Mở lại hồ sơ ba vụ án
Bí ẩn quanh vụ mưu sát Gs Nguyễn Văn Bông.
"Khác với Trần Văn Văn thuộc một gia đình khá giả, Nguyễn Văn Bông có một thời niên thiếu cơ cực. Cha của Bông làm nghề thợ bạc, ly dị với mẹ Bông là một thợ may, cả hai đều tái giá sau đó và có con riêng. Bông sống với ông, bà nội, khi mới lên ba, tại làng Kiến Phước, tỉnh Gò công, nơi Bông ra đời năm 1931. Lúc 14 tuổi, để có tiền vào trung học, Bông lên Saigon xin một chân quét dọn và đánh máy trong trường Huỳnh Cẩm Chương, lao công ban ngày, tối đi học, để dành tiền mua một vé tàu hạng ba qua Pháp.
Tại Paris, Bông phải làm bồi bàn (cùng với Nguyễn Ngọc Huy) tại tiêm ăn La Table du Madarins của « anh Mười » để sinh sống. Chàng học trò khó Nguyễn Văn Bông xuất sắc, lấy xong bằng Tú tài thì vào Đại học Sorbonne, theo ngành Luật và Chính trị học. Có một lúc, Bông làm phu khuân vác đêm tại Nhà Lồng Paris hay Les Halles, và bị bệnh lao, phải nằm nhà thương. Với tinh thần tự tin, tự lập, Bông thành công vẻ vang, Năm 1963, thay vì nhận chức phụ tá giáo sư tại Pháp, Thạc sĩ luật khoa Nguyễn Văn Bông quyết định trở về Việt Nam để đấu tranh và phục vụ. Trước khi hồi hương, Bông đã hứa hôn với nữ sinh viên Thu Vân tức là bà Nguyễn Văn Bông sau này, tác giả Mây Mùa Thu (MMT), vừa xuất bản tại Hoa Thịnh Đốn. Đây là dịch bản tiếng Việt của hồi ký tiếng Anh Autumn Cloud (Capitol Books, VA, 2001).
Tại trường Luật và Quốc gia hành chánh Saigon, Gs Bông dạy môn luật Hiến pháp và Khoa học chính trị. Sau ngày đảo chính 1.11.1963, Bông được bổ nhiệm Viện trưởng Học viện Quốc gia hành chánh và lao mình vào chính trường với sự hổ trợ của Nguyễn Ngọc Huy, tiến sĩ chính trị học, một đồng chí từ ngày ở Paris. Huy lãnh đạo đảng Tân Đại Việt (TĐV), Bông sáng lập Phong trào Quốc gia cấp tiến (PTQGCT) vào mùa xuân 1969, hai tổ chức hoạt động chặt chẽ với nhau và mang nhãn hiệu đối lập với chính phủ đương nhiệm. Trong hai năm 1970 và 1971, PTQGCT phát triển mạnh. Phần đông đảng viên và cảm tình viên là cựu sinh viên Quốc gia hành chánh nắm giữ những chức vụ cốt cán tại Miền Nam Việt Nam.
Cương lĩnh PTQGCT cổ võ cho một nước VN thống nhứt dưới một chế độ dân chủ, với quyền bình đẳng giữa các công dân, tôn trọng nhân quyền, triệt tiêu nạn tham nhũng và cải tổ hành chánh. Về kinh tế, Phong trào chủ trương đẩy mạnh phát triển, cải cách điền địa, canh tân thuế vụ và khuyến khích đầu tư. Về an sinh xã hội, Phong trào đòi hỏi một chế độ quân dịch công bằng, giáo dục miễn phí và cưởng bách và sự phục hồi uy tín của giáo giới.
Tháng 9.1971, PTQGCT và TDC đưa được vào Hạ viện 21 dân biểu, một lực lượng đáng kể. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử Gs Huy tham gia, với tư cách cố vấn, vào phái đoàn đàm phán với Bắc việt tại Paris. Uy tín của Nguyễn Văn Bông lên như diều. Bất thần, vào cuối 1969, xảy ra một vụ mưu sát: một trái bom nổ cạnh bên phòng làm việc của Gs Bông tại tầng hai Học viện quốc gia hành chánh. Ông Bông không bị thương tích nặng nhờ được che chở bởi một cái bàn viết khi ngã xuống.
