Lâu lắm rồi, từ một ngày nào thật xa xưa, Lãm Thúy có hứa sẽ viết vài lời nói lên cảm xúc của mình về thơ của anh chị Nguyễn Ngọc Liên và Dương Thị Tuyết Nhung. Đó không phải là phê bình văn học hay phân tích một tập thơ, chỉ là một cách đặc biệt của riêng Lãm Thúy, nhằm bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình khi được nhận một tập thơ gửi tặng.
Lời cảm ơn được gửi đi dưới hình thức đó, vừa nhẹ nhàng dễ thương, (theo thiển ý của Lãm Thúy) vừa ngầm ý nói với người tặng rằng “Đó thấy chưa, Lãm Thúy đã đọc hết tập thơ, đọc kỷ và còn cảm xúc vì ý thơ nữa đó”.
Lãm Thúy đã làm được việc đó năm, ba lần . Có khi chỉ thoáng qua (vì không có thì giờ nhiều và cũng chưa có kinh nghiệm) trường hợp Anh Dương Quân, Anh Lan Đàm , Như Thương, Long Ân.
Sau này, công việc có tiến triển hơn. Đến thơ Anh Luân Tâm, Trần Kiêu Bạc thì tương đối chi tiết hơn, cụ thể hơn, dàn trãi cảm xúc được rộng khắp hơn…. Riêng thơ anh chị Nguyễn Ngọc Liên và Dương Thị Tuyết Nhung , Lãm Thúy có lời hứa nhưng chưa thực hiện được, cứ canh cánh mãi bên lòng như một món nợ ân tình. Vậy mà anh Liên còn nỡ lòng nói Lãm Thúy sinh ở Cần Thơ chứ không phải bên … Lào !
Lãm Thúy biết lỗi , không dám nói gì, chỉ thầm nghĩ mình đâu phải hứa…lèo, chỉ hứa …. Congo thôi mà !
Gần đây, nhiều bạn bè cứ lần lượt qua đời, hết thi sĩ Vương Đức Lệ đến nhà thơ Hoàng Trùng Dương , nghĩ thọ mệnh của thi sĩ sao mong manh quá, bèn vừa làm việc trong sở, vừa lén lút viết bài này. Sợ rằng lỡ Lãm Thúy có theo ông theo bà thì khó lòng “ gươm Hùm treo mộ”.
Đầu tiên , theo đúng truyền thống “Nhất Nam viết hữu, thập Nữ viết vô”, xin nói về thơ “đấng trương phu” Nguyễn Ngọc Liên trước.
Nếu nói theo truyền thống xưa : “Văn dĩ tải đạo” thì phải công nhận rằng thơ Nguyễn Ngọc Liên đã tải được rất nhiều. Thơ Anh chứa đựng cả một tấm lòng yêu nước sâu đậm, thiết tha với vận mệnh nước nhà.
Tôi đã chẳng làm gì cho đất nước
Khi lửa đau thương đang đốt quê nhà
Trong trận chiến tôi là người thua cuộc
Vì không chọn làm Người Việt Quốc Gia
Anh tự thấy hỗ thẹn bởi sự đầu hàng nhục nhã, tự thấy mình bất lực không thể cứu vãn sự mất mát đau thương của một dân tộc. Đó chính là sĩ khí của nguời cầm súng , không bảo vệ được giang sơn gấm vóc , đành để rơi vào tay người, để đến nỗi phải bỏ nước ra đi, ôm nỗi hoài vọng ngút trời về quê hương yêu dấu, mà :
“ Ngày về xa tít ,mù tăm
Nhớ thương càng lạnh chỗ nằm đêm đêm”
Có tha hương, có ngậm ngùi thương nhớ quê nhà nồng ấm mới cảm hết được cái hay, cái buồn của câu thơ ấy “Nhớ thương càng lạnh chỗ nằm đêm đêm”
Ôi ! niềm thương quê, nhớ nước sao mà đậm đà đến vậy ! Chỗ nằm đêm đêm lạnh tiết đông xứ người, càng nhớ càng thương quê mình nồng ấm.
