Rainer Maria Rilke

Ngoài năng khiếu về thơ, Rilke còn có khiếu về ngoại ngữ. Ông đã từng đi khắp Âu Châu, từ Ý, Pháp cho đến Nga. Rilke có một mối tình với Lou Andreas-Salome, một nữ lưu lãng mạn người Nga trong giới trí thức thời bấy giờ. Một trong những lý do, Rilke đã đổi tên của mình từ René sang Rainer cũng từ lời khuyên của Lou Andreas-Salome. Lou đã từng theo học và làm việc với Sigmund Freud về khoa phân tâm học. Chính sự say mê về khoa tâm lý học đã đưa đến những cuộc tình lãng mạn của Lou với những thi sĩ và triết gia vào lúc bấy giờ. Trong đó phải nói tới Friedrich Nietzsche, triết gia nổi tiếng của Đức, và Freud, vị cha đẻ của Phân Tâm Học.
“Cuốn sổ tay của Malte Laurids Brigge” là một tác phẩm văn xuôi quan trọng của Rilke và cũng là một trong những sáng tác đầu tiên của ông được đem giới thiệu với độc giả ở Mỹ. Đây là một trong vài cuốn sách đầy tính chất tâm linh vào đầu thế kỷ thứ 20, với những tư tưởng độc đáo và ý tứ sâu sắc về nội tâm, nên các phê bình gia đã gặp khó khăn trong việc xác định thể loại của tác phẩm này. Rilke quả quyết rằng đó không phải là cuốn hồi ký về cuộc đời của ông, nên dù được xây dựng dựa trên những bối cảnh có tính hư cấu, tác phẩm này đã hé mở cho độc giả thấy được những cảm xúc và suy tư của Rilke qua các kinh nghiệm sống thực của mình.
Sau đây là phần trích một đoạn trong tác phẩm văn xuôi của Rilke để thưởng thức những dòng suy tưởng của của tác giả, khi ông đang lưu lại tại Paris:
CUỐN SỔ TAY CỦA MALTE LAURIDS BRIGGE
(The Notebooks of Malte Laurids Brigge)
Tôi phân vân tự nghĩ làm sao người ta có thể dỗ được giấc ngủ với cánh cửa sổ mở rộng như thế. Những chuyến xe điện rầm rì vọng vào căn phòng. Những tiếng động cơ của xe cộ rú vang như chạy ngang qua người tôi. Những cánh cửa đóng sầm. Tiếng thuỷ tinh vỡ toang của một cánh cửa sổ bằng kính vừa rơi xuống ở một nơi nào đó; Tôi có thể nghe tiếng cười lanh lảnh của những mảnh kính, và tiếng khúc khích của những mảnh vụn nhỏ. Rồi thì bỗng có một tiếng động vừa đục và ngắn vang lên ở phía bên kia của ngôi nhà. Một người nào đó đang bước lên những bậc thang. Đang đi đến, đi đến thật gần. Tiếng chân vẫn còn đó, một lúc khá lâu, rồi qua đi. Và rồi ở ngoài đường. Tiếng một người con gái hét lên:” Hãy câm đi, Tôi chẳng còn thiết gì nữa.” Một chuyến xe điện đang hối hả chạy nhanh đến, rồi xa dần, mất hút với tất cả mọi thứ. Một người nào đó cất tiếng gọi. Rồi có tiếng chân của nhiều người đang chạy, rượt đuổi lẫn nhau. Một con chó sủa vang. Thật là nhẹ nhõm: A! con chó đấy à!. Gần sáng có tiếng gà gáy vang, như một nỗi khoan khoái vô biên. Rồi tôi bỗng ngủ thiếp đi.
Đó là những âm thanh ồn ào. Nhưng ở đây có một điều gì còn đáng sợ hơn thế nữa: đó chính là sự im lặng. Tôi nghĩ đến những đám cháy lớn đôi khi có những giây phút căng thẳng cực độ: như vòi nước bỗng tắt ngụm, những người lính cưu hoả thôi không còn leo lên bậc thang nữa, không ai có một cử động nào. Những cọc sắt đen trên bức tường như đang vươn lên một cách im lìm, và cả bức tường cao cũng dường như muốn ngã về phía trước, đằng sau đó là những ngọn lửa hừng hực đang bắn lên cao một cách lặng lẽ. Mọi người đứng im với đôi vai rút cao và đôi con mắt nhăn nhíu như chờ đợi nó đổ sập xuống. Sự im lặng ở đây là như thế đó.
Tôi đang học hỏi để nhìn ngắm sự vật. Tôi không hiểu tại sao lại như thế, nhưng mọi điều hình như thấm nhập vào trong người của tôi sâu hơn và chúng không còn dừng lại nơi mà chúng thường hay kết thúc ở đó . Tôi chợt hiểu rằng mình còn có một con người khác ở bên trong mà tôi không hề biết đến. Bây giờ tất cả mọi điều dường như đều đi đến và dừng lại ở chỗ đó. Điều gì xảy ra ở nơi ấy thì tôi hoàn toàn không thể biết được.