Nhưng lối một năm sau, ngày 10.11. 1971, Gs Bông không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần trong vụ mưu sát thứ hai, mặc dù ông được toán an ninh bảo vệ khá chặt chẽ. Vào giờ ăn trưa ngày vừa nói, kẻ ám sát thảy một trái bom dưới sườn xe hơi của Gs Bông, trên đường Cao Thắng, Saigon, nơi có đèn đỏ, làm xe nổ tung và gây thiệt mạng cho ông Bông, người tài xế và ba vệ sĩ.
Trong hồi ký MMT, trang 148 và tiếp theo, bà Nguyễn Văn Bông ghi: Ngày hôm trước, 9.11, Tổng thống Thiệu gởi người anh là ông Nguyễn Văn Kiểu, đại sứ tại Đài loan, đên tận nhà để thảo luận. Khi ông Kiểu ra về, Bông cho (vợ) biết ông đã « chấp thuận làm Thủ tướng cho TT Thiệu », thay thế tướng Trần Thiện Khiêm. Chỉ 15 phút sau, báo chí điện thoại xin xác nhận tin này, ký giả Pháp Francois Nivolon của France Soir cũng gọi phôn để chia vui. Bà Bông ghi nơi trang 148 và 152: « Đến mùa thu 1071, ông Thiệu thấy rằng để nâng cao sự ủng hộ bên trong và chống trả hữu hiệu CS Bắc Việt, ông phải liên minh với một chính phủ liên hiệp mạnh. Anh Bông cũng có ý kiến như vậy, sự thật anh đã đúc kết một chương trình đối lập rộng lớn cho PTQGCT mà anh hy vọng các lực lượng chống Cộng sẽ quy tụ xung quanh...Vài tháng sau, hai thanh niên Việt Cộng bị bắt. Một trong hai người, có tên Nguyễn Hữu Thái, là lãnh tụ nhóm sinh viên trường Kiến trúc Đại học Saigon. »
Sự việc đáng lưu ý là trong chương cuối cùng của hồi ký MMT, nhan đề « Những suy tư về cuôc chiến VN và thời kỳ hậu chiến », trang 270-276, bà Bông viết: "tháng 7.1971, Kissinger (K) qua Saigon vào lúc TT Thiệu lo tái tranh cử và trước khi K chuẩn bị viếng thăm Bắc kinh. Kissinger gặp vợ chồng Bông « lần đầu tiên » trong một buổi tiệc tại dinh của Đs Elsworth Bunker, sau khi K vừa viếng Thiệu và Khiêm trong ngày. Bữa sau, K gặp riêng Bông. Sau đó, - bà Bông viết - « báo chí Saigon suy đoán rằng anh Bông sẽ là vị Thủ tướng kế tiếp được Kissinger và chính phủ Mỹ hổ trợ. Mọi người VN lúc đó đồn rằng bất cứ vị lãnh tụ miền Nam nào mà không được Mỹ ủng hộ sẽ không thể tồn tại lâu được; ký ức về những gì đã xảy ra cho TT Diệm và người em vẫn chưa phai mờ. Cả hai ông đã bị giết chết trong một cuộc đảo chánh của các tướng lãnh miền Nam năm 1963 với sự chấp thuận của Mỹ. Vài tuần sau khi gặp ông Kissinger, vào khoảng 9 giờ tối, ngay lúc anh Bông đi dự tiệc, một người lạ điện thoại cho tôi biết tánh mạng anh Bông sẽ lâm nguy. Y nói anh Bông phải lập tức trở về nhà, xong y cúp điện thoại làm tôi quá run sợ. Đêm đó, ông Khương Hữu Điểu, giám đốc Ngân hàng Phát triển Kỹ nghệ, mời anh Bông để gặp tại nhà một nhóm ngưới quan trọng, tất cả đang nắm những địa vị then chốt và được xem như những người trẻ chủ trương cải cách.»