Niềm tâm huyết của Nguyễn Ngọc Liên còn thể hiện rõ nét hơn khi viết cho người sĩ phu nào đó- Mà thật sự là tự hỏi mình , tự nói với mình , đồng thời tự trách mình - đã nhắm mắt làm ngơ trước thảm trạng quê hương:
“ Này anh, nhận mình kẻ sĩ
Mà sao nhắm mắt làm ngơ
Và bày tỏ chí khí của mình thật dứt khoát rõ ràng:
Ta thà thắp ngọn đèn nhỏ
Còn hơn ngồi rũa bóng đêm!
Quyết tâm đạp luồng sóng dữ
Muôn người như một đứng lên.
Thơ Nguyển Ngọc Liên không trau chuốt , màu mè mà dung dị, thực tình. Sự chân thành đôi lúc gần như vô tư, hồn nhiên:
“Tôi đi học mà không bao giờ biết
“Núi Thái Sơn” cùng với “Nước trong nguồn”
Một con người biết tự trách mình là còn biết lỗi, còn phục thiện , chỉ có những ai gây lỗi mà không nhận lỗi mới thực sự đáng trách . Anh tự cho mình thiếu bổn phận với mẹ cha, vợ con, đó phải chăng chính vì anh luôn nghĩ đến trách nhiệm với họ ?
Đối với Mẹ , Anh một niềm hiếu nghĩa . Bài thơ NHỚ MẸ dễ khiến lòng người xúc động :
Hàng năm đến mùa lá đổ
Lòng con lại thấy thẫn thờ
Hôm nay chính là ngày giỗ
Mẹ hiền yêu dấu thuở xưa
Hình ảnh người Mẹ được diễn tả bằng những lời lẽ đơn sơ , mộc mạc mà chí tình :
Nhớ lại năm đói Ât Dậu
Người chết la liệt đầy đường .
Cả nhà chỉ được húp cháo
Thương con mắt Mẹ rưng rưng …
Người Mẹ đáng quý ấy một lòng tận tụy lo cho chồng con :
Những ngày bố lâm trọng bệnh
Mẹ không giây phút nghỉ ngơi
Chỉ biết nhẫn nhục cầu nguyện
Suốt đêm bố goị “ Bà ơi ! “
Khi Mẹ mất đi . Anh đau xót và nhớ tiếc vô vàn :
Nhớ công sinh thành dưỡng dục
Mẹ ơi ! Chưa đủ đền ơn
Thương Mẹ con chỉ biết khóc
Bây giờ Mẹ đã không còn …
Với vợ, anh “ Nhận yêu thương mà trả lại phũ phàng “
Chính thế, mới có lời hứa sắt son.
“ Từ nay anh xin hứa
Yêu một mình em thôi.”
Hứa thôi, chưa đủ cho vợ tin, anh còn phải thề thốt :
Đây là mối tình cuối
Là mối tình sau cùng
Anh thề sau ngày cưới
Sẽ muôn đời thủy chung
Chỉ có trời mới biết anh có vi phạm “ Hiệp định” ấy không?
Trở lại với tứ thơ Nguyễn Ngọc Liên, anh cũng cảm thấy có lỗi khi :
“ Quên dạy con lớn lên làm dân Việt
Yêu xứ này nhưng hãy nhớ màu da. “
Quý hoá thay ! Quên dạy mà biết mình quên tức là đã dạy rồi. Phải chi ai cũng nhớ nhắc con cháu mình như thế. Mặt khác, anh cũng thật khiêm tốn khi dạy con gái :
Hãy lấy một người anh hùng
Một người không như bố.
Anh Liên ơi !Nói chi mà buồn tủi vậy !
Chim quyên xuống đất ăn trùng
Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than. ( Ca dao )
“ Mối nhục này sâu thẳm như đại dương” của anh, cũng là mối nhục chung của một thời đại, còn biết sao hơn ! Biết nhục cũng là khá rồi ! Có bao người còn chưa biết nhục thì sao ?
