đông đã đến, lại thêm đầu ngón tay trỏ bị móp đi vì mũi kim đan làm tôi xuýt xoa. Mẹ tôi bảo tôi đi ngủ để mai đan tiếp cũng được; nhưng mãi đến khi tôi đã ngủ được một giấc dài, chợt giật mình giữa khuya, tôi vẫn thấy mẹ tôi còn cặm cụi đan !
Dường như mẹ tôi không an tâm từng giây, từng phút một khi biết ba tôi đang bị lạnh ở đâu đó giữa nơi núi thẳm rừng sâu, nên đã cố gắng đan thật nhanh chiếc áo cho chồng. Riêng tôi thì vẫn còn con nít lắm, luôn hỏi mẹ tôi rằng có lẽ chiếc khăn quàng đã dài đủ chưa. Những ngón tay bé xíu của tôi đã bắt đầu biết mỏi khi đan được đến ngày thứ hai, rồi lại mỏi lưng nữa. Tuy trong lòng tôi cũng thương ba tôi như mẹ tôi thương ba tôi vậy, nhưng tôi mong chiếc khăn chỉ ngăn ngắn như thế là được rồi!
Những sợi len màu xám tro nhạt ấy đã thức thâu đêm với mẹ con tôi trong những đêm tối tăm của cuộc đời sau năm 75, nhưng nó sáng rực tình yêu trong lòng mẹ tôi ... Có lẽ mẹ tôi đã chợt nghĩ thầm đến cái nhìn trìu mến của ba tôi - chứ không phải là một lời cám ơn - khi khoác lên người chiếc áo len. Trong ngần ấy yêu thương, hai người đã hiểu thấu được lòng nhau ...
Sương khuya xuống vội. Tiếng phên cửa đập phành phạch nhịp theo tiếng gió lùa ngoài sân. Bàn tay mẹ đã từng ngang dọc vết cắt của rơm rạ ngoài đồng, nay thêm vết hằn của kim đan - vẫn lặng lẽ với gió lạnh bên manh áo tình. Đôi vai gầy của mẹ dường như không biết mỏi, vẫn nghiêng bóng bên mũi kim đan thoăn thoắt. Thỉnh thoảng mẹ tôi lại trải mảng len đã đan được xuống mép giường để ngắm hay dùng gang tay để đo chiều dài. Thẳm sâu trong đôi mắt yêu chồng, chắc hẳn mẹ tôi đã mường tượng ra ba tôi. Bàn tay xấu xí và gân guốc ấy đã chăm chút từng chén cơm, bát canh nóng, ly nước, viên thuốc bệnh cho chồng. Nay cũng bàn tay ấy vuốt ve tấm áo rồi ướm thử lên thân người mình. Có lẽ vòng eo sẽ héo hon trong ngày vợ chồng đoàn tụ.
Có khi tôi thấy mẹ tôi ngồi ngắm mảnh áo rồi thẫn thờ một lúc lâu ... Chắc là khi đan áo, mẹ tôi đã nhớ lại hết những thói quen, ý thích của ba tôi trong chuyện quần áo, để lâu lâu bất chợt mẹ tôi lại tháo đi những hàng len phạm lỗi - vì chỗ này phải rộng ra thêm chút nữa hay chỗ kia sẽ vừa vặn như thế này mới được!
Tôi cảm thấy hình như tôi còn bé quá để hiểu được những từ ngữ tấm mẳn thương yêu, những ấm lạnh mặn nồng trong tình nghĩa vợ chồng, nhưng tôi cảm nhận được mẹ tôi yêu ba tôi nhiều lắm - yêu đến nỗi quên mình là ai, chỉ thấy người mình yêu là tất cả.