Như thế, tin đồn K và Hoa kỳ áp lực Thiệu thay thế Khiêm bằng Bông đã xảy ra lối hai tháng trước vụ hạ sát Bông ngày 10.11.1971. Trong hồi ký chót Ending the VN War, (Simon & Schuster. NY, 2001), chính K cũng đã xác nhận: Ngày 21.10.1972, tức là trước khi tiếp K qua hôm sau tại Dinh Độc lập Saigon để chấp nhận bản dự thảo Hiệp ước Paris, TT Thiệu đã điện thoại tố cáo - với một giọng hằng học - K và phụ tá Alexander Haig tổ chứùc, theo tin tình báo, đảo chánh Thiệu. Trước đó, ngày 6.2.1972, trong một bức thơ riêng cho TT Thiệu, Nixon cũng đã viết không úp mở như sau: “Chúng tôi không muốn thấy tái diễn tại VN biến cố ghê tởm năm 1963” (ám chỉ vụ thảm sát TT Diệm).
Điểm chót nên ghi: Như mọi người đều biết, Đảng Đại Việt đóng vai trò quan yếu chẳng những trong vụ biến loạn 1.11.1963 mà còn trong các vụ chỉnh lý và đảo chính liên hồi về sau. PTQGCT của Bông và đảng Tân Đại Việt của Huy cũng xuất phát từ đó và có nhiều đảng viên và cảm tình viên chẳng những trong chính giới, Quân đội mà còn trong Quốc hội năm 1971.
Bs Nguyễn Lưu Viên kể với người viết: "Đầu năm 1975, quân đội rút vô trật tự khỏi miền Trung. Thiệu chấp nhận cho Trần Thiện Khiêm từ chức thủ tướng mà tướng Khiêm giữ từ ngày1.9.1969. Thiệu yêu cầu Khiêm đề nghị người thay thế. Trong danh sách nạp trình, Thiệu phê bình từng nhân vật. Đến tên Nguyễn Ngọc Huy, Thiệu gạch bỏ và cuối cùng, chọn...Nguyễn Bá Cẩn, không nguy hiểm."
Năm 1997, trong môt buổi gặp gỡ tại Houston, tác giả bài này có hỏi TT Thiệu: "Trong chính giới, phía dân sự, tổ chức nào xem như đã “phản bội” ông?" Một phút suy nghĩ, Thiệu trả lời: “Nhóm Huy – Bông”. Vì họ không giữ lời giao kết sẽ giúp xây dựng đảng Dân chủ (của Thiệu) nếu Thiệu giao cho họ nắm Học viện quốc gia hành chánh (là lò đào tạo các cán bộ trong guồng máy cai trị). Về sau, Bông và Huy hoạt động chống Thiệu. Mộng của cả hai chắc chắn không ngưng nơi cái ghế Thủ tướng mà còn nhắm cao hơn nữa. Thiệu và anh là Nguyễn Văn Kiểu đều gia nhập Đại Việt nhưng Đại Việt có nhiều phe phái. Ngoài ra, Thiệu cũng là một đảng viên Cần lao.
Sau 1980, tác giả bài này có dịp hỏi cựu Quốc trưởng Nguyễn Khánh tại Californie về tin Gs Bông là một trong số luật gia đã từng giúp thảo ra Hiến chương Vũng Tàu cho ông Khánh (văn kiện này, về sau, bị chính ông Khánh hô “đả đảo” khi sinh viên chống đối dữ dội). Tướng Khánh (cười) trả lời (vòng quanh): “ Ông Trần Chánh Thành không phải là người duy nhứt đã giúp tôi.”