Anh nói : Tôi đã chẳng làm gì cho đất nước”
Vẫn là tôi
Chưa bao giờ nghĩ tới quê hương
Chưa bao giờ nhớ đến đất nước
Tôi vẫn ăn và tôi vẫn sống
Anh nặng lòng với nước non dân tộc mà nói vậy, nói “không” tức là đã “ có” rồi, chứ chẳng lẽ yêu nước rồi nhịn đói mà tuẩn tiết như người xưa ? Được vậy cũng can trường !
Lòng yêu nước của anh còn thể hiện một cách cảm động trong “ Thư gửi bạn tại quê nhà”.
Thấy lại cờ vàng sọc đỏ
Đã khóc
Nghe sao mà bùi ngùi
Lãm Thúy chưa có được niềm vinh hạnh là diện kiến anh Nguyễn Ngọc Liên, nhưng qua lời tựa tập thơ đã cảm thấy anh là một người chân thành và khiêm nhường: Anh nói anh không làm thi sĩ, anh chỉ làm thơ.
Nhiều “ thi sĩ” tự khoác cho mình một chiếc áo đăng quang lộng lẫy, tự đặt lên đầu mình một vòng hào quang, cho mình là khác người, cao quí hơn người. Nguyễn Ngọc Liên không vậy, anh nói anh chỉ làm thơ.
Vậy thì thi sĩ và người làm thơ khác nhau như thế nào ?
Theo Lãm Thúy , người làm thơ chắp nhặt ngôn ngữ, làm chủ nó, điều khiển nó, bắt nó nói lên những điều mình nghĩ, mình muốn giải bày. Có khi đó là những cảm xúc chân thành , có khi là nhu cầu cần làm thơ cho vui.
Còn thi sĩ thật sự là người bị thơ “làm” mình. Thơ chế ngự mình, điều khiển mình , làm chủ mình. Như người đồng thiếp, không thể kháng cự, không thể chối từ. Những bài thơ làm trong tâm trạng đó thường là những bài thơ xuất thần, hay, để đời, nhất là gây được sự cảm thông, xúc động trong lòng người đọc. Đó là thông điệp từ một trái tim gửi đến một trái tim, một tâm hồn rọi tới một tâm hồn. Có thể đó là những tuyệt tác.
Những suy nghĩ trên đây bất chợt nảy sinh từ một bài tựa, Lãm Thúy thật không dám cho ai là thi sĩ, ai là người làm thơ. Còn riêng bản thân mình, có lần nhà thi sĩ lão thành đại thụ của vùng Virginia ( Hà Bỉnh Trung) khi giới thiệu về tác giả ( Lãm Thúy) trong buổi ra mắt thi tập “ Còn Nguyên Nỗi Ngậm Ngùi” đã đặt vấn đề chưa biết Lãm Thúy có đáng gọi là nhà thơ hay không nữa là ( ! ), có dám đâu đèo bồng danh vị thi sĩ, văn nhân !
Trở lại với thơ Nguyễn Ngọc Liên, nhiều khi thơ anh cũng biểu hiện một tâm hồn chân thành, hồn nhiên đó là khi anh bày tỏ cảm giác sung sướng vì được vợ yêu một cách nồng nhiệt:
Đêm hôm qua được vợ yêu nồng nàn
Như những ngày trăng mật
Hơn ba mươi năm ta mới biết một sự thật
Là tình yêu đã thăng hoa nơi khung cảnh lạ
Vậy thì từ nay ta sẽ để dành tiền
Để được đi du lịch thường xuyên
Và được yêu nồng nàn .
Cả lời thơ , ý thơ đều hồn nhiên , mộc mạc , chân thành .
Lãm Thúy có một ý nghĩ tức cười. Đó là một người đàn bà khi cất khỏi gánh nặng gia đình , thoát khỏi bếp núc, bận bịu, cơ cực, được hưởng cái không khí trong lành bên ngoài, và có lẽ là được cư xử ngọt ngào, âu yếm , lịch sự, đã trở nên lãng mạn đáng yêu, nồng nàn, say đắm chăng ?