Sợi len cuối cùng đã dứt. Rút hết ruột những búp len tựa như rút hết cõi lòng của mẹ tôi. Có lẽ chúng đã gói trọn hết ân tình và những nỗi lo toan của mẹ tôi chăng ? Không, vẫn chưa đủ! Lại khoác lên người xem như thế nào ... Trên khuôn mặt hốc hác của mẹ tôi được trùm kín mít bởi chiếc nón len, khăn quàng và chiếc áo nữa hãy còn những nét lo lắng: Không biết ba tôi còn cần gì nữa đối với những Sợi Len Mùa Đông này không ? Có đủ ấm không ? Chỉ có duy nhất một chiếc áo, thế thì nhỡ ướt thì làm sao có nắng ấm phơi cho kịp khô ... Nghe người ta nói ngoài Bắc rét lắm. Mẹ tôi chả hình dung được cái rét cóng người ở chốn xa xăm ấy, nhưng như những sợi len quyện chặt nhau, mẹ tôi đã đem gửi hết cả hồn lẫn xác của thương nhớ vào từng mũi kim đan.Bao nhiêu gói ghém đã âm thầm vượt ngàn dặm trong gói quà thăm nuôi ba tôi. Tôi nghe mẹ tôi kể lại ngày mẹ tôi đưa ba tôi chiếc áo len ấy, ba tôi đã ôm lấy đôi vai của mẹ tôi một thoáng ... Chỉ ngần ấy thôi, đôi vai trĩu nặng gồng gánh của mẹ tôi đã dường như mềm lại, rồi mẹ tôi rươm rướm nước mắt. Tất cả những chịu đựng đã vỡ òa .Tất cả thương nhớ trong lòng đè nén bấy lâu nay bỗng theo dòng nước mắt tràn ra ... Không có một lời nói nào. Không một cái hôn ngọt ngào của chồng vợ. Không một câu dặn dò trao nhau, nhưng nghìn trùng đường xa đã đem mẹ tôi đến với ba tôi trong lao lý nghiệt ngã một câu ân tình thủy chung trọn vẹn.
Chiều dài của những sợi len đan trong chiếc áo, cái nón, chiếc khăn quàng sẽ không đủ dài như đoạn đường thăm thẳm mà mẹ tôi đi đến ba tôi, nhưng ngần ấy dặm dài đã cưu mang ân tình của người và tất cả những mối chỉ đã buộc chặt lại tấm lòng sắt son của một người vợ.
Mãi đến khi ba tôi về sum họp với gia đình, ba tôi vẫn còn giữ lại mảnh áo kỷ niệm ấy. Riêng tôi, mỗi khi nhìn lại chiếc áo, tôi lại chạnh lòng nhớ đến mẹ tôi trong những đêm khuya năm xưa. Màu len rồi sẽ phai, những món đan len ấy có thể sẽ mục theo năm tháng, nhưng trong lòng tôi, những sợi len ấm lạnh ấy sẽ còn mãi mãi yêu thương mặn nồng .
Những năm sau đó, mẹ tôi đã không còn đan áo cho ai như ngày xưa đan áo cho chồng, cho con, nhưng thỉnh thoảng đem ra giặt lại những tấm áo, chiếc nón cũ ấy như hồi tưởng lại quá khứ - một đoạn đời cam go, khổ ải thăng trầm của một gia đình và của những kiếp người. Chúng tôi đã sống hạnh phúc với nhau trong những điều kiện khắt khe của dòng đời như mọi người, nhưng tâm hồn chúng tôi dịu dàng như những sợi len mềm mại và đầy hy vọng như những màu len tươi thắm.
Và quả thật như lời mẹ tôi đã nói từ lúc dạy tôi đan, công việc đan len đã trở thành một cái nghề sinh nhai cho tôi sau này. Tôi đã đan len kiếm tiền để sống. Khách hàng của tôi là những người được đi ngoại quốc theo diện HO hay ODP. Ngoại quốc - danh từ này lúc ấy là một thiên đàng - dẫu họ được đi đến một xứ nào ngoài Việt Nam đi chăng nữa, đối với tôi và có lẽ đối với tất cả mọi người trong ý nghĩ, những nơi ấy đều là thiên đàng hết cả, vì nơi chúng tôi đang sống là địa ngục. Họ đã bước chân lên cầu thang của một chuyến bay vĩnh viễn xa xứ và đem cả những chiếc áo len, khăn quàng do tôi đan. Ước mơ của tôi cũng chắp cánh bay cao lên tầng mây theo họ trong nỗi niềm chờ đợi và hy vọng.
Đôi mắt mẹ tôi không còn tinh tường nữa để đan áo, nhưng đã phụ tôi tháo len ra khi tôi cần pha màu cho chiếc áo hay kết lại những mảnh thân áo. Có lúc tôi nhận được lời đặt hàng muộn màng và chuyến bay thì lại cố định, tôi lại phải thức suốt đêm để đan xong chiếc áo cho khách, rồi vội vàng ra phi trường để giao hàng. Đứa con gái của mẹ đã thầm cám ơn mẹ đã dạy cho con một nghề lương thiện để mưu sinh.