Gs Bông qua đời khi vừa 41 tuổi, để lại hai trai và một gái. Sau 1975, bà quả phụ Nguyễn Văn Bông nhủ danh Thu Vân (30 tuổi khi chồng bị ám sát) tái giá với Lacy Wright, một nhà ngoại giao Mỹ, nay đã về hưu tại Virginia. Bà lấy tên mới Jackie Bông Wright và hiện hoạt động hăng hái về xã hội, nhân quyền. Trong một buổi phỏng vấn có thu hình ngày 11.12.2004 tại Hoa Thịnh Đốn, bà Bông cho người viết biết thêm: "Tháng 9.1995, K, chủ tịch công ty tư vấn Kissinger & Associates và một phái đoàn viễn thông Mỹ viếng Ba Tây. Trong một buổi tiếp tân do đại sứ Lacy Wright tổ chức, khi biết bà đại sứ gốc Việt Nam, Kissinger nói: “Tôi lấy làm buồn khi gặp người Việt. Nước Mỹ đã bỏ rơi VN.”
Để tưởng nhớ thầy cũ, sau 1975, Chi hội cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh định cư tại Ontario, Gia Nã Đại, đã chung tiền đúc tượng của Gs Nguyễn Văn Bông. Với sự đồng ý của “Bà Năm”, thân mẫu Gs Bông hiện sống ở miền Nam Californie, tượng này được an vị tại Trung tâm Cư sĩ Phật giáo thành phố Westminster.
Ai giết Gs Nguyễn Văn Bông? Và vì sao? Jackie Bông Wright đưa ra một số giả thuyết và cho biết nhận định như sau:
1) Nhiều người nghi Quân đội là thủ phạm, vì Bông thường tố cáo Quân đội “tham nhũng và bất tài.” Phe quân nhân tại chức sợ bị thanh lọc và không dễ dàng rút lui.
2) Có dư luận cho rằng Trung ương tình báo Mỹ chủ mưu, vì Nixon lo ngại Bông sẽ cản trở kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh bằng cách kéo dài cuộc chiến.
3) Hồi ký MMT, trang 153 ghi: “Tôi còn nói với đại sứ Martin Herz (một bạn thân gặp ở Hoa Thịnh Đốn mùa hè 1972) rằng nhiều người khác nghi giáo sư Huy, người cộng sự chính trị với anh Bông vì Huy muốn anh Bông dang ra xa, bởi vì đảng của ảnh giờ đây rất mạnh và sẵn sàng đứng lên nắm quyền trong một dịp nào đó. Ông Huy không còn cần anh Bông nữa nên muốn thay thế ảnh. Ông (Huy) muốn thành lập một liên minh với quân đội, hoặc với các nhóm khác mà anh Bông chống, thành lập sau lưng ảnh. Một vài chính trị gia còn nói ông Huy có chương trình hành động được dấu kín: nắm lấy chính quyền bằng mọi giá. Ông Martin hỏi tôi có nghi ông Huy có dính líu gì trong cái chết của anh Bông không? Tôi trả lời: “Không. Tôi không tin rằng ông Huy có thể làm một việc khủng khiếp như thế.”
4) Sau hết, bà góa phụ Nguyễn Văn Bông nêu ra một số dữ kiện về chuyện Việt Cộng sắp xếp vụ ám sát ngày 10.11.1971: a) Năm 1976, báo Giải Phóng có đăng một bài của ký giả thiên tả Ý Tiziano Terziani phỏng vấn Nguyễn Hữu Thái và đồng bọn, chúng xác nhận chính chúng đã giết gs Bông. b) Một người chị ruột của bà Bông tên “chị Năm Lý”, theo kháng chiến từ lâu, cho biết CS giết Bông vì Bông được CIA ủng hộ. c) Một chị khác của bà Bông là bà bác sĩ Nguyễn Văn Tạo - hiện ở Paris - được anh chồng là tướng VC Nguyễn Văn Tây cho hay năm 1985 rằng các thủ phạm giết ông Bông đã được chính phủ Hà Nội tặng huân chương sau 1975. Đại sứ Bunker cũng xác nhận gíáo sư Bông là nạn nhân của Cộng sản.