Người đàn bà mà Nguyễn Ngọc Liên từng thú nhận
“ Nhận yêu thương mà trả lại phũ phàng “
Đó là Dương Thị Tuyết Nhung, một bông hoa hương sắc của vườn thơ hải ngoại, một người phụ nữ có cá tính mạnh mẽ.
“ Thằng quân vương ngạo nghễ
Con nô lệ tội tình”
Thử nghĩ xem, “ con nô lệ” là đúng, không ai gọi “ bà nô lệ”, nhưng còn quân vương_ thường thì người ta gọi “Đấng quân vương” “ Vị quân vương” hay “ ngài” . Chẳng bao giờ có người gọi quân vương bằng “ thằng” cả. Cách sử dụng ngôn ngữ táo bạo, mạnh mẽ làm Lãm Thúy nghĩ đến phong trào giải phóng nô lệ.
Trong quan niệm xưa cũ, trong gia đình, chồng chúa, vợ tôi, người đàn ông nghiễm nhiên là quân vương, người đàn bà tự cho mình là nô lệ. Nhưng dường như khẩu phục mà tâm.. không phục. Từng câu thơ tưng bừng “ khí thế cách mạng” , sôi sục phong trào giải phóng nô lệ.
Đọc thơ, Lãm Thúy trực giác rằng chị Tuyết Nhung là phụ nữ bản lĩnh, có thể trong cuộc đời, chị đã nép mình lại để làm một ngưòi bình thường, làm vợ, làm mẹ, làm “ con nô lệ tội tình” nhưng chị chưa bao giờ là một phụ nữ yếu đuối, tầm thường.
Điều làm Lãm Thúy xúc động khi đọc thơ chị, đó là nỗi buồn dữ dội, thê lương gói ghém trong đó. Có cả niềm cô đơn dằng dặc và những điều bất toại.
Đếm quảng ngày đã mất
Chưa trọn một nụ cười
Và :
Hững hờ sống hiện tại
Đón tương lai thờ ơ
Niềm vui bao giờ có
Thời gian trôi lặng lờ
Điều gì đã làm cho người phụ nữ sôi động, diễm kiều ấy trở thành yếm thế, bão hoà như vậy ? Phải chăng trái tim lãng mạn, thiết tha, khao khát yêu đương hạnh phúc đã có lần nào bị thương tổn nặng nề ? Hay là tình yêu nồng nàn không được đón nhận , hay là tâm hồn nhạy cảm đã bị bỏ rơi, hờ hững phũ phàng ?
Đọc thử bài thơ “ Sinh nhật” xem
Buồn hiu ngày chủ nhật
Không bánh, không đèn, không một lời chúc tụng
Vài bông hoa dại tự tay em hái
Cắm vào ly giấy
Lẽ ra mỗi tuổi một nụ hôn
Nhưng anh không cần phải
Hôn em cho đủ số
Dù chỉ một nụ hôn tượng trưng thôi
Cũng chẳng có
Buồn tình một mình mở tiệc nửa đêm
Và em biết mình đã khóc
Thấy không, tâm hồn người phụ nữ ấy đã bị thương tổn như thế nào khi bị lãng quên, hờ hững. Nàng cô đơn nhưng không cô độc. Nàng có những thân yêu bên mình nhưng ngày sinh của nàng “ buồn hiu”, “ không bánh” “ không hoa” “ không lời chúc tụng”, không cả “ nụ hôn tượng trưng”.
Một mình , tự đi hái mấy cành hoa dại, chẳng có bình cắm hoa, chỉ cắm trong “ ly giấy” và
“ một mình mở tiệc nửa đêm”
Có cô đơn quá không ? Có lạc loài quá không ?
Lãm Thúy nhớ, mình cũng có một bài thơ Sinh nhật :
Hãy để cho ngày ấy lụi tànNgày mà đêm ấy mẹ cưu mangĐêm mà có một linh hồn nhỏĐã kết thành thai giữa thế gian !Hẫy để cho ngày ấy lãng quênNgày mà sự sống đã thành tênĐêm mà ngơ ngác trong thinh vắngTiếng khóc chào đời đã cất lênĐừng nhớ làm chi một kiếp ngườiSinh ra là để khổ mà thôiSinh ra để chịu ngàn cay đắng
Ly biệt, đau thương suốt cuộc đời !