Cứ đến khoảng tháng chạp, đầu Đông - là những sợi len, màu sắc của nó lại quay về dịu dàng trong hồn tôi. Hay mỗi lần nhìn thấy phố xá khoác áo tình nhân bằng những chiếc áo len đủ màu, đủ kiểu trong đêm Giáng Sinh, tôi lại nhớ đến đêm Giáng Sinh năm nào của ba tôi với bộ đồ len mà mẹ con tôi đã đan trong cái chòi tranh rách bươm của một gia đình. Những ấm lạnh tình người năm xưa đã vĩnh viễn ngự trị trong lòng chúng tôi - những người sống vì yêu thương nhau thật trọn vẹn dẫu phải ngụp lặn trong nghèo nàn, đói khổ, mưa gió bên đời.
Những Sợi Len Mùa Đông của mẹ con chúng tôi đã trở thành những mũi đan mắc xích thật chặt với nhau. Chúng quyện lẫn nhau một cách đầm ấm, hài hòa. Bàn tay của mẹ tôi đã buông thỏng ở một nơi nào đó bên kia thế giới, nhưng trong tôi, muôn đời vẫn giữ mãi hình ảnh đôi bàn tay xương xẩu nhưng tràn đầy tình yêu đối với ba tôi.
Trong cái lạnh của những ngày tháng cuối năm như thế này, không biết chốn ấy mẹ có lạnh không? Có ai đan cho mẹ một chiếc áo ân tình như năm xưa mẹ đã đan cho ba không?
Con nghĩ rằng, ba sẽ đến ngồi bên mộ mẹ và nói với mẹ rằng: Anh nhớ chiếc áo màu xám tro của em đan cho anh trong những năm anh ở tù ... Trên di ảnh của ngôi mộ vẫn là nụ cười lúm đồng tiền của mẹ mà ba yêu mấy chục năm về trước.
Mùa Đông chỉ là cái lạnh của buốt giá bên ngoài nơi đây .....
Như Thương
(Giáng Sinh 2009)
NHỮNG Ý KIẾN ĐÓNG GÓP
của hội CSV QGHC New South Wales Úc Châu
về những khủng hoảng cấp Tổng Hội:
- vì tình hình những biến động xảy ra trong thời gian gần đây của Tổng Hội đã đưa đến nhiều tranh cãi gây mất đoàn kết trong tập thể cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh;
- theo tinh thần lá thư của Ban Quản Trị hội CSV QGHC Texas, Hoa Kỳ gửi cho Hội Đồng Quản Trị và Ban Chấp Hành Tổng Hội;
- dựa trên các ý kiến của các hội CSV QGHC Tiểu Bang Victoria và Queensland ;
- dựa trên quyết định của tập thể hội viên trong phiên họp ngày 20 tháng 12 năm 2009.
Hội CSV QGHC New South Wales Úc Châu có những ý kiến đóng góp sau đây:
1. Giải thể cơ cấu Hội Đồng Quản Trị sau khi Hội Đồng nầy mãn nhiệm kỳ vào ngày 31 tháng 12 năm 2009.
Theo như tin được biết, đã có tất cả 9 trong số 19 hội địa phương lên tíếng, hoặc rút ra khỏi Tổng Hội, hoặc tạm thời không sinh hoạt với Tổng Hội, hay đòi giải thể Hội Đồng Quản Trị. Nay thêm hội CSV QGHC New South Wales Úc Châu không tán thành sự tiếp tục tồn tại của cơ cấu Hội Đồng Quản Trị, do đó thiết nghĩ cơ cấu Hội Đồng Quản Trị hiện tại không có lý do gì để tồn tại nữa kể từ ngày Hội Đồng Quản Trị đương nhiệm sẽ mãn nhiệm kỳ vào ngày 31 tháng 12 năm 2009.