Hôm nay khi đang viết những điều này, tôi mới sực nhớ là mình đã đến nơi này chỉ mới được ba tuần lễ. Ba tuần ở một nơi nào đó, ở miền quê chẳng hạn, có lẽ chỉ dài bằng một ngày; nhưng ở đây thì dường như đã lâu đến hàng nhiều năm rồi. Và nghĩ như thế tôi chẳng muốn viết thêm điều gì nữa. Có ích gì khi tôi nói với mọi người rằng con người mình đang thay đổi. Nếu tôi đang thay đổi, thì hiển nhiên tôi không còn là con người của tôi trước đây nữa, và nếu tôi là một con người hoàn toàn khác hẳn với trước đây, thì tôi không có bạn bè thân thuộc nào cả. Và đối với những con người xa lạ, những người chưa hề biết đến tôi, thì tôi không thể nào viết ra được điều gì.
Tôi đã từng nói rằng mình đang bắt đầu học nhìn ngắm sự vật hay sao? Đúng vậy, tôi chỉ đang mới khởi đầu. Tuy còn gặp phải nhiều khó khăn, nhưng tôi định rằng mình sẽ cố gắng trong thời gian đang lưu lại đây.
Thử nghĩ, chẳng hạn như chuyện tôi chưa hề biết rằng con người có bao nhiêu bộ mặt. Người ta có thể biết được số lượng nhất định về nhân khẩu, nhưng số lượng những khuôn mặt thì còn nhiều hơn gấp bội, vì mỗi người đều có nhiều bộ mặt khác nhau của họ. Có những người đeo chỉ một khuôn mặt trong nhiều năm; hiển nhiên là bộ mặt ấy sẽ mòn nhẵn đi, bị vấy bẩn, bị rách ở những chỗ có nếp gấp, bị kéo căng ra, như những đôi bao tay bị sờn đi trong một chuyến viễn du. Đây là những con người hà tiện, những con người chân chất, họ chẳng buồn thay đổi khuôn mặt của mình, họ cũng chẳng bao giờ chịu rửa mặt. Như vậy chẳng tốt hay sao, họ nói thế, và ai lại có thể cãi ngược lại được điều ấy? Nhưng vì họ có nhiều bộ mằt, cho nên câu hỏi hiển nhiên là họ sẽ làm gì với những khuôn mặt ấy. Họ cất giữ nó. Con cháu của họ sẽ đem những bộ mặt ấy ra để đeo. Thế nhưng thỉnh thoảng người ta còn bắt gặp những con chó của họ cũng đeo những bộ mằt ấy khi đi ra ngoài phố. Tại sao lại không nhỉ? Mặt nào thì cũng chỉ là mặt.
Có những người lại đem chưng diện và thay đổi từ bộ mặt này sang bộ mặt khác nhanh không thể tưởng tượng được. Lúc đầu họ nghĩ rằng lúc nào họ cũng có sẵn những bộ mặt ấy, nhưng khi chưa đến con số bốn mươi - thì họ không còn bộ mặt nào nữa để thay đổi. Điều này thật thảm thương. Họ không có thói quen chăm sóc cho gương mặt của họ, bộ mặt cuối cùng của họ bị sờn rách trong vòng một tuần lễ, có nhiều lỗ thủng, và nhiều chỗ mỏng dính như tờ giấy; dần dần cái lớp ở bên dưới, cái không còn gọi là mặt mũi nữa, lộ ra, rồi thì họ đi ra ngoài đường với cái lớp bên dưới ấy.
Nhưng người đàn bà, người đàn bà ở góc đường Notre-Dame-des-Champs kia: toàn thân bà phủ phục về phía trước và cúi mặt trong lòng hai bàn tay của mình. Ngay lúc nhìn thấy người đàn bà ấy, tôi đã bắt đầu bước thật khẽ. Khi những người đáng thương hại như thế đang trầm tư thì họ không nên bị quấy nhiễu. Có lẽ họ vẫn chưa nghĩ ra được lối thoát với những ý tưởng rõ ràng.
Con đường thật vắng vẻ; trống vắng đến buồn chán; hai chân tôi bỗng quàng vào nhau và khua lên những tiếng lách cách vang động khắp nơi, như của những chiếc guốc gỗ. Người đàn bà giật mình và vụt gượng thẳng người lên, động tác nhạnh đến nỗi bà để rơi khuôn mặt trên hai bàn tay của mình.Tôi có thể nhìn thấy nó nằm trên hai bàn tay bà, với cái hình dạng sâu lõm. Tôi phải cố gắng hết sức để nhìn hai bàn tay nhưng lại tránh không muốn nhìn thấy cái đã bị chúng xé toạc ra. Tôi rùng mình khi nhìn thấy bộ mặt ở phía bên trong, tuy vậy tôi cảm thấy điều đáng sợ hơn vẫn là nhìn thấy cái đầu trần trụi khi đã bị lột mất đi bộ mặt của nó.