Nghe đã buồn, đã chán. Đọc bài thơ sinh nhật của Dương Thị Tuyết Nhung còn đau xót vạn lần, nỗi mong ước nhỏ nhoi có được một lời chúc, một nụ hôn cũng chỉ là vô vọng.
Và chỉ còn mình với bóng mình .
Soi gương nói chuyện với hình
Thấy hai con mắt thương mình xót xa
Một giòng lệ gửi cho cha
Giòng kia cho mẹ, còn ta giòng nào ?
Mắt ai phảng phất ưu sầu
Tóc đen điểm trắng, bạc màu khói sương
Vung tay đập bể khung gương
Lung linh sắc máu, thắm tuôn lạnh lùng
( Soi gương )
Bài thơ nghe cũng cùng nỗi ngậm ngùi, Lãm thúy trong bài “ Soi gương lạ bong” cũng:
Chợt soi mình trong gương
Thấy một trời tàn tạ
Mới biết sợ thời gian
Đúng là tàn nhẫn quá !
Và :
Soi bóng mình đủ chán
Trách chi người không thương
Lòng phân vân ngao ngán
Đập vỡ mình hay gương ?
Từ Mã Giang Châu xưa, nghe tiếng Tỳ Bà trên bến Tầm Dương , nghe tâm sự người đàn mà cảm thương đến lệ sa đầm cả vạt áo xanh, nghĩ mình cũng chẳng khác. Lãm Thúy đọc thơ Dương Thị Tuyết Nhung, tìm thấy mình trong đó. Mình cũng chán cái sắc hương tàn tạ, muốn đập vỡ gương, nhưng còn sáng suốt, bởi nghĩ cái phản ảnh kia chỉ là bóng, chính cái khuôn mặt tàn tạ mới đáng đập vỡ, rồi sinh ra phân vân, ngao ngán. Có đập vỡ mình cũng không níu lại được thời gian tìm lại thanh xuân.
Trở lại với thơ Dương Thị Tuyết Nhung, ta bắt gặp ở đó một cuộc sống bế tắc, buồn phiền:
Ta loay hoay cuộc sống
Đời mang mãi buồn phiền
Ta héo hắt mòn mỏi
Ta khắc khoải triền miên
(Phút vô biên)
Hằng loạt những tính từ mang dấu ấn của sự tiêu cực: Buồn phiền, héo hắt, mòn mỏi, khắc khoải, những thứ ấy kéo dài, kéo dài mãi trong cuộc sống_ Triền miên _ Nỗi khổ tâm không những chi phối nhà thơ lúc thức, mà ngay cả trong giấc ngủ cũng ám ảnh bằng ác mộng.
Ngày thẫn thờ ngơ ngác
Ác mộng đêm từng đêm
Trọn kiếp này trả nợ
Ta chờ phút vô biên
Có phải chính cuộc sống mòn mỏi, buồn phiền đã khiến người ta không còn sợ chết nữa, mà đôi khi còn là sự chờ đợi giải thoát, sự mong cầu trả hết nợ đời.
Ngày nào hết oan trái
Ngày nào hết sầu đau
Ta quay lưng cất bước
Năm tháng rồi qua mau.
Cũng trong ý tưởng đó, khi nhìn những nấm mồ , nhà thơ đã nghĩ:
Ngó quanh ta tìm kiếm
Một mảnh đất yên khiêm
Mai này ta dọn đến
Cùng người sống bình yên.
Lời hứa hẹn sao mà buồn! Lời hẹn với những nấm mồ_ lặng lẽ, những hồn ma âm thầm_ Lời hẹn với thiên thu !
Một khía cạnh khác của thơ Dương Thị Tuyết Nhung là sự ghê rợn khi miêu tả. Bài thơ “ Hãy bổ đôi” mang một sắc thái mới lạ, táo bạo
Anh muốn biết em đang nghĩ gì?