2. Ban Chấp Hành Tổng Hội đương nhiệm có nhiệm vụ triệu tập và thành lập một Ủy Ban Lâm Thời gồm các Chủ tịch các hội địa phương là thành viên, trưởng phó ban sẽ do các Chủ Tịch của các hội địa phương nào có nhiều thành viên đảm nhiệm. Ủy Ban Lâm Thời có nhiệm vụ nghiên cứu sửa đổi bản nội quy 2003 hay nếu cần soạn thảo nội quy mới cho thích hợp với tình hình hiện tại;
3. Sau khi bản nội quy mới được thông qua và ban hành, Ủy Ban Lâm Thời sẽ đứng ra tổ chức bầu cử lại các cơ cấu Tổng Hội theo tinh thần nội quy mới. Sau khi bầu cử xong, Ủy Ban Lâm Thời sẽ giao nhiệm vụ cho các cơ cấu mới và tự mãn nhiệm;
4. Hội CSV QGHC New South Wales Úc Châu không có ý định từ bỏ Tổng Hội vì lý do Tổng Hội là một cơ cấu lãnh đạo tinh thần của tất cả các CSV QGHC trên toàn thế giới chứ không phải là của một cá nhân hay một nhóm người nào;
5. Yêu cầu ngưng ngay lập tức những chỉ trích có tính cách mạ lỵ phỉ báng làm thương tổn đến danh dự chung của tập thể CSV QGHC.Sydney Australia, ngày 20 tháng 12 năm 2009
TM Hội CSV QGHC NSW Úc Châu
Chủ Tịch Trần Văn Phan
Labels: NvSau
Vài Cảm Nghĩ Cuối Năm 2009*
Lê Văn BỉnhHà Nội chỉ tin những người mà họ nuôi dưỡng, tức những người do họ “đào tạo, bồi dưỡng” và được cài vào trong các CĐNV ở nước ngoài. Hà Nội chỉ tin những người đó, và sẽ không để cho những người này xuất đầu lộ diện, trừ phi những người này được cho về hưu. Họ không bao giờ tin cậy những người “tự phát” tức là những người bỗng dưng tự cảm thấy “yêu xã hội chủ nghĩa”...Là người Việt sinh sống ở nước ngoài, chúng ta không những đã trải qua một năm nhiều khó khăn về kinh tế ở nơi sinh sống, mà trong lòng còn vẫn không yên đối với những diễn biến xảy ra nơi quê nhà.
Nếu trước 1975, và cả hơn một thập niên sau đó, khoảng 400 đảng viên cao cấp trong “danh sách mật” được hưởng những đặc quyền đặc lợi vật chất để khỏi cấu xé chỉ trích nhau, thì ngày nay những món tiền kếch sù trong các trương mục ngân hàng nước ngoài, những nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền, kẻ hầu người hạ, nhiều cơ hội du lịch, du học cho gia đình cho nhiều lần hơn danh sách đó đã, đang và sẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt sự đoàn kết để củng cố quyền lợi của họ
Tại Hoa Kỳ, sự nhậm chức long trọng và đầy hứa hẹn của vị tân tổng thống da màu đầu tiên vào Toà Bạch Ốc, cũng như sự hiện diện đa số của dân biểu và nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ tại lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ cũng không vạch ra được con đường đi thênh thang suông sẻ cho đảng chính trị đưọc giao trọng trách lèo lái con thuyền quốc gia.
Thật vậy, để đạt tới các mục tiêu chính trị mong muốn, đường lối và chính sách phục hồi kinh tế tài chánh, cải tổ xã hội y tế, tăng cường hoạt động ngoại giao quân sự vv. của người đứng đầu ngành hành pháp không những phải được sự chấp nhận của lập pháp mà còn phải được sự đồng thuận của dân chúng qua thông tin báo chí, qua các cuộc biểu tình cũng như qua các buổi tranh luận giữa các vị dân cử và dân chúng. Nói chung, sự thắng cử và tái đắc cử của các nhà lập pháp lại chủ yếu tùy thuộc rất nhiều vào truyền thông, các định chế vận động hành lang làm việc cho các nhóm quyền lợi và các đoàn thể áp lực, và dĩ nhiên dân chúng địa phương.
Người ta thường không đề cập đến lập trường của các thế lực trên bằng tên của chính đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa, mà bằng chủ nghĩa, lập trường hay khuynh hướng chính trị của họ. Tại nghị trường, dân biểu hay nghị sĩ thuộc Đảng Dân Chủ có thể không bỏ phiếu thuận cho dự luật mà vị Tổng Thống thuộc Đảng Dân Chủ đưa ra; và ngược lại. Nói một cách tổng quát, có hai chủ nghĩa chính trị chủ yếu chi phối sinh hoạt chính trị Hoa Kỳ. Đó là chủ nghĩa cấp tiến (liberalism) và chủ nghĩa bảo thủ (conservatism).