Cái chết của Trần Văn Văn và Nguyễn Văn Bông chứng minh thêm một lần nữa kỳ thị Nam-Bắc là một yếu tố không thể coi thường trong chính trường VN, không chỉ riêng trong Nam mà còn bên kia vĩ tuyến 17. “Hội chứng” này khi ẩn, khi hiện, có lúc nổ tung như trong giai đoạn Nam kỳ quốc của Nguyễn Văn Tâm, Trần Văn Hữu, Măt trận giải phòng miền Nam (trước và sau 1975) và ngay cả trong cách dùng người của Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Dương Văn Minh... Các đảng phái chính trị có tiếng tại VN (Đại Việt, VN Quốc Dân đảng, Cần lao, Cộng sản..v..v..) cũng không tránh được tệ nạn đáng tiếc này. Thời hậu CS sắp đến, đây là một vấn đề thực tế, cần nghiên cứu để tìm giải pháp."
Lâm Lễ Trinh
(Xin cám ơn anh NTĐạt đã tiếp chuyển).
______
Ghi thêm về lúc chết của GS Nguyễn Văn Bông của một nhân chứng sống.
Bác Cường,
Ngay lúc xe của GS Bông từ HVQGHC chạy đến đường Cao Thắng về lối đường Phan Thanh Giản, gặp đèn đỏ dừng lại, xe zeep của 2 chúng tôi (ba’c THP và LN AT ) do bác THP cầm lái chạy sát nút sau xe GS Bông cũng dừng lại . Môt thanh niên trẻ gầy ốm, mặc áo sơmi cháo lòng bỏ ngoài quần chờ sẵn từ vỉa hè đường phía bên phải, chạy ra đường trước mặt xe chúng tôi , liệng một gói vào gầm xe GS Bông rồi bỏ chạy băng qua đường phía trái, lẻn vào ngõ hẻm bên đó, bác THP thấy thê’ vội dze xe được môt ti’ thì gầm xe GS Bông phát nổ, xe tung lên khoảng 1 mét, 2 cửa xe GS Bông bị sức nổ bựt tung ra, khói mờ mịt, 2 xác người trong xe bị nạn ngã tung ra 2 bên.
Sau 30/4/1975 CSVN vào Saigon được mươi tháng, chính mắt tôi lại nhìn thấy tên thanh niên gầy ốm ném bom giết GS Bông xuất hiện trên TV và đã nhận là đã ám sát GS Bông.
Theo tôi, chính CS đã giết GS Bông chứ không phải là bị kỳ thị Nam Bắc như ông Lâm Lễ Trinh đã nói mò, bo’p me’o lịch s�» vì phe nho’m.
Ki'nh bác
LN ẤT
____
Một cán bộ CS cũng xác nhận ở trong nhóm giết GS Bông
Khoảng đầu năm 1972, nhân dịp về Sài Gòn, tôi có ghé thăm GS Nguyễn Ngọc Huy. Trong khi chuyện vãn với GS Huy, tôi có hỏi: "Thầy nghĩ là phe quân đội hay phe Cộng Sản đã giết thầy Bông?" GS Huy đáp: "Cộng Sản giết. Phe Quốc Gia mà làm thẳng tay được như thế, chắc là đã "khá" hơn rồi."
Vào tháng Năm, 1975, tôi đã đến trình diện chính quyền CS tại Tòa Đô Chánh Sài Gòn vừa tiếp thu. Tôi đang ngồi trên chiếc ghế dài kê cạnh tường chờ đến phiên gặp nhân viên lấy khẩu cung, một anh thanh niên trạc 28-30 tuổi, dáng gầy, da không đen. chắc cũng làm việc tại đây, đi ngang qua, mặt tươi cười, đứng lại nói chuyện với tôi hai ba phút. Anh ta hỏi tôi học trường nào. Tôi trả lời "Học Viện QGHC". Anh ta nói tiếp: "Vụ ông Bông bọn này làm đấy!" Rồi anh ta vẫn giữ nụ cười trên môi, bỏ đi có lẽ là về phòng làm việc.
Nguyễn Thế Vĩnh