Hãy bổ đôi ra sẽ thấy
Sọ xương xám với óc trắng bầy nhầyAnh muốn biết tim em chứa gìHãy bổ đôi ra sẽ thấyGiòng máu khô đặc quáchVà trái tim dần thâm sìBèo nhèo da thịt xương một mớTừ từ nát vữaQuả thực như thi hào Nguyễn Du đã nói:
Rằng hay thì thật là hayNghe qua ngậm đắng, nuốt cay thế nào!
Ý thơ vừa thách thức, vừa oán trách mà cũng vừa tội nghiệp lạ lùng. Sự nát vữa không phải chỉ ở thân xác mà hình như cả ở trái tim nhạy cảm đã bị thương tổn nặng nề.
Ở đây, Lãm Thúy chỉ phân tích “ thơ”hoàn toàn không nói gì đến “người”. Một là như một nhà văn nào đã mượn lời một người đàn bà, một người mẹ mà nói rằng “ làm cho người đàn bà sung sướng có dễ đâu” khi bà ta ngăn cấm một chàng trai yêu con gái bà, chia cắt tình yêu giữa hai người, rồi vì động lòng trước nỗi khổ đau của chàng trai, bà đã biện minh rằng bà chỉ muốn con bà sung sướng, rồi thở dài nói câu trên.
Hai là như phu quân Lãm Thúy đã nói “ Thi sĩ chuyên môn tưởng tượng. Cứ suốt ngày cho rằng mình khổ”. Một nỗi khổ đau tưởng tượng mà mãnh liệt thế ư?
Một mặt khác của thơ Tuyết Nhung, một mặt rất thật, rất chân thành, thiết tha : Đó là tình cảm gia đình, chị là một đứa con hiếu thảo, nặng tình
Bao giờ tôi trở lại
Ôm cha bờ vai gầy
Hôn mẹ già còm cõi
Lán trời xanh nghiệt cay.
Hoặc là :
Thâm tình cốt nhục mẹ cha
Lòng quay quắt nhớ, vỡ oà trái tim
Còn rất nhiều điều hay, đẹp, lạ trong thơ anh chị Ngọc Liên - Tuyết Nhung, tiếc rằng Lãm Thúy không có nhiều giờ để viết ra cho bạn đọc cùng thưởng thức. Thôi thì hãy tìm đọc Ngã Lãng Du Thời để thấy ở đó một thời lãng du thơ mộng, một tình nước chan hoà, một cõi sầu vô hạn, mỏi mòn.
Có lần, câu nói đơn sơ của Lãm Thúy đã được khối óc thần kỳ của anh Nguyễn Ngọc Liên chuyển hoá thành ra hai câu thơ rất hay
Món nợ ân tình chưa trả xong
Vẫn còn canh cánh mãi bên lòng
Nay xin phép được đổi thành
Món nợ ân tình đã trả xong
Dù cho nhắm mắt cũng yên lòng !
Anh chị Ngọc Liên_- Tuyết Nhung kính mến, Lãm Thúy có vài cảm xúc, dở hay cũng không biết. Chỉ thấy yên lòng vì đã trả xong món nợ ân tình, xin hãy coi như “ Lời hứa chậm nhất là lời hứa được giữ đúng nhất” và thú thực, hơn năm nay, tập thơ anh chị luôn để đầu giường, đi làm thì mang theo, cố gắng tìm hiểu để có thể nói lên được trung thực những cảm xúc của mình.
Riêng chị Tuyết Nhung, xin nhận nơi đây lòng cảm thông sâu sắc nhất của những kẻ “ Cùng một lứa bên trời lận đận” và giọt lệ cảm thông không ướt đầm vạt áo xanh như Tư Mã Giang Châu mà đầm đìa vạt áo tím đó Tuyết Nhung ạ !
Vô cùng thân kính
Lãm Thúy
***
Cám ơn cái duyên may Ngã Lãng Du Thời đã đưa chị Lãm Thúy trở lại với Diễn Đàn sau một năm biệt tăm!
Xin nhắn chị Lãm Thúy: Anh Liên lên rừng đốt than mà sao tôi thấy lúc nào cũng trắng bóc như thế? (A.C.La)