Tại Hoa Kỳ, chủ nghĩa cấp tiến đã thay đổi ít nhiều nội dung so với nguyên thủy Âu châu của nó. Bắt nguồn từ một bộ phận lập pháp Tây Ban Nha tự gọi mình là Liberales để phản đối sự chiếm đóng của Napoleon, danh từ này sau đó được sử dụng ở Pháp để chống lại sự tái lập vương quyền của giòng họ Bourbons năm 1814. Ở Anh, nhiều đảng viên Whigs và một số nhỏ đảng viên Tores chống lại áp lực của Hoàng Gia và tiến tới sự thành lập Đảng Liberal vào những năm 1850.
Sau đó, những tư tưởng mới mẻ khác đã làm thay đổi bộ mặt chính trị châu Âu. Đặc biệt John Locke (1632–1704) ở Anh và Jean-Jaques Rousseau (1712–1778) ở Pháp cho rằng con người có những quyền tự nhiên, và với sự đồng ý của họ mà chính quyền đã được lập ra để duy trì và bảo vệ những quyền đó chống lại những đe dọa từ trong và ngoài nước. Tóm lại chủ nghĩa cấp tiến cổ vũ một xã hội mở rộng và khoan dung trong đó con người có quyền tự do theo đuổi tư tưởng và quyền lợi của mình với sự can thiệp càng ít càng tốt của chính quyền (phong kiến, hoàng gia) cùng các thế lực khác (tôn giáo, quý tộc), theo phương châm:”Pour gouverner mieux, il faudrait governer moins….Laissez faire! Laissez faire!” của Hầu Tước d’Argenson (1964-1751)
Nhưng thế nào là một xã hội tự do và làm sao để có một xã hội tự do? Tự do là gì, và làm sao để tăng tiến nó? Đây là những câu hỏi không những gây tranh luận giữa chủ nghĩa cấp tiến và các chủ nghĩa khác, mà còn giữa những người theo cùng chủ nghĩa cấp tiến với nhau. Chính những tranh luận này, cũng như hoàn cảnh chính trị, kinh tế, xã hội khác, đã chuyển mục ttiêu cực của chủ nghĩa cấp tiến, tức phá vỡ những trói buộc nói trên, sang mục tiêu tích cực, tức tạo dựng một xã hội mới mẻ tốt đẹp hơn.
Cùng với sự di dân châu Âu, những hạt giống tự do nói trên cũng tìm được đất tốt nẩy mầm và phát triển. Thật vậy, những nguyên tắc trong bản tuyên ngôn về nhân quyền của Virginia (The Virginian Declaration of Rights, ngày 12/06/1776 ) đều dựa trên tư tưởng của Locke, rằng tất cả mọi người tự bản chất đều tự do và độc lập như nhau và có những quyền cố hữu không thể bị tước đọat đi, rằng chính quyền được dựng lên vì lợi ích, bảo hộ và an ninh chung cho dân chúng, cộng đồng hay quốc gia, rằng dân chúng được quyền tự do bầu cử, tự do tín ngưỡng vv. Cũng dựa trên tư tưởng chính trị của Locke, Thomas Paine bằng lời văn trong sáng và hùng hồn đã viết ra quyển sách ngắn Common Sense cho rằng Mỹ chỉ thiệt thòi nếu còn dính líu với Anh, và kêu gọi chính quyền nước Anh phải chấm dứt trên vùng đất mới. Các sử gia Hoa Kỳ đồng ý rằng chính quyển sách mỏng này đã đưa nước Mỹ tới tuyên bố độc lập.
Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ (4/7/1776) đề cao các quyền công dân mà quan trọng nhất là 3 quyền: quyền Sống, Tự Do và Mưu Cầu Hạnh Phúc (Life, Liberty và Pursuit of Happiness) dựa trên luật truyền thống Liberty, Property và Contract. Một số điều khoản của Hiến Pháp Hoa Kỳ (17/09/1787) với những hậu quả kinh tế thường được Tối Cao Pháp Viện giải thích không thuận lợi cho sự can thiệp của chính quyền liên bang. Đó là trường hợp của nhiều biện pháp do Tổng Thống Franklin Delano Roosevelt ban hành trong nhiệm kỳ đầu để đối phó với cuộc Đại Suy Thoái Kinh Tế (The Great Depression) đầu thập niên 1930, đã bị phán là vi hiến.
Một điều khá lạ lùng là nhiều người Mỹ đã, đang và sẽ hưởng những lợi lộc do khuynh hướng cấp tiến đem đến lại chống đối mạnh mẽ các sự can thiệp của chính quyền liên bang vào các lãnh vực kinh tế xã hội được phản ảnh khá rõ ràng trong cuộc vận động cải tổ y tế hiện nay của Tổng Thống Obama. Sau đây là 3 loại an sinh xã hội quan trong nhất ra đời nhờ khuynh hướng cấp tiến: Trước hết, tiền an sinh xã hội (social security benefits, thường được cộng đồng người Việt gọi là “tiền hưu”) do Tổng Thống Roosevelt (Dân Chủ) khởi xướng trong kế hoạch New Deal và ban hành ngày 14/08/1935 sau khi được Quốc Hội thông qua. Thứ hai, Medicare và Medicaid do Tổng Thống Lyndon Johnson (Dân Chủ) ban hành ngày 30/07/1965, một phần của chương trình Great Society. Còn Supplemental Security Income (SSI, được CĐNV gọi là “tiền già” được Hạ Viện thông qua với 169 phiếu thuận (và 79 phiếu trắng) của dân biểu Đảng Dân Chủ so với 132 phiếu chống (và 43 phiếu trắng) của dân biểu Đảng Cộng Hoà; và sau đó được Thượng Viện thông qua với 36 phiếu thuận (18 phiếu trắng) của nghị sĩ Đảng Dân Chủ so với 23 phiếu chống (và 21 phiếu trắng) của nghị sĩ Đảng Cộng Hòa; cuối cùng Tổng Thống Nixon (Cộng Hoà) đành phải ban hành ngày 17/10/1972.
Tổng Thống Obama, trong khi chờ đợi nhậm chức cũng đã tỏ ý e ngại sẽ bị sự chống đối của khuynh hướng bảo thủ đối với các biện pháp bail out tài chánh mà ông sẽ áp dụng khi vào Tòa Bạch Ốc. Về phương diện kinh tế, lý thuyết thị trường tự do của Adam Smith (1723-1790) chủ trương nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh khi gặp khó khăn, không cần sự can thiệp của chính quyền, sau những thời kỳ lận đận với chủ nghĩa cấp tiến, đã hiên ngang trở lại với những bài diễn thuyết hùng hồn hấp dẫn của kinh tế gia Milton Friedman --được giải Nobel-- cùng các biện pháp kinh tế cởi trói của Tổng Thống Reagan (Cộng Hòa). Tổng Thống Obama lo lắng cũng phải: Chủ nghĩa tư bản mà người Mỹ đã hãnh diện truyền giảng trước và sau sự tan rã của khối Cộng Sản giờ đây bị thử thách lớn lao trong khi những người bảo thủ thì lại không muốn mất đi hào quang của thời kỳ vàng son đó. Có người ví von rằng khi một cành cây bị héo, người cấp tiến muốn chặt nó đi để cứu cây; còn người bảo thủ muốn để y như vậy! (Trong khi người cộng sản thì chủ trương đốn bỏ luôn, trồng cây khác!)
Dự Luật Cải Tổ Y Tế của TT Obama được Hạ Viện thông qua ngày 07/11/09 với 220 phiếu gồm 219 DC và 1 phiếu CH của Dân Biểu gốc Việt, so với 215 phiếu chống gồm 176 CH và 39 phiếu DC. Mặc dù Thượng Viện có tới 60 nghị sĩ DC, nhưng vận động để có 60 phiếu đồng ý chấm dứt các cuộc tranh cải câu giờ (filibusters) để sang qua phần bỏ phiếu (chỉ cần 51/100 phiếu thì dự luật sẽ được thông qua) cũng là điều khó khăn, mất rất nhiều thời gian mới đạt được, trong ngày bão tuyết 19/12/09. Đây là cơ hội vô cùng hiếm có để Hoa Kỳ có chế độ y tế phổ thông như hầu hết các nước phát triển khác. (Dĩ nhiên sẽ còn cải tổ nhiều thêm nữa sau này thì mới hoàn chỉnh). Nói cách khác, các thế lực bảo thủ vẫn còn rất mạnh.
Riêng đối với CĐNV, lại càng có nhiều người không để ý những sự thật nêu trên. Chúng ta thường cho là chỉ có khuynh hướng bảo thủ, tức Đảng Cộng Hoà mới chống Cộng cật lực. Có đúng vậy chăng trong mấy thập niên vừa qua? Ai là người doạ “cắt đầu” Tổng Thống Thiệu nếu TT Thiệu không chịu ký Hiệp Định Paris đầy những nhượng bô cho Cộng Sản? Xin tiết lộ: Tổng Thống Nixon! Ai là người lúc còn trong Tòa Bạch Ốc soạn road map để chuẩn bị bang giao với Hà Nội, rồi sau khi thất cử, được các nhà đầu tư Mỹ trả tiền sang Việt Nam, lại từ Hà Nội khen ngợi Tổng Thống Clinton tái lập bang giao với Hà Nội. Xin thưa: Tổng Thống Bush (Cha)! Dĩ nhiên, chúng ta bỏ phiếu, hay phát biểu chính kiến có thể là do cảm tình, có thể do lý trí, hoặc cả hai. Nhưng khi viện dẫn sự kiện, thì “sự kiện” phản ảnh ít nhiều sự thật sẽ dễ thuyết phục hơn. Nếu một ngày nào đó, Hoa Kỳ đụng độ với Trung Cộng, thì đó chỉ là do sư xung đột quyền lợi của giữa 2 siêu cường này mà thôi. Việt Nam sẽ không thể nào là một yếu tố đáng kể để đưa đến sự xung đột đó.
Khi nghĩ về Việt Nam, nhiều người trong chúng ta nếu còn nhiệt huyết với quê hương thì tỏ rõ phẫn uất với Hà Nội; những người còn lại thì cảm thấy chán chường. Sau chiến thắng Pyrrhus (Pyrric victory -- một chiến thắng phải trả giá cao), nhuộm đỏ toàn đất nước, những người Cộng Sản Việt Nam đã không từ nan bất kỳ biện pháp và hành động cai trị tệ hại nào miễn làm sao họ được “vinh thân phì gia.”. Trong nước thì họ bóp nghẹt tự do ngôn luận, tù đày những người nói lời chỉ trích, phản kháng; đàn áp tôn giáo; áp dụng chính sách giáo dục ngu dân làm trò cười cho những bậc thức giả trong lẫn ngoài nước; theo đường lối xã hội hạ giảm phẩm giá người phụ nữ; kinh doanh trục lợi cho đảng và đảng viên (quân đội kinh doanh; đảng bộ kinh doanh, đảng viên kinh doanh dưới chiêu bài tư doanh); không ngăn chặn nổi tham nhũng –hay không muốn--và hối lộ càng ngày càng tràn lan vv. Ngoài nước, thì xuất khẩu lao động, xuất khẩu phụ nữ để bốc lột qua lệ phí và kiều hối gửi về; lạm dụng và phí phạm công quỹ cho văn công tuyên truyền vô vọng để nhằm tuyên truyền lôi cuốn kiều bào. Quan trọng nhất là hành động ươn hèn nhượng đất liền, hải đảo cho Trung Công. Phải chăng đây cũng là một mật ước với Bắc Kinh trước đây để đổi lấy “chi viện” của đàn anh “môi hở răng lạnh”? Nếu không, thì tại sao Phó Chủ Tịch Nước Hoàng Văn Hoan, vốn là cựu Đại Sứ của Hà Nội tại Bắc Kinh, lại bỏ trốn sang Tàu? Chưa đủ, bây giờ họ lại “mời” Trung Cộng đầu tư khai thác quặng bauxite ở Cao Nguyên Trung Phần, để cho các nhà đầu tư ngoại quốc khác phải bỏ đi. Nếu lý luận rằng Hà Nội đầu hàng trước sức mạnh quân sự của Trung Cộng, thì họ không còn tin ở cái “lương tâm thời đại” mà trong cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam họ thường khoe khoang hay sao?
Nếu trước 1975, và cả hơn một thập niên sau đó, khoảng 400 đảng viên cao cấp trong “danh sách mật” được hưởng những đặc quyền đặc lợi vật chất để khỏi cấu xé chỉ trích nhau, thì ngày nay những món tiền kếch sù trong các trương mục ngân hàng nước ngoài, những nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền, kẻ hầu người hạ, nhiều cơ hội du lịch, du học cho gia đình cho nhiều lần hơn danh sách đó đã, đang và sẽ là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt sự đoàn kết để củng cố quyền lợi của họ.Trong chiều hướng đó, đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là một “đảng bảo thủ” nghĩa là cố giữ lập trường cũ, cố bám móng sắt trên cơ thể gầy mòn và bệnh hoạn của đất nước. Chúng ta không hy vọng Hà Nội sẽ theo “khuynh hướng cấp tiến” tức là giảm bớt sử dụng các công cụ chuyên chế của chính quyền. Chỉ khi nào Hà Nội cách mạng cuộc cách mạng của họ, thì bộ mặt quê hương mới thay đổi, mới bớt lem luốc.
Điều này có thể không được những “Việt kiều yêu nước” được mời về Hà Nội hồi tháng 11/09 vừa qua nhận thức ra. Nhiều người trong đó không phân biệt được thế nào là “được nuôi dưỡng” và thế nào là “tự phát” hay “được móc nối.” Hà Nội chỉ tin những người mà họ nuôi dưỡng, tức những người do họ “đào tạo, bồi dưỡng” và được cài vào trong các CĐNV ở nước ngoài. Hà Nội chỉ tin những người đó, và sẽ không để cho những người này xuất đầu lộ diện, trừ phi những người này được cho về hưu. Họ không bao giờ tin cậy những người “tự phát” tức là những người bỗng dưng tự cảm thấy “yêu xã hội chủ nghĩa”. Hôm nay anh “tự cảm thấy yêu xã hội chủ nghĩa” thì ngày mai anh cũng sẽ dễ dàng “tự cảm thấy ghét” chúng tôi. Hà Nội cũng không tin vào những kẻ “được móc nối.” Chị “được móc nối” thì đó là do cái “công” của chúng tôi, chứ chẳng phải cái lòng của chị. Chị đâu phải là “người trước sau như một.” Những ai đã từng qua lao tù cộng sản hay sống nhiều năm với người cộng sản đều biết điều này. Trong những người “tự phát” hay được móc nối” được mời về đó có lẽ không ai đã từng nếm mùi tù đày kiềm kẹp của cộng sản. Thật ra trong cuộc đời, nhiều khi chúng ta chỉ có thể hình thành một vài nhận thức nào đó nhờ quãng đời chúng ta đã trải qua; đôi khi sách vở và lời lẽ của thân nhân hay bạn bè – dù chân thành – cũng không đủ khả năng thay thế cho các bài học tiếp thu được qua kinh nghiệm đắng cay của bản thân. Hà Nội khoác lác là “những người yêu nước” này sẽ trở về nơi sinh sống đề tiếp xúc và lay chuyển chúng ta. Không! Không! Họ đã “hoàn thành sứ mạng” rồi! Họ không thể làm gì được nữa. Thật đáng buồn. Cho họ! Và cũng buồn cho chúng ta nữa, vì chúng ta đã không giữ nỗi họ lâu dài bên chiến tuyến với chúng ta.
Dù sao thì những cánh chim lạc đàn nói trên cũng chưa có gì đáng ngại vì chưa nhiều và chưa đủ để có thể che khuất những tia hy vọng đang rọi chiếu trên vòm trời của cộng đồng người Việt hải ngoại mà sự thành công của lớp người trẻ càng ngày càng vẻ vang. Thêm vào đó, ý thức trách nhiệm của những người yêu nước bên kia bờ Thái Bình Dương cũng sẽ là “những đóm sáng” khởi đầu quan trọng. Chúng ta có quyền hy vọng năm Canh Dần 2010 sẽ đem lại nhiều niềm tin và hy vọng cho cả người Việt hải ngoại và nơi quê nhà.
Lê Văn Bỉnh
__________________
• Trích từ “Lá Thư Biên Tập” Hành Chánh Miền Đông số 15, sẽ xuất bản tháng 01/2010